Nhiều địa phương phía Bắc thành công trong công tác đầu tư nước ngoài

Theo BK/fia.mpi.gov.vn

Từ những thành tích đạt được trong công tác FDI thời gian qua, nhiều địa phương thuộc các tỉnh phía Bắc đang đặt nhiều hy vọng vào tác động của dòng vốn FDI, coi đó là động lực quan trọng để giúp địa phương tiếp tục khởi sắc trong thời gian tới.

Hiện nay, nhiều địa phương thuộc các tỉnh phía Bắc đang được coi là “điểm sáng” trong thu hút FDI. Nguồn: Internet
Hiện nay, nhiều địa phương thuộc các tỉnh phía Bắc đang được coi là “điểm sáng” trong thu hút FDI. Nguồn: Internet
Thành công từ nỗ lực
         
Theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 12 tháng năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) vào Việt Nam là 35,88 tỷ USD, tăng 44,4% so với cùng kỳ năm 2016.
 
Chia sẻ tại Hội nghị giao ban ĐTNN với các địa phương khu vực phía Bắc năm 2017 vừa qua, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Nguyễn Nội nhận định, kết quả thành công từ những con số về ĐTNN trong năm nay đã cho thấy, bên cạnh sự  chỉ đạo và phối hợp tích cực từ phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong đó cụ thể là Cục Đầu tư nước ngoài với các địa phương thì vai trò quan trọng của từng địa phương trong công tác xúc tiến đầu tư, giải quyết những vướng mắc về chính sách đầu tư…cũng hết sức quan trọng. Để từ đó có thể tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch; Tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà ĐTNN có thể kinh doanh và sản xuất thành công.
 
Hiện nay, nhiều địa phương thuộc các tỉnh phía Bắc đang được coi là “điểm sáng” trong thu hút FDI. Trong đó, có thể kể đến các tỉnh, thành như Hà Nội, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc…
 
Đối với Hà Nội, với số vốn FDI thu được cho tới nay là 2,3 tỷ USD, theo đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội, đã có sự nỗlực rất lớn từ phía cơ quan quản lý trong công tác xúc tiến đầu tư, với dẫn chứng đưa ra trong 10 tháng năm 2017, thành phố đã tiếp xúc khoảng 300 đoàn khách, bao gồm nhiều doanh nghiệp nước ngoài quan tâm tìm hiểu môi trường đầu tư của Hà Nội.
Đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cũng đánh giá cao trong việc có thể tiếpcận các công nghệ cao, hiện đại thông qua các doanh nghiệp FDI, để từ đó thành phố có thể học hỏi, nghiên cứu xây dựng về một mô hình thành phố thông minh.
 
Được xem là một trong những địa phương có sức hấp dẫn lớn về thu hút FDI, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Phúc cũng nhấn mạnh về vai trò của ĐTNN.
 
Được biết, năm 1998, nếu như Vĩnh Phúc chỉ thu hút được 8 dự án FDI thì tính đến tháng 10/2017,  đã có 255 dự án còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 3,7 tỷ USD đã triển khai trên địa bàn Vĩnh Phúc. Hiện nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới về công nghiệp ô tô, xe máy như Honda, Toyota… cũng đã chọn Vĩnh Phúc làm địa bàn đầu tư trọng điểm.
 
Số dự án FDI tăng nhanh chóng cả về số lượng cũng như chất lượng trong những năm qua đã đóng góp trực tiếp vào nguồn thu ngân sách của tỉnh Vĩnh Phúc. Riêng năm 2016, tổng thu nội địa  của tỉnh đạt khoảng 29 nghìn tỷ đồng. Theo đại diện UBND tỉnh Vĩnh Phúc, có được con số này, phần lớn là đóng góp từ các doanh nghiệp FDI.
 
Tại Hội nghị, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh cũng đánh giá rất cao những đóng góp của ĐTNN trong phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Đặc biệt, ĐTNN còn giúp gắn kết với doanh nghiệp trong nước, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp phụ trợ…
 
Tập trung giải quyết tồn tại
 
Không chỉ đánh giá những thành công lớn trong công tác ĐTNN, ông Nguyễn Nội cũng chỉ rõ những bất cập, hạn chế trong công tác ĐTNN cần giải quyết trong thời gian tới, như: vấn đề tỷ lệ việc làm mới được tạo chưa tương xứng; chưa đạt được mục tiêu về thu hút công nghệ, có hiện tượng doanh nghiệp ĐTNN áp dụng thủ thuật chuyển giá, trốn thuế…
 
Bên cạnh đó, một số địa phương cũng bày tỏ thắc mắc trong quá trình thu hút vốn ĐTNN.Trong đó, có các vấn đề nảy sinh đối với các dự án góp vốn, mua cổ phần; Các vấn đề liên quan đến quản lý nhà đầu tư…
 
Đối với những vướng mắc mà các địa phương gặp phải, cùng với đại diện Cục Đăng ký kinh doanh, Vụ Pháp chế… Cục ĐTNN cũng đã giải đáp thỏa đáng, qua đó giúp các địa phương có thể kịp thời tháo gỡ những khó khăn.
 
Liên quan đến công tác thu hút ĐTNN thời gian tới, ông Nguyễn Nội cũng nhấn mạnh về định hướng quy chung. Trong đó, thu hút ĐTNN cần tập trung chủ yếu để quy hoạch, chọn lọc các dự án có chất lượng, công nghệ cao, thân thiện môi trường; Sản phẩm có sức cạnh tranh cao và phù hợp với định hướng tái cấu trúc nền kinh tế của từng vùng, từng ngành và quốc gia; Cũng như thu hút các dự án quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao có thể tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia, từ đó xây dựng hệ thống các ngành và doanh nghiệp phụ trợ; Chuyển dần thu hút ĐTNN với lợi thế nhân công rẻ sang cạnh tranh bằng nguồn nhân lực cao.
 
Từ  căn cứ định hướng thu hút chung về ĐTNN của Chính phủ, trong thời gian tới, các tỉnh, thành tiếp tục dựa vào tiềm năng, thế mạnh và đặc thù của địa phương; tiếp tục xây dựng và triển khai các kế hoạch  thu hút ĐTNN với những hy vọng và thành công mới.