Hải quan Đồng Nai "chặn đứng" các hành vi vi phạm pháp luật hải quan

Trần Huyền

Để nâng cao hiệu quả quản lý, Hải quan Đồng Nai tăng cường kiểm soát, triển khai đồng bộ các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại nhằm "chặn đứng" các hành vi vi phạm pháp luật về hải quan.

Hải quan Đồng Nai luôn chú trọng kiểm soát, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại. Ảnh: internet
Hải quan Đồng Nai luôn chú trọng kiểm soát, chống buôn lậu, chống gian lận thương mại. Ảnh: internet

Xử phạt 81 vụ vi phạm pháp luật hải quan

Ngay từ đầu năm 2024, Lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Nai đã chỉ đạo toàn đơn vị triển khai quyết liệt các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, triển khai công tác thu thập xử lý thông tin nghiệp vụ kiểm soát hải quan.

Chỉ riêng từ ngày 01–27/02/2024, các đơn vị thuộc Cục Hải quan Đồng Nai đã thực hiện 04 lượt tuần tra hải quan; 08 hồ sơ đấu tranh chuyên án; bắt giữ xử lý 01 vụ trong tháng 2/2024, lũy kế đã thực hiện 03 vụ trong 2 tháng đầu năm 2024.

Các chuyên đề kiểm soát, khảo sát, công nhận địa điểm kiểm tra tại kho riêng cũng được Hải quan Đồng Nai chú trọng triển khai. Đơn vị đã thực hiện thủ tục khảo sát kho, bãi của doanh nghiệp để công nhận/gia hạn địa điểm kiểm tra tại chân công trình, nơi sản xuất, trong đó đã đề xuất ban hành 06 quyết định công nhận/gia hạn địa điểm kiểm tra trên địa bàn. Tất cả các hồ sơ đều được đơn vị giải quyết đúng thời gian quy định.

Lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Nai cũng đã chỉ đạo đơn vị tiếp tục tăng cường kiểm soát, quản lý địa bàn. Theo đó, đơn vị nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp trọng điểm, có rủi ro cao; phân loại, phân nhóm doanh nghiệp để có phương án và giải pháp kiểm soát, quản lý phù hợp, hiệu quả, không để phát sinh doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; không để phát sinh hành vi vận chuyển, tiêu thụ nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị sai mục đích nhằm hưởng lợi bất chính gây thất thu ngân sách nhà nước.

2 tháng đầu năm, Đội Kiểm soát hải quan đã thực hiện 04 lượt khảo sát địa bàn, phối hợp kiểm tra, giám sát hàng hóa trọng điểm, hàng hóa là nguyên phụ liệu chuyển hợp đồng gia công, hàng tái xuất và phối hợp giám sát tiêu hủy nguyên phụ liệu, sản phẩm.

Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, chỉ riêng từ ngày 01–27/02/2024, Hải quan Đồng Nai đã xử phạt 20 vụ vi phạm, thu phạt 466 triệu đồng. Lũy kế từ đầu năm đến ngày 27/02/2024, đơn vị đã xử phạt 81 vụ vi phạm, thu phạt 1,07 tỷ đồng.

Tăng cường kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu

Để tiếp tục đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, gian lận thương mại, Lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Nai chỉ đạo đơn vị tiếp tục quán triệt, nắm chắc vai trò, vị trí, chức năng của cơ quan Hải quan trong quá trình thực thi nhiệm vụ theo pháp luật Hải quan, Luật Biên phòng.

Theo đó, nắm chắc phạm vi địa bàn do cơ quan Hải quan chủ trì, chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về hải quan; địa bàn cơ quan Hải quan chịu trách nhiệm phối hợp với lực lượng chức năng có liên quan trên cơ sở các vụ việc, chuyên án, chuyên đề được Lãnh đạo các cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt; tổ chức triển khai thực hiệc đúng chức năng, thẩm quyền quy định.

Trong kiểm soát, quản lý địa bàn, đơn vị tiếp tục nắm chắc tình hình hoạt động của các doanh nghiệp thuộc địa bàn quản lý, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp trọng điểm, có rủi ro cao. Phân loại, phân nhóm doanh nghiệp để có phương án và giải pháp kiểm soát, quản lý phù hợp, hiệu quả, không để phát sinh doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích; không để phát sinh hành vi vận chuyển, tiêu thụ nguyên liệu, vật tư, máy móc thiết bị sai mục đích nhằm hưởng lợi bất chính gây thất thu ngân sách nhà nước.

Đặc biệt, Lãnh đạo Cục Hải quan Đồng Nai chỉ đạo đấu tranh chống buôn bán, vận chuyển trái phép ma túy, tiền chất, đặc biệt là tiền chất nhập khẩu làm nguyên liệu gia công, sản xuất xuất khẩu phòng ngừa hành vi sử dụng tiền chất không đúng mục đích nhập khẩu. Đồng thời, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ kiểm soát ma túy, phối hợp vối các lực lượng trên địa bàn, lực lượng chống buôn lậu ma túy của Tổng cục Hải quan để trao đổi thông tin, dự báo tình hình, chủ động trong nhận diện các dấu hiệu, hành vi vi phạm kịp thời có phương án đấu tranh, kiểm soát.

Ngoài ra, phân tích, đánh giá thực tế tình hình hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp trên địa bàn quản lý; tăng cường kiểm soát hoạt động trao đổi, mua bán, vận chuyển hàng hóa thuộc đối tượng quản lý hải quan đặc biệt là các hoạt động trao đổi, mua bán, vận chuyển hàng hóa từ các khu phi thuế quan vào nội địa.

Cùng với đó, tăng cường kiểm soát nhóm hàng hóa xuất nhập khẩu trọng điểm: hàng cấm, hàng có điều kiện, hàng có thuế suất cao, trị giá lớn; hàng miễn thuế, không chịu thuế như: Máy móc thiết bị thuộc danh mục miễn thuế, hàng gia công, hàng sản xuất xuất khẩu, hàng gửi kho ngoại quan, hàng của doanh nghiệp chế xuất…