Tác động của chỉ số cạnh tranh và đầu tư trực tiếp nước ngoài đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Hồ Thủy Tiên, Nguyễn Lâm Sơn

Nghiên cứu đánh giá tác động trực tiếp của chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đến tăng trưởng kinh tế và mối quan hệ của PCI và FDI đến tăng trưởng kinh tế tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2020 bằng phương pháp hồi quy GMM hệ thống. Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thống kê ở mức ý nghĩa 1%, với kết quả PCI và FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Giới thiệu

Phát triển kinh tế vùng miền của Việt Nam được xác định dựa trên nhiều nhân tố và chính sách khác nhau, trong số đó chủ yếu phụ thuộc vào 3 nhân tố: Hội nhập kinh tế quốc tế; Nguồn nhân lực; Cơ chế, chính sách. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế bao gồm các hoạt động thương mại quốc tế qua xuất khẩu và nhập khẩu; thu hút đầu tư nước ngoài qua sự chuyển dịch của vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, khoa học, kỹ thuật và đào tạo lao động chất lượng cao.

Cơ chế, chính sách thông qua các thủ tục, các quy định cấp phép đầu tư, mở rộng các ngành nghề khuyến khích đầu tư; sự công bằng cạnh tranh của doanh nghiệp (DN) trong nước và DN nước ngoài; công khai và minh bạch các thủ tục hành chính công giúp giảm thiểu chi phí chính thức và không chính thức gia nhập thị trường và chính sách đào tạo nguồn nhân lực…

Các chỉ số cạnh tranh thành phần tạo nên PCI được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam cung cấp xếp hạng các tỉnh, thành phố tại Việt Nam hàng năm kể từ năm 2006 (Pan và cộng sự, 2016; Thai Thanh Ha và Le Thi Van Hanh, 2011; Nguyen Phuong Le và Luu Van Duy, 2021; Li và Zhao, 2015; pcivietnam.vn).

Vậy, PCI và FDI có tác động cải thiện và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam hay không? Và tác động đó là tích cực hay tiêu cực? Đến nay đã có nhiều nghiên cứu thực hiện đánh giá tác động của PCI tổng hợp hay các thành phần của PCI đến tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam (Thai Thanh Ha và cộng sự, 2011; Nguyen Phuong Le và cộng sự, 2021) hay nghiên cứu chỉ sử dụng chỉ số SEZs (Special Economic Zones) làm biến giả giữa các tỉnh, thành phố đã công nghiệp hóa và chưa công nghiệp hóa cùng với đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Tuy nhiên, cũng còn hạn chế nghiên cứu về tác động của PCI và FDI hay mối quan hệ giữa PCI và FDI đến tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Đây cũng là khoảng trống nghiên cứu để nhóm tác giả thực hiện trong bài viết này.

Khung lý thuyết và các nghiên cứu thực nghiệm

Khung lý thuyết

Khi nghiên cứu về tăng trưởng kinh tế, hầu hết các nghiên cứu đều kế thừa từ lý thuyết kinh tế nền tảng của Keynes (1936), lý thuyết kinh tế tân cổ điển của Solow (1956), hay hàm sản xuất của Cobb- Douglas.

Trong những năm gần đây, nhiều nghiên cứu xem xét đến tăng trưởng kinh tế phân kỳ và hội tụ được giới thiệu bởi Barro và Salai- Martin (1995) xem xét dữ liệu bảng của nhiều quốc gia hay nhiều tỉnh, thành phố khác nhau bằng cách kiểm chứng các lý thuyết về tăng trưởng nội sinh và ngoại sinh.

Trong khi đó, có nhiều lập luận hay tranh luận được các nhà nghiên cứu đưa ra để xác định các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế vùng (Chi-Keung, 2010).

Cách tiếp cận của lý thuyết kinh tế nội sinh được kế thừa dựa trên nền tảng của lý thuyết kinh tế tân cổ điển của Solow (1956) và hàm sản xuất của Cobb-Douglas, khi mà lý thuyết kinh tế Tân cổ điển và hàm sản xuất chưa xem xét đến hiệu quả của khoa học kỹ thuật hay thu hút đầu tư nước ngoài từ chuyển giao công nghệ đến thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng (Barro và Salai-Martin, 1996).

