Mua bán nợ xấu phải cạnh tranh

Theo infonet.vn

(Tài chính) Với khoản nợ xấu gần 13 tỷ USD thì lực của công ty mua bán nợ Việt Nam (VAMC) không đủ tầm. Do vậy, cần tạo tính cạnh tranh trên thị trường mua bán nợ.

Không ai muốn "gánh cả"

Đã có VAMC mua nợ xấu của ngân hàng, và đã mua thì cần phải bán, do vậy cần một thị trường mua bán nợ xấu tại Việt Nam và vấn đề đặt ra là mua bán như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Hiện nay, tại Việt Nam cũng đang có hơn 20 công ty quản lý nợ và khai thác tài sản (AMC) của các ngân hàng thương mại (NHTM) và một công ty mua bán nợ và tài sản tồn đọng của DN (DATC) thuộc Bộ Tài chính, đây là những cơ sở và điều kiện để thúc đẩy thị trường mua bán nợ tại Việt Nam.

Tuy nhiên, DATC ra đời với trọng tâm là thúc đẩy cổ phần hóa các DN nhà nước (DNNN) và với hình thức mua bán nợ vẫn chủ yếu là thỏa thuận để lành mạnh hóa tài chính của DNNN và các NHTM.

Theo ông Phạm Mạnh Thường – Phó tổng giám đốc DATC, với những cơ chế như hiện nay thì DATC và AMC không đủ lực để xử lý nợ xấu. Nợ xấu ở Việt Nam có tính đặc thù, với mối liên quan giữa một bên là NHTM và các DNNN trong cơ chế cho vay theo các chương trình mục tiêu, cho vay theo chỉ định của Chính phủ thông qua các NHTM và Ngân hàng Phát triển Việt Nam.

Ông Phạm Mạnh Thường cũng cho biết thêm, thị trường mua bán nợ tại Việt Nam từ năm 2007 đến nay chủ yếu theo hình thức thỏa thuận giữa các bên. Tính cho đến nay tổng nợ xấu mà DATC đã mua lại từ phía các NHTM khoảng 10.000 tỷ đồng. Nợ xấu ở đây chủ yếu tập trung vào các DNNN đang cổ phần hóa, ngoài ra là ở một số các DN tư nhân.

Theo Thống đốc Nguyễn Văn Bình, hiện nay tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng khoảng 7%, tương đương 230.000 tỷ đồng.

Nợ xấu tích tụ, kéo dài, trong đó có những khoản nợ dai dẳng tới cả 10 – 15 năm. Đây là một con số rất lớn và cần phải xử lý rốt ráo thì tín dụng mới chảy được. Như vậy, từ VAMC sẽ hình thành một nơi mua bán nợ tập trung.

Theo ý kiến của TS. Phạm Hữu Hồng Thái – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính marketing, để mua bán nợ suôn sẻ theo kinh nghiệm một số quốc gia đã triển khai thành công thì không nên đặt vấn đề bảo toàn vốn và có lợi nhuận mà chỉ đòi hỏi phải tối đa hóa giá trị nợ thu về.

Hiện VAMC mua nợ xấu với giá trị sổ sách bằng trái phiếu đặc biệt. Với số nợ mua vào, VAMC sẽ xem xét điều chỉnh đưa lãi suất cho vay về mặt bằng lãi suất hợp lý, tạo điều kiện cho DN trả nợ. Đồng thời tham gia tiến hành tái cấu trúc, tạo điều kiện cho DN vay thêm vốn mới, tiếp tục đầu tư sản xuất kinh doanh để có thể trả nợ cho ngân hàng. Ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó chủ tịch VAMC cho biết, hiện đã có một số DN có nợ xấu được tái cấu trúc thành công.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là giải pháp hỗ trợ, giúp các ngân hàng giải quyết tạm thời các khoản nợ của mình, có tác động bước đầu đến cơ cấu nợ của các ngân hàng, chưa giúp được khách hàng của các ngân hàng, các con nợ trả được nợ, chưa giúp được ngân hàng thu hồi được nợ.

Càng đông càng tốt

Theo TS. Phạm Hữu Hồng Thái, nên khuyến khích thành lập các AMC tư nhân (sở hữu độc lập với ngân hàng) sẽ tạo tính cạnh tranh trên thị trường mua bán nợ hơn.

Còn theo PGS., TS. Trương Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Cán bộ TP. Hồ Chí Minh, nợ xấu là một món hàng và việc định nợ xấu phải được thông qua thị trường, có nhiều nghiệp vụ khác nhau để định giá.

Nếu làm được vậy sẽ mở được thị trường mua bán nợ sơ cấp: giữa ngân hàng chủ nợ và các nhà đầu tư xử lý nợ xấu. Sau đó là hình thành thị trường mua bán nợ thứ cấp, đó là việc mua bán nợ xấu giữa các nhà đầu tư tư nhân với Nhà nước.

Để cơ chế này phát huy một cách hiệu quả, cần phải có sự hội tụ của 3 yếu tố, đó là độ mở về tư duy của người làm chính sách, của cơ quan quản lý nhà nước; mức độ phản ứng của chính sách với đòi hỏi của thị trường và khuôn khổ pháp lý đủ rộng cho hoạt động này. Mặt khác phải quy trách nhiệm cho những người gây ra nợ xấu và cần phải được xử lý theo đúng pháp luật.

Tuy nhiên, PGS., TS. Trương Thị Hiền cũng nhấn mạnh, mặc dù xử lý nợ xấu thông qua mua bán nợ, nhưng thực tế chưa có các tiêu chí để kiểm soát, quản trị các rủi ro này, và điều quan trọng là hiệu quả kinh tế phải đặt lên hàng đầu.

Chẳng hạn như trường hợp của công ty cà phê Buôn Ma Thuột với nợ đọng lên tới hàng nghìn tỷ đồng, hay hợp tác xã cà phê Đức Lập (Đăk Nông) gần như phá sản phải bán thương hiệu để được vay vốn ngân hàng. Đây là hai DN mà DATC đã và đang lên phương án mua lại nợ và tài sản. Mới gần đây nhất là Công ty cổ phần Thủy sản Bình An đã được DATC phối hợp với các NHTM mua lại các khoản nợ để hỗ trợ tái cơ cấu, phục hồi sản xuất kinh doanh.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa – thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tiền tệ quốc gia phân tích, Chính phủ có thể bỏ ra vài tỷ USD mua lại các khoản nợ xấu của DN, làm lành mạnh hóa bảng cân đối tài sản của DN nhằm khơi thông dòng tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Hay cũng có ý kiến đề xuất mở cửa cho nhà đầu tư nước ngoài mua bán nợ xấu, vì với khoản nợ xấu tới 12-13 tỷ USD thì thực lực của các công ty mua bán nợ của Việt Nam không đủ sức.

Để việc xử lý nợ xấu và mua bán nợ hiệu quả thì trong quá trình triển khai cần tăng cường kiểm tra giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm. Bên cạnh những vướng mắc còn đòi hỏi quyết tâm chính trị rất lớn của Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu - TS. Phạm Hữu Hồng Thái nhấn mạnh.