Tiền đề thúc đẩy đột phá chiến lược

Theo chinhphu.vn

(Tài chính) Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch năm 2015 có tác động như một thông điệp đối với các nhà quản lý điều hành, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội trong năm nay cũng như tạo đà cho kế hoạch 5 năm tới.

Trong nhiều căn cứ để xây dựng kế hoạch theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ thì đánh giá khả năng thực hiện năm 2014, mục tiêu tổng quát và các chỉ tiêu năm 2015 là một căn cứ rất quan trọng.

Về năm 2014, mặc dù mới qua 5 tháng, nhưng một số chỉ tiêu được nhiều chuyên gia đánh giá là có thể đạt và vượt kế hoạch.

Thực hiện tốt kế hoạch năm 2014 để tạo tiền đề

Tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu theo chỉ tiêu kế hoạch năm tăng 10% (hay đạt 145 tỷ USD), nhưng sau 6 tháng đã đạt 70,9 tỷ USD, tăng 14,9%. Cũng theo mục tiêu 2014, tỷ lệ nhập siêu so với xuất khẩu khoảng 6% (tính ra mức nhập siêu khoảng trên 8,7 tỷ USD); nhưng 6 tháng đã xuất siêu 1,3 tỷ USD, nên khả năng cả năm sẽ không nhập siêu, trái lại có thể còn xuất siêu và đây sẽ là năm thứ 3 liên tiếp xuất siêu.

Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) theo mục tiêu là 7%; sau 5 tháng mới tăng 1,08%, khả năng cả năm sẽ tăng dưới 6% và đây là năm thứ 4 liên tiếp CPI tăng chậm lại. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển/GDP và tỷ lệ bội chi ngân sách/GDP có khả năng thấp hơn kế hoạch đề ra. Riêng về tăng trưởng GDP, nhiều dự đoán sẽ đạt cao hơn năm trước (5,42%) và đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra (5,8%).

Điều quan trọng là nếu tăng trưởng đúng như dự đoán (đạt kế hoạch và cao hơn năm trước) trong điều kiện tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đạt thấp hơn (dưới 30% so với 30,4% của năm trước và 30% của kế hoạch năm nay), trong điều kiện tốc độ tăng số lao động đang làm việc thấp hơn, thì kết quả đó là đáng khích lệ vì đạt được trong điều kiện nâng cao hiệu quả đầu, nâng cao năng suất lao động. Hiệu quả đầu tư biểu hiện bằng hệ số ICOR (ICOR tăng lên thì hiệu quả đầu tư giảm, ICOR giảm xuống thì hiệu quả đầu tư tăng), nếu năm truớc là 5,6 lần, thì khả năng năm nay có thể chỉ còn 5,1 lần. Năng suất lao động, tính theo giá so sánh nếu năm trước tăng 3,83%, thì năm nay có thể tăng cao hơn (khoảng 4%).

Một biểu hiện đáng khích lệ khác là so với năm trước, tăng trưởng GDP cao hơn và lạm phát thấp hơn. Điều đó chứng tỏ năm 2014 đã đạt kết quả kép, tạo tiền đề cho việc xây dựng và thực hiện kế hoạch năm 2015 theo Chỉ thị về việc xây dựng kế hoạch năm 2015.

Hai mục tiêu chủ yếu

Mục tiêu tổng quát của năm 2015 về kinh tế được đề ra trong Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ là: “Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao hiệu quả, bảo đảm nền kinh tế phát triển bền vững...”.

Mục tiêu tổng quát trên về cơ bản có sự thống nhất so với mục tiêu tổng quát chung của thời kỳ 2014-2015 đã được Chính phủ đề cập tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013, song về chỉ tiêu cụ thể, Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đề cập đến 2 chỉ tiêu chủ yếu nhất, đó là tăng trưởng kinh tế và thu ngân sách, với những điểm nhấn của hai chỉ tiêu này.

Vấn đề được đặt ra ở đây là mục tiêu tổng quát đặt việc tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô ở vị trí thứ nhất; đặt việc kiểm soát lạm phát ở vị trí thứ 2. Tăng trưởng kinh tế tuy được đặt ở vị trí thứ 3 (và phải phát triển bền vững trên cơ sở thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng) nhưng về chỉ tiêu cụ thể lại là nội hàm của “phục hồi tăng trưởng”.

Người viết cho rằng cần đưa cụm từ “phục hồi đà tăng trưởng” vào mục tiêu tổng quát, bởi nhiều lẽ.

Số liệu thống kê lịch sử cho thấy, tốc độ tăng GDP theo chỉ tiêu kiểm tra xây dựng kế hoạch năm 2015 (6-6,2%), chỉ thấp thua tốc độ tăng của năm 2011, còn cao hơn so với 3 năm, kể từ 2012 đến nay. Cụ thể:

TỐC ĐỘ TĂNG GDP TỪ 2011 ĐẾN NAY
 Tiền đề thúc đẩy đột phá chiến lược - Ảnh 1
Nguồn: 2011- 2013: Tổng cục Thống kê; Kế hoạch 2014: Quốc hội; Số kiểm tra kế hoạch 2015: Thủ tướng Chính phủ
 “Phục hồi tăng trưởng” trong năm 2015 có ý nghĩa “gồng gánh” cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2011-2015. Nếu thực hiện được kế hoạch năm 2014 và số mục tiêu của kế hoạch năm 2015 như trên, thì tốc độ tăng GDP bình quân năm trong 5 năm 2011- 2015 mới đạt 5,74- 5,78%, vẫn thấp so với mục tiêu kế hoạch 5 năm đề ra.

