Khó khăn kép trong xử lý nợ xấu

Theo daibieunhandan.vn

(Tài chính) Xử lý nợ xấu luôn là việc khó khăn nhất trong tái cơ cấu lại hệ thống tài chính, các ngân hàng thương mại cổ phần. Theo các chuyên gia, Việt Nam đang phải đối mặt với khó khăn kép trong xử lý nợ xấu khi mà vừa phải xử lý các khoản nợ xấu trong quá khứ, vừa phải làm sao không để phát sinh nợ xấu trong tương lai. Nợ xấu trong tương lai sẽ tiếp tục phát sinh nếu như vấn đề sở hữu chéo, sở hữu chi phối lũng đoạn ngân hàng không được xử lý dứt điểm.

VAMC chỉ là một trong các giải pháp để xử lý nợ xấu. Nguồn: internet
VAMC chỉ là một trong các giải pháp để xử lý nợ xấu. Nguồn: internet
Công tác xử lý nợ xấu thời gian qua đã có được những chuyển biến ban đầu tích cực. Tổng nợ xấu được hệ thống ngân hàng thương mại xử lý bằng dự phòng rủi ro và đưa ra theo dõi ngoại bảng trong năm 2012 và 7 tháng năm 2013 là 86,3 nghìn tỷ đồng. Mặt khác, Công ty Quản lý và khai thác tài sản các tổ chức tín dụng (VAMC) trực thuộc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới được thành lập và đã bắt đầu mua nợ xấu của Agribank, SHB, SCB… với con số dự kiến sẽ mua khoảng từ 30-35 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2013.

Tuy nhiên, theo NHNN, tỷ lệ nợ xấu của thị trường tài chính Việt Nam còn lớn, tính đến cuối tháng 7 là 4,58%, tương ứng với hơn 138 nghìn tỷ đồng. Nhiều chuyên gia cảnh báo, bên cạnh nợ xấu, thì thị trường tài chính còn đang đối mặt với thách thức lớn từ những khoản nợ “có khả năng” trở thành nợ xấu trong tương lai.

Theo Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả Vũ Đình Ánh, đối với Việt Nam, khó khăn nằm ở chỗ không chỉ xử lý nợ xấu trong quá khứ, mà trong quá trình cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại phải làm sao để không phát sinh nợ xấu trong tương lai, đây là khó khăn kép liên quan đến xử lý nợ xấu. Để giải quyết khó khăn kép này, cần phải có một chương trình xử lý tổng thế như Chính phủ đã đề ra, trong đó cần có giải pháp giải quyết được vấn đề mang tính đặc thù của nền kinh tế Việt Nam khi mà nhiều doanh nghiệp nhà nước đồng thời là những khách hàng, những con nợ xấu không nhỏ của các ngân hàng.

Bên cạnh sự chậm chạp trong quá trình xử lý nợ xấu tại các ngân hàng và chậm chạp trong xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản của chính quyền các cấp, Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, vấn đề như sở hữu chéo, sở hữu có tính lũng đoạn, chi phối ngân hàng cũng đang là trở lực không nhỏ trong quá trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu các ngân hàng thương mại.

TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích, thực tế có một số ngân hàng tồn tại các khoản nợ xấu của chính các ông chủ ngân hàng. Các "ông chủ" ngân hàng này đủ quyền lực để biến nợ xấu ngắn hạn thành nợ xấu trung, dài hạn. Mặt khác, cần phải chú ý và quan tâm đến các khoản nợ của các tập đoàn tư nhân và Nhà nước hiện nay. Nếu trong bối cảnh xấu, nền kinh tế và đặc biệt là thị trường bất động sản chậm phục hồi trong khi nhà đầu tư nước ngoài ngoảnh mặt với các khoản nợ xấu thì những khoản nợ hiện tại của các tập đoàn tư nhân và nhà nước sẽ trở thành các khoản nợ xấu, tạo ra nguy cơ lớn cho nền kinh tế.

