Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Thái Nguyên trong bối cảnh hiện nay


Kể từ năm 1993, từ dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đầu tiên của nhà đầu tư Singapore (với tổng vốn đầu tư trên 21,7 triệu USD) có mặt trên địa bàn, đến nay, tỉnh Thái Nguyên đã có 131 dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 7,29 tỷ USD của 9 quốc gia, đưa Thái Nguyên trở thành một trong số các tỉnh miền núi phía Bắc thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất.

Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Nguồn: Internet
Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Nguồn: Internet

Bài viết đánh giá những kết quả và lợi ích mà các dự án vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đem lại cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên để thấy rõ hơn về chiến lược thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài của Thái Nguyên hiện nay.

Thực trạng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Thái Nguyên

Bên cạnh các nguồn vốn trong nước, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) là một trong những nguồn vốn quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên. Thời gian qua, nguồn vốn này đã đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tính đến thời điểm hiện tại, Thái Nguyên được đánh giá là một trong những địa phương thu hút FDI lớn và hiệu quả nhất trong số các tỉnh miền núi phía Bắc.

Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư Thái Nguyên cho thấy, giai đoạn từ năm 1993 - 2011, thu hút FDI trên địa bàn chỉ tăng trưởng trung bình từ 1 - 2 dự án/năm và tính chung cả giai đoạn này Thái Nguyên chỉ thu hút được 23 dự án với tổng vốn đầu tư 106,8 triệu USD. Tuy nhiên, từ năm 2012 trở lại đây, tốc độ thu hút FDI tại Thái Nguyên đã tăng vượt bậc, nhất là vào năm 2013, khi Tập đoàn Samsung (Hàn Quốc) triển khai dự án đầu tư Tổ hợp công nghệ cao Samsung chuyên sản xuất điện thoại di động và các sản phẩm điện tử công nghệ cao tại Khu công nghiệp Yên Bình (thị xã Phổ Yên) đã đưa Thái Nguyên trở thành địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút FDI với 22 dự án cấp mới với tổng vốn trên 3,4 tỷ USD. Nhờ "hiệu ứng" thu hút đầu tư từ tập đoàn điện tử hàng đầu thế giới và các doanh nghiệp (DN) FDI sản xuất sản phẩm phụ trợ cho Samsung.

Trong giai đoạn từ 2012 - 2017, thu hút FDI ở Thái Nguyên đã tăng gấp 6 lần về số lượng và tăng xấp xỉ 70 lần về vốn đầu tư so với cả giai đoạn 1993 - 2012.

Thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại tỉnh Thái Nguyên trong bối cảnh hiện nay - Ảnh 1

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2016 là năm có số dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư nhiều nhất trong 3 năm gần đây (2015-2017). Tính lũy kế đến hết năm 2017, Thái Nguyên đã thu hút được 130 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký 7,4 tỷ USD, đứng thứ 11 trên cả nước. Đáng chú ý, việc thu hút FDI của Thái Nguyên mới chỉ thực sự tăng mạnh trong những năm gần đây với đóng góp không nhỏ của tổ hợp công nghệ cao Samsung. Bên cạnh những dự án FDI, Thái Nguyên còn có rất nhiều dự án quy mô lớn, có thể kể tới như: Dự án Volfram Núi Pháo của tập đoàn Masan, dự án TNG, dự án Nhiệt điện An Khánh; Dự án Hồ Núi Cốc, cũng như hàng loạt các công ty vệ tinh cho Samsung đã góp phần quan trọng giúp Thái Nguyên "thay da đổi thịt" những năm qua.

Việc có nhiều DN lớn đầu tư trên địa bàn cũng kéo theo một lượng lớn lao động đến làm việc trên địa bàn Tỉnh. Theo thống kê, lượng công nhân của Nhà máy Samsung Thái Nguyên vào khoảng 66.500 người, Tập đoàn Masan với gần 10.000 người, cũng như hàng chục nghìn lao động, sinh viên tại các DN, trường đại học đang đóng trên địa bàn…

Để có được những kết quả vượt bậc trong thu hút đầu tư FDI, ngoài những yếu tố "thiên thời, địa lợi", thời gian qua, chính quyền tỉnh Thái Nguyên còn chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và chỉ số quản lý hành chính công. Kết quả, trong những năm vừa qua, môi trường đầu tư kinh doanh tại Thái Nguyên được cải thiện rõ rệt, góp phần lan tỏa các chính sách nhà nước, tăng cường sự quan tâm của các cấp chính quyền địa phương để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tập đoàn kinh tế lớn và cả những DN vừa và nhỏ; đồng thời, huy động các nguồn vốn cho hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và các khu công nghiệp trọng điểm như: Điềm Thụy, Yên Bình, Nam Phổ Yên.