Phục hồi tăng trưởng trong năm 2015 còn là tiền đề, tạo đà cho việc phục hồi tốc độ tăng trưởng cao hơn nữa trong kế hoạch 5 năm tiếp theo (mục tiêu tổng quát của Chiến lược 10 năm là đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020- đúng vào năm cuối kỳ kế hoạch 5 năm tới).

Phục hồi tăng trưởng kinh tế để tạo tiền đề thực hiện các mục tiêu phát triển xã hội môi trường, tạo tiền đề thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện để Việt Nam khắc phục nguy cơ tụt hậu xa hơn so với nhiều nước; là cơ sở để thu và cân đối thu, chi ngân sách, bởi nếu GDP là hiệu quả thì thu ngân sách là hiệu quả của hiệu quả. “Chiếc bánh” GDP có to ra thì phần được chia của ngân sách Nhà nước, tuy tỷ lệ không tăng, thậm chí có thể nhỏ hơn trước, nhưng quy mô tuyệt đối vẫn có thể lớn hơn trước.

Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã đưa ra một số chỉ tiêu về ngân sách. Đó là: Huy động vào ngân sách Nhà nước từ thuế, phí khoảng 18 -19% GDP; thu nội địa (không kể thu từ dầu thô, thu tiền sử dụng đất) tăng bình quân 14 - 16% so với ước thực hiện năm 2014 (loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách); thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng 6-8% so với ước thực hiện năm 2014.

Tỷ lệ tổng thu ngân sách Nhà nước/GDP năm 2010 ở mức rất cao lên đến 27,3%; năm 2011 đã giảm xuống nhưng vẫn khá cao (26%); năm 2013 còn 22,9%, năm 2013 còn 22,1; quý I/2014 lại cao trở lại lên đến 25,8%.

Tỷ lệ huy động thuế và phí vào ngân sách mấy năm nay giảm xuống (năm 2011 đạt khoảng 21,6%; năm 2012, 2013 đạt trên dưới 18,5%). Theo đó, tỷ lệ của kế hoạch năm 2015, tuy thấp hơn những năm trước kia, nhưng vẫn cao hơn từ năm 2012 đến nay.

Tốc độ tăng thu nội địa (không kể dầu thô, thu tiền sử dụng đất) kế hoạch năm 2015 ở mức 14-16% cũng không phải là thấp, mà cao hơn tốc độ tăng trưởng của thời kỳ 2010 - 2013 (13,7%/năm).

Thu ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu theo chỉ tiêu 2015 tăng 6 - 8%, tương đương với tốc độ tăng bình quân năm trong thời kỳ 2010- 2013 (7,4%), nhưng cần đặt trong điều kiện thuế suất hàng nhập khẩu sẽ được cắt giảm theo cam kết hội nhập.

Kế hoạch năm 2015 tuy mới là con số mục tiêu nhưng cũng có tác động như một thông điệp đối với các nhà quản lý điều hành, doanh nghiệp và người dân.

Nội lực mang tính chất quyết định

Về xây dựng kế hoạch năm 2015, ngoài các nội dung theo thông lệ, cần quan tâm đến diễn biến mới sau việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước ta trên Biển Đông.

Trung ương Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương, giải pháp lớn và cụ thể. Riêng về kinh tế, người viết xin được nhấn mạnh lại những quan điểm của Đảng và Nhà nước ta xuyên suốt từ hơn 20 năm qua và càng quan trọng hơn vào lúc này.

Quan điểm thứ nhất, trong mối quan hệ giữa nội lực và ngoại lực thì ngoại lực rất quan trọng, nhưng nội lực là quyết định. Lớn mạnh hay không là ở nội lực; có thu hút được vốn đầu tư và sử dụng hiệu quả hay không thì nội lực phải mạnh. Nội lực là tiền đề để bảo đảm chủ quyền quốc gia, nếu không sẽ là lệ thuộc, không nước này cũng là nước khác; phải khắc phục cho được tính chất gia công, tránh mắc phải tình trạng “tiêu thụ hộ, xuất khẩu giùm”, tiếp tục đẩy mạnh ưu tiên dùng hàng Việt Nam; nâng cao lòng tin vào đồng tiền quốc gia, không dao động trước tin đồn.

Quan điểm thứ hai, trong quan hệ với nước ngoài, cần thực hiện chủ trương đa dạng hóa, đa phương hóa. Về xuất khẩu, một mặt tranh thủ thị trường lớn, nhưng tránh “bỏ trứng vào một giỏ”, mặt khác cần khai thác các thị trường khác. Về nhập khẩu, nhập siêu tránh ham rẻ mà phụ thuộc vào một vài thị trường, nhất là Trung Quốc.

Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, cần thu hút vốn thiết bị kỹ thuật -công nghệ ở các thị trường có công nghệ nguồn, tránh nhập khẩu thiết bị cũ, công nghệ thải loại trong quá trình chuyển giao sẽ gây nên tình trạng phụ thuộc, vừa kém sức cạnh tranh, tụt hậu.

Một điểm nữa rất quan trọng là đất nước ta có vị thế “đứng trước biển” và hiện đang bị lấn biển, thì cần ưu tiên dành nguồn lực triển khai Chiến lược Biển Việt Nam, vì đó không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn là vấn đề an ninh, quốc phòng, là đường ra với thế giới.