Sớm hỗ trợ giúp doanh nghiệp vượt khó

Theo nhandan.vn

Theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp, thời gian qua, dù sản xuất, kinh doanh đã có khởi sắc, nhưng họ vẫn đang chịu tác động từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng các sản phẩm nguyên phụ liệu, giá cả đầu vào tăng cao. Điều này khiến cho doanh nghiệp đứng trước nhiều khó khăn.

Sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2022 tiếp tục được khôi phục.
Sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2022 tiếp tục được khôi phục.

Nhiều khó khăn về cuối năm

Theo báo cáo từ Bộ Công thương, sản xuất công nghiệp trong quý II/2022 tăng trưởng khá do hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp được duy trì và đang dần phục hồi, tốc độ giá trị tăng thêm ước đạt 9,87% so cùng kỳ năm trước. Tính chung sáu tháng đầu năm 2022, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 8,48% so cùng kỳ năm trước.

Sản xuất công nghiệp những tháng đầu năm 2022 tiếp tục được khôi phục ở hầu hết các ngành, nhu cầu và sản lượng sản xuất đều tăng, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đã hoạt động trở lại, nối lại các chuỗi cung ứng cơ bản. Tuy nhiên, do giá cả tăng cao cùng việc khan hiếm nguyên vật liệu đã khiến một số ngành sản xuất gặp khó.

Ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho hay, trong sáu tháng đầu năm 2022, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành dệt may đạt kết quả khả quan. Kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đạt 22,3 tỷ USD, tăng khoảng 23% so cùng kỳ năm trước. Toàn ngành dệt may xuất siêu khoảng 8,8 tỷ USD.

“Mục tiêu toàn ngành trong năm 2022 là xuất khẩu đạt 43 tỷ USD; trong đó sáu tháng đầu năm đã đạt hơn 50% mục tiêu đề ra, nếu tình hình được duy trì ổn định trong những tháng cuối năm thì khả năng ngành dệt may đạt được mục tiêu là rất lớn. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều khó khăn ở những tháng cuối năm”, ông Trương Văn Cẩm nói.

Theo vị Phó Chủ tịch VITAS, hiện tại, doanh nghiệp ngành dệt may đang đối mặt với rất nhiều khó khăn do dịch COVID-19 chưa được khống chế hẳn, thậm chí tại nhiều quốc gia tình hình dịch đang bùng phát trở lại. Trong khi đó, sản xuất, kinh doanh của ngành dệt may lại phụ thuộc rất nhiều vào chính sách chống dịch trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng.

Cùng với đó, giá năng lượng, giá nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh đều đã tăng từ đầu năm đến nay. Đơn cử như giá bông đã tăng 19%, giá xăng, dầu cũng tăng mạnh tới 35-40%. Trong khi đó, xung đột giữa Nga và Ukraine khiến giá cả leo thang, làm lạm phát tại một số thị trường tăng cao, ảnh hưởng cơ hội xuất khẩu và khai thác thị trường của doanh nghiệp dệt may…

Cùng quan điểm trên, ông Đào Phan Long - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) nhận định, chính sách chống dịch của các nước, đặc biệt là  Trung Quốc đang là nỗi lo lớn nhất của doanh nghiệp bởi sẽ khiến đứt gãy chuỗi cung ứng. Ngoài ra, với chi phí sản xuất tăng cao, giá nguyên liệu đầu vào, giá xăng tăng khiến sản xuất của doanh nghiệp chưa thể bứt lên sau thời gian khôi phục sản xuất. Trong khi đó, giá bán sản phẩm không thể tăng theo do các đơn hàng đã ký kết từ trước với đối tác. Sản xuất của doanh nghiệp vẫn phải duy trì, nhưng khi giá đầu vào tăng quá cao, nếu không tính toán kỹ, doanh nghiệp càng làm càng lỗ.

Theo ông Nguyễn Văn Kết - Giám đốc Công ty Cơ khí chính xác SKD Việt Nam, thời gian qua, giá vận tải, kho bãi, giá nguyên vật liệu đầu vào, xăng, dầu đều tăng cao đẩy chi phí sản xuất tăng đã làm giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thêm vào đó, các chính sách hỗ trợ tín dụng, vay vốn dành cho doanh nghiệp sản xuất gặp khó khăn do dịch COVID-19 vẫn chưa đến tay;  môi trường đầu tư, kinh doanh vẫn chưa thật sự được cải thiện mạnh mẽ. 

Để doanh nghiệp bứt tốc

Theo nhận định từ Bộ Công Thương, hoạt động sản xuất công nghiệp và xuất khẩu thời gian tới được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc. Bởi lẽ việc triển khai các hiệp định thương mại tự do (FTA) được thực thi một cách đầy đủ với thuế quan ưu đãi hơn cùng với những cam kết tạo thuận lợi, giảm các rào cản; cùng đó là làn sóng chuyển dịch đầu tư để tái cơ cấu chuỗi cung ứng của các tập đoàn nước ngoài với quy mô sản xuất lớn và mạng lưới khách hàng rộng khắp sẽ là động lực mới cho hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu.

Theo ông Đào Phan Long, Chính phủ đã có các chương trình hỗ trợ hàng trăm nghìn tỷ đồng, bao gồm cả chương trình hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp phục hồi. Nhưng ngoài việc giảm tiền điện được ngành điện thực hiện rất tốt, thì hầu hết các gói hỗ trợ khác đến tay doanh nghiệp còn chậm, thậm chí gặp nhiều rào cản. “Quan trọng nhất là các giải pháp, chương trình hỗ trợ lãi suất được triển khai nhanh chóng hơn. Bởi sau những khó khăn do COVID-19 gây ra, cộng đồng doanh nghiệp đang rất “chật vật” để tồn tại trước tình trạng thiếu hụt nguồn cung hàng, chi phí đầu vào gia tăng trong khi chưa thể tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để vực dậy hoạt động”.

Ông Nguyễn Văn Kết cho rằng, Chính phủ đã có các gói hỗ trợ thì các đơn vị thực thi cần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp tiếp cận. Doanh nghiệp không thể vay ngân hàng khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn hoặc muốn mở rộng, hiện đại sản xuất. Cùng với đó, Nhà nước cần nghiên cứu, tính toán để sớm giảm giá xăng, dầu, giá nguyên vật liệu và chi phí logistics. Bởi giá xăng, dầu tăng không chỉ tác động đến vận chuyển hàng hóa, mà còn gián tiếp làm tăng giá nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào sản xuất.  

Để tạo sức bật cho doanh nghiệp những tháng cuối năm, ngành công thương sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Nghị quyết 01, Nghị quyết 02 và Chương trình phục hồi kinh tế, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bám sát tiến độ để sớm đưa vào vận hành các công trình, dự án trọng điểm, có vai trò quan trọng trong lĩnh vực điện, dầu khí, công nghiệp chế biến, chế tạo... tạo giá trị gia tăng trong sản xuất công nghiệp.