Dần bắt nhịp cách mạng công nghiệp 4.0

Theo baokiemtoannhanuoc.vn

Các chuyên gia dự báo, kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, có thể đạt mức 6,5-6,7% như mục tiêu Quốc hội đề ra. Tuy nhiên, trước sức bật mạnh mẽ của cách mạng công nghiệp 4.0 trên thế giới, Việt Nam cần nhanh chóng bắt nhịp xu hướng số hóa nền kinh tế và tập trung phát triển những lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng

Năm 2018, nền kinh tế thế giới được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức tương tự hoặc cao hơn một chút so với năm 2017, tức vào khoảng 3,7% so với mức tăng 3,6% của năm 2017.

Chuyên gia kinh tế tài chính Cấn Văn Lực nhận định, có 4 rủi ro từ bên ngoài tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong năm 2018.

Một là, Trung Quốc có thể tăng trưởng chậm lại do chú trọng đến vấn đề chất lượng và kiểm soát rủi ro tài chính, theo đó sẽ ảnh hưởng nhất định đến thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam.

Hai là, xu thế bảo hộ thương mại vẫn tiếp tục tăng.

Ba là, vấn đề địa chính trị tại một số khu vực khá phức tạp, như: Trung Đông, Đông Á… sẽ có tác động đến thương mại và đầu tư trên thế giới.

Bốn là, các nước lớn trên thế giới bắt đầu chính sách thắt chặt tiền tệ sẽ tác động đến mặt bằng lãi suất, tỷ giá và dòng vốn đầu tư.
 
Xem xét những yếu tố bên trong, ông Cấn Văn Lực nêu rõ, trong năm qua, nút thắt giải ngân đầu tư công chậm làm ảnh hưởng tiêu cực đến tăng trưởng, trong khi nợ công và thâm hụt ngân sách còn ở mức cao. Chất lượng tăng trưởng và năng lực cạnh tranh chưa được cải thiện đáng kể, năng suất lao động còn ở mức rất thấp. Tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm khiến việc đổi mới mô hình tăng trưởng chưa rõ nét. Khâu thực thi, đặc biệt là ở cấp dưới, chưa thực sự hiệu quả, vẫn còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”.

Vì thế, theo vị chuyên gia này, kinh tế Việt Nam năm 2018 sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, có thể đạt mức 6,5-6,7% như mục tiêu Quốc hội đề ra, nhưng không dễ dàng vì vẫn còn một số rủi ro, thách thức cả ở bên trong lẫn bên ngoài.

Trong số những giải pháp đưa ra để đảm bảo kinh tế phát triển, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh, Chính phủ cần chủ động nâng cao hiệu quả hội nhập và ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, quyết tâm tăng năng suất lao động, trong đó cần chú ý đến các nhân tố thúc đẩy năng suất lao động. Đồng thời, cần sớm có chiến lược hoặc chương trình quốc gia về ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0 và nhất quán thực thi hiệu quả.

Xu hướng số hóa nền kinh tế

Đồng quan điểm trên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng khuyến nghị Việt Nam cần sớm có một chương trình hành động để xây dựng nền kinh tế số hóa, bởi xu thế này đang phát triển rất nhanh trên thế giới và ngày càng mở rộng ra tất cả các lĩnh vực.
Những ưu việt của nền kinh tế số hóa là rất rõ ràng: làm tăng năng suất lao động, tiết kiệm thời gian, chi phí, mở ra cơ hội phát triển lĩnh vực người máy và trí thông minh nhân tạo.

Hiện nay, các DN dệt may cũng bắt đầu sử dụng người máy cho công việc cắt vải bằng laser… giúp tăng năng suất gấp 5 lần so với người lao động bình thường. Một robot có thể thay thế cho 20 công nhân và có thể làm việc liên tục, không có sai sót.
Một số trang trại ở Việt Nam đã có máy cảm biến đo độ ẩm và chủ động cung cấp nước qua vòi tưới có pha phân bón đúng liều lượng được điều khiển bằng máy tính cho tới khi đạt độ ẩm tiêu chuẩn thì tự ngắt. Công nghệ này giúp tiết kiệm nước ít nhất 35%, tăng năng suất cây trồng, bảo đảm sản phẩm sạch, đáp ứng yêu cầu khắt khe để xuất khẩu.

Ngoài những dẫn chứng trên, TS. Lê Đăng Doanh còn chỉ rõ sự xâm nhập của kinh tế số hóa vào nhiều lĩnh vực khác như: y tế, giáo dục, công tác hành chính, thủ tục hành chính… Tuy nhiên, tất cả đều mới chỉ là giai đoạn bắt đầu. Điều đáng mừng là Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 05/5/2017 về cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó giao trách nhiệm cho các Bộ, ngành phải thực hiện.

Thế nhưng, theo phân tích của các chuyên gia, cuộc cách mạng này phải được thực hiện chủ yếu bởi DN, chứ không phải là các Bộ hay cơ quan hành chính. Do đó, DN cần phải tiếp thu, có động lực là lợi nhuận và vận dụng số hóa sáng tạo. Hiện đã có rất nhiều DN khởi nghiệp vận dụng điểm này. 

Nhiệm vụ của Chính phủ đối với các DN trong thời gian tới là phải có Chương trình hành động, phân tích SWOT (Điểm mạnh - Điểm yếu - Cơ hội - Thách thức) và các chính sách để hỗ trợ DN vận dụng các tiến bộ khoa học công nghệ. Trên thực tế, chúng ta chưa có một chương trình hành động cho các DN, hầu hết DN đều tự làm và chưa rõ sẽ làm như thế nào, ngay cả việc vận dụng những thành tựu đã có cũng rất hạn chế.
Điều này cần tới vai trò tích cực của Nhà nước, từ khâu tổ chức việc mua lại các công ty, mua lại công nghệ hay đầu tư phát triển. Chỉ có cơ chế thị trường tự phát, thiếu vai trò hỗ trợ của Nhà nước thì chưa chắc đã tiến được nhanh và xa - TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.

Các chuyên gia cho rằng, trước mắt, Việt Nam nên tập trung đầu tư vào những lĩnh vực có năng lực cạnh tranh như: nông - lâm - ngư nghiệp, dược liệu, ẩm thực, du lịch, văn hóa, tránh đầu tư vào thay thế nhập khẩu, vì trong tình hình hội nhập, hàng hóa vào Việt Nam với thuế suất bằng 0% thì hàng hóa sản xuất trong nước rất khó cạnh tranh.