Bên cạnh đó, Tỉnh ban hành nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ các nhà đầu tư thật sự có năng lực về tài chính cũng như năng lực về chuyên môn, đặc biệt là quan tâm đến các lĩnh vực mà Tỉnh đang tập trung đầu tư, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ... Các cấp chính quyền đã tích cực đồng hành cùng nhà đầu tư, đảm bảo môi trường an ninh bền vững, tạo sự yên tâm cho các nhà đầu tư hoạt động, phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, gắn bó lâu dài với Thái Nguyên.

Từ việc Công ty Samsung quyết định đầu tư tại Thái Nguyên cho thấy, tính hiệu quả từ các chính sách của Đảng và Nhà nước cũng như chiến lược thu hút FDI của tỉnh Thái Nguyên so với các địa phương khác trong cả nước, cụ thể:

Thứ nhất, khi đặt vấn đề xây dựng nhà máy mới, Samsung đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ phía Chính phủ Việt Nam về hạ tầng cơ sở nếu chọn Thái Nguyên. Đó là cam kết xây dựng đường cao tốc chạy qua khu vực dự án tại Phổ Yên, cung cấp đầy đủ điện, nước, đảm bảo cho sự vận hành của nhà máy.

Thứ hai, Thái Nguyên có nguồn nhân lực dồi dào và là trung tâm đào tạo lớn thứ ba của cả nước.

Thứ ba, thiện chí của chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã cam kết tạo những điều kiện tốt nhất cho Samsung.

Thứ tư, Thái Nguyên cũng là địa phương giàu tài nguyên thiên nhiên, có nhiều nguyên vật liệu phục vụ cho quá trình phát triển tại chỗ của các tập đoàn kinh tế và các DN FDI.

Tương tự trường hợp của Samsung, mới đây, trong cuộc tiếp xúc với báo chí địa phương, ông Song Yu Hoon, Giám đốc hành chính Công ty TNHH Glonics Việt Nam (thuộc Tập đoàn Bujeon Hàn Quốc), là DN chuyên sản xuất loa và tai nghe cho một số hãng điện thoại cũng khẳng định rằng: Việc DN chọn xây dựng nhà máy sản xuất tại phường Phú Xá, TP. Thái Nguyên là một quyết định đúng đắn. Lý do là bởi kể từ năm 2012, khi DN triển khai dự án đầu tư tại Thái Nguyên đến nay, Công ty đã được chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi về mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật phục vụ dự án. Thời gian đầu, do một số chính sách và việc thực thi chính sách đối với công ty nước ngoài còn chưa rõ ràng, lúng túng, khiến Công ty phải giải trình nhiều lần, thì nay nhờ sự hỗ trợ của chính quyền địa phương những vướng mắc đó đã không còn, nhất là những vấn đề liên quan đến lĩnh vực thuế. Hiện nay, Công ty TNHH Glonics thường xuyên duy trì số lượng lao động khoảng 7.000 người. Mục tiêu mà Công ty hướng đến đó là sẽ chế tạo được máy móc phục vụ cho sản xuất ngay tại Thái Nguyên, thay vì phải nhập khẩu như lâu nay.

Thuận lợi và khó khăn trong thu hút FDI tại Thái Nguyên

Những lợi ích khi đẩy mạnh thu hút FDI

Bên cạnh cơ chế khung của Chính phủ, tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo quyết liệt, phát huy những lợi thế của Tỉnh nên dòng FDI vào địa phương này ngày một tăng cao. Những lợi ích nổi bật mà Tỉnh đạt được từ nỗ lực đẩy mạnh thu hút FDI gồm:

Thứ nhất, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Do có bước nhảy vọt trong thu hút FDI vào địa phương nên nguồn vốn này đã góp phần quan trọng vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của Tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) các năm gần đây của Tỉnh đều đạt trên 12%, cao hơn mức tăng trưởng trung bình của cả nước. Giá trị sản xuất công nghiệp, giá trị xuất khẩu trên địa bàn và thu ngân sách hàng năm đạt và vượt kế hoạch; trong đó, đóng góp của các DN có vốn đầu tư nước ngoài hàng năm chiếm từ 15 - 18% tổng thu ngân sách của Tỉnh. Tính riêng giai đoạn từ 2015 - 2017, DN FDI đã đóng góp trên 5.300 tỷ đồng cho ngân sách Tỉnh.

Cũng nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của các DN FDI, từ năm 2013 đến nay, Thái Nguyên được đánh giá là một trong số ít các tỉnh miền núi phía Bắc có giá trị xuất khẩu đạt tới con số hàng tỷ USD. Riêng năm 2017, giá trị xuất khẩu của Tỉnh đạt hơn 25 tỷ USD, tăng 30% so với giá trị xuất khẩu của khối DN FDI năm 2016.

