Tác động của giá trị thương hiệu đến năng lực cạnh tranh các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh

ThS. Phạm Quang Vinh - Trường Đại học Sài Gòn

Nghiên cứu này đánh giá sự tác động của giá trị thương hiệu đến năng lực cạnh tranh thương hiệu của các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu sử dụng phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng. Kết quả nghiên cứu cho thấy: Danh tiếng thương hiệu và niềm tin thương hiệu ảnh hưởng trực tiếp đến ý nghĩa thương hiệu, nhận biết thương hiệu và hình ảnh thương hiệu; Ý nghĩa thương hiệu, nhận biết thương hiệu, hình ảnh thương hiệu có ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị thương hiệu; Giá trị thương hiệu có ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực cạnh tranh thương hiệu. Nghiên cứu này giúp các trường đại học cũng như các tổ chức giáo dục trong việc xây dựng, duy trì và phát triển một thương hiệu mạnh, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu.

Cơ sở lý thuyết và mô hình nghiên cứu

Cơ sở lý thuyết

Parameswaran & Glowacka (1995) cho rằng hình ảnh của nhà trường rất quan trọng. Nếu một đơn vị giáo dục phát triển hình ảnh riêng của mình, sẽ có lợi hơn trong việc cạnh tranh trong lĩnh vực giáo dục.

Mourad và cộng sự (2011), nghiên cứu về giá trị thương hiệu trong lĩnh vực giáo dục đại học đã đưa ra mô hình nhấn mạnh 2 khía cạnh chính của giá trị thương hiệu: nhận biết thương hiệu và hình ảnh thương hiệu. Nghiên cứu được thực hiện tại Ai Cập và những phát hiện của nghiên cứu thực nghiệm này cho thấy, thương hiệu có ảnh hưởng đáng kể đến việc lựa chọn trường đại học.

Dennis và cộng sự (2016) khi nghiên cứu về vai trò của sức mạnh gắn bó thương hiệu trong giáo dục đại học cho thấy, thương hiệu là tiền đề chính của sức mạnh gắn bó thương hiệu ảnh hưởng đến sự hài lòng, niềm tin và cam kết cũng như giá trị thương hiệu.

Noor và cộng sự (2019) đã nghiên cứu về giá trị thương hiệu của trường đại học công lập tại Malaysia. Nghiên cứu chỉ ra rằng, các khía cạnh về nhận biết thương hiệu, chất lượng dịch vụ, niềm tin thương hiệu và mức độ phù hợp có mối quan hệ tích cực với giá trị thương hiệu.

Nguyễn Tiến Dũng (2016) nghiên cứu “Mô hình các nhân tố ảnh hưởng tới giá trị thương hiệu của một số trường đại học công lập ngành kinh tế và quản trị kinh doanh tại Hà Nội”. Kết quả cho thấy, Nhận biết thương hiệu, Chất lượng cảm nhận và trung thành thương hiệu có ảnh hưởng chủ yếu đến giá trị thương hiệu trường đại học và Liên tưởng thương hiệu có ảnh hưởng ít nhất.

Mô hình nghiên cứu

Để nghiên cứu tác động của các giá trị thương hiệu đến năng lực cạnh tranh của các trường đại học tại TP. Hồ Chí Minh, dựa vào cơ sở lý thuyết nêu trên, tác giả xây dựng mô hình nghiên cứu như Hình 1.

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Nguồn: Tác giả đề xuất
Nguồn: Tác giả đề xuất

Phương pháp nghiên cứu

Tác giả sử dụng mô hình nghiên cứu định tính và định lượng. Chủ thể nghiên cứu là sinh viên các hệ đào tạo và học viên các chuyên ngành đào tạo trình độ thạc sĩ đã và đang theo học tại các trường đại học công lập tại TP. Hồ Chí Minh. Nghiên cứu được thực hiện trong giai đoạn từ tháng 12/2019 đến tháng 10/2022.

