Ngành Thuế đặt mục tiêu cung cấp nhiều, tốt nhất các dịch vụ, dữ liệu cho người nộp thuế

Thùy Linh

Sau 32 năm xây dựng và triển khai các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đến nay hệ thống CNTT ngành Thuế đã phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa trong tất cả các khâu nghiệp vụ quản lý thuế.

Hệ thống CNTT ngành Thuế đã phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa trong tất cả các khâu nghiệp vụ quản lý thuế.
Hệ thống CNTT ngành Thuế đã phát triển một cách toàn diện, điện tử hóa trong tất cả các khâu nghiệp vụ quản lý thuế.

Cung cấp nhiều dịch vụ thuế điện tử

Ông Phạm Quang Toàn – Cục trưởng Cục CNTT (Tổng cục Thuế) cho biết, ngành Thuế là một trong những đơn vị đi đầu trong việc triển khai ứng dụng CNTT và chuyển đổi số với 32 năm (từ năm 1991) xây dựng và triển khai các ứng dụng CNTT trong hầu hết các công tác quản lý thuế; 14 năm (từ năm 2009) phát triển cung cấp dịch vụ thuế điện tử, dịch vụ công trực tuyến. Ngành Thuế đã nhận được nhiều danh hiệu cơ quan nhà nước ứng dụng CNTT và chuyển đổi số xuất sắc.

Trong công tác cung cấp các dịch vụ thuế điện tử, ngành Thuế đã triển khai khai thuế, nộp thuế điện tử từ năm 2009 và hoàn thuế điện tử từ năm 2017 nhằm hỗ trợ người nộp thuế trong kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử nhanh chóng, thuận tiện giúp giảm thời gian thực hiện thủ tục về thuế.

Tháng 6/2023, Tổng cục Thuế triển khai ID khoản phải nộp hỗ trợ người nộp thuế tra cứu, xác định các khoản nộp theo tính chất, thứ tự thanh toán theo quy định của Luật Quản lý thuế. Theo thống kê, tính đến ngày 31/10/2023, đã có 912.339 doanh nghiệp (DN) thực hiện khai thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,92% số DN đang hoạt động; có 904.730 DN thực hiện nộp thuế điện tử, đạt tỷ lệ 99,09%, trên 3,4 triệu giao dịch nộp thuế điện tử với số tiền là trên 642,9 nghìn tỷ đồng và trên 4,8 triệu USD.

Để phục vụ công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử nhà cung cấp nước ngoài (NCCNN) hỗ trợ việc đăng ký, kê khai, nộp thuế trực tiếp từ bất cứ đâu trên thế giới. Kết quả đến ngày 31/10/2023 đã có 73 NCCNN đăng ký, kê khai thuế thành công trong đó có các nhà cung cấp lớn như Google, Facebook…

Tiếp đó, ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đã triển khai Cổng thông tin TMĐT hỗ trợ tổ chức, cá nhân kinh doanh qua Sàn TMĐT kê khai, nộp thuế, tra cứu thông tin… Kết quả đến ngày 31/10/2023, đã có 375 sàn TMĐT thực hiện thủ tục gửi thông tin qua cổng.

Đặc biệt, từ ngày 1/7/2023, 100% tổ chức, DN, cá nhân sử dụng hoá đơn trên toàn quốc đã chuyển đổi sang sử dụng HĐĐT. Việc triển khai thành công hệ thống HĐĐT đã làm thay đổi phương thức quản lý, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại tổ chức, DN và cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, nâng cao tính minh bạch, công khai, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng và thúc đẩy phát triển TMĐT. Kết quả đến ngày 8/11/2023, ngành Thuế đã tiếp nhận và xử lý là hơn 5,67 tỷ hóa đơn (trong đó 1,63 tỷ hóa đơn có mã và 4,04 tỷ hóa đơn không mã).

