Mong muốn cải thiện hơn nữa môi trường kinh doanh

TS. Nguyễn Minh Phong

(Taichinh) - Đó là tinh thần chung của 30 tham luận và 42 ý kiến trực tiếp nêu tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 với chủ đề “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh - Biến lời nói thành hành động” vừa diễn ra tại Nghệ An.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Diễn đàn Kinh tế là hoạt động thường niên do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với nhiều cơ quan khác tổ chức đều đặn 2 kỳ/năm trong hơn 3 năm qua.

Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 là kỳ họp thứ 7 do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp tổ chức.

150 đại diện lãnh đạo các cơ quan bộ, ban, ngành Trung ương, đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế tại Việt Nam, Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP), Đại sứ quán Australia tại Việt Nam, Viện Nghiên cứu Friedriel Elbe của Đảng Dân chủ xã hội Đức, các hiệp hội doanh nghiệp, nhiều chuyên gia và nhà khoa học trong nước và quốc tế, cùng các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương… tham dự.

Với tinh thần cởi mở, dân chủ và nhiệt tâm, tinh thần và cảm hứng chung nổi bật của 30 tham luận, 42 ý kiến trực tiếp trình bầy tại Diễn đàn Kinh tế mùa Xuân 2015 đã bày tỏ mong muốn góp phần cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư ở nước ta.

Có thể khái quát những khẳng định, mong muốn, đề xuất đó như sau:

Thứ nhất, Diễn đàn khẳng định sự đúng đắn, cần thiết và tin tưởng vào chủ trương, chính sách đổi mới của Đảng, sự quản lý của Nhà nước với sự năng động, linh hoạt, sát sao là nhân tố quyết định cho thành công trong thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014, cũng như triển vọng tích cực trong phát triển KT-XH năm 2015.

Thứ hai, để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư trong thời gian tới, Việt Nam cần triển khai nhiều hơn, mạnh mẽ hơn các hành động cụ thể và thiết thực trong việc nâng cao năng lực quản trị vĩ mô và vi mô. Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm tính minh bạch, tự do hóa và bình đẳng kinh doanh thị trường. Hài hòa các lợi ích, khắc phục tình trạng “luật ống, luật khung” và rút ngắn thời gian luật đi vào cuộc sống. Xây dựng nội dung và quy trình xây dựng luật chuyên nghiệp hơn, tiếp cận gần hơn với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế; coi trọng tính đồng bộ của các thể chế thị trường và chú ý tính 2 mặt của các chính sách kinh tế-xã hội. Cải thiện các điều kiện tín dụng, thông tin thị trường và công nghệ; đẩy mạnh cải cách hành chính trong khai nộp thuế, thông quan và đăng ký doanh nghiệp. Kiểm soát các sai phạm, trừng phạt nghiêm khắc và kịp thời các hành vi nhũng nhiễu doanh nghiệp. Giảm thiểu tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” của các bộ, ngành và tập đoàn kinh tế Nhà nước. Đổi mới hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp và chống khuynh hướng nhân danh thị trường biến hiệp hội thành công cụ ép giá hoặc làm tăng giá thị trường, làm méo mó thị trường vì lợi ích nhóm, cục bộ. Tăng cường đào tạo đội ngũ lao động cả về chuyên môn, kỷ luật, khả năng ngoại ngữ và năng lực làm việc nhóm cả trong nước và ở nước ngoài.

Thứ ba, hành động hiệu quả hơn để kiểm soát nợ xấu và nợ công gia tăng do đầu cơ hoặc lạm dụng vì lợi ích nhóm; ngăn chặn tình trạng trây ỳ nợ cũng như nghịch lý “chủ nợ sợ con nợ”. Chủ động kiểm soát an toàn hệ thống và có kịch bản ứng phó, giảm thiểu những hệ lụy tiêu cực của nguy cơ vỡ nợ do thông tin sai lệch, do kích động phá hoại và phản ứng tự phát đám đông... Nâng cao chất lượng các quy hoạch để tiết kiệm vốn NSNN và nâng cao hiệu quả đầu tư xã hội.

Thứ tư, tăng cường “bàn tay Nhà nước” và sự vào cuộc của doanh nghiệp trong bảo đảm đầu ra cho doanh nghiệp về hàng nông sản, nhất là để phát triển các chuỗi cung ứng, đa dạng hóa các sản phẩm và tăng năng lực công nghệ chế biến sâu, bảo quản, vận chuyển, tích trữ và cải thiện chất lượng, vượt qua các hàng rào kỹ thuật, ổn định các hợp đồng bao tiêu và hợp đồng xuất khẩu Chính phủ, mở rộng thị trường tiêu thụ nước ngoài.

Thứ năm, thận trọng với áp lực tỷ giá và lạm phát của năm 2015 gắn với các động thái bất thường của các đồng tiền lớn thế giới. Coi trọng kiểm soát tình trạng tăng giá độc quyền cả Nhà nước và tư nhân, tình trạng ép giá và chuyển giá liên kết lợi ích, bảo đảm cạnh tranh thị trường lành mạnh.

Thứ sáu, tiếp tục luật hóa và hiện thực hóa các đề án tái cơ cấu, nhất là các DNNN; phân biệt và có cơ chế quản lý phù hợp các DNNN hoạt động vì các mục tiêu kinh doanh và công ích.

Thứ bảy, tăng chất lượng công tác thống kê, kiểm toán Nhà nước, các dịch vụ dự báo và thông tin thị trường. Bảo đảm quyền tiếp cận thông tin và trách nhiệm giải trình...

Tất cả những điều nói trên nhằm góp phần tiếp tục cải thiện các cân đối kinh tế vĩ mô, không ngừng cải thiện sức hấp dẫn của môi trường đầu tư, khai thác và phối hợp các nguồn lực tài chính, đất đai, tài nguyên, lao động, công nghệ, cũng như các động lực mới từ khả năng quản trị, lòng tin và sự đồng thuận xã hội, tăng cường sức cạnh tranh vĩ mô và vi mô, nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế bền vững của Việt Nam trong hội nhập quốc tế.