Bên cạnh đó, phạm vi nghiên cứu của năng lực cạnh tranh trong luận án này là năng lực cạnh tranh thương hiệu. Nghiên cứu định lượng trong nghiên cứu sơ bộ và định lượng trong nghiên cứu chính thức với nguồn dữ liệu sử dụng là nguồn dữ liệu sơ cấp có được thông qua khảo sát bảng câu hỏi. Công cụ hỗ trợ để phân tích dữ liệu trong nghiên cứu này là phần mềm SPSS 20.0 và SmartPLS.

Kết quả nghiên cứu

Đánh giá sơ bộ thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha:

Để đánh giá được mức độ tin cậy của thang đo, tác giả đã tiến hành phân tích Cronbach’s Alpha cho từng biến. Thông qua dữ liệu đã phân tích cho thấy: Thang đo thành phần Nhận biết thương hiệu có hệ số Cronbach’s Alpha = 0,847 > 0,6 và các hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đều lớn hơn 0,3 nên đạt yêu cầu đưa vào phân tích nhân tố khám phá EFA tiếp theo.

Thang đo thành phần hình ảnh thương hiệu có hệ số Cronbach’s Alpha = 0,699 > 0,6 đạt yêu cầu đưa vào phân tích nhân tố EFA tiếp theo. Tuy nhiên, biến BI1 có hệ số tương quan biến tổng = - 0,011 < 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha sau khi loại biến = 0,843 nên tác giả loại bỏ biến này khỏi thang đo và tiến hành phân tích lần 2.

Thang đo thành phần ý nghĩa thương hiệu có hệ số Cronbach’s Alpha = 0,772 > 0,6 đạt yêu cầu đưa vào phân tích nhân tố EFA tiếp theo. Tuy nhiên, biến BM5 có hệ số tương quan biến tổng = - 0,055 < 0,3 và hệ số Cronbach’s Alpha sau khi loại biến = 0,889 nên tác giả loại bỏ biến này khỏi thang đo và tiến hành phân tích lần 2.

Thang đo thành phần danh tiếng thương hiệu có hệ số Cronbach’s Alpha = 0,891 > 0,6 và các hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đều lớn hơn 0,3 nên đạt yêu cầu đưa vào phân tích nhân tố EFA tiếp theo.

Thang đo thành phần niềm tin thương hiệu có hệ số Cronbach’s Alpha = 0,666 > 0,6 đạt yêu cầu đưa vào phân tích nhân tố EFA tiếp theo. Tuy nhiên, biến BT6, BT7 BT9, BT10, BT11 có hệ số tương quan biến tổng < 0,3 nên tác giả loại bỏ những biến này khỏi thang đo và tiến hành phân tích lần 2.

Thang đo thành phần giá trị thương hiệu có hệ số Cronbach’s Alpha = 0,898 > 0,6 và các hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đều lớn hơn 0,3 nên đạt yêu cầu đưa vào phân tích nhân tố EFA tiếp theo.

Thang đo thành phần năng lực cạnh tranh thương hiệu có hệ số Cronbach’s Alpha = 0,814 > 0,6 và các hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đều lớn hơn 0,3 nên đạt yêu cầu đưa vào phân tích nhân tố EFA tiếp theo.

Sau khi loại khỏi những biến không phù hợp, tác giả tiến hành phân tích lần 2 đối cho ra kết quả với các hệ số đạt yêu cầu và phù hợp đưa vào phân tích EFA.

Phân tích nhân tố khám phá (EFA)

Kết quả phân tích nhân tố cho thấy hệ số KMO = 0,780 > 0,5, kiểm định Bartlett có ý nghĩa về mặt thống kê (Sig. < 0,05) cho thấy các biến quan sát có tương quan trong tổng thể, do đó thỏa điều kiện để phân tích nhân tố (Bảng 1)

Bảng 1: Kiểm định KMO và Bartlett thang đo các thành phần tác động đến giá trị thương hiệu

Hệ số kiểm định sự tương hợp của mẫu (KMO)

0,780

Kiểm định Bartlett's

Approx. Chi-Square

3521,174

Số bậc tự do (df)

406

Mức ý nghĩa (Sig.)

