Lợi ích của chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp

Nguyễn Bá Huấn

Trong ứng dụng thành tựu của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư đang trở nên phổ biến như hiện nay, việc chuyển đổi số trở thành xu hướng tất yếu, là vấn đề được quan tâm hàng đầu của tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chuyển đổi số được dự báo diễn ra trong hầu hết loại hình doanh nghiệp và mang lại nhiều lợi ích trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Theo các chuyên gia kinh tế, khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn, gây tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp như: phục vụ khách hàng bị chậm trễ, lượng hàng bán được giảm sút...

Bên cạnh đó, hoạt động này cũng giúp cho các doanh nghiệp khai thác được tối đa năng lực làm việc và giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo kịp thời.

Phát biểu tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhà nước: Cơ hội và thách thức” do Báo Điện tử VOV tổ chức mới đây, ông Vũ Hải Quang - Phó Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam nhấn mạnh, chuyển đổi số bao gồm 3 trụ cột: Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, trong đó bên cạnh hiệu lực của Chính phủ số thì nền kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới.

Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số mở ra sự tương tác và các kĩ năng bán hàng như email, facebook và các trang mạng xã hội khác. Việc chuyển đổi số cũng làm dễ dàng giám sát việc thực thi quy trình, nhân viên không cần tốn nhiều thời gian để học tiếp thu, các bộ phận giám sát chéo lẫn nhau đẩy nhanh tốc độ và chất lượng dịch vụ.

Làm rõ hơn về lợi ích đối với doanh nghiệp, ông Nguyễn Thanh Tuyên - Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng các doanh nghiệp công nghệ số thường có tiềm năng tăng trưởng vượt trội do tính chất đột phá và sự đổi mới liên tục trong lĩnh vực công nghệ. Khả năng mở rộng và sức mạnh của công nghệ số làm cho các doanh nghiệp này trở thành những tác nhân chính thúc đẩy sự thay đổi và phát triển trong nền kinh tế.

 Ảnh minh họa. Nguồn: internet
 Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trên một góc nhìn khác, thực tế cũng cho thấy, chuyển đổi số giúp doanh nghiệp khai thác được tối đa năng lực làm việc của nhân viên trong công ty. Bởi, những công việc có giá trị gia tăng thấp, hệ thống có thể tự động thực hiện mà doanh nghiệp không tốn chi phí, đồng thời cũng giúp nhân viên có thêm thời gian để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, thực hiện các công việc quan trọng khác. Chuyển đổi số cũng giúp người quản lý dễ dàng đánh giá chất lượng công việc của từng nhân viên qua số liệu báo cáo kịp thời.

Như vậy, chuyển đổi số đã mở ra cơ hội chưa từng có cho các quốc gia, các địa phương, các doanh nghiệp trên thế giới, thúc đẩy đổi mới sáng tạo cũng như ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, động lực tăng trưởng mới.

Các chuyên gia cho rằng, việc chuyển đổi số cũng tác động đến tất cả các ngành công nghiệp, các doanh nghiệp và trong cuộc đua hướng tới số hóa, chỉ những doanh nghiệp có thể thích nghi và chủ động, tích cực nhất mới có thể tồn tại và phát triển.