Lý thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh được mở rộng cho các nghiên cứu về tốc độ tăng trưởng kinh tế theo vùng hay theo quốc gia với các chỉ số kinh tế gồm: Đầu tư nước ngoài; vốn lao động; độ mở thương mại; chính sách vĩ mô; nền tảng trí thức. Vì các vùng miền thường khác nhau về mức độ kết nối với bên ngoài qua vốn đầu tư nước ngoài hàng năm, thương mại quốc tế từ các lợi thế mang tính đặc thù của mỗi vùng miền (Pan và Ngo, 2016).

Trong khi đó, lý thuyết về tăng trưởng nội sinh cũng cho rằng, đầu tư nước ngoài đóng vai trò quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các vùng miền. Vì đầu tư nước ngoài không đơn thuần chỉ là sự chuyển giao hay đầu tư vốn, mà còn chuyển giao kỹ năng quản trị, khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại.

PCI là chỉ số đo lường và đánh giá chất lượng điều hành kinh tế, cải cách hành chính của chính quyền các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, từ đó giúp tạo ra môi trường kinh tế thân thiện và thuận tiện để thúc đẩy sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Chỉ số này được công bố hàng năm bởi VCCI và được thực hiện với sự hỗ trợ của USAID tại Việt Nam và các nhóm chuyên gia trong và ngoài nước (pcivietnam.vn).

PCI có 10 chỉ số thành phần, bao quát những lĩnh vực của điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố có liên quan tới sự phát triển của DN như: (1) Chi phí gia nhập thị trường thấp; (2) Tiếp cận đất đai dễ dàng và sử dụng đất ổn định; (3) Môi trường kinh doanh minh bạch và thông tin kinh doanh công khai; (4) Chi phí không chính thức thấp; (5) Thời gian thanh tra, kiểm tra và thực hiện các quy định, thủ tục hành chính nhanh chóng; (6) Môi trường cạnh tranh bình đẳng; (7) Chính quyền tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết vấn đề cho doanh nghiệp; (8) Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, chất lượng cao; (9) Chính sách đào tạo lao động tốt; (10) Thủ tục giải quyết tranh chấp công bằng, hiệu quả và an ninh trật tự được duy trì (pcivietnam.vn).

Từ lý thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh của Barro và cộng sự (1995) và mục tiêu của PCI khi đo lường, đánh giá và xếp hạng các tỉnh, thành Việt Nam qua 10 tiêu chí trên đều hướng tới hỗ trợ, tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Nhóm tác giả cho rằng, trên thực tế, PCI là phù hợp để đánh giá tác động đến FDI tại 63 tỉnh, thành phố Việt Nam trong giai đoạn từ 2006 - 2020 (vì chỉ số này được công bố định kỳ hàng năm kể từ năm 2006).

Các nghiên cứu thực nghiệm

Nghiên cứu thực nghiệm của Pan và Ngo (2016) về FDI, xuất khẩu, nhập khẩu, độ mở thương mại và PCI cùng biến SEZ (Special Economic Zones – là những tỉnh thành công nghiệp hóa sẽ là 1 và chưa công nghiệp hóa là 0) tương tác với FDI, độ mở thương mại và lực lượng lao động tác động đến tăng trưởng kinh tế của 64 tỉnh, thành phố Việt Nam trong giai đoạn 2000 - 2005 bằng phương pháp hồi quy FEM - REM.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, chỉ số SEZ, FDI và tương tác SEZ với FDI tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, nhưng tương tác của SEZ với độ mở thương mại và lao động lại tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế tại 64 tỉnh, thành phố ở Việt Nam.

Nghiên cứu tác động của PCI và tái cấu trúc hành chính công đến tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành phố của Việt Nam năm 2010, Thai Thanh Ha và Le Thi Van Hanh (2011) cho rằng, các chỉ số thành phần như: Tiếp cận đất đai; dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp; chính sách đào tạo lao động; chi phí gia nhập thị trường, chi phí không chính thức; môi trường và thông tin kinh doanh minh bạch công khai… đều có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế, (ngoại trừ thành phần khả năng lãnh đạo chủ động của tỉnh tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế).