Cũng theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong quá trình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng, đặc biệt là các ngân hàng thương mại, việc vừa xử lý nợ xấu, vừa đưa vào áp dụng một loạt các quy định mới về hiện đại hóa ngành ngân hàng, bao gồm các quy định chuẩn mực quốc tế về kế toán, chuẩn mực quốc tế về phân loại tài sản và trích lập dự phòng rủi ro, chuẩn mực quốc tế về quản trị, chuẩn mực quốc tế về các chỉ số an toàn… để bảo đảm không lặp lại nợ xấu trong tương lai là một thách thức lớn.

Trên thực tế, quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, thực hiện các chuẩn mực an toàn ở các ngân hàng bình thường thì không sao, nhưng hầu hết các quy định này bị phản đối và vô hiệu hóa ở những ngân hàng mà chính ông chủ ngân hàng lại là ông chủ của tập đoàn, tức con nợ của ngân hàng đó. Quản trị rủi ro bị vô hiệu hóa và trở thành hình thức, việc quan tâm đến lợi ích của cổ đông nhỏ cũng bị vô hiệu hóa, rồi các tiêu chí về an toàn, nguyên tắc đòn bẩy tài chính hay tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo chuẩn mực quốc tế. Giải pháp ổn thỏa để giải quyết thực trạng này là đưa các chủ thể vi phạm các nguyên tắc và quy định về sở hữu chéo và sở hữu lũng đoạn thị trường ra khỏi thị trường tài chính, trở về với các tập đoàn.

Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý cấp phép các tổ chức tín dụng và hoạt động ngân hàng, NHNN Bùi Huy Thọ khẳng định, trong quá trình thực hiện xử lý nợ xấu, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại, NHNN đã và đang triển khai nhiều biện pháp để xử lý tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo như đánh giá thận trọng nguồn lực tài chính của các cổ đông khi tham gia góp vốn, mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng để từ chối những nhà đầu tư không có đủ năng lực tài chính, sử dụng vốn vay ngân hàng để góp vốn, mua cổ phần và tham gia tái cơ cấu ngân hàng; xây dựng quy định về việc các khoản cho vay để góp vốn, mua cổ phần tại các tổ chức tín dụng phải loại bỏ khỏi vốn lõi khi xác định tỷ lệ an toàn tối thiểu, nhằm hạn chế tình trạng sở hữu, đầu tư chéo.

Đồng thời, quyết liệt thực hiện thanh tra, kiểm tra sở hữu chéo, đầu tư chéo để phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm; đề nghị các bộ, ngành xây dựng và triển khai kế hoạch thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước tại các tổ chức tín dụng; phối kết hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để theo dõi, giám sát chặt chẽ việc mua bán, chuyển nhượng cổ phần của các tổ chức tín dụng trên thị trường chứng khoán. Cùng với đó, kiểm soát, giám sát chặt chẽ đối với các cổ đông và nhà đầu tư lớn của ngân hàng trong quan hệ tín dụng với ngân hàng để hạn chế nguy cơ chi phối của lợi ích nhóm.

Các chuyên gia cho rằng, việc thành lập VAMC chỉ là một trong các giải pháp để xử lý nợ xấu. Cùng với đó, từng ngân hàng thương mại cổ phần cũng cần phải chủ động xử lý nợ xấu và đổi mới, hiện đại hóa năng lực quản trị và hoạt động của mình để tránh nợ xấu trong tương lai. Vai trò của cơ quan quản lý trong việc hoàn thiện và thực thi nghiêm chỉnh các quy định pháp luật về các vi phạm liên quan đến sở hữu chéo và sở hữu lũng đoạn ngân hàng.

Về lâu dài, để có một nền thị trường tài chính cân bằng, bớt phụ thuộc quá nhiều vào hệ thống các ngân hàng thương mại, TS. Võ Trí Thành cho rằng, thị trường tài chính Việt Nam cần tập trung phát triển thị trường trái phiếu, đặc biệt là thị trường trái phiếu các công ty, doanh nghiệp. Đây là việc làm không hề đơn giản, trong bối cảnh tỷ lệ vàng hóa và đô la hóa của Việt Nam còn khá cao trong khi việc phát triển thị trường trái phiếu còn quá chậm chạp.