“Tái cơ cấu để không thể nghèo mãi như thế này được”

Minh Hà

(Tài chính) Đó là khẳng định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 7, chiều 30/7.

Toàn cảnh buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ. Nguồn: Nhật Bắc
Toàn cảnh buổi họp báo của Văn phòng Chính phủ. Nguồn: Nhật Bắc

Chia sẻ một số thông tin về tình hình kinh tế vĩ mô đang có dấu hiệu tốt lên, người phát ngôn Chính phủ cho biết, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sau mấy tháng âm thì tháng 7/2013 đã tăng lên 0,27% so với tháng trước và tăng 2,68% so với tháng 12 năm ngoái. Như vậy, so với năm 2012 và năm 2011, mục tiêu Quốc hội đặt ra là năm 2013 kiềm chế lạm phát thấp hơn (khoảng 7%) là khả thi.

“Bài toán” tái cơ cấu và nguy cơ tụt hậu

Trả lời báo giới về tiến trình tái cơ cấu của Chính phủ trong thời gian vừa qua, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: “Quyết tâm và phương hướng tái cơ cấu nền kinh tế để Việt Nam phát triển nhanh hơn, để chúng ta không thể nghèo mãi như thế này được, là quyết tâm của tất cả các thành viên Chính phủ, của cả hệ thống chính trị”.

Theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam, trong phiên họp thường kỳ tháng này, Chính phủ đã dành nhiều thời gian thảo luận và tìm ra những giải pháp đẩy mạnh tái cơ cấu trên cơ sở xem xét tổng thể nền kinh tế từ những khâu vĩ mô, ở tầm quốc gia đến những việc rất chi tiết. Ví dụ trong doanh nghiệp là tái cơ cấu sản phẩm, thay đổi cung cách điều hành. Đây là việc làm rất lớn, là một quá trình.

“Việc tái cơ cấu đầu công bắt đầu cho thấy hiệu quả rõ nét, chuyển từ hàng năm sang trung hạn. Chính phủ mong muốn người dân cùng giám sát, ủng hộ để tái cơ cấu hiệu quả hơn”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam, chia sẻ.

Chính phủ đã xây dựng đề án tái cơ cấu kinh tế trình Quốc hội nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng đề án này chưa cụ thể, chưa có thay đổi. Nhưng chúng ta đã bàn bạc và thống nhất tái cơ cấu là quá trình làm toàn diện từ chính sách vĩ mô, đến nếp làm việc của từng con người, từng cơ sở sản xuất.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam lấy dẫn chứng về nghịch lý tái cơ cấu, cách đây 20 năm thì yêu cầu của chúng ta rất đơn giản. Bạn nào tuổi đã trên 30 chắc lúc đó chỉ mơ ước có ti vi, không nghĩ cần có điều hòa, mơ ước có xe máy không nghĩ phải có ô tô. Nhưng hiện nay, nhu cầu mở ra, thế giới có gì chúng ta cũng yêu cầu như thế nhưng nguồn lực của chúng ta lại theo sau họ rất nhiều. Cân đối làm sao thì đấy là một vấn đề.

Lý giải thêm, người phát ngôn Chính phủ dẫn câu chuyện giá điện. “Về giá điện, giá xăng dầu nhiều người bức xúc cho rằng không thể so sánh giá Việt Nam với giá quốc tế trong khi thu nhập của chúng ta chỉ bằng 1/10 của họ nhưng họ cũng dùng những tivi, điều hòa giống chúng ta, liệu có tivi, điều hòa nào có tiêu chuẩn thấp hơn để chúng ta dùng hay không”

Nêu ra những quyết tâm thực hiện đề án tái cơ cấu, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định, tất cả các thành viên Chính phủ và cả hệ thống chính trị đều đồng tâm là phải tái cơ cấu, phải tiếp tục đổi mới, cả nhân dân cũng vậy. Nếu chúng ta không đổi mới, không tái cơ cấu mạnh mẽ thì chúng ta không vượt lên được, và không phải nguy cơ tụt hậu mà tụt hậu thật vì các nước xung quanh cũng phát triển rất nhanh, xuất phát điểm của họ lại cao hơn.

Tồn kho có xu hướng giảm, doanh nghiệp “hồi sinh” tăng

Theo thông cáo báo của Văn phòng Chính phủ tháng 7/2013, tăng trưởng các ngành kinh tế tiếp tục chuyển biến tích cực. Chỉ số sản xuất công nghiệp quý I/2013 tăng 4,5%, quý II/2013 tăng 6% và tháng 7/2013 tăng 7%; tính chung 7 tháng tăng 5,2%. Mức tăng tồn kho tiếp tục xu hướng giảm. Cụ

“Tại phiên họp, nhiều thành viên Chính phủ cho rằng từ nay không cần nói tới tồn kho nữa. Bởi các doanh nghiệp đã điều chỉnh sản lượng, hiện chỉ số này đã về mức bình thường”.

