Kịch bản nào cho giá vàng toàn cầu năm 2019?

PV. (Tổng hợp)

Năm 2018 được coi là một năm tồi tệ đối với giá vàng khi giảm mạnh từ mức 1.365USD/oz vào tháng 1/2018 xuống mức 1.160USD/oz vào tháng 8/2018. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, giá vàng năm 2019 có thể sẽ đi theo xu hướng tăng nhiều hơn giảm, do các yếu tố hỗ trợ ngày một lớn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo các chuyên gia về vàng trên thế giới, trong năm qua, sở dĩ giá vàng giảm mạnh là do Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng cường thực hiện các chính sách bảo hộ thương mại đối với các đối tác, đồng thời phát động cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Chính quyền Trump cũng đã thực hiện chính sách kích thích tài khóa, hút mạnh dòng vốn đầu tư của các doanh nghiệp Mỹ ở nước ngoài và dòng vốn nước ngoài vào Mỹ. Bên cạnh đó, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng tới 4 lần lãi suất cơ bản trong năm 2018, khiến chênh lệch lãi suất ở Mỹ và các nền kinh tế phát triển ngày càng lớn, không ngừng đẩy USD tăng mạnh.

Trong khi đó, nhu cầu vàng vật chất luôn ở mức thấp do chiến tranh thương mại Mỹ - Trung làm cho kinh tế Trung Quốc suy giảm mạnh. Còn nhu cầu vàng ở Ấn Độ cũng không khả quan hơn khi giảm 10% xuống 147,4 tấn quý III, sau khi giảm trong quý I và II/2018.

Trong tuần cuối cùng của năm 2018, giá vàng giao ngay đã tăng lên mức 1.280USD/oz, mức cao nhất trong 6 tháng qua. Giá vàng tăng mạnh là do kinh tế Mỹ đang có xu hướng tăng trưởng chậm lại khi GDP quý III chỉ đạt 3,4%, so với mức 4,2% quý II/2018, và dự báo sẽ chỉ đạt khoảng 2,3%, hoặc thấp hơn trong năm 2019.

Thậm chí, nhiều chuyên gia dự báo kinh tế Mỹ sẽ bị suy thoái vào cuối năm 2019 và khủng hoảng vào năm 2020. Điều này buộc Fed có thể chỉ tăng lãi suất thêm 1-2 lần và sớm chấm dứt chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ. Cùng với đó, trước bối cảnh USD đang có nguy cơ giảm mạnh do kinh tế Mỹ suy thoái, các NHTW sẽ tăng cường mua vàng để tái cơ cấu quỹ dự trữ ngoại hối, nhất là các NHTW Nga, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ.

Bên cạnh đó, bất ổn địa chính trị vẫn không ngừng leo thang ở nhiều nơi, trong đó đáng lưu ý là Brexit, khủng hoảng tài chính Italy, bất ổn chính trị ở Trung Đông… Theo Capital Economics, những bất ổn này sẽ khiến số vàng nắm giữ của các quỹ đầu tư quốc tế sẽ tăng lên trên 80 triệu ounces vàng trong năm 2019. Trong khi đó, điều kiện khai thác vàng ở Nam Phi và nhiều quốc gia khác ngày càng trở nên khó khăn hơn, khiến nguồn cung vàng sẽ sụt giảm...

Nhiều chuyên gia cho rằng, đà tăng của giá vàng sẽ tiếp tục được duy trì trong năm 2019. Nhiều dự đoán được đưa ra với nhận định, vàng sẽ thay thế USD để trở thành tài sản tránh bão của các tổ chức và các nhà đầu tư. Trong báo cáo vừa công bố, CitiBank cũng cho biết ngân hàng này sẽ mua vàng trong năm 2019 khi giá kim loại này giảm về mức hấp dẫn. Bởi, tần suất chứng khoán thế giới giảm điểm đang gia tăng, một số nền kinh tế lớn đang rút dần các chương trình kích thích kinh tế, bất ổn kinh tế cũng có dấu hiệu lớn hơn và rủi ro địa chính trị cũng gia tăng.

Theo nhận định của CitiBank, giá vàng sẽ tăng lên mức 1.300USD/oz trong năm tới, với mức giá bình quân năm là 1.265USD/oz. Tuy nhiên, có khoảng 30% khả năng giá vàng sẽ tăng lên 1.400USD/oz vào cuối quý III/2019 và đạt mức trung bình năm ở 1.365USD/oz. Trong khi đó, báo cáo công bố mới đây, của Ngân hàng ANZ lại  nhận định giá vàng bình quân quý I/2019 ở mức 1.255USD/oz, quý II là 1.275USD/oz, quý III là 1.285USD/oz và quý IV là 1.300USD/oz. 

Theo ông John Reade, Trưởng Ban nghiên cứu thị trường của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) cho rằng, tiềm năng tăng giá vàng trong năm 2019 vẫn còn lớn vì các nhà đầu tư quốc tế đang ngày càng có ít tài sản phòng thủ rủi ro hơn trong điều kiện bất ổn kinh tế, địa chính trị ngày càng lớn.

Chia sẻ về xu hướng giá vàng trong năm 2019, một số chuyên gia vàng cho rằng, mặc dù kinh tế Mỹ hiện vẫn có một số dấu hiệu tích cực, nhưng tương lai chính trường Mỹ trở nên khó đoán định. Điều này có thể sẽ khiến giá vàng có kịch bản tăng giá nhiều hơn. Trong đó, có khoảng 70% xác suất xảy ra là giá vàng sẽ vượt mức 1.300USD/oz trong năm 2019, do tình hình chính trường Mỹ không ổn định sẽ tác động tiêu cực đến kinh tế Mỹ, bất ổn Brexit, bất ổn địa chính trị ở Syria (Mỹ rút quân) và Afganistan, Fed  tăng lãi suất 2 lần hoặc ít hơn năm 2019, so với 4 lần năm 2018.