Minh bạch giá điện cần cuộc “đại phẫu”

Theo tapchithue.com.vn

(Tài chính) Để người dân chia sẻ và đồng thuận trong mỗi lần điều chỉnh giá, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) cần công khai chi phí của giá điện, thay vì chỉ dựa vào giá thành đầu ra như hiện nay. Đó là khẳng định của các chuyên gia tham dự buổi tọa đàm trực tuyến: “Kiên trì điều hành giá theo thị trường nhìn từ giá xăng và giá điện” do Công thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 16/3 tại Hà Nội.

Buổi tọa đàm trực tuyến: “Kiên trì điều hành giá theo thị trường nhìn từ giá xăng và giá điện” do Công thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 16/3 tại Hà Nội. Nguồn: internet
Buổi tọa đàm trực tuyến: “Kiên trì điều hành giá theo thị trường nhìn từ giá xăng và giá điện” do Công thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều ngày 16/3 tại Hà Nội. Nguồn: internet
Ngành điện cần minh bạch giá đầu vào 
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn Cục trưởng Cục Quản lý giá-Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành, nếu giá điện tăng từ 7-10%, EVN sẽ phải xin ý kiến Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Nếu giá điện tăng trên 10%, việc điều chỉnh giá sẽ do Bộ Công Thương gửi Bộ Tài chính thẩm định, trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Tuy nhiên trong lần điều chỉnh này, Chính phủ chỉ phê duyệt tăng 7,5%  là phương án tăng thấp nhất trong các kịch bản đưa ra và tương đối phù hợp với mặt bằng thị trường, Bởi từ 1/8/2013 (lần điều chỉnh tăng giá điện gần nhất) đến nay, các thông số đầu vào theo báo cáo của EVN đã thay đổi 12,8% và đã được công khai khá rõ ràng.
 
Tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, từ năm 2007 đến nay, giá điện đã tăng 8 lần. Và lần tăng giá gần đây nhất là ngày 16/3 có biên độ tăng tương đối lớn so với các lần trước nên chưa nhận được sự đồng thuận của người tiêu dùng do việc tính toán tăng giá điện hiện nay chỉ dựa vào giá thành đầu ra mà chưa có công bố công khai giá đầu vào. Cách so sánh giá điện của Việt Nam với mặt bằng chung của các nước trong khu vực là khập khiễng, bởi thủy điện của Việt Nam chiếm trên 40% nên chi phí đầu vào thấp, trong khi các nước như Singapore chủ yếu sử dụng nhiên liệu hóa thạch nên giá thành cao. Thêm vào đó, EVN làm ăn không hiệu quả một phần do đầu tư ra ngoài ngành thua lỗ, năng suất lao động thấp, tổn thất điện năng còn lớn, quản trị yếu kém… đều được đẩy vào giá điện, mà cuối cùng người tiêu dùng phải chịu thiệt. Vì thế, việc điều chỉnh giá, muốn được sự đồng thuận của xã hội cần có một cuộc “đại phẫu”  bằng cách thuê các cơ quan tư vấn độc lập có đủ chuyên môn để làm rõ các chi phí và công bố công khai. 
 
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, hiện giá điện vẫn chỉ tiệm cận giá thị trường, nếu tính đúng và đủ các chi phí đầu vào như: lỗ tỷ giá, chi phí phát điện thì các khoản lỗ EVN vẫn còn “treo” và phải một thời gian dài mới bù đắp hết. Tuy nhiên để đảm an sinh xã hội, hiện nay Nhà nước vẫn chi ngân sách cho các hội nghèo dùng dưới 30 kWh, với số kinh phí 153 tỷ đồng/năm.
 
Tập trung kiểm soát giá cả
 
Trước ý kiến về việc giá điện và xăng cùng “bắt tay” điều chỉnh có thể gây bất lợi cho nền kinh tế, Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước Bộ Công thương ông Võ Văn Quyền lý giải, theo Nghị định 83/2014/NĐ-CP, giá xăng dầu hiện đã vận hành theo cơ chế thị trường, do vậy nếu tính đúng thì dịp trong và sau Tết Nguyên đán Ất Mùi, giá xăng có thể tăng là 3.500 đồng/lít. Tuy nhiên, để tránh cú sốc, liên bộ Công thương-Tài chính đã sử dụng Quỹ bình ổn nhằm chia sẻ quyền lợi với doanh nghiệp và người tiêu dùng. 
 
Ông Quyền cho biết thêm, việc điều chỉnh giá xăng dầu là một trong yếu tố ảnh hưởng đến tăng/giảm giá hàng hóa, thể hiện trong chỉ số CPI. Theo đánh giá của Tổng cục Thống kê, trong chuỗi dài giảm từ tháng 7/2014 đến nay, đặc biệt trong 4 tháng (11,12/2014 và tháng 1, 2/2015), nhờ giá xăng dầu giảm đã làm cho CPI chung giảm. Việc tăng giá xăng dầu lần gần đây nhất sẽ làm CPI tăng 0,03% cho thấy tác động đến nền kinh tế không nhiều.
 
Ông Nguyễn Anh Tuấn nhấn mạnh, để tránh tình trạng nhiều mặt hàng “tát nước theo mưa”, tăng giá theo tâm lý ngay khi tăng giá điện và điều chỉnh giá xăng dầu theo thị trường, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, bám sát mục tiêu theo Nghị quyết 01 của Chính phủ. Trong đó phải theo dõi sát diễn biến giá cả một số mặt hàng mà Nhà nước xem xét định giá. Đối với các mặt hàng thiết yếu có sự biến động tăng, thì có biện pháp tham mưu bình ổn giá theo quy định. Về phía các doanh nghiệp sản xuất có ảnh hưởng bởi tăng giá, cần có cải tiến kỹ thuật, nâng cao năng suất tiết giảm chi phí, giảm thiểu tác động. Ngoài ra, Bộ Tài chính đã chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt các phương án kê khai giá; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tăng giá bất hợp lý theo giá điện và xăng dầu.