CPI tăng thấp hiếm thấy

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) của tháng 1 tăng thấp (tăng 0,69%), của tháng 2 còn tăng thấp hơn (tăng 0,55%), nên tính chung của 2 tháng đầu năm nay tăng thấp hiếm thấy.

CPI 2 tháng đầu năm 2014 tăng thấp nhất tính từ năm 2002, thấp xa so với CPI bình quân của cùng kỳ trong 12 năm trước (tăng 3,37%). Nếu so sánh xa hơn, thì CPI 2 tháng đầu năm nay thấp thứ hai so với CPI cùng kỳ trong hơn 30 năm qua, chỉ thấp thua CPI cùng kỳ năm 2001 (tăng 0,7%), 1 trong 3 năm có CPI cả năm được coi là thiểu phát (năm 1999 tăng 0,1%, năm 2000 giảm 0,6%, năm 2001 tăng 0,8%).

Nếu tính CPI theo năm, thì tháng 1 tăng 5,45%, của tháng 2 còn tăng thấp hơn (4,65%) và tính bình quân 2 tháng tăng 5,05% - đều là các con số thấp hơn nhiều kỳ trước. 

CPI THÁNG 2 NĂM SAU SO VỚI THÁNG 12 NĂM TRƯỚC (%)

CPI tăng thấp hiếm thấy - Ảnh 1

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Diễn biến giá cả trong dịp Tết Nguyên đán đã tăng thấp một cách lạ thường, kể cả những hàng hoá, dịch vụ theo thông lệ thường có nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết, thậm chí có một số loại giá còn giảm.

Việc tăng thấp của CPI trong 2 tháng đầu năm là tín hiệu khả quan để CPI năm 2014 sẽ vượt (thấp hơn) mục tiêu đề ra (khoảng 7%) và là năm thứ 3 liên tục tăng thấp, thậm chí còn kỳ vọng sẽ là năm thứ 3 liên tục tăng thấp xuống (năm 2012 tăng 6,81%, năm 2013 tăng 6,04%, năm 2014 sẽ thấp hơn 6%).

Qua đó tạo điều kiện để các ngân hàng thương mại huy động tiền gửi tăng với tốc độ cao, cải thiện thanh khoản khi lãi suất huy động giảm xuống, thanh khoản được cải thiện, sẽ tạo điều kiện để hạ lãi suất cho vay, góp phần để các doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng, tạo điều kiện cho chính sách tiền tệ kết hợp với chính sách tài khoá (thông qua việc các ngân hàng thương mại đầu tư gián tiếp thông qua việc mua trái phiếu Chính phủ trong điều kiện tăng trưởng tín dụng gặp khó khăn).

CPI tăng thấp có nguyên nhân từ các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, hạn chế tác động của giá cả đối với người tiêu dùng, nhất là ngăn chặn trước các cơn sốt giá dễ thường xảy ra vào dịp Tết cổ truyền. Nhiều địa phương, nhất là các đô thị, trung tâm thương mại lớn đã tăng cường bán hàng bình ổn giá cả về loại hàng, cả về lượng hàng, cả về điểm bán hàng. Tăng trưởng dư nợ tín dụng ngân hàng trong cuối năm trước ở mức khá cao (tháng 11 tăng 1,76%, tháng 12 tăng 3,22%), nhưng tháng 1/2014 đã giảm xuống (giảm 0,5%); trong khi nhờ đạt được lãi suất thực dương, nên tốc độ tăng tiền gửi cao gấp rưỡi tốc độ tăng dư nợ tín dụng.

Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng một lượng tiền không nhỏ qua nghiệp vụ thị trường mở (OMO): Chỉ trong 2 ngày (11-12/2), đã hút ròng trên 14,6 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổng cầu, những yếu tố có tầm quan trọng hàng đầu tác động đối với lạm phát, từ vài năm nay vẫn yếu. Vốn đầu tư trong những tháng khởi đầu theo thông lệ còn chậm về nhiều mặt, ngay cả nguồn vốn của khu vực kinh tế Nhà nước hiện chiếm tỷ trọng cao nhất trong 3 nguồn vốn cũng triển khai chậm, trong đó nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng vốn đầu tư từ khu vực Nhà nước hiện còn đạt thấp so với kế hoạch cả năm (phần do Trung ương quản lý và một số bộ, ngành, địa phương đạt còn thấp hơn tỷ lệ chung).

Tiêu dùng cuối cùng thể hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, tuy tốc độ tăng trong những năm từ 2010 trở về trước (7,6% so với 15%). Người dân vẫn “thắt lưng buộc bụng”, “tích cốc phòng cơ”, thể hiện ở tiền gửi tiết kiệm gia tăng mạnh.

Tuy tăng thấp và là một tin vui nhưng CPI cũng có một số điểm cần lưu ý.

Trước hết, có khả năng sẽ lặp lại diễn biến của 2 năm trước (tăng thấp, thậm chí còn có dấu hiệu của thiểu phát) từ tháng 3 - tháng 7 (năm 2012 giảm 0,16%, năm 2013 tăng chưa đến 0,1%). Mặc dù vẫn đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm, nhưng về “nhịp độ” vẫn là tư duy “kiềm chế”, chứ chưa phải là tư duy “kiểm soát” như mục tiêu của năm nay.

Kiểm soát lạm phát là phải có sự điều hành đồng bộ, nhịp nhàng và tập trung cho lĩnh vực ưu tiên. Đồng bộ là sự kết hợp chặt chẽ giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá hơn nữa. Nhịp nhàng là điều hành dòng chảy của tín dụng tránh tốc độ tăng dồn vào cuối năm, tác động tiêu cực đến sản xuất kinh doanh, đến tình trạng phá sản, ngừng hoạt động, thu hẹp sản xuất kinh doanh… Việc tập trung cho lĩnh vực ưu tiên cần được đẩy mạnh hơn, bởi mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay cao hơn năm trước (5,8% so với 5,42%).

Đã có ý kiến cho rằng, thị trường chứng khoán tăng mạnh về điểm số và giá trị giao dịch, ngoài nhiều yếu tố khác, có yếu tố tốc độ tăng trưởng tín dụng cao và dồn vào cuối năm. Giá vàng ở trong nước vẫn còn cao hơn giá vàng thế giới sau khi Ngân hàng Nhà nước đã thông qua đấu thầu cung ứng ra thị trường một lượng vàng khá lớn, chứng tỏ nhu cầu mua vàng vẫn rất lớn, không chỉ ảnh hưởng đến chống vàng hoá mà còn hạn chế khai thác nguồn lực của vàng ở trong dân…