Quản lý nợ công:

Ngừa tối đa lãng phí, chống đầu tư dàn trải

PV.

(Tài chính) Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng một lần nữa khẳng định nợ công vẫn trong tầm kiểm soát và chúng ta vẫn đủ khả năng cân đối nguồn trả nợ, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn của Nhà nước tích luỹ từ nội bộ nền kinh tế cho đầu tư phát triển còn chưa lớn, để có nguồn vốn đáp ứng cho nhu cầu phát triển của đất nước, cần phải huy động nguồn tài chính bổ sung cho đầu tư phát triển. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến nợ công gia tăng trong thời gian qua. Tuy nhiên, quản lý nợ công làm sao để an toàn, bảo đảm an toàn cho nền tài chính quốc gia là luôn câu hỏi lớn đặt ra đối với các nhà quản lý.

Trong phiên chất vấn chiều 10/5, nợ công tiếp tục trở thành vấn đề nóng, thu hút được nhiều sự quan tâm của các đại biểu quốc hội. Đại biểu Lê Thị Công (Bà Rịa-Vũng Tàu) bày tỏ nghi ngại nợ công không an toàn như Bộ Tài chính báo cáo trong khi nền kinh tế nhiều khó khăn, thu ngân sách thấp. Trong khi đó, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) lại băn khoăn về việc nợ Chính phủ bảo lãnh các doanh nghiệp nhà nước có được tính vào nợ công không?...

Chia sẻ nỗi băn khoăn của các đại biểu Quốc hội cũng như của người dân, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, nếu xét số tuyệt đối thì nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng lên. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ công trên GDP không thay đổi nhiều qua các năm. Cụ thể: Năm 2010 là 51,7%, năm 2011 là 50 %, năm 2012 là 50,8% và 2013 là 53,4%. Các tỷ lệ này nằm trong ngưỡng cho phép là 65%. Riêng nợ Chính phủ hiện nay là 44%, thấp hơn chỉ tiêu 55% mà Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, nợ công có an toàn hay không thì phải đánh giá về cơ cấu nợ công và khả năng trả nợ. “Trên cơ sở đánh giá các yếu tố này thì nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, thấp hơn chỉ tiêu mà Quốc hội và Chính phủ phê chuẩn”, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định. Theo đó, về cơ cấu nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay cơ bản là ưu đãi với thời gian đáo hạn còn lại khoảng 15 năm; 50% còn lại là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn phần lớn nằm trong khoảng từ 2-5 năm (thậm chí có khi chỉ trong 1 đến 3 năm). Do vậy, nếu như các khoản vay nước ngoài chưa đáng lo thì áp lực về vay mới để trả các khoản vay cũ trong nước là tương đối lớn. Nguyên nhân chủ yếu là do thị trường vốn trong nước còn chưa phát triển, đối tượng mua trái phiếu Chính phủ phần lớn là các ngân hàng thương mại trong khi cơ cấu nguồn vốn của các NHTM chủ yếu là không kỳ hạn hoặc có thời hạn ngắn. Tuy nhiên, cùng với tăng trưởng GDP thì khả năng trả nợ trong và ngoài nước tiếp tục được duy trì.

Đối với Việt Nam, theo quy định của Luật Quản lý nợ công hiện hành, nợ công bao gồm: nợ Chính phủ; nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương. Hiện nay, các khoản nợ của doanh nghiệp nhà nước được Chính phủ bảo lãnh, nợ vay về cho vay lại của Chính phủ đã được tính trong phạm vi nợ công. Các khoản vay nợ của doanh nghiệp không được tính trong nợ công bởi doanh nghiệp là người trực tiếp đi vay nợ để đầu tư và có nghĩa vụ trả nợ. Doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm trả nợ.

Thời gian qua, Bộ Tài chính thường xuyên đánh giá danh mục nợ công trên các chỉ tiêu đánh giá an toàn, đúng tinh thần Luật Quản lý nợ công. Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ để có giải pháp cơ cấu nợ công. Theo đó, Chính phủ sẽ phải tìm cách vay vốn ở trong và ngoài nước dài hạn, lãi suất thấp hơn nợ cũ để đảo nợ, trả nợ có lợi nhất.

Tại Báo cáo về nội dung tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIII gửi các đại biểu Quốc hội khóa XIII, với tổng mức dư nợ công hiện nay (54,1% GDP) và dự kiến bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2015 và giai đoạn 2016-2020 cũng như theo Kế hoạch Phát triển kinh tế xã hội của Quốc hội, Bộ Tài chính đã kiến nghị một số giải pháp trong thời gian tới, cụ thể:

Một là, thực hiện cân đối ngân sách tích cực, từng bước giảm bội chi ngân sách nhà nước so với GDP, bố trí nguồn để trả nợ trong nước, ngoài nước đến hạn hàng năm theo đúng cam kết.

Hai là, trong quá trình điều hành ngân sách nhà nước phấn đấu tăng thu để sử dụng một phần hợp lý để tăng chi trả nợ.

Ba là, có kế hoạch thực hiện cơ cấu lại nợ, giảm các khoản vay lãi suất cao, thời hạn ngắn, tăng trái phiếu trong nước có kỳ hạn dài (5 năm, 10 năm, 15 năm), lãi suất phù hợp với chỉ số lạm phát hiện nay.

Bốn là, thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ đối với các khoản vay về cho vay lại, các khoản bảo lãnh cho doanh nghiệp; định kỳ kiểm tra, xử lý kịp thời những vướng mắc, những vi phạm.

Năm là, tập trung xử lý các khoản nợ vay về cho vay lại trong quá trình tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cũng sẽ tiếp tục đánh giá, giám sát việc quản lý tiền vay trong, ngoài nước nhằm phòng ngừa tối đa lãng phí, chống đầu tư dàn trải không hiệu quả.