Luật Các tổ chức tín dụng được thông qua sẽ tạo đòn bẩy cho việc sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi

MH-NH (thực hiện)

Nhân kỷ niệm 24 năm thành lập Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (09/11/1999 – 09/11/2023), 10 năm Luật Bảo hiểm tiền gửi đi vào cuộc sống với sứ mệnh bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người gửi tiền và góp phần bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của các tổ chức tín dụng, Tạp chí Tài chính đã phỏng vấn TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam về những nội dung có liên quan.

TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.
TS. Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Phóng viên: Luật Bảo hiểm tiền gửi - cơ sở pháp lý cao nhất về hoạt động bảo hiểm tiền gửi (BHTG) tại Việt Nam đã tròn 10 năm thực thi. Ông nhận định như thế nào về kết quả đạt được trong triển khai Luật những năm qua?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Đến nay đã hơn 10 năm người gửi tiền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình kể từ khi Luật Bảo hiểm tiền gửi có hiệu lực (1/1/2013). Mặc dù chưa phải chính thức chịu trách nhiệm thanh toán cho người gửi tiền khi xảy ra đổ vỡ, phá sản các ngân hàng, song Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã chi trả tiền BHTG cho những người gửi tiền tại 39 quỹ tín dụng nhân dân bị giải thể, phá sản. Quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tại các quỹ này được đảm bảo chi trả kịp thời, tạo niềm tin cho người gửi tiền tại các quỹ tín dụng nhân dân nói riêng và các tổ chức tín dụng (TCTD) nói chung.

Trong quá trình triển khai Luật, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đã thể hiện rõ vai trò của mình thông qua việc giám sát từ xa và kiểm tra các tổ chức tham gia BHTG. Khi kiểm tra giám sát, nếu phát hiện sai phạm, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống đã kịp thời báo cáo Ngân hàng Nhà nước để thanh tra chấn chỉnh kịp thời. Điều đó đã hạn chế được rủi ro trong hoạt động của tổ chức tham gia BHTG, hạn chế hiện tượng đổ vỡ, mất thanh khoản tại các TCTD. 

Bên cạnh đó, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam thường xuyên tuyên truyền chính sách, pháp luật về BHTG, nhằm nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD, nhờ đó, người dân yên tâm tin tưởng gửi tiền tại các tổ chức tham gia BHTG. Điều này giúp cho nguồn lực tài chính của BHTG tăng trưởng ổn định qua từng năm, đủ khả năng phản ứng kịp thời nếu cần chi trả cho người gửi tiền, hỗ trợ TCTD gặp sự cố và sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ khác mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước giao để góp phần tham gia có hiệu quả vào quá trình cơ cấu lại các TCTD yếu kém.

Phóng viên: Bên cạnh những thành quả đạt được, Luật Bảo hiểm tiền gửi cũng bộc lộ bất cập trong quá trình triển khai vào thực tiễn. Theo ông, những bất cập đó bao gồm các vấn đề nào?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Mặc dù đạt được kết quả khá ấn tượng sau 10 năm triển khai Luật Bảo hiểm tiền gửi, song đến nay đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế, thể hiện ở một số điểm sau:

Thứ nhất, Luật Bảo hiểm tiền gửi quy định chưa rõ hoặc có quy định nhưng không thống nhất với luật khác như: Về thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, miễn phí BHTG; về tiền gửi không được bảo hiểm; về các kênh đầu tư; về cơ chế tài chính của tổ chức BHTG...

Thứ hai, Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời so với Luật Các tổ chức tín dụng năm 2017 dẫn tới việc một số quy định trong Luật Các tổ chức tín dụng đã được sửa đổi, song tại Luật Bảo hiểm tiền gửi lại không có, dẫn tới khó khăn trong quá trình tham gia tái cơ cấu, hỗ trợ các TCTD phục hồi cũng như quá trình kiểm soát đặc biệt.

