Doanh nghiệp tìm vốn ở đâu?

Theo TBKTSG

Chiếm hơn 97% trong tổng số khoảng 470.000 doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), dù được coi là xương sống của nền kinh tế, nhưng lại là đối tượng khó tiếp cận các nguồn vốn nhất trong khi lực lượng này có nhu cầu vay vốn bức thiết nhất.

Giữa muôn trùng khó

Chủ nhiệm Hợp tác xã Bao bì và Cơ khí Phương Nam ở TPHCM, ông Vũ Công Hòa, đang vò đầu bứt tai không biết tìm đâu ra nguồn vốn để vay khi dự án của mình đã đi được hai phần ba chặng đường. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp nằm trong tình trạng không có doanh thu.

Số là doanh nghiệp của ông đang nghiên cứu chế tạo một dây chuyền xử lý rác không chôn lấp mà sản xuất thành phân bón hữu cơ. Đến nay 70% công đoạn đã thực hiện là các loại máy móc chất đống trong kho bãi.

Huy động vốn từ các thành viên trong hợp tác xã không đủ, tìm đến ngân hàng cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu, ông đã gõ cửa các quỹ tín dụng, quỹ hỗ trợ năm lần bảy lượt mà tiền thì vẫn chưa có. Thời gian tới ông vẫn chưa biết ai sẽ là người có thể tháo dỡ khó khăn cho mình.

Câu chuyện của ông Hòa cũng là câu chuyện của rất nhiều DNNVV đang mắc phải: khát vốn đầu tư nhưng không biết tìm nguồn vốn ở đâu. Cái vướng của ông Hòa cũng là cái vướng chung của phần lớn doanh nghiệp mà dù có nhiều động thái từ Chính phủ, nỗ lực của ngân hàng thì vấn đề này vẫn đang là nỗi trăn trở của giới doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp có thể kể vanh vách những khó khăn về vốn, về nhu cầu đổi mới công nghệ, xây dựng nhà xưởng, đầu tư… Còn các ngân hàng cũng đã quá quen với những khó khăn họ gặp phải khi nhận những hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp.

Lý giải về tình trạng doanh nghiệp không vay được vốn, nhiều chuyên gia đã chỉ ra hai trong số những vấn đề trong hồ sơ vay vốn của doanh nghiệp là báo cáo tài chính và tài sản thế chấp. Theo các chuyên gia, báo cáo tài chính của DNNVV không đáng tin cậy, không có sự minh bạch. Bởi nhiều doanh nghiệp Việt Nam có hệ thống kế toán từ hai đến ba sổ sách. Một sổ là báo cáo tài chính, thường khai lỗ để trốn thuế. Một sổ dùng trong nội bộ, không thể công khai ra ngoài. Có thể có thêm một sổ nữa dành cho các cổ đông. Mang một bản báo cáo tài chính bị lỗ đến ngân hàng xin vay vốn đương nhiên là bị từ chối, vì ngân hàng chỉ dành khoản vốn cho các doanh nghiệp có hồ sơ rõ ràng, dự án khả thi, khả năng thu hồi vốn chắc chắn.

Mà cho dù ngân hàng có bỏ qua bản báo cáo tài chính, chuyển kỳ vọng sang dự án kinh doanh khả thi, thì điều này, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được. Cái mà ngân hàng thường gặp phải, và thường trả hồ sơ lại là việc doanh nghiệp luôn tìm các khoản vay ngắn hạn để đầu tư các danh mục dài hạn như mua sắm máy móc thiết bị, xây dựng nhà xưởng. Bên cạnh đó, tài sản thế chấp và vốn đối ứng cũng là những bức tường ngăn cản các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Tìm vốn ở đâu?