0,000

Nguồn: Tác giả xử lý dữ liệu và thống kê

Kết quả phân tích các nhân tố được rút trích tại điểm eigenvalue nhỏ nhất là 1,015 > 1, tổng phương sai lớn nhất = 78,680% cho biết các nhân tố này giải thích được 78,680% biến thiên của dữ liệu. Bên cạnh đó, bảng ma trận nhân tố xoay cho thấy tất cả biến quan sát có trọng số nhân tố (factor loadings) giá trị từ 0,521 đến 0,898 đều lớn hơn 0,5 là phù hợp. Thang đo giá trị thương hiệu gồm 04 biến quan sát. Sau khi phân tích Cronbach’s Alpha, các biến đều đảm bảo độ tin cậy, không biến nào bị loại nên tiếp tục được tiến hành phân tích.

Hệ số Fornell-Lacker

Kết quả phân tích bảng 2 cho thấy, giá trị căn bậc hai của AVE (hệ số nằm trên đường chéo) của mỗi khái niệm lớn hơn các hệ số tương quan tương ứng của khái niệm đó với các khái niệm khác trong mô hình nghiên cứu. Điều này chứng minh cho giá trị phân biệt của các khái niệm (Fornell & Larckerm, 1981).

Chỉ số tương quan Heterotrait-Monotrait (HTMT)

Theo kết quả như trên, hệ số tương quan giữa các biến: danh tiếng thương hiệu, giá trị thương hiệu, hình ảnh thương hiệu, nhận biết thương hiệu, ý nghĩa thương hiệu, niềm tin thương hiệu và năng lực cạnh tranh thương hiệu nằm trong khoảng 0,218 đến 0,973.

Hệ số tải chéo (Cross loading)

Theo kết quả phân tích chỉ số của hệ số tải chéo tất cả đều > 0,70 và các điều kiện của hệ số tải chéo phù hợp với điều kiện nghiên cứu. Vì mức độ chính xác về giá trị phân biệt được thiết lập khi hệ số tải của một chỉ số trên một cấu trúc cao hơn tất cả các hệ số tải chéo của nó với các cấu trúc khác (Hair và cộng sự, 2014).

Đánh giá mức độ đa cộng tuyến (VIF)

Số liệu phân tích cho thấy chỉ số VIF đều < 5, với giá trị lớn nhất là 1,861; nhỏ nhất là 1,00. Điều này chứng tỏ không có hiện tượng đa cộng tuyến xảy ra.

Đánh giá hệ số xác định R2 và R2 hiệu chỉnh

Kết quả phân tích cho thấy các chỉ số R2 và R2 hiệu chỉnh đều lớn hơn 0,20 phù hợp với mức độ dự báo của mô hình.

Giá trị Communality

Trong nghiên cứu này, tất cả chỉ số AVE đều lớn hơn 0,50. Điều này cho thấy mô hình cấu trúc phù hợp với dữ liệu.

Chỉ số mức độ phù hợp của mô hình (GoF)

Theo kết quả phân tích, chỉ số GoF = 0,53 > 0,36, cho thấy có ảnh hưởng rất lớn đến mô hình và chứng minh mô hình PLS phù hợp với dữ liệu thực nghiệm.