Bộ trưởng Vũ Đức Đam.

thể chỉ số tồn kho của ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo tại thời điểm 1/7/2013 ước tăng 8,8% so với cùng thời điểm năm trước, giảm mạnh so với mức 9,7% tại thời điểm 1/6/2013. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng. Cụ thể, 5 tháng đầu năm 2013 tăng 4,8%, 6 tháng tăng 7,6% và 7 tháng tăng 8,4%. Tốc độ tăng số doanh nghiệp ngừng hoạt động có xu hướng giảm dần. Số doanh nghiệp tạm ngừng đã quay trở lại hoạt động tăng qua từng tháng: 4 tháng khoảng 8.300; 5 tháng khoảng 8.800, 6 tháng khoảng 9.300 và 7 tháng khoảng 10.000 doanh nghiệp.

“Kết quả này cho thấy các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đang phát huy tác dụng, củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp”, thông tin từ Văn phòng Chính phủ nhận định.

Tuy nhiên, theo người phát ngôn của Chính phủ, cái khó bao trùm hiện nay chính là sức mua của dân vẫn kém. Thông thường, sức mua hay nhu cầu thấp thì phải tăng cầu nhưng nếu không cẩn thận, việc tăng cầu có thể gây lạm phát.

Gần đây, Chính phủ đã đề nghị các nhà kinh tế trong và ngoài nước tập trung phân tích, có nhiều ý kiến nhưng tựu chung lại là trong thời gian tới, chúng ta phải đặt mục tiêu, điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ bám vào mục tiêu dài hạn hơn, cố gắng kiềm chế lạm phát ở mức 7%, đưa tốc độ tăng trưởng nhích dần lên.

Bên cạnh đó, trong điều hành không chạy theo mục tiêu kiềm chế lạm phát xuống mức thấp ngay lập tức, đưa tăng trưởng tăng cao ngay mà điều quan trọng là giữ ổn định vĩ mô, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, tạo đà cho các bước tiếp theo.

Đảm bảo kế hoạch thu – chi ngân sách nhà nước

Trả lời báo giới về xu hướng thu ngân sách nhà nước (NSNN) trong mấy năm gần đây giảm, Bộ trưởng Vũ Đức Đam khẳng định: “Chính phủ quyết tâm phấn đấu năm nay vẫn đảm bảo kế hoạch thu chi, không để bị vỡ kế hoạch”.

Giải thích rõ hơn về xu thể giảm thu NSNN, Bộ trưởng Vũ Đức Đam dẫn chứng như tổng sản phẩm quốc nội (GDP), bình thường 1 năm là tạo ra thêm 100 đồng từ thu chủ yếu qua thuế, trước đây có thời gian là 30 đồng, như vậy, người ta nói thu nhiều thế là tận thu, mà phải cố gắng thu ít  để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu trong dài hạn. Tỷ lệ huy động cho ngân sách như vậy bây giờ giảm dần đi, đấy là đúng xu thế.

Theo người phát ngôn Chính phủ, hàng năm, Chính phủ đều xây dựng, trình Ban chấp hành Trung ương, Quốc hội kế hoạch hàng năm, trong đó có phần rất quan trọng là đánh giá năm nay chi, thu bao nhiêu, sang năm tới với đà phát triển như vậy thì phải thu, chi bao nhiêu. Nguyên tắc thu bao nhiêu chi bấy nhiêu. Còn chi nhiều hơn thu thì phải đi vay, mà chúng ta gọi là thâm hụt ngân sách.

“Chính phủ năm nào cũng phải cố gắng, dù khó mấy cũng cố đạt kế hoạch thu chi NSNN”, Bộ trưởng, khẳng định.

Chỉ ra những nguyên nhân dẫn đến thu NSNN khó khăn, theo Bộ trưởng Vũ Đức Đam là do tình hình sản xuất khó khăn, giảm dần các sắc thuế, hội nhập thì lộ trình chung là thuế giảm và một số mặt hàng thuế suất không giảm nhưng giá trị giảm. Hơn nữa, trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn nên chúng ta có một loạt giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong đó có giãn, giảm, miễn một số sắc thuế, nên  ảnh hưởng đến thu ngân sách.

“Chính phủ quyết tâm phấn đấu năm nay vẫn đảm bảo kế hoạch thu – chi NSNN, không để bị vỡ kế hoạch”, Bộ trưởng Vũ Đức Đam, nhận định./.