Sửa luật để tháo bỏ hết rào cản cho nhà đầu tư

GS., TS. Nguyễn Thị Mơ

(Tài chính) Tháo bỏ rào cản đầu tư để thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài là một trong những kết quả nổi bật và dễ nhận thấy nhất trong Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 8 vào cuối năm nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
So với Luật Đầu tư năm 2005, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) một mặt kế thừa những nguyên tắc tiến bộ, những quy định có tính phù hợp của Luật Đầu tư năm 2005, mặt khác đã sửa đổi căn bản và bổ sung nhiều quy định mới thông thoáng hơn, phù hợp hơn với nền kinh tế của Việt Nam hiện nay nói chung, với các cam kết quốc tế của Việt Nam về đầu tư nói riêng.

Bình đẳng trong chính sách - cơ sở pháp lý then chốt

Lần đầu tiên, kể từ khi ban hành Luật Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam năm 1987 (sửa đổi năm 1990, 1992, 1996, 2000) và Luật Khuyến khích đầu tư trong nước năm 1994 (sửa đổi năm 1998) cho đến khi Luật Đầu tư thống nhất được ban hành năm 2005, các nguyên tắc đầu tư được ấn định.

Điều 4 Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) quy định 4 nguyên tắc, trong đó có 2 nguyên tắc đặc biệt quan trọng, đó là: “Nhà đầu tư được thực hiện hoạt động đầu tư trong tất cả các lĩnh vực và ngành, nghề mà pháp luật không cấm…” (Điều 4.1).

Về pháp lý, đây là một quy định có tính cơ bản và nền tảng, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt toàn bộ nội dung của Luật.

Việc tuyên bố nhà đầu tư được thực hiện hoạt động đầu tư trong tất cả các lĩnh vực và ngành, nghề mà pháp luật không cấm, với ý nghĩa là một nguyên tắc và được chế định trong một đạo luật cho thấy chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về mở cửa trong hoạt động đầu tư đã được thể chế hóa thành pháp luật.

Bất cứ một DN hay một nhà đầu tư nào, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài đều hiểu rằng, một khi đường lối chính sách đã được luật hóa thì chính sách đó sẽ phải được thực thi một cách minh bạch.

Nguyên tắc trên góp phần tháo bỏ về mặt pháp lý, một cách căn bản mọi rào cản cả trên nguyên tắc lẫn trong thực tế.

Với các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, giờ đây, trước khi chuẩn bị đầu tư vào một ngành, nghề hay một lĩnh vực cụ thể nào đó tại Việt Nam, họ chỉ cần tìm hiểu về những lĩnh vực, ngành, nghề bị cấm theo quy định của pháp luật để loại chúng ra, còn lại, họ có thể nghiên cứu, phân tích và lựa chọn những lĩnh vực và ngành, nghề phù hợp để tiến hành đầu tư.

Để cụ thể hóa nguyên tắc này, Điều 12 quy định :“Nhà đầu tư được quyền lựa chọn lĩnh vực đầu tư, hình thức đầu tư, phương thức huy động vốn, địa bàn, quy mô đầu tư, đối tác đầu tư, thời hạn hoạt động của dự án đầu tư" và Điều 25 chỉ rõ các lĩnh vực, dự án cấm đầu tư.

Có thể nói chưa bao giờ pháp luật đầu tư của Việt Nam lại thông thoáng như vậy.

Nguyên tắc thứ hai,“Nhà nước đối xử bình đẳng trước pháp luật đối với các nhà đầu tư phù hợp với pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” (Điều 4.2) phù hợp với nguyên tắc quan trọng nhất theo cam kết quốc tế của Việt Nam về tự do hóa thương mại và đầu tư là “không phân biệt đối xử”.

Điều này cho thấy, một mặt Nhà nước ta quyết tâm xây dựng một môi trường đầu tư thông thoáng, bình đẳng; mặt khác đặt Chính phủ trước yêu cầu phải xóa bỏ các quy định mang tính chất bất bình đẳng giữa các nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế, các hình thức sở hữu khác nhau vẫn còn tồn tại đâu đó trong nhiều văn bản pháp luật hiện hành về đầu tư - những quy định mà nếu không loại bỏ thì bản thân chúng sẽ trái ngược với nguyên tắc nêu trên. Đây cũng là cơ sở pháp lý then chốt nhất để loại bỏ các quy định hạn chế trong chính sách đối xử bình đẳng của Nhà nước đối với các nhà đầu tư khi họ thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam.

Mở rộng hình thức huy động nguồn lực tài chính

Trong điều kiện nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, nguồn vốn Nhà nước hạn hẹp, tiến trình cổ phần hóa triệt để nhằm tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước đang được thực hiện quyết liệt, việc tháo bỏ rào cản trong các quy định về huy động các nguồn lực tài chính cho đầu tư để phát triển là rất cần thiết.

