Người dân sắp được mua vàng… thật

Hải An

(Tài chính) Sau khi thị trường vàng miếng đi vào trật tự, thị trường vàng trang sức tới đây cũng sẽ được quản lý chặt hơn, người dân sẽ không còn bị "che mắt" mua phải vàng trang sức giả, vàng không đủ tuổi...

Từ 1/6/2014, người dân sẽ không còn bị "che mắt" mua phải vàng trang sức giả, vàng không đủ tuổi... Nguồn: Internet
Từ 1/6/2014, người dân sẽ không còn bị "che mắt" mua phải vàng trang sức giả, vàng không đủ tuổi... Nguồn: Internet

Có quá nhiều vàng trang sức dởm

Chất lượng vàng trang sức Việt Nam hiện vẫn đang bị thả nổi do chưa có cơ quan đánh giá, kiểm định, kiểm soát được chất lượng của vàng trang sức khi lưu hành trên thị trường.

Chỉ cần dạo quanh vài cửa hàng vàng tại Hà Nội cũng có thể nhận ra giá vàng trang sức cùng loại giữa các tiệm vàng khác nhau đã có sự chênh lệch lên đến hàng trăm nghìn đồng mỗi chỉ vàng. Lý giải điều này, nhân viên bán hàng của một thương hiệu vàng tên tuổi cho biết là giá vàng của họ cao hơn bên ngoài vì vàng ở đây đảm bảo 99,9% trở lên, trong khi đó các tiệm vàng bên ngoài thông thường chỉ có 95%. Do vậy, họ có thể bán được với giá thấp.

Xung quanh vấn đề này, các chuyên gia cũng nhận định, giới kinh doanh vàng kiếm lời từ việc chênh lệch giá mua và bán, giá gia công sản phẩm và để cạnh tranh lẫn nhau, họ hạ giá gia công ở mức rất thấp, bù lại là giảm tuổi vàng.

Người sản xuất có thể tự pha các hợp chất như: đồng, sắt, thiếc, kẽm… vào vàng tinh khiết để tạo tuổi vàng là 14K, 16K hay 18K… Để “ăn gian” tuổi vàng, nhiều khi nhà sản xuất vàng pha các hợp chất quá quy định. Ví dụ như, đối với vàng trang sức 18K, theo tiêu chuẩn, tỷ lệ vàng phải có 75%, nhưng nhiều cửa hàng đã "ăn bớt" bằng cách rút tỷ lệ xuống còn 60%, thậm chí có nơi chỉ đạt 45-50%, khi đó vàng 18K chỉ còn là 15-16K…

Tình trạng gian lận tuổi vàng theo các chuyên gia thì đã tồn tại rất nhiều năm nay dẫn đến việc trên thị trường vàng trang sức, các nhà kinh doanh không tin tưởng chất lượng của nhau và người dân thường phải mua đâu bán đó vì chất lượng vàng ở các cửa hàng vàng thường không giống nhau.

Người dân mua, bán vàng luôn bị thiệt thòi. Cứ mua vào, bán ra phải chịu lỗ ngay 10% - 20%. Sản phẩm được mua, người bán nói vàng bao nhiêu tuổi chỉ biết như vậy và trả số tiền tương đương.

Tình trạng trang sức vàng giả, vàng gian tuổi diễn ra ở khắp nơi. Thống kê chưa đầy đủ thì hiện Việt Nam có khoảng hơn 12.000 cơ sở kinh doanh vàng. Trong đó có những cửa hàng đã gắn thành nghề truyền thống tồn tại hàng trăm năm.

Các cơ sở kinh doanh vàng rải rác khắp nơi với hàng nghìn thương hiệu vàng trang sức lớn nhỏ dẫn đến việc quản lý việc kiểm soát chất lượng vàng, giá bán ở Việt Nam rất khó khăn, tuy nhiên, đã đến lúc tình trạng “bát nháo” vàng trang sức như hiện nay phải được khắc phục.

Siết chặt quản lý

Nhằm thiết lập trật tự trên thị trường vàng trang sức, Bộ Khoa học Công nghệ vào ngày 26/9/2013 đã ban hành Thông tư 22/2013/TT-BKHCN quy định về quản lý đo lường trong kinh doanh vàng và quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ lưu thông trên thị trường. Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2014.

