Không gian mạng là "vũ khí nguy hiểm nhất trên thế giới"

Theo Kim Ngân/nhadautu.vn

Các cuộc tấn công mạng năm nay tăng cả về số lượng và mức độ tinh vi, đe dọa ngày càng lớn đối với kinh tế và an ninh quốc gia, theo Hội đồng Quốc tế JPMorgan, có thành viên là lãnh đạo các doanh nghiệp lớn và các cựu lãnh đạo nhiều nước.

Một cuộc tấn công mạng vào JBS năm 2021 đã buộc doanh nghiệp này đóng cửa tất cả các cơ sở sản xuất thịt bò khắp nước Mỹ. Ảnh: meterpreter.org
Một cuộc tấn công mạng vào JBS năm 2021 đã buộc doanh nghiệp này đóng cửa tất cả các cơ sở sản xuất thịt bò khắp nước Mỹ. Ảnh: meterpreter.org

Hội đồng này, có CEO JPMorgan Jamie Dimon, CEO Johnson & Johnson Alex Gorsky và cựu Ngoại trưởng Mỹ Condoleezza Rice là các thành viên, kêu gọi sự hợp tác nhiều hơn giữa chính phủ và các doanh nghiệp, tăng cường chia sẻ thông tin tình báo và ban hành luật an ninh mạng cứng rắn hơn.

“Không gian mạng là vũ khí nguy hiểm nhất trên thế giới, về mặt chính trị, kinh tế và quân sự”, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Bob Gates, Phó chủ tịch hội đồng, viết trong một báo cáo chia sẻ với CNN.

Hội đồng Quốc tế JPMorgan, gồm 250 thành viên đến từ 19 quốc gia, nhóm họp hàng năm để nắm bắt các xu hướng kinh tế, chính trị, xã hội ở các khu vực và quốc gia quan trọng trên thế giới.

Một số vụ hack nổi tiếng trong năm nay cho thấy những hiểm nguy từ lỗ hổng an ninh mạng. Đầu năm nay, tình trạng thiếu xăng xuất hiện ở Đông Nam nước Mỹ sau khi một cuộc tấn công bằng mã độc khiến Colonial Pipeline, một trong những cơ sở hạ tầng năng lượng quan trọng nhất của Mỹ, phải đóng cửa. Sau đó, một cuộc tấn công mạng vào JBS đã buộc doanh nghiệp này đóng cửa tất cả các cơ sở sản xuất thịt bò khắp nước Mỹ. 

Năm 2020, tin tặc Nga đã xâm nhập các cơ quan liên bang của Mỹ trong một cuộc tấn công làm tổn hại tới 14 công ty công nghệ, CNN đưa tin.

Báo cáo của Hội đồng Quốc tế JPMorgan viết: “Các cuộc tấn công mạng năm 2021 tăng về số lượng và mức độ tinh vi, chứng tỏ các chủ thể nhà nước, với nguồn lực rộng lớn, cũng như các nhóm tội phạm đều có khả năng đe dọa cơ sở hạ tầng quan trọng và an ninh quốc gia”.

Nhà Trắng đã gửi một bức thư hôm thứ Năm nêu rõ những bước mà các lãnh đạo doanh nghiệp có thể thực hiện để tự bảo vệ trước các cuộc tấn công mạng trong mùa nghỉ lễ tới đây của Mỹ. “Thật không may, những kẻ tấn công mạng độc hại không nghỉ lễ - và chúng có thể hủy hoại chúng ta nếu không chuẩn bị và bảo vệ mình”.

Hội đồng JPMorgan, có cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger là các thành viên, ghi nhận chính quyền Biden và Quốc hội Mỹ đã làm được một “khối công việc khổng lồ” nhằm đối phó các thách thức không gian mạng.

Hội đồng JPMorgan lần đầu tiên nhóm họp vào năm 1967, đã chỉ ra “các cơ hội để đẩy mạnh những nỗ lực này”, gồm: Tăng cường hợp tác giữa khu vực công và tư; thuê thêm chuyên gia an ninh mạng cho các cơ quan chính phủ; tăng cường chia sẻ thông tin tình báo giữa các quốc gia cùng chí hướng; xác định và “thực thi các chuẩn mực về hành vi trên không gian mạng”; và thông qua luật để hệ thống hóa các mệnh lệnh hành pháp do chính quyền Biden và các chính quyền trước đó ban hành.

