Hội thảo quốc tế “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính”

PV.

(Tài chính) Ngày 18/12, Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ngân hàng Thế giới tổ chức Hội thảo quốc tế “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính” nhằm đánh giá lại hoạt động của hệ thống tài chính quốc gia Việt Nam thời gian qua và đề ra mục tiêu cho thời gian tới.

Hội thảo quốc tế “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính” - Ảnh 1
Hội thảo quốc tế: “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính”

Tham dự và chủ trì hội thảo có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam...

Hội thảo “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính”  được diễn ra trong bối cảnh sau hơn 2 năm nước ta tiến hành tái cơ cấu thị trường tài chính mà trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính, nhằm tăng cường việc giám sát và góp phần làm cho hệ thống tài chính lành mạnh, minh bạch. Trong lĩnh vực này, hơn 2 năm qua, Việt Nam không chỉ khắc phục hậu quả của nợ xấu, nâng cao tính thanh khoản… mà còn tạo được những thay đổi căn bản về thể chế, cấu trúc thị trường và tư duy chính sách để tạo dựng nền tảng tài chính vững mạnh, đảm đương được vai trò phân bổ nguồn lực xã hội hiệu quả, đồng thời đảm bảo ổn định tài chính để phát triển bền vững.

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: Trong hơn 2 năm qua, nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế bị suy giảm và vẫn chưa thực sự phục hồi một cách vững chắc. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã thực hiện tái cấu trúc thị trường tài chính để ứng phó với khủng hoảng kinh tế thế giới cũng như khắc phục những khó khăn trong nước. Trong đó, tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính được coi là nhiệm vụ trọng tâm nhằm nâng cao năng lực quản lý, giám sát và góp phần minh bạch, lành mạnh hóa hệ thống tài chính. Nhờ vậy mà các hoạt động tín dụng ngân hàng của Việt Nam từng bước ổn định, thanh khoản được cải thiện, thị trường chứng khoán từng bước hồi phục và trở thành 1 trong 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất thế giới trong năm 2013.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh mong muốn hội thảo sẽ đúc rút được những khuyến nghị chính sách có tính thực tiễn và dài hạn, làm cơ sở cho Chính phủ xây dựng một lộ trình cụ thể để từng bước lành mạnh hóa hệ thống tài chính, nâng cao năng lực giám sát, tạo điều kiện và thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng giai đoạn 2013-2020.

Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cho rằng, sau gần 30 năm Đổi mới, hệ thống cơ chế, chính sách tài chính của Việt Nam ngày càng được hoàn thiện, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và các điều kiện cụ thể của đất nước, từng bước tiệm cận với thông lệ quốc tế. Các cân đối kinh tế - tài chính vĩ mô được duy trì ổn định; việc động viên, phân bổ các nguồn lực tài chính tiếp tục có những chuyển biến tích cực; quy mô thu, chi ngân sách nhà nước dần được mở rộng; dự trữ nhà nước được tăng cường, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững. Cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính - tiền tệ được đẩy mạnh theo hướng chuyên nghiệp, minh bạch, công khai trên nhiều phương diện. Tiềm lực và sức mạnh của nền tài chính quốc gia ngày càng vững chắc hơn nhờ những quyết sách về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Cùng với đó, mức sống và chất lượng cuộc sống của đại đa số nhân dân ngày một nâng cao. Nghèo đói từng bước được đẩy lùi. Đời sống nông thôn và đô thị được cải thiện. Hệ thống an sinh, phúc lợi xã hội ngày càng phát triển.

Tuy nhiên, nền tài chính quốc gia cũng còn bộc lộ nhiều tồn tại, bất cập như: Chính sách tài chính trong một số lĩnh vực còn chậm được ban hành và triển khai một cách đồng bộ; cơ chế phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính quốc gia thiên về phát triển chiều rộng, hiệu quả và sức cạnh tranh thấp; đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công triển khai chưa quyết liệt; việc thực hiện xã hội hóa một số lĩnh vực diễn ra còn chậm; hệ thống thanh tra, giám sát tài chính tuy có bước tiến bộ nhưng còn chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; xuất hiện thêm rủi ro tác động đến an toàn cho hệ thống tài chính - ngân hàng và an ninh tài chính của Việt Nam trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế …

Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ nhấn mạnh, để khắc phục những tồn tại trên, Việt Nam cần thực hiện các nhóm giải pháp như: Tiếp tục nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính quốc gia; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia và tái cơ cấu nền kinh tế; đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công cùng với đẩy mạnh đa dạng hóa nguồn lực xã hội phát triển dịch vụ công; hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính doanh nghiệp; thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; nâng cao năng lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra, giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính....

Hội thảo quốc tế “Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính" có 3 phiên thảo luận về các chủ đề: Tăng cường nền tảng tài chính; Giám sát tài chính hiệu quả; Tái cấu trúc tài chính và mạng an toàn tài chính. Các ý kiến đóng góp, khuyến nghị hữu ích của các chuyên gia trong và ngoài nước tại hội thảo sẽ được tập hợp, góp phần tham mưu cho Đảng và Nhà nước những quyết sách quan trọng góp phần thực hiện thành công trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển bền vững.