Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam: Thủ tướng khẳng định Việt Nam là đối tác tin cậy của cộng đồng quốc tế

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Ngày 5/6/2014, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ 2014 được tổ chức tại Hà Nội với chủ đề “Từ chương trình tới hành động – Chuẩn bị cho các Hiệp định thương mại mới”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu quan trọng tại diễn đàn trước cộng đồng DN, nhà đầu tư về môi trường đầu tư của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng  tại diễn đàn. Nguồn: internet
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại diễn đàn. Nguồn: internet
Nhà đầu tư đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam

Khai mạc Diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và  Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam đã phát triển lớn mạnh, trở thành kênh đối thoại cho doanh nghiệp, góp phần tích cực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh Việt Nam. Diễn đàn lần này diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép ở vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, ngay khi xảy ra sự việc, Chính phủ Việt Nam đã quyết liệt chỉ đạo các biện pháp cụ thể để lấy lại niềm tin cộng đồng doanh nghiệp, như miễn giảm thuế, đơn giản hóa thủ tục hải quan, hỗ trợ DN bị thiệt hại do một số kẻ quá khích lợi dụng tình hình gây ra. Việt Nam đánh giá cao nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn đồng hành, sản xuất kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư Đài Loan. Ngoài ra, Chính phủ cũng đã có công văn để giải quyết vấn đề lương, bảo hiểm cho doanh nghiệp…

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Vũ Tiến Lộc nhận định, Diễn đàn giữa kỳ năm nay diễn ra trong bối cảnh tương đối đặc biệt. Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, trong đó đặc biệt là Hiệp định đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang đi vào giai đoạn cuối và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) dự kiến kết thúc đàm phán trong tháng 10/2014.

Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một lần nữa được nhắc đến với nguy cơ gây mất an ninh, phá vỡ sự ổn định tại biển Đông và trong khu vực. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng hành động phi pháp này từ phía Trung Quốc đã ảnh hưởng đáng kể tới quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Sự kiện này cũng dẫn đến những sự việc đáng tiếc tại các khu công nghiệp ở Bình Dương, Đồng Nai và Hà Tĩnh - ảnh hưởng trực tiếp đến hình ảnh đất nước và môi trường đầu tư, kinh doanh của Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư tại diễn đàn đều đánh giá, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã quyết tâm giải quyết vấn đề, đã nỗ lực để hỗ trợ doanh nghiệp Đài Loan đang đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt về an ninh, là vấn đề mà nhà đầu tư quan ngại. Các nhà đầu tư kiến nghị, Việt Nam cần sớm có các trung tâm đào tạo kỹ thuật viên, kỹ sư, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp…

Kinh tế Việt Nam tiếp tục ổn định vững chắc

Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu, đồng thời báo cáo về tình hình kinh tế- xã hội Việt Nam.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, kinh tế Việt Nam 2013 và 6 tháng đầu năm 2014, dự kiến cả năm 2014 đã, sẽ và tiếp tục ổn định vững chắc hơn. Dự báo tăng trưởng 5,8% trong năm 2014 và đã đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 6% trong 2015. Lạm phát tiếp tục được kiểm soát tốt, năm 2014 kiểm soát lạm phát khoảng 5%. Xuất khẩu bình quân 3 năm tăng trưởng trên 20%. Dự trữ ngoại hối tăng mạnh, đảm bảo trên 12 tuần nhập khẩu. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư dự kiến hơn 8 tỷ USD năm 2014…

Về mục tiêu phát triển Việt Nam trong thời gian tới, Thủ tướng cho biết, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng kế hoạch 5 năm. Theo đó Việt Nam kiên định nhất quán và quyết tâm xây dựng Việt Nam là đất nước xã hội chủ nghĩa hòa bình, độc lập tự chủ, dân giàu nước mạnh, công bằng văn minh. Việt Nam sẽ là bạn là đối tác tin cậy của các quốc gia, đối tác tích cực của cộng đồng quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển nhanh, bền vững, phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ, công bằng xã hội. “Nếu 2014 tăng trưởng khoảng 5,8%, 2015 khoảng 6% thì từ 2016 đến 2020 là 6,5%. Việt Nam sẽ là một nền kinh tế thị trường, hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới”, Thủ tướng khẳng định.

Thủ tướng cũng cho biết, để thực hiện mục tiêu như trên, Việt Nam sẽ thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp chính sách.

Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường một cách đầy đủ hơn, hiệu quả hơn, năng động hơn. Việt Nam chủ động đẩy nhanh hiệu quả tiến trình hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới. Thực hiện đầy đủ các quy luật kinh tế thị trường, nhất là cơ chế giá theo cơ chế thị trường, phân bổ nguồn lực theo cơ chế thị trường.

Việt Nam hiện đã là thành viên WTO, tham gia 8 FTA khác. Một mặt cam kết thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế, mặt khác tham gia đàm phán với nhiều FTA khác, trong đó có hiệp định TPP, FTA với EU đang tiến triển tích cực…

Thời gian tới, Việt Nam sẽ ban hành luật, quy định đảm bảo quyền tự do kinh doanh theo luật, hiến pháp Việt Nam mới. Cùng với tinh thần như vậy, Chính Phủ đang tập trung chỉ đạo cải cách hành chính hỗ trợ doanh nghiệp.

Thứ hai, Việt Nam đang đẩy mạnh tái cơ cấu toàn bộ nền kinh tế, trong đó tái cơ cấu đầu tư, tái cơ cấu hệ thống tài chính ngân hàng, tái cơ cấu doanh nghiệp đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước. Việt Nam sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển doanh nghiệp tư nhân .

Thủ tướng cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để thu hút mạnh hơn nữa nhà đầu tư nước ngoài vào sản xuất kinh doanh, thương mại vào Việt Nam.

Thứ ba, Việt Nam sẽ thực hiện cơ chế khuyến khích mạnh mẽ các thành phần kinh tế trong và ngoài nước, đầu tư hạ tầng kinh tế xã hội: giao thông, y thế, giáo dục…khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào hạ tầng, khuyến khích hình thức PPP.

Thứ tư, Việt Nam đang tiếp tục hoàn thiện thể chế nhà nước pháp quyền, của dân, do dân, vì dân. Quản trị quốc gia hiệu lực, hiệu quả. Nhà nước trong sạch vững mạnh, từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Thứ năm, Việt Nam đã và sẽ tiếp tục bảo đảm, tăng cường ngày càng vững chắc an ninh xã hội, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo môi trường sống yên bình của Việt Nam. Việt Nam sẽ đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối cho các tổ chức, doanh nghiệp, người nước ngoài công tác, học tập, làm ăn sinh sống tại Việt Nam.

Thủ tướng cũng khẳng định hệ thống chính trị Việt Nam hoàn toàn đủ sức thực hiện mục tiêu, chính sách, quyết tâm này.

Việt Nam kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền quốc gia theo luật pháp quốc tế.

Diễn đàn dành thời gian để đại diện cộng đồng doanh nghiệp đối thoại  các vấn  đề với Chính phủ Việt Nam về môi trường đầu tư, thương mại, thuế và hải quan, lao động và việc làm, ngân hàng và thị trường vốn, cơ sở hạ tầng, nông nghiệp, du lịch.