Thứ ba, các cơ chế, chính sách pháp luật liên quan chưa đồng bộ và không thống nhất đã gây hạn chế, khó khăn cho tổ chức BHTG trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền cũng thư tham gia sâu hơn vào quá trình hỗ trợ, tái cơ cấu các TCTD yếu kém…

Phóng viên: Quốc hội, Chính phủ gần đây có nhiều chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc cần sớm sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi giai đoạn 2022 - 2025 để nâng cao vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong tái cơ cấu hệ thống các TCTD. Điều này được thể hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi, đến nay bàn về việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi là hết sức cần thiết nhằm bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, nâng cao vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam và phù hợp với thực tiễn. Điều này được thể hiện rất rõ tại các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Quốc hội như:

Tại Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã đề cập đến việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi. Rồi Chỉ thị 06/CT-TTg ngày 12/3/2019 Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo khẩn trương nghiên cứu đề xuất việc sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi để sử dụng nguồn tiền kết dư phí BHTG xử lý các TCTD yếu kém. Tại Quyết định 1660/QĐ-TTg  ngày 30/12/2022 về việc phê duyệt chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi… Tại Nghị quyết số 62/2022/QH15, Quốc hội cũng yêu cầu rà soát, sủa đổi các luật về TCTD, Ngân hàng Nhà nước, trong đó có Luật Bảo hiểm tiền gửi...

Như vậy, Quốc hội, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cần khẩn trương nghiên cứu sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước đồng thời với Luật Bảo hiểm tiền gửi nhằm đồng bộ, thống nhất khuôn khổ pháp lý và nâng cao vai trò của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam trong việc bảo vệ người gửi tiền cũng như có trách nhiệm trong việc tham gia tái cơ cấu, kiểm soát đặc biệt, đối với phá sản các tổ chức tham gia BHTG.

Phóng viên: Một trong những điểm mới của dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi là việc làm mới quy trình can thiệp sớm đối với TCTD, trong đó bổ sung sự tham gia của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam vào quá trình này. Điều này có ý nghĩ gì, thưa ông?

Nguyễn Quốc Hùng: Tôi cho rằng, Luật TCTD sửa đổi đề cập đến việc để Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam cùng tham gia vào quá trình can thiệp sớm đối với các TCTD là cần thiết, vừa tận dụng được nguồn lực, vừa thể hiện vai trò và trách nhiệm của Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam đối với người gửi tiền cũng như tổ chức tham gia BHTG.

Phóng viên: Theo ông, có cần sớm sửa Luật Bảo hiểm tiền gửi, trong đó bổ sung các quy định về quyền hạn, trách nhiệm, cơ chế nâng cao năng lực tài chính để tổ chức BHTG có đủ nguồn lực khi tham gia can thiệp sớm? Mặt khác, Luật Bảo hiểm tiền gửi nên được sửa đổi, bổ sung theo hướng nào để ngày càng bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người gửi tiền, cũng như bảo đảm hoạt động an toàn lành mạnh của hệ thống các TCTD, thưa ông?

Ông Nguyễn Quốc Hùng: Theo tôi, để hoàn thiện và đồng bộ với các bộ luật liên quan, cũng như nâng cao vai trò, trách nhiệm của tổ chức BHTG thì phải chờ Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước được Quốc hội thông qua. Trong thời gian này, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam nên theo dõi, tham gia góp ý đầy đủ, trách nhiệm vào Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi trước mắt, Luật Ngân hàng Nhà nước sắp tới để chuẩn bị những nội dung cần sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi cho phù hợp với 2 luật nêu trên. Có như vậy mới tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tham gia tái cơ cấu lại, can thiệp sớm, thanh tra kiểm tra, giám sát... các tổ chức tham gia BHTG cũng như bảo vệ quyền lợi người gửi tiền.

Được biết, hiện tại Luật Bảo hiểm tiền gửi vẫn chưa nằm trong danh sách các dự án Luật được sửa đổi bổ sung tại Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2023 và 2024 của Quốc hội. Tuy nhiên, kỳ vọng trong bối cảnh sửa đổi Luật Các tổ chức tín dụng là yêu cầu cấp bách, có ý nghĩa quan trọng để củng cố nền tảng cho các TCTD, đảm bảo an toàn hệ thống; dự thảo Luật này được Quốc hội thông qua sẽ tạo đòn bẩy cho việc tiếp tục xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm tiền gửi để bảo vệ người gửi tiền, đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD ngày một hiệu quả hơn. Đây cũng là yêu cầu khách quan về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về BHTG để phù hợp với sự phát triển của hệ thống ngân hàng, cũng như tiếp thu các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực BHTG.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!