Thứ hai, tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động trên địa bàn Thái Nguyên và các tỉnh lân cận: Ngoài đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, các dự án FDI còn góp phần tạo nhiều công ăn việc làm ổn định cho lao động tỉnh Thái Nguyên và một số tỉnh lân cận. Nếu như năm 2013, số lao động của khu vực đầu tư nước ngoài ở Thái Nguyên mới chỉ là hơn 10.200 người thì đến năm 2015 đã tăng lên hơn 37.800 lao động. Hiện tại, số lao động của khối DN FDI ở Thái Nguyên đã đạt trên 112 nghìn người...

Các dự án FDI của Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore đã góp phần đưa Thái Nguyên từ một Tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp chủ yếu trông chờ vào công nghiệp luyện kim, khai khoáng đã dịch chuyển sang công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ. Tính chung 5 năm gần đây, giá trị sản xuất công nghiệp của Tỉnh tăng trên 80%/năm; trong đó, giá trị sản xuất công nghiệp của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỷ trọng trên 90%.

Tồn tại, hạn chế trong thu hút FDI vào Thái Nguyên

Mặc dù, thu hút FDI vào Thái Nguyên đã có những bước đột phá quan trọng, song trong quá trình thực hiện đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút đầu tư phát triển bền vững, cụ thể:

Thứ nhất, về cơ chế, chính sách: Giá thuê đất có hạ tầng một lần tăng nhanh đã ảnh hưởng trực tiếp đến thu hút FDI vào địa bàn.

Thứ hai, việc triển khai bồi thường giải phóng mặt bằng khu công nghiệp và khu tái định cư phụ thuộc vào nguồn tiền ứng trước tiền thuê đất có hạ tầng nộp một lần của các DN thứ cấp vào khu công nghiệp, nên công tác bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn gặp khó khăn và chưa đáp ứng ngay được yêu cầu về mặt bằng sạch của các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời cũng chưa đáp ứng ngay được yêu cầu tái định cư của người dân có đất bị thu hồi…

Vấn đề đặt ra đối với thu hút FDI vào tỉnh Thái Nguyên

Thái Nguyên có tiềm năng lớn về tài nguyên khoáng sản với nhiều chủng loại và trữ lượng lớn như than, ti tan, thiếc, chì, vàng, đồng, vonfram. Tuy nhiên, những tiềm năng này không thể thành hiện thực nếu Thái Nguyên không có một tầm nhìn đúng và các giải pháp hiệu quả. Để phát huy các thế mạnh của Tỉnh, tiếp tục thu hút mạnh mẽ FDI, Thái Nguyên cần triển khai các giải pháp sau:

Một là, phải xác định cho mình một tầm nhìn chiến lược trong phát triển, cân nhắc bốn định hướng lớn; Cần định hướng trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ, sáng tạo hàng đầu của miền Bắc và đất nước trong mối liên kết chặt chẽ giữa DN FDI và DN dân doanh.

Hai là, tận dụng, phát huy vai trò động lực, vai trò đầu tàu của Samsung, tạo lan tỏa tích cực, thu hút nhiều DN đầu tư nước ngoài vào những ngành công nghệ cao, xây dựng liên kết bền vững và nâng cao năng lực tham gia vào mạng sản xuất đối với cộng đồng DN trong nước.

Thứ ba, cần đa dạng hóa nền kinh tế với 3 trụ cột chính là: Phát triển công nghiệp công nghệ cao với nòng cốt là công nghiệp điện tử, công nghiệp phụ trợ có liên quan; dịch vụ du lịch, trong đó, phát triển giáo dục, đào tạo, dịch vụ y tế từng bước trở thành ngành quan trọng của kinh tế địa phương; và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Thứ tư, song song với tăng trưởng kinh tế, Thái Nguyên cũng cần có giải pháp trong phát triển bền vững cả kinh tế - xã hội và môi trường; quy hoạch đô thị có tầm nhìn dài hạn, xây dựng chính quyền thân thiện, môi trường đầu tư thông thoáng, hạ tầng giao thông thông suốt, tích hợp, tiện lợi, môi trường sống trong lành, an toàn, trở thành tỉnh có sức hấp dẫn cho các nhà đầu tư định cư và làm ăn lâu dài.

Trong chiến lược thu hút đầu tư FDI ở giai đoạn tiếp theo, Thái Nguyên xác định, cần thu hút đầu tư nhiều hơn các nhà đầu tư từ châu Âu và Mỹ để đa dạng hóa nguồn vốn FDI.         

Tài liệu tham khảo:

  1. Báo cáo kết quả kinh tế xã hội năm 2015, 2016, 2017 của tỉnh Thái Nguyên;
  2. Như Chính (2017), Hơn 46.000 tỷ đồng vốn cam kết đổ vào Thái Nguyên, Báo Đầu tư;
  3. Hoàng Thảo Nguyên (2018), Thái Nguyên và chiến lược thu hút FDI "thế hệ mới", bnews.vn;
  4. Các website: dautunuocngoai.gov.vn, gso.gov.vn, tapchitaichinh.vn, vccinews.vn…