Ở khía cạnh khác, Nguyen Phuong Le và Luu Van Duy (2021) chỉ ra rằng, PCI tác động mạnh đến số lượng doanh nghiệp, lao động và vốn của doanh nghiệp. Nhóm tác giả cho rằng, các cơ quan chính quyền địa phương cần cải thiện các chỉ số thành phần của PCI để cải thiện chỉ số PCI về tổng thể. Nghiên cứu của Li và Zhao (2015) cho rằng, các tỉnh tại Trung Quốc khi cải thiện các chỉ số cạnh tranh góp phần thúc đẩy tăng trưởng thu nhập bình quân. Còn tại các tỉnh có các chỉ số cạnh tranh tốt nếu muốn cải thiện hơn thu nhập bình quân cần thay đổi các thể chế và phát triển công nghệ khoa học kỹ thuật.

Từ các nghiên cứu thực nghiệm trước đây về PCI hay các chỉ số cạnh tranh thành phần và nghiên cứu tại Trung Quốc có thể thấy, hầu hết các chỉ số này đều có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành phố có chỉ số PCI hay thành phần của PCI cải thiện hơn. Tuy nhiên, hạn chế của các nghiên cứu xem xét đến tác động của PCI đến FDI và tăng trưởng kinh tế hay tương tác của PCI và FDI đến tăng trưởng kinh tế.

Trong khi đó, theo lý thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh của Barro và cộng sự (1995) kế thừa hàm sản xuất của Cobb - Douglas cho thấy ngoài các yếu tố như vốn vật chất, lao động, thì còn có vốn đầu tư nước ngoài thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, đây cũng là khoảng trống mà các nghiên cứu trước chưa xem xét đến, cũng như mục tiêu nghiên cứu của nhóm tác giả là kiểm chứng tác động của PCI tổng hợp và FDI đến tăng trưởng kinh tế tại 63 tỉnh, thành phố Việt Nam qua mô hình tác động trực tiếp và tương tác của PCI và FDI.

Giả thuyết nghiên cứu

Theo lý thuyết kinh tế tân cổ điển của Solow (1956), hàm sản xuất Cobb - Douglas và lý thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh của Barro và cộng sự (1995) cho rằng, tăng trưởng kinh tế của một quốc gia hay tỉnh, thành phố không những phụ thuộc vào các nhân tố nội sinh (vốn vật chất và vốn lao động), mà còn phụ thuộc vào vốn bên ngoài. Cụ thể là FDI tác động đến tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia hay các tỉnh, thành phố đó và nhân tố thu hút FDI lại là môi trường kinh tế, thể chế, tính minh bạch và các thủ tục hành chính thuận lợi, các chỉ số thành phần của PCI (Pan và Ngo, 2016). Vì vậy, nhóm tác giả đặt ra giả thuyết nghiên cứu như sau:

Chỉ số PCI và FDI hay tương tác của PCI và FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế tại 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

Phương pháp và mô hình nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu được sử dụng để ước lượng các hệ số hồi quy là phương pháp GMM hệ thống (Blundell và Bond, 1998), vì trong mô hình nghiên cứu của nhóm tác giả có biến trễ tăng trưởng kinh tế làm biến độc lập, nguyên nhân có thể gây ra nội sinh mà phương pháp OLS, GLS chưa xử lý được.

Hơn nữa, phương pháp GMM hệ thống là phương pháp được Blundell và Bond (1998) cải tiến từ phương pháp GMM sai phân hai bước và có ưu điểm là kiểm soát được tác động đặc trưng không quan sát được của đối tượng trong mẫu nghiên cứu, cũng như kiểm soát được nội sinh tiềm ẩn từ các biến độc lập trong mô hình.

Mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng mô hình tăng trưởng kinh tế nội sinh được kế thừa từ hàm sản suất của Cobb- Douglas để đánh giá tác động của PCI và FDI đến 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2020.