Không chỉ dừng lại ở việc triển khai khai thuế, nộp thuế điện tử, hoàn thuế điện tử, xây dựng và vận hành các cổng thông tin điện tử phục vụ DN, người dân khai nộp thuế, ngành Thuế đang triển khai thêm nhiều ứng dụng khác như: Bản đồ số hộ kinh doanh, tích hợp thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, thanh toán nghĩa vụ tài chính trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia, tích hợp cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư…

Cùng với đó, ngày 15/12/2022, Tổng cục Thuế đã thực hiện triển khai HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền trên toàn quốc. Kết quả đến ngày 31/10/2023 có 35.565 DN, hộ kinh doanh đăng ký sử dụng HĐĐT có mã của cơ quan thuế khởi tạo từ máy tính tiền thành công với số lượng HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền là 51,6 triệu hóa đơn.

Trong công tác phân tích, phân loại rủi ro trong hoàn thuế, ngành Thuế đã thực hiện phân tích các dữ liệu thuế dựa trên các tiêu chí để phân loại hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng và lựa chọn người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế. Dữ liệu được phân tích tổng hợp từ dữ liệu hóa đơn, khai thuế, nộp thuế, nghĩa vụ thuế, báo cáo tài chính…. Nhờ đó, đã hỗ trợ cơ quan thuế phân loại nhanh các hồ sơ hoàn thuế (hoàn trước) tạo thuận lợi cho DN.

Xây dựng hệ thống quản lý thuế tập trung đáp ứng tái thiếu kế quy trình

Chia sẻ về chiến lược chuyển đổi số đến năm 2025, ông Phạm Quang Toàn cho biết, ngành Thuế tiếp tục lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ, theo đó thay vì quản lý, ngành Thuế sẽ chuyển sang phục vụ. Cụ thể, ngành Thuế sẽ cung cấp nhiều nhất, tốt nhất các dịch vụ, các dữ liệu cho người nộp thuế. Đồng thời, tăng cường quản lý thuế, quản lý chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật để tạo sự công bằng, bình đẳng cho người nộp thuế.

Cụ thể, ngành Thuế đặt mục tiêu 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 90% thủ tục hành chính điện tử cấp độ 3, 4; 100% người nộp thuế được cấp định danh và xác thực điện tử. Đồng thời, ngành Thuế hướng tới 80% hồ sơ xử lý trên môi trường mạng; 100% nhu cầu, công việc tin học hóa tập trung, tích hợp; 50% hoạt động kiểm tra trên môi trường số; 100% hồ sơ cán bộ lưu trữ điện tử; 100% kết nối trao đổi thông tin giữa các bộ, ban, ngành; 100% báo cáo chia sẻ trên hệ thống báo cáo quốc gia.

Đại diện Cục CNTT chia sẻ, kế hoạch chuyển đổi số công tác thuế trong giai đoạn tới sẽ là xây dựng hệ thống quản lý thuế tập trung đáp ứng tái thiếu kế quy trình. Cụ thể, sẽ xây dựng trên nền tảng kiến trúc hiện đại, ứng dụng công nghệ mới về trí tuệ nhân tạo, vạn vật kết nối, dữ liệu lớn,…; tái thiết kế các quy trình nghiệp vụ theo hướng ứng dụng CNTT trong hỗ trợ tự động hóa tối đa theo luồng xử lý công việc. Cùng với đó, sẽ hỗ trợ các quy trình quản lý thuế đối với mọi sắc thuế và đáp ứng đầy đủ chế độ kế toán thuế nội địa; đáp ứng yêu cầu mới trong quản lý thuế như quản lý hoạt động thương mại điện tử, xuyên biên giới...

Ngành Thuế cũng đặt mục tiêu mở rộng kho cơ sở dữ liệu thuế và phát triển hệ thống quản lý rủi ro. Theo đó, sẽ mở rộng, hoàn thiện kho cơ sở dữ liệu về thuế trên nền tảng tích hợp và nền tảng dữ liệu lớn (Big Data và Data Lake); xây dựng hệ thống Quản lý rủi ro trên nền ứng dụng phân tích dữ liệu lớn và máy học (áp dụng trí tuệ nhân tạo); triển khai dịch vụ cung cấp, chia sẻ dữ liệu với các bộ/ngành/đơn vị (trên nền ứng dụng API Gateway, Service/Data Service,…); thu thập dữ liệu từ các bên để đánh giá rủi ro và hỗ trợ cơ quan thuế trong công tác chỉ đạo, điều hành.