Theo thông tư 22, hàm lượng vàng trong trang sức, mỹ nghệ vàng 24k không nhỏ hơn 99,9%, 20k không nhỏ hơn 83,3%, 18k không nhỏ hơn 75%... Giới hạn sai số của kết quả thử nghiệm xác định hàm lượng vàng trong sản phẩm vàng trang sức mỹ nghệ như sau: vàng có hàm lượng từ 99,9% trở lên là 0,1%, vàng hợp kim có hàm lượng từ 80% đến dưới 90% là 0,2%, vàng hợp kim có hàm lượng dưới 80% là 0,3%; vật liệu hàn bằng hợp kim vàng nếu có sử dụng phải có độ tinh khiết tối thiểu tương đương với hạng được công bố của sản phẩm vàng trang sức...

Thông tư 22 quy định việc phân hạng theo độ tinh khiết của vàng trang sức mỹ nghệ như sau:

Kara (K)

Độ tinh khiết,
‰ 
không nhỏ hơn

Hàm lượng vàng,
không nhỏ hơn

24K

999

99,9

23K

958

95,8

22K

916

91,6

21K

875

87,5

20K

833

83,3

19K

791

79,1

18K

750

75,0

17K

708

70,8

16K

667

66,6

15K

625

62,5

14K

585

58,3

13K

541

54,1

12K

500

50,0

11K

458

45,8

10K

416

41,6

9K

375

37,5

8K

333

33,3

Việc sản xuất vàng nữ trang không đáp ứng tiêu chuẩn công bố sẽ bị phạt rất nặng theo Nghị định 80/2013/NĐ-CP. Chẳng hạn, nếu một sản phẩm nữ trang vàng có giá vài trăm nghìn đồng, nhưng nếu công bố sai một chỉ số thì có thể bị phạt tới 15 triệu đồng, gấp 40 lần giá trị sản phẩm đó. 

Với quy định vàng trang sức, mỹ nghệ chỉ được phép lưu thông trên thị trường khi đã công bố tiêu chuẩn áp dụng và ghi nhãn theo những quy định rất cụ thể... Ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP. Hồ Chí Minh (SJA), cho biết “Đây là thông tư sát sườn trong công tác đo lường, tổ chức quản lý vàng trang sức mỹ nghệ trên thị trường Việt Nam”.

Trên thực tế, trước đây cũng đã có nhiều quy định về đo lường, kiểm tra chất lượng vàng nhưng do có nhiều văn bản không thống nhất, nên mỗi đơn vị thực hiện mỗi kiểu khiến cho việc thanh tra, xử phạt gặp khó khăn. Do đó, Thông tư này ra đời sẽ giảm bớt hiện tượng vàng không đủ tuổi lưu thông trên thị trường.

Việc ra đời của Thông tư 22 được kỳ vọng sẽ có thêm cơ sở để siết lại hoạt động buôn bán và chế tác vàng trang sức. Một khi tiêu chuẩn được thống nhất và việc kiểm soát kỹ lưỡng hơn sẽ hạn chế được chất lượng vàng mỗi nơi một kiểu, mỗi nơi một giá như hiện nay.

Các chuyên gia nhận định, việc này không chỉ đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng mà thương hiệu nữ trang Việt Nam sẽ không còn bị định kiến kém chất lượng khi vươn ra thị trường quốc tế.

Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh vàng kêu khó

Khi có Thông tư 22, hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng sẽ phải điều chỉnh sản phẩm theo quy định mới. Tuy nhiên, điểm đáng nói là hiện có nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng cho biết họ chưa hề biết đến Thông tư 22.

Tại Hội nghị hướng dẫn thực hiện Thông tư 22 diễn ra ngày 15/4/2014 do SJA tổ chức (tức là chỉ hơn 1 tháng nữa Thông tư này sẽ có hiệu lực), ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, chỉ có 10% số cơ sở sản xuất kinh doanh vàng ở TP. Hồ Chí Minh biết đến Thông tư 22.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp đã triển khai sản xuất sản phẩm mới theo quy định của Thông tư 22, tuy nhiên, các doanh nghiệp này cho biết họ đang gặp khó với mặt hàng tồn từ trước, chưa bán được; số lượng vàng nữ trang tồn kho rất lớn và đang được lưu hành nhiều trong dân. Do đó, thời gian từ nay đến ngày 1/6/2014 là quá ngắn, cần có lộ trình và thời gian dài hơn để các doanh nghiệp chuẩn bị.

Ngoài ra, quy định những sản phẩm trang sức mỹ nghệ không được chứa chất độc hại đối với người tiêu dùng cũng khiến các doanh nghiệp băn khoăn bởi hiện chưa có quy định về chất nào là độc hại hay không độc hại. Các doanh nghiệp hiện vẫn chỉ làm theo kinh nghiệm truyền thống.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga, Chi cục phó Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng, TP. Hồ Chí Minh thừa nhận "hiện chưa có một quy chuẩn về chất độc hại trong vàng, chúng tôi đang xem xét vấn đề này để có hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp".