6 tháng, ngành Tài chính kiến nghị xử lý tài chính 24.500 tỷ đồng


Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện 38.344 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiến nghị xử lý tài chính 24.500 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước 7.363 tỷ đồng, giảm lỗ 13.949 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước 7.363 tỷ đồng

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện 38.344 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý giá, chứng khoán, bảo hiểm; kiểm tra 185.842 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế; điều tra chống buôn lậu bắt giữ 8.933 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan.

Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ Tài chính đã kiến nghị xử lý tài chính 24.500 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp ngân sách nhà nước 7.363 tỷ đồng (đã thu nộp 4.831 tỷ đồng); giảm lỗ 13.949 tỷ đồng.

Cụ thể, Thanh tra Bộ Tài chính đã triển khai 12 cuộc thanh tra, kiểm tra; ban hành 17 kết luận thanh tra và 3 báo cáo kết quả kiểm tra; kiến nghị xử lý về tài chính, với số tiền 1.487 tỷ đồng, trong đó kiến nghị thu nộp ngân sách 531 tỷ đồng (đã thu nộp 360 tỷ đồng); giảm trừ dự toán, không cấp phát, giảm thanh quyết toán, không thanh toán kinh phí 39 tỷ đồng; xử lý tài chính khác 365 tỷ đồng.

Trong khi đó, cơ quan Thuế trong cả nước đã thanh tra, kiểm tra được 36.004 cuộc thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp, kiểm tra 185.842 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế; qua đó kiến nghị xử lý 20.563 tỷ đồng, trong đó thu vào ngân sách nhà nước 5.706 tỷ đồng (đã thu nộp 3.300 tỷ đồng), chống chuyển giá, giảm lỗ 13.928 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã thực hiện 38.344 cuộc thanh tra, kiểm tra, tập trung vào các lĩnh vực quản lý thu, chi ngân sách; quản lý, sử dụng vốn đầu tư; quản lý tài chính doanh nghiệp; quản lý giá, chứng khoán, bảo hiểm; kiểm tra 185.842 hồ sơ khai thuế tại cơ quan thuế; điều tra chống buôn lậu bắt giữ 8.933 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan.

Cơ quan Hải quan đã thực hiện 1.817 cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó kiểm tra sau thông quan 1.664 cuộc; qua đó kiến nghị xử lý thu vào ngân sách nhà nước 969 tỷ đồng (đã thu nộp 1.005 tỷ đồng, bao gồm cả các khoản đã kiến nghị thu từ năm trước).

Bên cạnh đó, các cơ quan trực thuộc Bộ Tài chính như: Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cũng tích cực triển khai công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành theo kế hoạch đã đề ra. Qua đó phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các sai phạm.

Bộ Tài chính cũng đã làm tốt vai trò Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; nắm tình hình địa bàn, thực hiện thành công nhiều chuyên án, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Thống kê sơ bộ cho thấy, trong 6 tháng đầu năm, đã chủ trì bắt giữ 8.933 vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan, xử lý thu vào ngân sách nhà nước 157 tỷ đồng; cơ quan Hải quan đã ban hành quyết định khởi tố 15 vụ án hình sự và chuyển các cơ quan khác kiến nghị khởi tố 46 vụ. 

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước và tài sản công

Trong 6 tháng đầu năm, thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, ngành Tài chính cũng đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, góp phần tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị, cá nhân và doanh nghiệp, phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính.

Trong vai trò là Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, sự quyết liệt và hiệu quả trong thực hiện nhiệm vụ của Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đã góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nền sản xuất hàng hóa trong nước, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Ngành Tài chính sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.

Phát huy những kết quả tích cực đó, Bộ Tài chính cho biết, toàn Ngành sẽ tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 21/12/2012 của Ban Bí thư và Chỉ thị số 30/CT-TTg ngày 26/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 8/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật trong việc chấp hành pháp luật về ngân sách nhà nước.

Theo đó, sẽ tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính trong xây dựng pháp luật, thực thi công vụ. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và công khai, minh bạch việc sử dụng ngân sách nhà nước, tài sản công, nhất là các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, lãng phí.

Cùng với đó, thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh, kiểm tra, kiểm toán đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên.