Nhiều doanh nghiệp chưa nắm được quy định về phòng vệ thương mại

Theo Minh Hương/daibieunhandan.vn

Chiều 19/12, tại Hà Nội, Bộ Công thương và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) đã phối hợp tổ chức Hội thảo “Xu hướng sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại hiện nay trên thế giới - những điều doanh nghiệp cần biết”.

Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: Minh Hương
Toàn cảnh Hội thảo. Nguồn: Minh Hương

Theo đại diện của Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công thương cho biết, trong thời gian qua, Việt Nam đã xây dựng khuôn khổ pháp lý khá hoàn chỉnh để thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại phù hợp với các quy định của WTO. Tuy nhiên, nhìn chung nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa nắm được hết các quy định này và sử dụng chúng một cách phù hợp, để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của bản thân doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số quốc gia có dấu hiệu lạm dụng các biện pháp phòng vệ thương mại để bảo hộ quá mức ngành sản xuất trong nước, điều này đang tác động trực tiếp tới hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam.

Cũng theo đại diện Cục Phòng vệ thương mại, thời gian qua các nền kinh tế trên thế giới đã hình thành hai xu thế trái ngược nhau. Một mặt, nhiều quốc gia đang đẩy mạnh tự do hoá thương mại thông qua việc thúc đẩy ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương trong bối cảnh vòng đàm phán Doha rơi vào bế tắc. Trong khi đó, một số quốc gia có xu hướng tăng cường các biện pháp phòng hộ thương mại, đặc biệt thông qua công cụ phòng vệ thương mại để bảo vệ sản xuất trong nước.

Đại diện từ phía Nhật Bản cho rằng, các quốc gia khi đưa ra các biện pháp tự vệ đã chưa nhìn thấy những nguy cơ rõ ràng, bởi việc đánh giá năng lực cung cầu tại quốc gia đó, thời điểm đó chưa thực sự chính xác trong dài hạn. Yếu tố được nhấn mạnh trong khuyến cáo của Nhật Bản đến các quốc gia là cần cân nhắc khi áp dụng các biện pháp PVTM, sự hạn chế thương mại bằng biện pháp này sẽ mang lại nhiều bất lợi cho tất cả các bên.

Bên cạnh đó, đại diện phía Nhật Bản đề xuất, với những quốc gia có phát sinh vụ việc PVTM các biện pháp giảm nguồn cung phát sinh, với mong muốn quốc gia đó từ bỏ các biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước để giải quyết vấn đề cung đang vượt cầu.

Đối với vấn đề xử lý các vụ kiện chống bán phá giá, đại diện Vụ Chính sách thương mại của METI cho biết, Nhật Bản đánh giá cao vai trò giải quyết tranh chấp về PVTM, đặc biệt là các vụ kiện chống bán phá giá trên tinh thần quy định của WTO.