Bảng 1: Thống kê mô tả các biến

Tên biến

Quan sát

Trung bình

Độ lệch chuẩn

Nhỏ nhất

Lớn nhất

GDP

951

66732,99

133.699,4

1234,97

1372282

PCI

945`

58,972

6,107

36,07

77,61

FDI

951

5944,247

15693,65

68,3

208688

CONS

888

39524,34

88316,6

481,8

1085006

LABOUR

946

56,991

4,614

29,02

71,3

Nguồn: Tác giả thu thập, tổng hợp số liệu

Dựa trên lý thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh của Grossman và Helpman (1991) và mô hình nghiên cứu thực nghiệm của Pan và Ngo (2016). Nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như sau.

GDPGit = β0it +β1itGDPGit-1 +β2itPCIit +β3itFDIit + β4itXit + θi +μt +εit (1)

GDPGit = α0it +α1itGDPGit-1 +α2itPCIit + α3itFDIit + α4itPCI*FDIit + α5itXit + θi + μt + εit (2)

Trong đó:

GDPGit (GDP Growth) là biến đại diện cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh, thành phố thứ i tại thời điểm năm t.

PCI (Provincial Competitiveness Index) là biến đại diện cho chỉ số cạnh tranh của các tỉnh, thành phố thứ i tại thời điểm năm t.

FDI (Foreign Direct Investment) là biến đại diện cho đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh, thành phố thứ i tại thời điểm năm t.

PCI*FDI là biến tương tác của chỉ số cạnh tranh với đầu tư trực tiếp nước ngoài của tỉnh, thành phố thứ i tại thời điểm năm t.

X là các biến kiểm soát lần lượt là giá trị tiêu dùng (CONS) và lượng lao động (LABOUR) của tỉnh thứ i tại thời điểm năm t.

β và α: lần lượt là giá trị ước lượng về tác động tương ứng của các biến độc lập đến biến phụ thuộc trong mô hình (1) và (2).

μt và θi: Tác động cố định của thời gian thứ t và đối tượng thứ i.

εit: Là sai số ngẫu nhiên từ tác động của các biến bị loại bỏ trong mô hình.

Dữ liệu nghiên cứu

Dữ liệu nghiên cứu là dữ liệu bảng thứ cấp của 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 tại 63 tỉnh, thành phố. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP của các tỉnh, thành phố; FDI là đầu tư trực tiếp nước ngoài tại các tỉnh, thành phố; CONS là giá trị tiêu dùng và tổng doanh thu tiêu dùng của các tỉnh, thành phố và LABOUR là tỷ lệ lao động trong tuổi lao động so với dân số của các tỉnh, thành phố, được thu thập tại Tổng cục Thống kê và Bộ Tài chính. Dữ liệu chỉ số cạnh tranh tỉnh, thành phố được thu thập từ pcivietnam.vn.

GDP trung bình của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 là 66.732,99 tỷ đồng với giá trị thấp nhất và cao nhất tại tỉnh, thành phố của Việt Nam đạt được lần lượt là 1.234,97 tỷ đồng và 1.372.282 tỷ đồng, với biến động chênh lệch giữa các tỉnh là 133.699,4 tỷ đồng.

Chỉ số cạnh tranh trung bình của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam là 58,97, thấp nhất và cao nhất lần lượt là 36,07 và 77,61, với độ lệch chuẩn giữa các tỉnh, thành phố tại Việt Nam là 6,107. Vốn FDI của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam trung bình là 5.944,247 tỷ đồng, với mức thấp nhất và cao nhất tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam lần lượt là 68,3 tỷ đồng và 208.688 tỷ đồng, với mức chênh lệch vốn đầu tư nước ngoài tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam là 15.693,65 tỷ đồng.

Đối với các biến kiểm soát là giá trị tiêu dùng (CONS) có mức tiêu dùng trung bình là 39.524,34 tỷ đồng, với mức chênh lệch về mức tiêu dùng giữa các tỉnh, thành phố tại Việt Nam là 88.316,6 từ mức tiêu dùng thấp nhất là 481,8 tỷ đồng và cao nhất là 1.085.006 tỷ đồng và lao động (LABOUR) với tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động trung bình là 56,99% với độ chênh lệch giữa các tỉnh, thành phố tại Việt Nam là 4,61% từ tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động thấp nhất là 29,02% và cao nhất là 71,3%.