Ông Gates viết: “Các khu vực công và tư phải hợp tác để củng cố các hoạt động chính phủ và kinh doanh nhằm chống lại mối đe dọa này, đồng thời giáo dục đầy đủ cho người dân Mỹ thấy mức độ nguy hiểm của loại vũ khí này”.

Hội đồng JPMorgan kêu gọi các chính phủ hành động nhiều hơn nữa để đưa tội phạm mạng ra trước công lý một cách kịp thời hơn. Báo cáo cho biết điều này sẽ “xây dựng niềm tin lớn hơn và cải thiện sự chia sẻ thông tin” giữa khu vực công và tư.

“Rủi ro mạng có tầm quan trọng vô cùng lớn đối với các quốc gia, các nền kinh tế và doanh nghiệp,” CEO JPMorgan Jamie Dimon viết trong báo cáo. “Để giúp bảo vệ an ninh quốc gia và vượt qua những trở ngại đối với thương mại, chúng ta cần quy trách nhiệm cho các tác nhân xấu, trao sự minh bạch cho những người bị ảnh hưởng bởi các sự cố, đầu tư vào việc nâng cao an ninh mạng và áp dụng các phương pháp an toàn và lành mạnh để bảo vệ và xử lý dữ liệu”.

Hội đồng lập luận rằng điều cốt yếu là các chính phủ không giấu những gì họ biết về các sự cố và các mối đe dọa an ninh mạng. “Một số lãnh đạo doanh nghiệp cho rằng chính phủ không chia sẻ nhiều thông tin, và điều này làm xói mòn lòng tin cũng như không khuyến khích các doanh nghiệp chia sẻ thông tin như một hành động đáp lại”.

Chính quyền Biden nhấn mạnh rất coi trọng vấn đề này. “Chính phủ liên bang đang tích cực bảo vệ quốc gia khỏi các mối đe dọa an ninh mạng”, một phát ngôn viên của Hội đồng An ninh Quốc gia nói với CNN. Người phát ngôn chỉ ra rằng việc chia sẻ thông tin tình báo được tăng cường, có các thông báo ngắn trong hệ thống chính phủ, có hợp tác để triển khai công nghệ an ninh mạng và “các biện pháp mà chúng tôi không nói công khai là vì lý do an ninh quốc gia”.

Tháng 8, Tổng thống Joe Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh khu vực tư nhân đầu tiên về an ninh mạng.

Người phát ngôn của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết: “Chúng tôi tin rằng chính phủ liên bang và khu vực tư nhân đã đạt được nhiều thành tựu trong năm qua và mong muốn tiếp tục công việc này, làm sâu sắc thêm quan hệ đối tác nhằm chống lại các mối đe dọa an ninh mạng”.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell hôm thứ Tư cảnh báo về cách một cuộc tấn công mạng quy mô lớn có thể làm chao đảo các thị trường tài chính. Được hỏi trong một cuộc họp báo về các rủi ro đối với ổn định tài chính, Powell đề cập đến các mối đe dọa thường được nêu như biến thể COVID-19 mới và định giá thị trường quá cao. Nhưng sau đó, ông bày tỏ lo ngại về việc Fed sẽ phản ứng ra sao nếu có một sự cố an ninh mạng lớn.

“Rủi ro về một cuộc tấn công mạng gây hậu quả... sẽ rất khó đối phó”, Powell nói. “Chúng tôi biết cách đối phó với các khoản nợ xấu và những thứ tương tự. Tôi nghĩ nếu một cuộc tấn công mạng nhằm hạ gục một tổ chức tài chính lớn hoặc một cơ quan khu vực công liên quan đến thị trường tài chính, đó sẽ là rủi ro rất lớn đối với ổn định tài chính mà chúng tôi chưa từng đối mặt”.