Hà Nội: Chuyển hàng nghìn căn hộ thương mại thành nhà ở xã hội


TP Hà Nội vừa đề nghị Bộ Xây dựng cho ý kiến về điều chỉnh hàng nghìn căn hộ thương mại của Him Lam tại quận Long Biên thành nhà ở xã hội.

Phối cảnh dự án Him Lam Phúc Lợi Long Biên
Phối cảnh dự án Him Lam Phúc Lợi Long Biên

Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội, tái định cư và thương mại Him Lam Phúc Lợi tại phường Phúc Lợi, quận Long Biên được UBND TP Hà Nội duyệt chủ trương đầu tư tháng 6/2018 cho Công ty cổ phần Him Lam.

Dự án có quy mô 13,4 ha với hơn 3.200 căn hộ thương mại, 1.944 căn nhà ở xã hội và 504 căn nhà ở tái định cư theo đặt hàng của thành phố. Tổng vốn đầu tư của dự án này khoảng 7.000 tỷ đồng.

Sau đó, Him Lam đã đề xuất Hà Nội cho chuyển toàn bộ dự án này thành nhà ở xã hội để phục vụ nhu cầu của người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, công ty cũng xin giữ lại 20% quỹ đất tại dự án để kinh doanh thương mại nhằm thu hồi vốn đầu tư.

UBND TP Hà Nội cho biết cần Bộ Xây dựng xem xét, cho ý kiến trước khi điều chỉnh chủ trương của dự án theo đề nghị của chủ đầu tư. Trước đó, ban cán sự Đảng UBND TP đã thống nhất chủ trương đề xuất của Sở Kế hoạch và Đầu tư về việc chấp thuận về nguyên tắc chuyển dự án Him Lam Phúc Lợi thành nhà ở xã hội.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, tại Hà Nội mới có 4 dự án nhà ở xã hội hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành một phần với gần 350.000m2 sàn nhà ở xã hội, khoảng 4.168 căn hộ.

Để thực hiện hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030" của Thủ tướng Chính phủ, TP Hà Nội đang chỉ đạo tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án nhà ở xã hội.

Với 40 dự án nhà ở xã hội đang triển khai thực hiện, Hà Nội đặt mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành 18 dự án, cung cấp khoảng 869.000m2 sàn với 12.137 căn hộ; giai đoạn sau năm 2025 hoàn thành 22 dự án với khoảng 1,6 triệu m2 sàn, 22.400 căn hộ.

UBND TP Hà Nội đã giao Sở Xây dựng Hà Nội tổ chức lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với 2 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương (huyện Đông Anh); xem xét tiếp tục thực hiện đối với 3 dự án còn lại tại xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm), tại ô đất CT1-5 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị S5 (thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) và tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, việc phát triển nhà ở xã hội thời gian qua vẫn còn những khó khăn, vướng mắc về quy hoạch, việc sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng và cơ chế, ưu đãi dự án nhà ở xã hội…

Do đó, Hà Nội kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án tại các khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung). Đồng thời, giao quyền cho Hà Nội điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê (nhà lưu trú, tạm trú theo quy định của Nghị định số 35/2022 ngày 28/5/2022 của Chính phủ về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế).

Hà Nội cũng kiến nghị rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án nhà ở xã hội nói riêng. Trường hợp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cần có quy định quy trình đấu thầu riêng (đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện) đối với loại hình nhà ở xã hội.

Theo Đan Thanh/Diendandoanhnghiep.vn