Kết quả nghiên cứu

Thực trạng tăng trưởng GDP, PCI, FDI, giá trị tiêu dùng và lao động của 63 tỉnh, thành phối tại Việt Nam giai đoạn 2000 - 2020

Hình 1 cho thấy, biến động của GDP trung bình của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam giai đoạn 2006 - 2020 có bị tác động hay tương quan dương bởi giá trị tiêu dùng và FDI. Cụ thể, giá trị tiêu dùng tác động ngay lập tức trong năm và FDI có tác động đến GDP trung bình của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam với độ trễ là một năm sau đó.

Trong khi đó, tỷ lệ dân số trong độ tuổi lao động lại ít biến động hay duy trì ổn định từ 54% - 59% trong giai đoạn 2006 - 2020. Chỉ số cạnh tranh trung bình của 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam là 52,701 điểm có chiều hướng biến động tăng đến 2015 là 58,32 điểm và giảm đáng kể trong gia đoạn 2016 - 2020 là 28,7 điểm.

Nhìn chung, tăng trưởng kinh tế, giá trị tiêu dùng và FDI trung bình tại các tỉnh, thành phố Việt Nam trong giai đoạn từ 2006 - 2020 ít bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2009, nhưng có biến động giảm mạnh từ năm 2014 - 2015 tại thời điểm xảy ra khủng hoảng nợ công tại các quốc gia đang phát triển.

Cụ thể, giá trị tiêu dùng và FDI có tác động đến tăng trưởng kinh tế trung bình tại các tỉnh, thành phố Việt Nam, nhưng lao động và chỉ số cạnh tranh chưa tác động đến tăng trưởng kinh tế trung bình tại các tỉnh, thành phố. Vì vậy, nhóm tác giả cho rằng, cần nghiên cứu thực nghiệm để đánh giá các yếu tố, đồng thời, xem xét đó là các yếu tố tác động tiêu cực hay tích cực của chỉ số cạnh tranh, đầu tư trực tiếp nước ngoài, giá trị tiêu dùng và lao động đến tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Thảo luận về các yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam

Kết quả ước lượng các hệ số hồi quy bằng phương pháp GMM hệ thống đều có ý nghĩa thống kê 1% và kết quả kiểm định Hansen cho thấy số biến công cụ thỏa điều kiện xử lý nội sinh. Vì vậy, kết quả ước lượng này được xem là đáng tin cậy.

Tăng trưởng kinh tế GDP kỳ trước có tác động tích cực đến tăng trưởng GDP kỳ sau tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, kết quả này tương đồng với nghiên cứu của d’Agostino và cộng sự (2016) về tác động của tăng trưởng kinh tế kỳ trước đó.

Bảng 2: Tác động của PCI, FDI đến tăng trưởng kinh tế

Biến nghiên cứu

Mô hình tác động trực tiếp

Mô hình tác động tương tác

Tăng trưởng kinh tế (-1)

1,038***

(1880,84)

1,028***

(7292,66)

Chỉ số PCI

88,387***

(9,191)

55,390***

(23,77)

Đầu tư nước ngoài

0,197***

(148,22)

-0,011***

(-2,54)

Giá trị tiêu dùng

0,066***

(116,01)

0,085***

(567,24)

Lao động

-714,589***

(-24,57)

-323,76***

(-82,66)

Tương tác của chỉ số PCI và đầu tư nước ngoài

 

0,003***

(48,05)

Hệ số chặn

37888,43***

(26,37)

17047,2***

(72,72)

Số biến công cụ

51

63

Đối tượng nghiên cứu/ Quan sát

63/567

63/820

Hansen test (Prob >chi2)

57,96

(0,093)

60,63

(0.313)

AR (2) test

0,773

0.771

***, ** và * lần lượt tương ứng với mức ý nghĩa thống kê 1%, 5% và 10%

Nguồn: Tác giả tự tổng hợp, tính toán bằng phần mềm Stata

PCI của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn từ 2006 - 2020. Kết quả này tương đồng với nghiên cứu của Pan và cộng sự (2016), Thai Thanh Ha và Le Thi Van Hanh (2011) và Nguyen Phuong Le và Luu Van Duy (2021) về tác động của chỉ số cạnh tranh thành phần hay chỉ số cạnh tranh tổng hợp của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam và nghiên cứu của Li và cộng sự (2015) tại Trung Quốc tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế và phù hợp với lý thuyết kinh tế nội sinh của Grossman và Helpman (1991).

FDI có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế trong mô hình tác động trực tiếp và tương đồng với kết quả nghiên cứu của Pan và cộng sự (2016).

Tuy nhiên, trong mô hình tương tác thì FDI tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam, nhưng tương tác của chỉ số cạnh tranh và FDI và chỉ số cạnh tranh lại cho kết quả tích cực đến tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành phố. Điều này cũng có nghĩa, FDI có tác động tích cực và làm cải thiện thêm chỉ số cạnh tranh của các tỉnh, thành phố tại Việt Nam.

Đối với các biến kiểm soát là tiêu dùng và lao động trong mô hình, kết quả nghiên cứu tương đồng với kết quả nghiên cứu của Kneller và cộng sự (1999) với kết quả lao động tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế và tác động tích cực của tiêu dùng hộ gia đình đến tăng trưởng kinh tế, tương đồng với kết quả nghiên cứu của Handriyani, Sahyar và Arwansyah (2018).

Kết quả các hệ số hồi quy ước lượng được bằng phương pháp GMM hệ thống phần nào đã giải thích được tác động cụ thể của chỉ số cạnh tranh, FDI, cũng như mối quan hệ tác động của chỉ số cạnh và FDI đến tăng trưởng kinh tế tại 63 tỉnh, thành phố Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2020.

Kết luận và hàm ý chính sách

Từ kết quả nghiên cứu đạt được, nhóm tác giả đã giải quyết được mục tiêu nghiên cứu, cũng như giả thuyết nghiên cứu đặt ra trước đó. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam đều có tác động tích cực đến kỳ sau được thể hiện qua hệ số hồi quy dương của tốc độ tăng trưởng kinh tế kỳ trước đó.

Chỉ số cạnh tranh có tác động tích cực đến tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành phố Việt Nam trong giai đoạn nghiên cứu. Điều này cũng hàm ý, sự cải thiện về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính, cũng như chi phí chính thức và không chính thức để DN gia nhập thị trường.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, chỉ số cạnh tranh tại các tỉnh khu vực miền Trung đã được cải thiện đáng kể, góp phần thu hút các tập đoàn đa quốc gia đầu tư, tạo ra việc làm cho người lao động và đóng góp vào GDP của các tỉnh trong khu vực này.

FDI có tác động tích cực vào tăng trưởng kinh tế tại các tỉnh, thành phố tại Việt Nam. Điều này phù hợp với các nghiên cứu thực nghiệm trước đó (Pan và cộng sự, 2016) và phù hợp với lý thuyết tăng trưởng kinh tế nội sinh của Grossman và Helpman (1991).

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm và thực trạng biến động của tăng trưởng kinh tế, chỉ số năng lực cạnh tranh và FDI tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam cho thấy, các tỉnh cần chủ động triển khai các giải pháp hơn trong các chính sách như: Giảm thiểu các thủ tục hành chính công là cấp phép đầu tư, thành lập DN, chi nhánh; Giảm thiểu các chi phí không chính thức, cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong nước và DN có FDI…

Tuy nhiên, khi xem xét đến biến tương tác của chỉ số cạnh tranh và FDI, cũng như tác động trực tiếp của chỉ số cạnh tranh và FDI trong cùng mô hình, hầu hết các hệ số hồi quy đều có ý nghĩa thống kê ở mức 1%, nhưng hệ số hồi quy của đầu tư trực tiếp trong mô hình này lại âm và chỉ số cạnh tranh cùng với biến tương tác lại dương. Điều này giải thích, FDI là nguyên nhân góp phần làm cho các chỉ số cạnh tranh tại các tỉnh, thành phố cải thiện tốt hơn qua các nước và kết quả đạt được phù hợp với thực trạng biến động của chỉ số cạnh tranh và đầu tư trực tiếp nước ngoài trung bình trong giai đoạn 2006 - 2020.

