Giải pháp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023

TS. Đỗ Tất Cường - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 có nhiều điểm tích cực, tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được trong giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt việc sử dụng nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế, nền kinh tế nước ta đã bộc lộ một số điểm hạn chế cố hữu. Trên cơ sở phân tích thực trạng tình hình tăng trưởng và phát triển kinh tế 6 tháng đầu năm 2023, bài viết đề xuất 5 nhóm giải pháp nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế theo kế hoạch và tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế của những tháng tiếp theo năm 2023 và trong năm 2024.

Khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2023

Có thể khái quát một số điểm nổi bật trong bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 như sau:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.

Trong thời kỳ 2011 – 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng đầu năm là 5,62%/năm, trong khi tốc độ tăng trưởng 6 tháng năm 2023 là 3,72% (Hình 1) (thấp hơn so với mức bình quân của cả thời kỳ). Hơn nữa, có 04 năm trong giai đoạn này,tốc độ tăng trưởng đạt thấp hơn mức bình quân, là các năm 2012, 2013, 2020 và 2023. Các năm đó đều ở trong thời kỳ có tác động của cú sốc kinh tế, tài chính hoặc đang trong giai đoạn phục hồi sau tác động của sốc kinh tế, tài chính.

Hình 1: Tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng giai đoạn 2011 – 2023

Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê Việt Nam

Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II và 6 tháng đầu năm 2023, Tổng cục Thống kê Việt Nam

Ngành Dịch vụ đang hồi phục trở thành trụ đỡ của tăng trưởng kinh tế 6 tháng năm 2023.

Giá trị tăng thêm của ngành Dịch vụ 6 tháng đầu năm 2023 đạt tốc độ tăng trưởng 6,33% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng của ngành trong các năm 2020 và 2021 với mức tương ứng là 1,18% và 4,53% (hình 2). Có được kết quả như vậy phần lớn là nhờ vào các chính sách kích cầu tiêu dùng nội địa, các hoạt động xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, những lĩnh vực có nhiều đóng góp cho toàn ngành Dịch vụ nói riêng và nền kinh tế nói chung gồm:

Hình 2: Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành dịch vụ 6 tháng giai đoạn 2011 – 2023

 

Giải pháp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 - Ảnh 1
- Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ tăng 8,49% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,88 điểm % vào tăng trưởng kinh tế của đất nước;

- Lĩnh vực vận tải, kho bãi tăng 7,18% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 0,45 điểm % vào tăng trưởng kinh tế của đất nước;

- Hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,13% so với cùng kỳ năm ngoái và đóng góp 0,4 điểm % vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của quốc gia; Lĩnh vực dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 15,14% so với cùng kỳ năm ngoái, đóng góp 0,37 điểm % vào tốc độ tăng trưởng chung của toàn bộ nền kinh tế.

Vốn đầu tư công là động lực quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Trong các quyết sách của Chính phủ, việc tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ những ngày đầu năm đã chứng tỏ tính đúng đắn của quyết sách này. Có thể khẳng định rằng đây là điểm sáng, động lực quan trọng trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế quý II và 6 tháng đầu năm 2023. Hơn nữa, đầu tư công có thể là trụ đỡ cho tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý II/2023 của Tổng cục Thống kê, vốn đầu tư công thực hiện quý II ước đạt trên 140 nghìn tỷ đồng, đạt gần 20% kế hoạch năm, tăng gần 53% so với quý I/2023 và tăng gần 22% so với quý II/2022. Tính chung 6 tháng đầu năm 2023, vốn đầu tư công thực hiện đạt trên 232 nghìn tỷ đồng, hoàn thành được 1/3 kế hoạch năm và tăng gần 21% so với 6 tháng đầu năm 2022. Dự kiến từ nay đến cuối năm, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công sẽ nhanh hơn khi các đơn vị đã hoàn tất được thủ tục có liên quan đến việc giải ngân. Những kết quả khả quan trong thực hiện vốn đầu tư công sẽ làm tăng sức cầu của nền kinh tế, lan tỏa tới các khu vực kinh tế khác, tạo nên động lực quan trọng cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.

Việc hoàn thành được khối lượng vốn đầu tư công như hiện nay là kết quả của những nỗ lực lớn của các bộ, ngành trung ương và địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn như hiện nay thì những chủ trương, quyết sách quyết liệt trong thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công không chỉ là động lực quan trọng mà còn có ý nghĩa kiến tạo những động lực tăng trưởng cho giai đoạn tiếp theo.

Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của ngành Công nghiệp 6 tháng đầu năm 2023 tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011 – 2023.

Trong bối cảnh suy thoái chung của nền kinh tế thế giới, ngành Công nghiệp của Việt Nam cũng đang đối mặt với những khó khăn mới như sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu. Tốc độ tăng giá trị tăng thêm của toàn Ngành trong 6 tháng năm 2023 là 0,44% so với cùng kỳ năm 2022 (Hình 3), đây là tốc độ tăng trưởng thấp nhất trong giai đoạn 2011 – 2023. Ngành Công nghiệp đã đóng góp được 0,15 điểm % vào tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023.

Hình 3: Tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp 6 tháng giai đoạn 2011 – 2023

Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê Việt Nam
Nguồn: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý II và 6 tháng đầu năm 2023 của Tổng cục Thống kê Việt Nam

Kinh tế vĩ mô ổn định tạo nền tảng cho sự bứt phá giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023 và những quý đầu năm 2024

Kinh tế 6 tháng năm 2023 của Việt Nam đứng trước áp lực rất lớn từ cả bên trong và bên ngoài. Bên trong là sự phục hồi chậm của nền kinh tế sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các vấn đề cấu trúc kinh tế còn bị tồn đọng đã bộc lộ rõ nét hơn, sức chống chịu của doanh nghiệp đang bị bào mòn; bên ngoài thì nền kinh tế thế giới vẫn còn đang bị tác động bởi những nguyên nhân phi kinh tế như cạnh tranh địa chiến lược, xung đột cục bộ giữa một số quốc gia hay tình hình khí hậu cực đoan.

Dưới tác động đó, kinh tế vĩ mô 6 tháng năm 2023 vẫn duy trì được sự ổn định là kết quả của những nỗ lực, quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ cùng sự đồng lòng của các bộ, ngành Trung ương, chính quyền địa phương trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã khiến cho tình hình kinh tế - xã hội tháng 6 tốt hơn so với tháng 5, quý II/2023 tốt hơn so với quý I/2023.

Những mục tiêu kinh tế vĩ mô cơ bản đạt được, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn trong nền kinh tế vẫn đảm bảo, tốc độ tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy. Kết quả đó không chỉ tạo cơ hội để có thể hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 mà còn tạo nền tảng để những quý đầu năm 2024 có được đà tăng trưởng mạnh mẽ hơn.

Điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ

Trong bối cảnh nền kinh tế nước ta 6 tháng đầu năm 2023 đang ở giai đoạn phục hồi sau đại dịch, cộng với tác động bất lợi từ sự suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu, tốc độ tăng trưởng kinh tế quý II/2023 ước tính 4,14% và 6 tháng đầu năm là 3,72% là kết quả có nguyên nhân chính từ sự điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đúng đắn của Chính phủ.

Thứ nhất, chính sách tài khóa được Chính phủ sử dụng rất hiệu quả trong việc duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô với những biện pháp của chính sách tài khóa mở rộng: giãn hoãn thuế, giảm thuế, giảm tiền thuê đất, giảm nhiều sắc thuế cho doanh nghiệp và người dân. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 12/NĐ-CP ngày 14/4/2023 về giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí trong năm 2023 với tổng giá trị ước tính gần 199 nghìn tỷ đồng; Quốc hội đã quyết nghị giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% xuống 8% trong 6 tháng cuối năm 2023 theo đề xuất của Chính phủ; Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 36/2023/NĐ-CP ngày 21/6/2023 về gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và Nghị định số 41/2023/NĐ-CP, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước cho đến hết năm 2023. Hơn nữa, do kết quả điều hành chính sách tài khóa của những năm trước khá tốt nên đã tỷ lệ nợ công trên GDP giảm được xuống mức thấp hơn 50%. Đây là dư địa rất tốt để Chính phủ có thể tiếp tục sử dụng chính sách tài khóa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới.

