Công tác thanh tra tài chính cần phải sắc bén, hiệu quả và nhanh nhạy

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Đây là một trong những nội dung chỉ đạo được Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh kết luận tại Hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ công tác 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2010 của Thanh tra Bộ Tài chính ngày 15/7/2010.

Sáu tháng đầu năm 2010, trong điều kiện kinh tế thế giới mới qua thời kỳ khủng hoảng, đang trong giai đoạn phục hồi, vẫn còn khó khăn và nhiều biến động. Ngành tài chính đã triển khai tốt các Nghị quyết của Chính phủ, Quốc hội; Bộ đã chỉ đạo quyết liệt hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính- ngân sách; đưa ra nhiều giải pháp kịp thời, phù hợp góp phần thực hiện mục tiêu bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong năm 2010.

Đóng góp vào kết quả đó, Thanh tra Bộ Tài chính đã bám sát nhiệm vụ của Ngành, sự chỉ đạo của Bộ triển khai và hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao, phối hợp chặt chẽ và hiệu quả với các đơn vị trong và ngoài ngành. Kết quả thanh tra, kiểm tra có sức lan toả rộng rãi đến các cơ quan quản lý, đối tượng thanh tra.

Hiệu quả thiết thực

Thay mặt lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Phạm Sỹ Danh biểu dương những kết quả đã đạt được của Thanh tra Bộ Tài chính trong 6 tháng đầu năm tập trung vào các nội dung: Công tác chỉ đạo, điều hành quyết liệt các lĩnh vực của hoạt động thanh tra, kiểm tra; chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp với từng thời kỳ để triển khai; Các đoàn thanh tra, kiểm tra đã được chuẩn bị chu đáo và triển khai nhanh chóng, kịp thời đi vào các lĩnh vực bức xúc được xã hội quan tâm như giá, sử dụng vốn tại doanh nghiệp, sử dụng ngân sách…; phối hợp tốt với các đơn vị trong và ngoài ngành. Kết quả thanh tra đã đáp ứng kịp thời công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ; Tổng hợp, đề xuất với Bộ về công tác chỉ đạo điều hành, phối hợp các đơn vị thuộc Bộ; qua kết quả thanh tra, kiểm tra; Đưa ra nhiều kiến nghị sửa đôi cơ chế chính sách, quy trình thủ tục…; Công tác xử lý sau thanh tra được quan tâm, từng bước nâng cao hiệu lực hiệu quả công tác thanh tra, giúp Bộ giải quyết dứt điểm cac vụ khiếu nại, tố cáo, thực hành tiết kiệm chống lãng phí cũng như là công tác phòng chống tham nhũng…;  Thực hiện tốt công tác báo cáo, xây dựng hoàn thiện tổ chức thanh tra tài chính, chăm lo, đào tạo cán bộ…

Khắc phục những tồn tại, nhược điểm 6 tháng đầu năm 2010 của Thanh tra Bộ Tài chính, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính- ngân sách 5 năm 2006-2010, và hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2010, nhiệm vụ Thanh tra Tài chính 6 tháng cuối năm 2010 rất nặng nề, cần bám sát chỉ đạo của Bộ, triển khai tốt các Nghị quyết của Chính phủ, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính.

Sáu tháng đầu năm 2010 Thanh tra Bộ Tài chính đã triển khai 53 cuộc thanh tra, kiểm tra; trong đó có: 26 cuộc thanh tra theo kế hoạch và 27 cuộc thanh tra đột xuất phối hợp với Cục Quản lý giá, Cục Tài chính doanh nghiệp, Tổng cục Thuế.

Tổng hợp kết quả 21 cuộc thanh tra đã lưu hành kết luận, Thanh tra Bộ đưa ra 115 kiến nghị nhằm chấn chỉnh, xử lý sai phạm trong công tác quản lý tài chính, ngân sách. Trong đó:

- 11 Kiến nghị về kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân;

- 52 Kiến nghị về chấn chỉnh trong công tác quản lý tài chính ngân sách  của đơn vị;

- 10 Kiến nghị về rút kinh nghiệm và kiến nghị khác;

- 37 Kiến nghị xử lý về tài chính với tổng số trên 606,3 tỷ đồng

Trong đó:

                       +  Tăng thu Ngân sách Nhà nước   :       125,2   tỷ đồng;

                       + Giảm chi Ngân sách Nhà nước   :          69,1   tỷ đồng;

                       + Xử lý tài chính khác                    :       412,1  tỷ đồng;

Nhiệm vụ trọng tâm của Thanh tra Bộ Tài chính 6 tháng cuối năm

Một là, chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết theo từng thời kỳ; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài ngành. Tập trung thanh tra nhiều lĩnh vực bức xúc mà Bộ, ngành, xã hội quan tâm: chuyên đề giá, sử dụng  vốn của các Doanh nghiệp Nhà nước, sử dụng Ngân sách các ngành, địa phương…

Hai là, hoàn thành tốt các cuộc thanh tra theo kế hoạch, đề án đã đăng ký với Bộ. Đồng thời dành lực lượng để thực hiện nhiệm vụ đột xuất Bộ giao.

Ba là,
triển khai tốt Nghị quyết 18 của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% năm 2010: Hoạt động thanh tra cần hướng vào chống thất thu ngân sách, gian lận thương mại; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc sử dụng ngân sách, phòng chống tham nhũng.

Bốn là,
chú trọng công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; các vụ việc khiếu nại, tố cáo cần giải quyết một cách linh hoạt, dứt điểm; không để khiếu kiện đông người (trong 6 tháng cuối năm sẽ diễn ra Đại hội Đảng các cấp).

Năm là, qua kết quả thanh tra cần chủ động tổng hợp, phân tích rõ nguyên nhân sai phạm từ đó có những kiến nghị xử lý, đặc biệt là đề xuất với Bộ, các cơ quan quản lý Nhà nước về công tác chỉ đạo điều hành; kiến nghị sửa đổi chính sách chế độ, chế tài xử lý, quy trình, thủ tục…

Sáu là,
thực hiện tốt các quy định pháp luật về thanh tra, kiểm tra. Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ thanh tra theo từng lĩnh vực cho cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra; phối hợp với các cơ quan liên quan trong việc đào tạo các văn bằng chứng chỉ đáp ứng được các yêu cầu bổ nhiệm, nâng ngạch thanh tra. Phối hợp với các đơn vị trong Bộ xây dựng định hướng kế hoạch thanh tra năm 2011 cho toàn ngành, định hướng thanh tra phải bám sát nhiệm vụ của ngành, đáp ứng được các yêu cầu quản lý. Cần hoàn thiện ban hành các quy trình thanh tra tài chính theo từng lĩnh vực để các tổ chức thanh tra ngành thực hiện.

Bảy là,
làm tốt công tác thi đua, quan tâm các tổ chức Đảng, đoàn thể. Cùng với Bộ tổ chức Kỷ niệm các ngày lễ lớn đặc biệt là Kỷ niệm 65 năm ngày thành lập ngành và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tài chính.