Kết quả nghiên cứu thực nghiệm và thực trạng biến động của tăng trưởng kinh tế, chỉ số năng lực cạnh tranh và FDI tại 63 tỉnh, thành phố tại Việt Nam cho thấy, các tỉnh cần chủ động triển khai các giải pháp hơn trong các chính sách như: Giảm thiểu các thủ tục hành chính công là cấp phép đầu tư, thành lập DN, chi nhánh; Giảm thiểu các chi phí không chính thức, cũng như tạo ra môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa DN trong nước và DN có FDI…

Đây cũng là những chỉ số cạnh tranh thành phần mà Hà Nội bị đánh giá thấp trong năm 2022 và cũng từ đó Hà Nội đặt ra mục tiêu số hóa hay điện tử hóa một số thủ tục hành chính công, để cải thiện hơn chỉ số cạnh tranh từ mức xếp hạng trung bình thấp lên mức cao trong năm 2023 (pcivietnam.vn).

Từ sự chủ động chuyển đổi và thay đổi đó, các tỉnh, thành phố tại Việt Nam sẽ tạo ra lòng tin cho các DN đầu tư nước ngoài lựa chọn các tỉnh, thành phố khi đến Việt Nam đầu tư, thay vì các tỉnh, thành phố thụ động lắng nghe những phản ánh, góp ý từ các DN để hứa hẹn sẽ cải thiện các thủ tục hành chính công.

Tài liệu tham khảo:

  1. Barro, R. J., & Sala-i-Martin, X. (1996), Technological Diffusion, Convergence, and Growth. Economics Working Paper 116, Springer 2(1), 1-26;
  2. Blundell, R., & Bond, S. (1998), Initial conditions and moment restrictions in dynamic panel data models. Journal of Econometrics, 87(1), 115-143;
  3. Chi-Keung, L. (2010), Convergence across the United States: Evidence from Panel ESTAR Unit Root Test. In. International Advances in Economic Research, 16(1), 52-64;
  4. D'Agostino, G., Dunne, J., & Pieroni, L. (2016), Government Spending, Corruption and Economic Growth. World Development, 84(C), 190-205. doi:10.1016/j.worlddev.2003.011;
  5. Grossman, G. M., & Helpman, E. (1991), Innovation and Growth in the Global Economy. London: The MIT Press;
  6. Handriyani, R., Sahyar , M. M., & Arwansyah, S. M. (2018), Analysis the effect of household consumption expenditure, investment and labor to economic growth: a case in province of Norht Sumatra. Studia Universitatis Economics Series, 28(4), 45-54. doi:10.2478/sues-2018-0019;
  7. Kneller, R., Bleaney, M. F., & Gemmell, N. (1999), Fiscal policy and growth: evidence from OECD countries. Journal of Public Economics, 74, 171-190. doi:10.1016/S0047-2727(99)00022-5;
  8. Li, S. K., & Zhao, L. (2015), The competitiveness and development strategies of provinces in China: a data envelopment analysis approach. Journal of Productivity Analysis, 44, 293-307. doi:10.1007/s11123-015-0445-z;
  9. Nguyen Phuong Le, & Luu Van Duy. (n.d.), Effect of provincial competitiveness index on enterprise attraction in the Central Highlands, Vietnam. PLoS ONE, 16(9), e0256525. doi:10.1371/journal.pon0256525;
  10. Pan, W. H., & Ngo, X. T. (2016), Endogenous growth theory and regional performance: The moderating effects of special economic zones. Communist and Post-Communist Studies, 49(2), 113-122. doi:10.1016/j.postcomstud.2004.005;
  11. Solow, R. M. (1956), A contribution to the Theory of Economics Growth. The Quarterly Journal of Economics, 70(1), 65-94. Retrieved from http://www.jstor.org/stable/1884513;
  12. Thai Thanh Ha, & Le Thi Van Hanh. (2012), Identifying the Public Administration Reform Performance through the Lens of Provincial Competitiveness Index and GDP per Capita in Vietnam. Journal of Modern Economy, 3, 11-15. doi:10.4236/me.231002.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023