Thứ hai, chính sách tiền tệ được sử dụng khá linh hoạt để hỗ trợ cho sự ổn định của thị trường và kinh tế vĩ mô. Giá cả đồng tiền nội địa được duy trì ở mức ổn định nhất, tốt nhất. Trong bối cảnh lạm phát thế giới đang leo thang, lạm phát trong nước tiếp tục được giữ ổn định, giá cả chung được duy trì. Kết quả đó thể hiện sự quyết liệt của Ngân hàng Nhà nước khi liên tục thực hiện 4 lần giảm lãi suất điều hành (từ 0,5 – 1,5%), nhằm đưa mặt bằng lãi suất xuống thấp, giúp cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản điều hành chính sách tiền tệ kịp thời: (i) Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, hoãn giãn nợ, không chuyển nhóm nợ; (ii) Thông tư số 03/2023/TT-NHNN (sửa đổi Thông tư số 16/2021/TT/NHNN) nới lỏng một số điều kiện về cho vay, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp của các tổ chức tín dụng. Cùng với đó là những biện pháp mạnh mẽ về tiền tệ như: (i) Gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho 04 Ngân hàng thương mại lớn; (ii) Cho vay nhà ở xã hội với lãi suất ưu đãi, thấp hơn 1,5 – 2%. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, trong thời gian tới Việt Nam cần hết sức cẩn trọng đối với việc duy trì chính sách tiền tệ như hiện nay.

Thứ ba, sự phối hợp giữa Chính phủ và Quốc hội trong thực hiện điều hành chính sách kinh tế vĩ mô đã thể hiện được sự đồng hành, tương tác rất nhanh chóng. Các biện pháp, chính sách của Chính phủ ban hành nhằm ngăn chặn đà suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế, tăng tốc độ phục hồi nền kinh tế đều được Quốc hội đồng hành, hỗ trợ kịp thời. Với sự đồng hành này, những chính sách tốt có lợi cho việc nâng cao đời sống của người dân, ổn định kinh tế đều có khuôn khổ pháp lý để thực thi và khi có khuôn khổ pháp lý, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện hiệu quả trong bối cảnh khó khăn.

Những điểm hạn chế chủ yếu và nguyên nhân

Bên cạnh những thành công trên, nền kinh tế vẫn còn những hạn chế chủ yếu sau:

Thứ nhất, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm mạnh.

Trong 6 tháng năm 2023, tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào Việt Nam ước đạt gần 13,5 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2022. Nguyên nhân chủ yếu của sự sụt giảm vốn FDI là điều chỉnh vốn đăng ký giảm 57% so với cùng kỳ năm 2022 (đạt mức 2,93 tỷ USD). Giải ngân vốn FDI ngoài đạt 10,02 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, điểm tích cực này của FDI chưa thể đem đến những kỳ vọng khả quan cho việc dựa vào tăng trưởng vốn FDI để thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế trong 6 tháng cuối năm.

Thứ hai, thị trường lao động chưa vượt qua được những khó khăn, thách thức từ đại dịch COVID-19.

Tình trạng nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng trầm trọng từ quý IV/2022 kéo dài sang quý II/2023 đã dẫn đến sự xáo trộn trên thị trường lao động. Hàng trăm nghìn lao động đã bị giảm giờ làm, mất việc làm, ảnh hưởng tới đời sống người lao động. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê về tình hình lao động, việc làm quý II/2023, số lao động nghỉ giãn việc của các doanh nghiệp trên cả nước trong thời gian này xấp xỉ 242 nghìn lao động, giảm 52,5 nghìn lao động so với quý I/2023. Số lượng lao động bị nghỉ, giãn việc chủ yếu ở các doanh nghiệp có vốn đầu trực tiếp nước ngoài (chiếm 84,1%), tập trung trong ngành da giầy với 66,3% và dệt may với 14,4%.

Trong quý II/2023, số lượng lao động thiếu việc làm đã tăng lên mức gần 950 nghìn người, tăng gần 55 nghìn người so với quý I/2023 và tăng gần 59 nghìn người so với quý II/2022. Bên cạnh đó, thu nhập bình quân của người lao động có tăng nhẹ trong quý II/2023 (5,4%) nhưng vẫn thấp hơn so với quý II/2022 (8,9%).