Kết luận và hàm ý quản trị

Kết quả của nghiên cứu cho thấy có sự tác động tích cực và trực tiếp đến giá trị thương hiệu của các nhân tố: ý nghĩa thương hiệu (β = 0,651), nhận biết thương hiệu (β = 0,052), hình ảnh thương hiệu (β = 0,245). Giá trị thương hiệu có tác động trực tiếp (β = 0,706) đến năng lực cạnh tranh thương hiệu. Nhân tố danh tiếng thương hiệu tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị thương hiệu, nhưng lại có tác động cùng chiều đến ý nghĩa (β = 0,518), nhận biết (β = 0,128) và hình ảnh thương hiệu (β = 0,171). Tương tự như vậy, niềm tin thương hiệu không ảnh hưởng trực tiếp đến giá trị thương hiệu, nhưng lại có tác động cùng chiều đến ý nghĩa (β = 0,573), nhận biết (β = 0,583) và hình ảnh thương hiệu (β = 0,127).

Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh thương hiệu, giúp các trường đại học cũng như các tổ chức giáo dục trong việc xây dựng, duy trì và phát triển thương hiệu, tác giả đưa ra một số hàm ý quản trị sau:

Thứ một, danh tiếng thương hiệu: cần phải nâng cao danh tiếng thương hiệu của trường đại học, vì nó đóng vai trò rất quan trọng trong việc thu hút sinh viên, giảng viên và góp phần nâng cao ý nghĩa, nhận thức, hình ảnh thương hiệu trong tâm trí của khách hàng, các nhà tài trợ và các cơ quan đối tác để cùng nhau hợp tác phát triển.

Thứ hai, niềm tin thương hiệu: nhà trường cần có những chính sách đảm bảo chất lượng giáo dục đáp ứng được các tiêu chuẩn, đem lại lợi ích cho sinh viên, giảng viên. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh và đổi mới các hoạt động nghiên cứu để đóng góp cho xã hội và đáp ứng được kì vọng và gia tăng niềm tin. Ngoài ra, trường đại học cũng cần truyền đạt sứ mệnh, tầm nhìn và thành tích của mình một cách rõ ràng và minh bạch để xây dựng lòng tin và sự tín nhiệm giữa các bên liên quan.

Thứ ba, ý nghĩa thương hiệu: các trường đại học cần nâng cao ý nghĩa thương hiệu của mình để nâng cao giá trị thương hiệu và duy trì tính cạnh tranh trong bối cảnh giáo dục đại học thế giới, cũng như Việt Nam đang thay đổi nhanh chóng.

Thứ tư, nhận biết thương hiệu: các trường đại học cần đẩy mạnh nâng cao nhận thức thương hiệu đối với cơ sở giáo dục của mình.

Thứ năm, hình ảnh thương hiệu: các trường đại học nên ưu tiên xây dựng và duy trì hình ảnh thương hiệu mạnh bằng cách đầu tư vào các chiến lược tiếp thị và truyền thông, cải thiện các chương trình và cơ sở vật chất, học thuật cũng như thúc đẩy mối quan hệ với cộng đồng rộng lớn hơn.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Tiến Dũng (2016). Mô hình các nhân tố ảnh hưởng tới giá trị thương hiệu của một số trường Đại học công lập ngành kinh tế và quản trị kinh doanh tại Hà Nội, Luận án tiến sĩ kinh tế Trường Đại học Kinh tế Quốc dân;
  2. Phạm Thị Minh Lý (2014). “Tài sản thương hiệu của trường Đại học theo cảm nhận sinh viên: Nghiên cứu tại các trường Đại học ở TP.HCM”. Tạp chí Kinh tế và Phát triển. Số 200 tháng 02/2014, tr. 79-87;
  3. Dean, D., Arroyo-Gamez, R.E., Punjaisri, K. and Pich, C. (2016), “Internal brand co-creation: the experiential brand meaning cycle in higher education”, Journal of Business Research, Vol. 69 No. 8, pp. 3041-3048;
  4. Severi và Ling (2013). The Mediating Effects of Brand Association, Brand Loyalty, Brand Image and Perceived Quality on Brand Equity. Asian Social Science; Vol. 9, No. 3; 2013.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 8/2023