Những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán cuối năm 2023

Minh Lâm

Kỳ vọng nền kinh tế phục hồi, đẩy mạnh đầu tư công, cùng các chính sách hỗ trợ sẽ là những yếu tố tác động tích cực tới thị trường chứng khoán. Ngược lại, áp lực tỷ giá, tình hình vĩ mô quốc tế có thể cản trở đà tăng của VN-Index.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Toàn thị trường lấy lại đà tăng cuối năm

Nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi rõ nét trong nửa cuối năm 2023 nhờ các chính sách tiền tệ linh hoạt và chính sách tài khóa mở rộng nhằm kích thích nền kinh tế.

Bên cạnh đó, các nút thắt về thanh khoản trong nền kinh tế đã và đang được giải quyết, trong khi cuộc chiến chống lạm phát đang dần hạ nhiệt và chu kỳ tăng lãi suất trên thế giới đang đi đến giai đoạn cuối cùng.

Nguồn: SSI
Nguồn: SSI

Một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như thủy sản, hàng may mặc, đồ gỗ… có tín hiệu hồi phục trong những tháng gần đây, có thể tạo ra kỳ vọng tích cực hơn đối với các doanh nghiệp đang niêm yết hoạt động trong những lĩnh vực này.

Nền kinh tế trong nước được kỳ vọng phục hồi giúp các ngành như bán lẻ, tiêu dùng, xây dựng và vật liệu có kết quả kinh doanh khả quan hơn trong nửa cuối năm. Thêm vào đó, trong môi trường lãi suất giảm, một số nhóm ngành cũng được kỳ vọng có thể hưởng lợi như chứng khoán và bất động sản.

Mặt bằng lãi suất giảm kích thích dòng tiền tham gia thị trường

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt với 4 đợt giảm lãi suất trong nửa đầu năm 2023. Môi trường lãi suất thấp sẽ giúp hỗ trợ kết quả kinh doanh các doanh nghiệp cũng như kích thích dòng tiền tham gia thị trường chứng khoán như đã được minh chứng trong các giai đoạn trước đó. Thống kê số lượng tài khoản chứng khoán mở mới, tiền gửi của nhà đầu tư và dư nợ margin tăng cao.

Nguồn: SSI
Nguồn: SSI

Nhìn lại diễn biến thị trường trong quá khứ, VN-Index thường tăng điểm tích cực sau mỗi giai đoạn NHNN giảm lãi suất điều hành và ngược lại. Cụ thể, sau 18 lần NHNN hạ lãi suất điều hành trước đây, 17 lần VN-Index tăng điểm sau một năm (xác suất 94%) và 10 lần VN-Index tăng điểm sau một tháng (xác suất 56%).

Thường sau một năm, sự tích cực mới được phản ánh vào VN-Index, còn trong vòng một tháng từ khi nâng lãi suất điều hành, xu hướng của thị trường vẫn không rõ ràng. 

Đầu tư công là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng kinh tế

Trong nửa cuối năm 2023, dự kiến kết quả giải ngân đầu tư công sẽ tiếp tục tăng tốt khi các đại dự án đang đồng loạt được khởi công. Giải ngân đầu tư công tạo hiệu ứng lan tỏa tới nhiều ngành nghề, doanh nghiệp, nền kinh tế cũng như ảnh hưởng quan trọng tới thị trường chứng khoán. Tín hiệu giải ngân đầu tư công tích cực trong các tháng gần đây kỳ vọng sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Những yếu tố tác động tới thị trường chứng khoán cuối năm 2023 - Ảnh 1

Theo tính toán của Tổng cục thống kê, nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.

Kế hoạch vốn trong năm 2023 đạt 707 nghìn tỷ đồng, cao hơn 22%, tương ứng 127 nghìn tỷ đồng so với năm 2022. Để hoàn thành 95%-100% kế hoạch, Chính phủ sẽ cần giải ngân hơn gần 500 nghìn tỷ đồng trong 6 tháng cuối năm (tương đương 78 nghìn tỷ đồng mỗi tháng).

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ

Các chính sách hỗ trợ của Chính phủ được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất, tạo động lực giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng. Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tiền tệ, tài khóa nhằm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh đồng thời duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Các chính sách mới nếu được thông qua kỳ vọng giúp phục hồi sức cầu nền kinh tế cũng như phục hồi thị trường bất động sản, qua đó tạo hiệu ứng tâm lý tích cực đến thị trường.

Áp lực tỷ giá tăng

Áp lực tỷ giá trong các tháng cuối năm đến từ lãi suất điều hành của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể tiếp tục tăng và duy trì ở mức cao đến cuối năm 2023 để kiềm chế lạm phát, trong khi NHNN Việt Nam đã 4 lần hạ lãi suất điều hành kể từ tháng 3 và có thể tiếp tục hạ lãi suất để hỗ trợ nền kinh tế. Ảnh hưởng của tỷ giá đến thị trường chứng khoán chỉ trong ngắn hạn, nhưng đây có thể là một trong những yếu tố gây rủi ro cho thị trường, nhất là giai đoạn cuối năm.

Tuy nhiên, áp lực tỷ giá sẽ không quá lớn, vì từ đầu năm đến nay, USD mới tăng 2,93%, vẫn ở mức chấp nhận được. Trong khi đó, NHNN vẫn còn công cụ để điều tiết tỷ giá, đó là bơm USD từ nguồn dự trữ ngoại hối.

Mặt bằng định giá của cổ phiếu không còn rẻ

Giá nhiều nhóm cổ phiếu tăng mạnh, đã bắt đầu vượt đỉnh trong quá khứ. Thống kê trên HOSE cho thấy, từ đầu năm đến nay, có đến 80% số cổ phiếu trên sàn tăng giá trong khi có tới 54% số doanh nghiệp có lợi nhuận thua lỗ hoặc giảm lợi nhuận so với cùng kỳ nửa đầu năm 2022.

Xét về định giá, mặt bằng định giá P/E và P/B của nhiều nhóm cổ phiếu đã không còn hấp dẫn và thậm chí tiến tới vùng cao so với quá khứ.

Tình hình quốc tế diễn biến phức tạp

Tình hình vĩ mô quốc tế đang diễn biến phức tạp, Fed duy trì mặt bằng lãi suất cao, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gay gắt, an ninh lương thực, năng lượng toàn cầu bị đe dọa, áp lực suy thoái tại nhiều quốc gia…

Những yếu tố này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến kinh tế toàn cầu nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Tác động bất lợi từ vĩ mô toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam khi nước ta có độ mở lớn.

Nhà đầu tư hiện còn nhiều lo ngại về sự ảnh hưởng của kinh tế toàn cầu tới thị trường chứng khoán Việt Nam từ sự sụp đổ của một số doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản và tài chính của Trung Quốc như: Evergrande (nộp đơn bảo hộ phá sản); Country Garden (chậm thanh toán lãi trái phiếu); Zhongzhi Enterprise Group – một trong những tổ chức quản lý tài sản tư nhân lớn nhất của Trung Quốc (chậm thanh toán đối với các sản phẩm đầu tư).