Nghị quyết 02 và kỳ vọng về cải cách môi trường kinh doanh


Sau hơn 1 năm vắng bóng, đầu năm 2024, Nghị quyết 02 về cải cách môi trường kinh doanh được khôi phục lại sẽ khơi dậy động lực, tinh thần cải cách.

Doanh nghiệp kỳ vọng cải cách môi trường kinh doanh từ Nghị quyết số 02.
Doanh nghiệp kỳ vọng cải cách môi trường kinh doanh từ Nghị quyết số 02.

Trong bối cảnh nguồn lực doanh nghiệp chưa được khơi thông hiệu quả, gánh nặng chính sách vẫn tiềm ẩn với hàng loạt rủi ro, Nghị quyết số 02/NQ-CP được ban hành đem đến nhiều kỳ vọng…

Nghị quyết 02/2024 nêu rõ gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết, khiến doanh nghiệp đối mặt với rủi ro. Những khó khăn liên quan quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, thực hiện dự án đầu tư... tiếp tục là rào cản lớn.

Chia sẻ về những khó khăn trong lĩnh vực thực phẩm, bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho biết, một trong số các quy định ảnh hưởng kéo dài và nặng nề nhất đến doanh nghiệp thực phẩm đó là vướng mắc tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.

Theo bà Chi, bất cập này đã kéo dài dai dẳng gần 7 năm, kể từ năm 2017 đến nay và các doanh nghiệp ngành lương thực thực phẩm đã và đang từng ngày phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, tổn thất từ việc yêu cầu bắt buộc tất cả các doanh nghiệp phải bổ sung iot vào muối và bổ sung sắt, kẽm vào bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm. Yêu cầu này đang đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro, không đúng với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế. Đặc biệt, quy định này thậm chí gây nguy hiểm sức khỏe khi bắt tất cả những người đủ hoặc thừa vi chất phải ăn thực phẩm bổ sung vi chất, gây tốn kém và nhiều khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất - chế biến thực phẩm.

Tại Nghị quyết số 19-2018/NQ-CP ngày 15/5/2018, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Y tế nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng: Bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường iốt” và bãi bỏ quy định “Bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích doanh nghiệp chế biến thực phẩm sử dụng. Ngày 26/6/2018, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch số 618 sửa đổi Nghị định 09, nhưng đến nay, Bộ Y tế vẫn chưa triển khai việc sửa đổi Nghị định này.

Vì vậy, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP. Hồ Chí Minh cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi cách thức thực hiện cải cách, bổ sung thêm cơ chế giám sát, xử lý người thực hiện cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh quốc gia để tạo ra kết quả đột phá. Bởi thực tế, các quy định về kỷ luật công vụ và trách nhiệm người đứng đầu bộ, ngành trong việc thực thi nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng giao còn khá hời hợt, chưa cụ thể dẫn đến nhiều quy định bất cập, tác động rất lớn đến doanh nghiệp.

Tại nhiều diễn đàn và ở nhiều nơi, doanh nghiệp chia sẻ ngày càng nhiều vướng mắc, bất cập song rất ít khó khăn được giải quyết, khiến sức khỏe của doanh nghiệp “bị bào mòn và niềm tin sụt giảm”.

Có thể thấy nếu như việc ban hành các chính sách đúng đắn là điều kiện cần, thì nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi chính sách mới là điều kiện đủ để môi trường kinh doanh thực sự thuận lợi, thân thiện với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp ngành thực phẩm kỳ vọng, việc khôi phục lại Chương trình cải cách, cải thiện môi trường kinh doanh bằng việc ban hành Nghị quyết số 02 ngày 5/1/2024 sẽ khơi dậy động lực, tinh thần cải cách của các bộ, ngành, địa phương. Từ đó, thúc đẩy tăng trưởng mạnh mẽ.

Thực tế, việc Chính phủ ban hành trở lại Nghị quyết số 02/NQ-CP sẽ giúp môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể. Nghị quyết không chỉ dừng lại ở các kế hoạch cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia mà còn tạo nền tảng phát triển cho giai đoạn tiếp theo dựa vào chuyển đổi số, kinh tế số với những kế hoạch dài hạn.

Chính phủ cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho các đầu mối thực hiện và yêu cầu phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong thực hiện nhiệm vụ được đặt thành mục riêng. Như vậy yêu cầu cải cách đang được đặt ra mạnh mẽ hơn, đòi hỏi các bộ, ngành, địa phương phải vào cuộc một cách thực chất.

Theo Báo Công Thương