Theo các chuyên gia, DNNVV có thể tìm đến các nguồn vốn trả chậm, vốn vay liên doanh liên kết, hay tìm vốn qua công ty cho thuê tài chính, các quỹ tín dụng hỗ trợ. Doanh nghiệp cũng có thể tiếp cận các nguồn vốn tài trợ của các định chế tài chính nước ngoài về các dự án biến đổi khí hậu, sản xuất sạch, bảo vệ môi trường… Để đến được với các tổ chức tài chính, ngân hàng, doanh nghiệp cần tìm hiểu kỹ thông tin, kèm theo đó là một bản báo cáo tài chính rõ ràng, được kiểm toán và một dự án sản xuất kinh doanh tốt.

Nguồn vốn cho doanh nghiệp, trước hết bắt đầu từ chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Chính sách ấy, theo ông Trần Bửu Long, Phó giám đốc Quỹ Tín dụng TPHCM, nằm ở các chương trình của thành phố. Chương trình lớn thì có gói kích cầu thông qua đầu tư, chương trình nhỏ hơn thì có quỹ xoay vòng giúp doanh nghiệp sản xuất sạch hơn, quỹ giảm thiểu ô nhiễm môi trường, quỹ phát triển khoa học công nghệ, hay quỹ hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng kho hàng, bến bãi vận tải, vận chuyển…

Chẳng hạn Quỹ Phát triển khoa học công nghệ của thành phố có số vốn ban đầu 50 tỉ đồng, với lãi suất cho vay không thế chấp từ 0% đến tối đa là bằng phân nửa so với lãi suất ngân hàng thương mại và có thể tài trợ không thu hồi đối với một số dự án. Dự kiến đến cuối năm nay quỹ sẽ tăng vốn lên 200-300 tỉ đồng. Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM là một địa chỉ mà doanh nghiệp cũng cần tìm đến, vì đây là nơi nắm giữ nhiều nguồn quỹ của thành phố.

Hoặc Quỹ Bảo lãnh tín dụng của thành phố, đến nay, đã bảo lãnh cho doanh nghiệp vay khoảng 400 tỉ đồng. Tuy vậy vẫn có nhiều hồ sơ dù được quỹ bảo lãnh, ngân hàng vẫn từ chối. Hiện nay, số dư ở Quỹ Bảo lãnh tín dụng TPHCM khoảng 277 tỉ đồng, một con số quá nhỏ so với nhu cầu vay vốn của hơn 200.000 doanh nghiệp ở thành phố.

Vì thế, chắc chắn nhất, doanh nghiệp vẫn tìm đến các ngân hàng thương mại, vì hiện nay nhiều ngân hàng có chương trình tài trợ cho DNNVV, coi đó là đối tượng khách hàng tiềm năng. Chẳng hạn ACB có các dự án liên kết với Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản, liên kết với một số dự án ở châu Âu để tài trợ cho DNNVV. Techcombank được Công ty Tài chính quốc tế (IFC) chọn làm đối tác cho khoản tài trợ giai đoạn đầu với khoảng 125 triệu đô la Mỹ. Khoản tài trợ này được dành cho DNNVV vay để đổi mới thiết bị công nghệ, tiết kiệm năng lượng…

Xem ra hành trình đi tìm vốn của doanh nghiệp vẫn đầy gian nan. Giữa sự gian nan đó, cách làm của khu công nghiệp Long Hậu, ở xã Long Hậu, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, là một giải pháp khá cụ thể. Nắm bắt được khó khăn và nhu cầu về vốn của DNNVV, Ban quản lý khu công nghiệp đã đứng ra vay vốn và cho doanh nghiệp hoạt động trong khu công nghiệp vay lại.

Long Hậu đứng ra xây dựng nhà xưởng, cho doanh nghiệp thuê, trả chậm từng tháng, hoặc cho thuê mua lại, trả góp trong thời hạn 10 năm. Nếu doanh nghiệp muốn vay tiền mặt, khu công nghiệp sẽ đứng ra vay các nhà tài trợ, và cho doanh nghiệp vay lại, trả chậm, hoặc đứng ra liên kết với các định chế tài chính, ngân hàng tạo ra các kênh dẫn vốn. Nhờ đó doanh nghiệp có vốn để đầu tư sản xuất, còn Long Hậu thu hút được doanh nghiệp vào khu công nghiệp.