Người đứng đầu nếu để xảy ra lãng phí sẽ phải bồi thường

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Ngày 26/11, Quốc hội đã thông qua Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi) (THTK, CLP) với đa số phiếu tán thành. Luật quy định nếu người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) không thực hiện đúng quy định của luật và có hành vi vi phạm để xảy ra lãng phí sẽ phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

 Người đứng đầu nếu để xảy ra lãng phí sẽ phải bồi thường
Nếu người đứng đầu DNNN không thực hiện đúng quy định của luật và có hành vi vi phạm để xảy ra lãng phí sẽ phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại. Nguồn: internet
THTK, CLP trong khu vực tư nhân và tiêu dùng cá nhân

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật THTK,CLP do Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày cho biết, bên cạnh quy định về THTK, CLP trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước (NSNN), vốn nhà nước, tài sản nhà nước, lao động, thời gian lao động trong khu vực nhà nước; Quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên... Luật cũng quy định cả việc THTK, CLP đối với khu vực tư nhân và tiêu dùng của nhân dân.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quy định là cần thiết bởi THTK, CLP là yêu cầu quan trọng và có tính thường xuyên, lâu dài của mọi quốc gia, là trách nhiệm của toàn xã hội. Các quy định này không ảnh hưởng tới quyền tự định đoạt tài sản thuộc sở hữu của tổ chức, cá nhân theo đúng quy định của Hiến pháp, đồng thời khuyến khích và nâng cao ý thức THTK, CLP.

Tiếp thu thêm ý kiến của các đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định về trách nhiệm của người đứng đầu ban hành các văn bản cá biệt không phù hợp thực tiễn hoặc trái pháp luật gây lãng phí.

Đối với các lĩnh vực phải THTK,CLP, Luật bổ sung thêm nhiều quy định trong đó có quy định sử dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong khai thác, chế biến tài nguyên đảm bảo hợp lý, hiệu quả, tiết kiệm đúng mục đích, quy định về giải thể các quỹ có nguồn gốc từ NSNN nhưng hoạt động kém hiệu quả gây lãng phí.

Luật bổ sung quy định về quyền cụ thể của người dân trong việc giám sát hoạt động THTK, CLP; bổ sung quy định về quyền và trách nhiệm giám sát của Ban giám sát đầu tư cộng đồng ở cơ sở trong việc THTK, CLP, quy định cấm một số hành vi cản trở việc thực hiện quyền cung cấp thông tin, phát hiện lãng phí, đe doạ, trù dập, xúc phạm người cung cấp thông tin lãng phí.

Công khai nhiều lĩnh vực sử dụng NSNN

Trừ hoạt động thuộc bí mật nhà nước, Luật quy định các lĩnh vực, hoạt động sau đây phải thực hiện công khai: Dự toán, phân bổ, điều chỉnh dự toán và quyết toán NSNN của các cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN; các quỹ có nguồn từ NSNN; Đầu tư xây dựng cơ bản, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản trong cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN; Các khoản thu vào NSNN, huy động vốn cho NSNN và cho tín dụng nhà nước; các quỹ có nguồn huy động đóng góp trong và ngoài nước; nợ công theo quy định tại Luật quản lý nợ công; Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, vùng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch, danh mục dự án đầu tư, nguồn vốn đầu tư; quy hoạch xây dựng; quy hoạch, kế hoạch và hoạt động khai thác tài nguyên;

Về quản lý và sử dụng kinh phí NSNN, Luật quy định quản lý kinh phí NSNN phải căn cứ vào dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt, gắn với kết quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ, phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính. Việc sử dụng kinh phí NSNN phải bảo đảm đúng mục đích, đối tượng, định mức, tiêu chuẩn, chế độ trong phạm vi dự toán được giao, gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.

Việc thành lập các quỹ có nguồn từ NSNN phải phù hợp với khả năng của NSNN, có đề án thành lập nêu rõ cơ sở pháp lý, sự cần thiết, ý nghĩa kinh tế - xã hội và tính không thay thế được bằng các hình thức cấp phát ngân sách. Quỹ này phải công khai quy chế hoạt động và cơ chế tài chính, kế hoạch tài chính hàng năm, kết quả hoạt động và quyết toán tài chính năm được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đối với việc THTK, CLP tại DNNN, Luật quy định nếu người đứng đầu DNNN không thực hiện đúng quy định của luật và có hành vi vi phạm để xảy ra lãng phí sẽ phải bồi thường một phần hoặc toàn bộ thiệt hại, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm ban hành văn bản hướng dẫn

Về trách nhiệm của các bộ ngành, Luật quy định Bộ Tài chính có trách nhiệm giúp Chính phủ thống nhất triển khai, hướng dẫn các quy định của Luật này; tổng hợp trình Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí hàng năm và dài hạn; triển khai thực hiện, kiểm tra và định kỳ tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bộ Tài chính ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật này. Hướng dẫn và giao chỉ tiêu tiết kiệm chi tiết theo từng lĩnh vực quản lý gắn với lập kế hoạch ngân sách hàng năm; tổ chức triển khai thực hiện, chịu trách nhiệm về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi, lĩnh vực quản lý.

Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chung trong phạm vi cả nước trình Chính phủ. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm việc chấp hành, tổ chức thực hiện quy định của pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong phạm vi ngành, lĩnh vực quản lý; tổ chức triển khai công tác kiểm soát chi của Kho bạc nhà nước theo đúng quy định.

Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2014. Luật THTK,CLP số 48/2005/QH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.