Hình 4: Thu nhập và tốc độ tăng trưởng thu nhập của người lao động

Giải pháp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 - Ảnh 2

Thứ ba, tốc độ tăng trưởng của một số trung tâm lớn của nền kinh tế Việt Nam chững lại.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, có 46 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 cao hơn mức tăng trưởng của cả nước. Trong số những tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng thấp hơn mức tăng trưởng của cả nước, có 04 tỉnh, thành phố có tốc độ tăng trưởng âm trong 6 tháng đầu năm. "Đầu tàu" tăng trưởng của cả nước là TP. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2022 và 2023 đều có tốc độ tăng trưởng thấp hơn so với mức tăng trưởng chung của cả nước. Điều đó phản ánh tác động khá lâu dài của các cú sốc kinh tế, dịch bệnh COVID-19 đối với khả năng phục hồi của Thành phố. Mặc dù vậy, sự phục hồi trong quý II/2023 của TP. Hồ Chí Minh được bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau, nhưng quan trọng là từ những biện pháp quyết liệt nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố, từ phía Chính phủ.

Hải Phòng là thành phố trực thuộc Trung ương duy nhất có mặt trong top 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng cao trong 6 tháng đầu năm 2023. Tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bắc Ninh có tốc độ sụt giảm lớn nhất (-12.59%) bắt nguồn từ nguyên nhân của sự sụt giảm chung của khu vực công nghiệp, chế biến chế tạo của quốc gia. Với bối cảnh nhu cầu tiêu dùng quốc tế bị suy yếu, hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo bị ảnh hưởng, thì khả năng phục hồi của tỉnh Bắc Ninh sẽ còn tiếp tục là một thách thức lớn.

Dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2023

Bảng 1: Dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2023 (%)

Tên đơn vị thực hiện

Dự báo

Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

5 – 5,5

VnDirect

5,5

Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương

5,34 – 5,72 – 6,46

Ngân hàng thế giới

6,0

Quỹ Tiền tệ quốc tế

4,7

Ngân hàng phát triển châu Á

6,5

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Theo một số dự báo gần đây của các tổ chức, đơn vị nghiên cứu, việc đạt được mức tăng trưởng kinh tế là 6,5% của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của nền kinh tế Việt Nam năm 2023 sẽ gặp phải nhiều thách thức lớn. Theo đó, các tổ chức đơn vị này đã hạ thấp mức dự báo về tốc độ tăng trưởng xuống mức thấp hơn 6,5%.

Sự đa dạng và thận trọng trong dự báo tình hình tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2023 của các tổ chức, đơn vị thực hiện cho thấy, những khó khăn, thách thức rất lớn đối với việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế ở mức 6,5% năm 2023. Theo đó, đòi hỏi những quyết tâm cao, nỗ lực lớn của toàn bộ hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp. Chính phủ sẽ phải phát huy hiệu quả mọi chính sách, nguồn lực, tận dụng tối đa các cơ hội để có thể đạt được kết quả cao nhất theo mục tiêu đề ra.

Đề xuất các giải pháp cho 6 tháng cuối năm 2023

Trong bài viết này, tác giả không có đủ thông tin để đánh giá về mức độ chính xác hay xác suất xảy ra các kịch bản tăng trưởng kinh tế do các tổ chức thực hiện dự báo công bố. Do đó, hệ thống các giải pháp đề xuất hướng tới mục tiêu đạt được kết quả tăng trưởng kinh tế 6,5% như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 đã đề ra thay vì hướng tới kết quả dự báo của các đơn vị trên.

Thứ nhất, xây dựng cơ chế để người đứng đầu địa phương chủ động, sáng tạo trong xác định và tổ chức thực hiện các giải pháp có tính đột phá cho tăng trưởng kinh tế phù hợp với tình hình của địa phương.

Lãnh đạo địa phương là những người có sự am hiểu về các tiềm năng, thế mạnh địa phương tường tận nhất. Để có thể phát huy toàn diện các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong điều kiện nền kinh tế gặp nhiều trở ngại, cần có những biện pháp đột phá. Khi thực hiện các biện pháp đột phá sẽ cần đến hành lang thể chế pháp lý để hỗ trợ lãnh đạo địa phương triển khai. Do đó, việc xây dựng và ban hành cơ chế bảo vệ những cá nhân lãnh đạo địa phương tài năng trong xác định các biện pháp đột phá ở bối cảnh hiện nay là cấp thiết. Có được hành lang pháp lý bảo vệ lãnh đạo địa phương dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm sẽ có thể hiện thực hóa các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở địa phương.

Thứ hai, tập trung tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững thị trường tài chính và thị trường bất động sản.

Các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai hiệu quả các giải pháp tại Nghị quyết số 33/NQ-CP ngày 11/3/2023 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; Nghị quyết số 06/NQ-CP ngày 10/01/2023 về thị trường lao động của Chính phủ về phát triển thị trường linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm phục hồi nhanh kinh tế - xã hội; 24 nhóm giải pháp của Nghị quyết số 33/NQ-CP và 16 nhóm giải pháp của Nghị quyết số 06/NQ-CP được triển khai quyết liệt và toàn diện sẽ không chỉ tháo gỡ được những khó khăn, vướng mắc của 2 thị trường quan trọng này mà còn tạo nền tảng để triển khai những biện pháp tăng trưởng kinh tế khác trong giai đoạn từ nay đến cuối năm 2023 và những quý đầu năm 2024.

Thứ ba, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động và bảo đảm đời sống người dân, nhất là người lao động bị mất việc làm.

Thực hiện toàn diện giải pháp này không chỉ củng cố nền tảng cơ bản của tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 mà còn tạo ra những cơ hội để vượt lên trên thách thức của tăng trưởng kinh tế. Để thực hiện tốt giải pháp này cần triển khai đồng bộ các biện pháp: (i) Rà soát hệ thống pháp luật về an sinh xã hội, hỗ trợ người lao động, chế độ chính sách cho người lao động bị mất việc làm; (ii) Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp trong thực hiện các chính sách về an sinh xã hội, lao động và việc làm; (iii) Chính quyền địa phương cần tăng cường đối thoại với người lao động để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc; (iv) Thúc đẩy tiến trình xã hội hóa, đa dạng hóa các mô hình cung cấp dịch vụ an sinh xã hội.

Thứ tư, rà soát các động lực tăng trưởng để thúc đẩy, kết hợp với việc nuôi dưỡng và phát triển các động lực tăng trưởng mới

Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang tồn tại song song những động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường rà soát hệ thống văn bản quản lý để tháo gỡ những rào cản của động lực tăng trưởng truyền thống như tài nguyên thiên nhiên, lao động, vốn và khoa học công nghệ. Đồng thời, đối với những động lực tăng trưởng kinh tế mới như doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới sáng tạo, liên kết vùng cũng cần được tháo gỡ những nút thắt để tiếp tục được nuôi dưỡng trong ngắn hạn và “bùng nổ” trong trung và dài hạn.

Thứ năm, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế để không chỉ đạt được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 mà còn tạo nền tảng cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn tiếp theo.

Bối cảnh kinh tế hiện nay đang có những bất ổn diễn biến nhanh và khó lường, việc giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế cần có sự chung tay của toàn bộ hệ thống chính trị. Vừa qua, sự đồng hành giữa Chính phủ và Quốc hội đã thể hiện được những kết quả tích cực đối với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn trong nền kinh tế. Điều đó đã góp phần củng cố nền tảng cho những biện pháp đột phá nhằm thực hiện được mục tiêu tăng trưởng năm 2023 và tiếp sức cho sự bứt phá tăng trưởng trong năm 2024. Những biện pháp cần tập trung thực hiện hiện nay có thể là: (i) Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; (ii) Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về đất đai, tài nguyên, bãi đổ thải; (iii) Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng dựa chắc chắn vào năng suất lao động và đổi mới sáng tạo; (iv) Tăng cường nghiên cứu và thúc đẩy kinh tế tuần hoàn phát triển.

Tài liệu tham khảo:

  1. Tổng cục Thống kê, Báo cáo kinh tế - xã hội các quý I và II/2023, 2023;
  2. Ngân hàng Thế giới, Đánh thức tiềm năng dịch vụ để tăng trưởng, 2023;
  3. Cấn Văn Lực (2023), “Tăng trưởng GDP cả năm có khả năng đạt 6 – 6,5%”, Tạp chí Thị trường tài chính tiền tệ, https://thitruongtaichinhtiente.vn.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2023