Để làm được điều đó, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định thông thoáng như mở rộng hình thức góp vốn và điều kiện vay vốn để thực hiện dự án đầu tư,“Nhà đầu tư được góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để vay vốn thực hiện dự án theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật có liên quan” (Điều 16).

Bổ sung hình thức đầu tư để các nhà đầu tư lựa chọn. Theo đó, ngoài các hình thức đầu tư được quy định trong Luật Đầu tư năm 2005, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã bổ sung hình thức đầu tư giữa hai đối tác công-tư, tức là các hình thức đầu tư giữa cơ quan Nhà nước với nhà đầu tư (Hợp đồng đối tác công tư PPP), trong đó có Hợp đồng Kinh doanh - Quản lý (O&M); Hợp đồng BOT, BTO, BT.

Cho phép nhà đầu tư tiếp tục được đầu tư vào dự án đầu tư mới (là dự án độc lập với dự án đang thực hiện) và dự án đầu tư mở rộng (là dự án đầu tư phát triển dự án đang thực hiện) nhằm mở rộng quy mô, nâng cao công suất, năng lực kinh doanh, đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

Dự luật cũng khẳng định, tất cả các nhà đầu tư bình đẳng trong các hoạt động tiếp cận, sử dụng vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, dịch vụ, hàng hóa do Nhà nước cung cấp hoặc kiểm soát; sử dụng đất đai và tài nguyên theo quy định của pháp luật và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; thuê hoặc mua thiết bị, máy móc, nguyên vật liệu, hàng hóa, dịch vụ ở trong nước và nước ngoài để thực hiện dự án đầu tư; tuyển dụng và sử dụng lao động Việt Nam; tuyển dụng và sử dụng lao động là người nước ngoài làm công việc quản lý, lao động kỹ thuật và chuyên gia theo nhu cầu sản xuất, kinh doanh.

Loại bỏ vướng mắc về điều kiện và thủ tục đầu tư

Nếu như Luật Đầu tư năm 2005 còn tồn tại những quy định hạn chế đối với nhà đầu tư nước ngoài, thì Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định thông thoáng hơn.

Chẳng hạn, theo Luật Đầu tư năm 2005, nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Căn cứ vào đó thì ngay cả khi nhà đầu tư nước ngoài chỉ bỏ một lượng vốn rất nhỏ, ví dụ 1% vốn trong doanh nghiệp thành lập tại Việt Nam, cũng được coi là nhà đầu tư nước ngoài và phải tuân theo các quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam (quy định về điều kiện và thủ tục đăng ký đầu tư, về giải quyết tranh chấp, về lĩnh vực đầu tư có điều kiện…). Quy định này vô hình trung làm cho môi trường đầu tư tại Việt Nam kém hấp dẫn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Để tháo “nút thắt” này, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) đã quy định rõ hơn về nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, khoản 3 Điều 3, “Nhà đầu tư nước ngoài là nhà đầu tư thuộc một trong các trường hợp sau: Cá nhân nước ngoài; tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài; tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam có cá nhân, tổ chức quy định tại điểm a và b Khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên; công ty hợp danh có cá nhân nước ngoài làm thành viên; tổ chức thành lập và hoạt động tại Việt Nam có tổ chức, cá nhân quy định tại điểm a, b, và c Khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên”.

Việc liệt kê nhằm xác định rõ những trường hợp như thế nào được gọi là nhà đầu tư nước ngoài đã góp phần loại bỏ các vướng mắc trong việc áp dụng các quy định về điều kiện và thủ tục đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài, từ đó cũng tạo sự hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.

Dự thảo Luật cũng không hạn chế quyền sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài  đối với vốn điều lệ. “Nhà đầu tư nước ngoài được sở hữu vốn điều lệ không hạn chế trong doanh nghiệp, trừ các trường hợp được quy định tại điểm a.b, c, d của Điều này” (khoản 2 Điều 19); không hạn chế hình thức thành lập doanh nghiệp của nhà đầu tư nước ngoài khi thành lập doanh nghiệp để hoạt động tại Việt Nam (khoản 3 Điều 19).

Đồng thời với đó là việc nới rộng các quy định về góp vốn, mua lại phần vốn góp,“Nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn, mua lại phần vốn góp hoặc mua cổ phần của doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam phù hợp với tỷ lệ sở hữu vốn và điều kiện quy định tại Khoản 2, 3 Điều 19 và Khoản 2 Điều 24 Luật này” (khoản 2 Điều 21); và tuyên bố “Nhà nước bảo đảm đối xử không phân biệt giữa nhà đầu tư trong nước với nhà đầu tư nước ngoài và giữa các nhà đầu tư nước ngoài trong hoạt động đầu tư phù hợp với điều kiện quy định tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên” (khoản 1 Điều 7).

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) nếu được thông qua sẽ thay thế Luật Đầu tư năm 2005, góp phần tạo lập môi trường pháp lý phù hợp; tạo sự thông thoáng, bình đẳng trong môi trường kinh doanh của các doanh nghiệp - nhà đầu tư, hướng tới gia tăng thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài.