Nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp khách sạn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2030

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2019

Bài viết tổng hợp, đánh giá số liệu thống kê về lượng khách du lịch, cơ cấu nhân lực theo vị trí việc làm, trình độ chuyên môn ở các doanh nghiệp khách sạn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang trong thời gian qua, đồng thời nghiên cứu dự báo nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp khách sạn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2030. Trên cơ sở đó, đề xuất một số giải pháp nhằm đáp ứng quy mô, cơ cấu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp khách sạn tỉnh Kiên Giang thời gian tới.

Được xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, nên tỉnh Kiên Giang đã quy hoạch và định hướng phát triển ngành này với quy mô ngày càng lớn và không ngừng đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Dự kiến đến năm 2030, Kiên Giang sẽ thu hút 22 triệu lượt khách du lịch nội địa và 1,677 triệu khách du lịch quốc tế. Theo đó, số phòng lưu trú cho khách du lịch sẽ đạt khoảng 54.600 phòng vào năm 2030. Tương ứng với sự phát triển của các phòng nghỉ, các doanh nghiệp khách sạn tỉnh Kiên Giang cần một số lượng lớn nhân lực làm việc cho Ngành.

Để có các giải pháp đề xuất nhằm đáp ứng quy mô, cơ cấu nhân lực cho các doanh nghiệp khách sạn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2030, nghiên cứu này tiến hành dự báo số lượng khách du lịch, số phòng lưu trú cần thiết cho giai đoạn 2020-2030. Đồng thời, kết hợp nghiên cứu về cơ cấu lao động hiện nay của các doanh nghiệp khách sạn tỉnh Kiên Giang về ngành nghề và trình độ đào tạo để xác định cơ cấu nhân lực trong thời gian tới. Các kết quả đạt được như sau:

Thực trạng phát triển nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp khách sạn tỉnh Kiên Giang

Để dự báo nhu cầu khách du lịch và số phòng lưu trú giai đoạn 2020-2030, nghiên cứu tiến hành thống kê số lượng khách lưu trú và số ngày lưu trú bình quân của khách du lịch đến Kiên Giang giai đoạn 1994-2017. Trên cơ sở đó, lượng khách du lịch và số phòng lưu trú tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2030 được tính toán như sau:

- Đối với lượng khách du lịch: Giai đoạn 1994-2017, các cơ sở lưu trú tỉnh Kiên Giang đã đón trên 18 triệu lượt khách du lịch. Trong đó, khách du lịch Việt Nam trên 12 triệu khách du lịch và khách du lịch quốc tế trên 2 triệu khách du lịch (chiếm tỷ lệ hơn 16% tổng lượng khách đến Kiên Giang). Bình quân mỗi năm lượng khách lưu trú tăng 17,05%. Dựa vào tỷ lệ tăng bình quân hàng năm của lượng khách lưu trú, nghiên cứu ước tính lượng khách lưu trú tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2018-2030.

- Đối với nhu cầu phòng lưu trú: Phòng lưu trú được tính toán dựa trên số ngày lưu trú bình quân giai đoạn 1994-2017, số lượng khách du lịch dự báo với giả định mỗi phòng bình quân ở 02 khách và số phòng nghỉ được tính bình quân cho 365 ngày trong năm:

Số lượng khách du lịch và số phòng nghỉ dự báo giai đoạn 2020-2030 được tính toán cụ thể tại Bảng 1.

Dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực tại các doanh nghiệp khách sạn tại Kiên Giang

Giai đoạn 2020-2030, các doanh nghiệp khách sạn tỉnh Kiên Giang cần thêm 43.484 lao động. Trong đó, 5.466 lễ tân, 13.898 lao động phục vụ trong nhà hàng, 7.977 lao động phục vụ buồng phòng và 16.142 lao động ở các vị trí khác trong khách sạn.

Thực tế nghiên cứu cho thấy, đến năm 2030, Kiên Giang dự kiến có khoảng 23 triệu lượt khách đến lưu trú và nhu cầu phòng nghỉ khoảng 53 nghìn phòng. Số liệu này tương đồng với chỉ tiêu trong Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/11/2017 của Tỉnh ủy Kiên Giang về phát triển du lịch tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; theo đó số liệu chỉ tiêu đến năm 2030 lần lượt là 23,667 triệu khách du lịch và 54.600 phòng.

Để dự báo nhu cầu nhân lực các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2030, nghiên cứu dựa trên nhu cầu phòng lưu trú giai đoạn 2020-2030 và số lao động bình quân/phòng khách sạn giai đoạn 2015-2017.

Trong các năm 2015, 2016, 2017, tỷ lệ lao động bình quân/phòng của các khách sạn từ 2-5 sao lần lượt là 1,11; 0,95 và 0,86. Lao động bình quân/phòng giai đoạn 2015-2017 là 0,97 tương đương 1.

Đồng thời, căn cứ vào lao động thực tế tại các doanh nghiệp theo vị trí việc làm giai đoạn 2015-2017 để tính tỷ trọng của từng vị trí công việc so với tổng số lao động. Qua tính toán cho thấy, lao động ở vị trí lễ tân chiếm tỷ trọng bình quân là 12,57%; lao động vị trí nhà hàng chiếm tỷ trọng bình quân là 31,96%; lao động ở vị trí buồng phòng chiếm tỷ trọng bình quân là 18,34%; còn lại là các vị trí khác trong khách sạn.

Căn cứ các số liệu trên, bài viết dự báo nhu cầu nhân lực cho các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2030 như sau: Để xác định yêu cầu về trình độ của nhân lực theo yêu cầu của doanh nghiệp giai đoạn 2020-2030, nghiên cứu tiến hành thống kê trình độ chuyên môn của người lao động ở 70 doanh nghiệp trong giai đoạn 2015-2017. Kết quả thống kê cho thấy, giai đoạn 2015-2017, tỷ lệ lao động có trình độ sau đại học chiếm tỷ lệ 0,37%, tỷ lệ lao động có trình độ đại học chiếm tỷ lệ 24,7%, tỷ lệ lao động có trình độ cao đẳng chiếm tỷ lệ  13,24%, tỷ lệ lao động có trình độ trung cấp chiếm tỷ lệ 14,55%, còn lại là các trình độ khác chiếm tỷ lệ 47,13%.

Căn cứ trên số lao động cần tuyển thêm giai đoạn 2020-2030 và cơ cấu lao động theo trình độ đào tạo giai đoạn 2015-2017, có thể xác định được số lao động cần tuyển mới theo trình độ đào tạo (Bảng 2).

Như vậy, giai đoạn 2020-2030, các doanh nghiệp khách sạn tỉnh Kiên Giang cần thêm 43.484 lao động. Trong đó, 5.466 lễ tân, 13.898 lao động phục vụ trong nhà hàng, 7.977 lao động phục vụ buồng phòng và 16.142 lao động ở các vị trí khác trong khách sạn. Về trình độ đào tạo, các doanh nghiệp cần thêm 161 lao động có trình độ sau đại học, 10.740 lao động có trình độ đại học, 5.757 lao động có trình độ cao đẳng, 6.327 lao động có trình độ trung cấp và 20.498 lao động có trình độ khác.

Định hướng phát triển nhân lực tại Kiên Giang giai đoạn 2020-2030

Dân số trong độ tuổi lao động của tỉnh Kiên Giang hàng năm khoảng trên 1 triệu người, chiếm trên 50% dân số. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động được đào tạo của Kiên Giang hàng năm còn thấp, chiếm hơn 15% tổng số dân số trong độ tuổi lao động. Hiện nay, tỉnh Kiên Giang có 6 cơ sở đào tạo lĩnh vực du lịch, trong đó có 4 cơ sở đào tạo lĩnh vực khách sạn. Quy mô đào tạo năm 2018 của các cơ sở đào tạo ngành khách sạn tỉnh Kiên Giang chỉ đạt 1.900 chỉ tiêu/năm. Do đó, việc đào tạo nhân lực để đáp ứng quy mô, cơ cấu cho các doanh nghiệp khách sạn là vấn đề cấp thiết đặt ra. Để đáp ứng về quy mô và cơ cấu nhân lực cho các doanh nghiệp khách sạn trong thời gian tới, cần có sự tham gia của cả 3 bên: Nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo:

Về phía quản lý nhà nước

Chính sách đãi ngộ và thu hút trong đầu tư phát triển du lịch

Nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp khách sạn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2030 - Ảnh 1

Để các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch nói chung cũng như các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn nói riêng có điều kiện phát triển mạnh mẽ hơn, các cơ quan chức năng cần có các chính sách ưu đãi phát triển du lịch để đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực này. Mặc dù, các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch đang được hưởng chế độ đãi ngộ chung cho các doanh nghiệp đầu tư trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, nhưng hiện nay, chính sách ưu đãi đặc thù cho ngành Du lịch nhất là cho lĩnh vực phát triển các cơ sở lưu trú còn hạn chế. Chính vì vậy, Kiên Giang cần sớm nghiên cứu ban hành các chính sách thu hút đầu tư cho lĩnh vực du lịch. Tùy theo đặc điểm, tình hình của từng địa bàn và chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, Tỉnh sẽ xây dựng và ban hành chính sách ưu đãi cho các vùng hay cho sản phẩm du lịch nào. Riêng đối với các vùng du lịch trọng điểm của Tỉnh như: Vùng Tứ giác Long Xuyên (Kiên Lương – Hà Tiên), vùng U Minh Thượng, vùng Bán đảo Cà Mau (Giồng Riềng, Gò Quao…), vùng hải đảo (Hòn Sơn, Nam Du..) cần có các chính sách ưu đãi để thu hút đầu tư phát triển du lịch.

Bên cạnh đó, Tỉnh nên chú trọng đầu tư để xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng như: Đường sá, sân bay, bến cảng nhất là đường giao thông kết nối đến các khu du lịch. Kiên Giang là Tỉnh cuối phía Tây – Nam với địa bàn kênh rạch chằng chịt nên điều kiện đi lại chưa được thuận tiện cho du khách. Để có thể thu hút khách du lịch, Kiên Giang cần đầu tư phát triển các tuyến giao thông huyết mạch đến các điểm du lịch. Điều này cũng giúp các doanh nghiệp thuận tiện trong việc vận chuyển hàng hóa phục vụ du khách cũng như đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh hiện hành.

Chính sách trong đào tạo nguồn nhân lực

Nhu cầu nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp khách sạn tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2020-2030 - Ảnh 2

Định hướng cho các cơ sở đào tạo thông qua khảo sát nhu cầu từ các doanh nghiệp. Việc khảo sát nhu cầu đối với các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang có nhiều thuận lợi để thực hiện vì Kiên Giang có sở Du lịch chịu trách nhiệm quản lý đối với các doanh nghiệp du lịch, nên Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Du lịch có thể thông tin về số lượng, địa chỉ của từng doanh nghiệp cũng như số lượng phòng tại các khách sạn. Thông qua Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, cơ quan quản lý nhà nước về đào tạo và việc làm – Sở Lao động Thương binh và Xã hội sẽ định hướng nhu cầu đào tạo cho các cơ sở đào tạo trên địa bàn Tỉnh về quy mô đào tạo, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu trình độ đào tạo. Từ đó, các cơ sở đào tạo thực hiện công tác đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp, tăng cường đội ngũ, cơ sở vật chất và tiến hành tuyển sinh, đào tạo.

Ưu tiên đầu tư các ngành nghề cần nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp cho các cơ sở đào tạo. Trên cơ sở dự báo nhu cầu đào tạo, Tỉnh cần tập trung đầu tư về cơ sở vật chất (phòng thực hành, trang thiết bị thực hành) để các cơ sở đào tạo đảm bảo được trang thiết bị theo danh mục trang thiết bị tối thiểu cho ngành nghề đào tạo. Bên cạnh đó, UBND tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục cấp kinh phí cho công tác đào tạo giảng viên ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Công tác dự báo nhu cầu tuyển dụng

Tỉnh Kiên Giang cần tiếp tục chỉ đạo các ban ngành liên quan thu thập nhu cầu tuyển dụng lao động trong các doanh nghiệp kinh doanh khách sạn giai đoạn 2020 – 2030 cả về số lượng, cơ cấu ngành nghề và cơ cấu theo trình độ, yêu cầu về chất lượng nhân lực; Đẩy mạnh công tác thông tin hướng nghiệp đến các cơ sở đào tạo trên địa bàn Tỉnh nhằm định hướng ngành nghề và trình độ đào tạo. Từ đó, giúp người học lựa chọn đúng ngành nghề và trường học phù hợp, đảm bảo được việc làm sau khi tốt nghiệp.

Công tác tuyên truyền và hỗ trợ cung ứng lao động cho doanh nghiệp

Chú trọng công tác tuyên truyền đến người dân về nhu cầu lao động trong lĩnh vực khách sạn. Đồng thời, phối hợp với các doanh nghiệp quảng bá về điều kiện làm việc, các chế độ ưu đãi của doanh nghiệp.

Đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở (THCS) và trung học phổ thông (THPT) thông qua định hướng nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức các  buổi tọa đàm giữu doanh nghiệp trong lĩnh vực khách sạn với học sinh các trường THPT và THCS về nghề khách sạn. Thông qua đó, giúp học sinh định hướng cho việc học tập và lựa chọn ngành nghề theo học sau khi tốt nghiệp THCS và THPT.

Đảm bảo các điểu kiện đi lại và các điều kiện sinh hoạt cho người lao động ở những vùng trọng điểm du lịch

Để người lao động có thể yên tâm làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn Tỉnh, cần thực hiện xây dựng, đầu tư các điều kiện sinh hoạt cho người lao động như: Phương tiện đi lại, trường học, bệnh viện, nhà ở… Có như vậy, người lao động mới có thể lập nghiệp và làm việc lâu dài cho các doanh nghiệp trên địa bàn của tỉnh Kiên Giang.

Về phía các cơ sở đào tạo

Tăng cường năng lực đào tạo theo quy định để đảm bảo quy mô và cơ cấu theo dự báo:

Căn cứ theo nhu cầu nhân lực dự báo từ các cơ quan quản lý Nhà nước, các cơ sở đào tạo tiến hành thực hiện các điều kiện để đào tạo. Bao gồm: Xây dựng chương trình đào tạo; Đào tạo và tuyển dụng đội ngũ giáo viên; Mua sắm và trang bị phòng thực hành, trang thiết bị cho ngành học mới.

Hiện nay, các cơ sở đào tạo trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, chủ yếu đào tạo ở các nghiệp vụ cơ bản của khách sạn. Thực tế có nhiều ngành nghề mới phục vụ trong lĩnh vực khách sạn mà các cơ sở đào tạo hiện chưa có như: chăm sóc sức khỏe, chăm sóc sắc đẹp, bartender… Vì vậy, các cơ sở đào tạo cần chuẩn bị tốt các điều kiện để mở thêm các ngành nghế mới đáp ứng nhân lực cho các doanh nghiệp khách sạn.

Mở rộng loại hình và phương thức đào tạo:

Để tạo điều kiện cho người học, các cơ sở đào tạo cần mở rộng loại hình đào tạo và phương thức đào tạo.

Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang chủ trương thực hiện loại hình đào tạo 9+. Theo phương thức đào tạo này, người học tốt nghiệp THCS có thể rút ngắn được thời gian học tập ở bậc cao đẳng từ 1,5 - 2 năm so với người học tốt nghiệp THPT. Đồng thời, người học vẫn có thể học xong chương trình giáo dục thường xuyên của bậc THPT; nếu thi đạt tốt nghiệp, người học có thể học liên thông lên trình độ cao hơn.

Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc đào tạo liên thông trong các cơ sở đào tạo. Trong đó, cần chú ý xây dựng các chương trình đào tạo liên thông ngang và liên thông dọc. Các chương trình liên thông ngang sẽ giúp cho những người học có nhu cầu chuyển đổi sang ngành học khác nhất là ngành có nhu cầu như ngành Khách sạn.

Tổ chức công tác tuyên truyền và tổ chức tuyển sinh: Các cơ sở đào tạo tổ chức các ngày hội tư vấn hướng nghiệp mời học sinh các trường THPT và THCS đến trường để tham quan hoạt động dạy và học của ngành khách sạn. Đồng thời, mời các doanh nghiệp cùng tham gia để trao đổi về cơ hội làm việc tại các doanh nghiệp khách sạn trên địa bàn Tỉnh; Phối hợp với các trường THPT và THCS để cung cấp thông tin về nhu cầu lao động trong các khách sạn.

Tăng cường giải quyết việc làm cho người học sau tốt nghiệp: Thường xuyên liên lạc với các doanh nghiệp về nhu cầu tuyển dụng; Chủ động cung cấp số lượng sinh viên tốt nghiệp ngành Khách sạn hàng năm cho các doanh nghiệp; Tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm cho sinh viên tốt nghiệp qua đó thông tin về nhu cầu việc làm cho ngành Khách sạn cũng như định hướng đào tạo đáp ứng về mặt chất lượng lao động cho các doanh nghiệp.

Về phía các doanh nghiệp

Hoạch định nhu cầu tuyển dụng lao động: Dựa theo nhu cầu mở rộng kinh doanh, các doanh  nghiệp cần hoạch định nhu cầu tuyển dụng để định hướng cho công tác tuyển dụng đảm bảo hoạt động kinh doanh trong thời gian hoạch định.

Trong hoạch định nhu cầu cần xác định rõ về số lượng, trình độ và các yêu cầu theo vị trí công việc để đảm bảo tuyển đủ và đúng lao động theo mong muốn.

Thực hiện chính sách thu hút, đãi ngộ lao động: Lĩnh vực khách sạn vẫn chưa được người lao động đánh giá cao trong việc lựa chọn làm việc vì đây là môi trường làm việc áp lực, đòi hỏi cao về giao tiếp, có ngoại hình và có sự đào thải đối với lao động có tuổi. Vì vậy, để thu hút lao động đến làm việc, các doanh nghiệp cần có chính sách tốt trong thu hút và đãi ngộ. Trước hết đảm bảo cho người lao động về các khoản lương, thưởng cạnh tranh hơn so với các ngành nghề khác trong tỉnh. Đồng thời, cần có chính sách khác như bảo hiểm, chế độ nghỉ phép, chế độ ăn uống, ký túc xá, khám sức khỏe định kỳ…

Tăng cường thông tin nhu cầu tuyển dụng: Để thông tin tuyển dụng đến với người lao động, bên cạnh phương tiện truyền thống như đăng báo, đăng thông tin trên website của doanh nghiệp, gửi thông tin đến các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp cần tận dụng sự chia sẻ thông tin tuyển dụng từ chính nhân viên của mình. Đặc thù văn hóa của người dân Nam bộ thường tin tưởng vào thông tin từ các người thân hoặc bạn bè, những người đang làm ở chính doanh nghiệp, vì vậy khi thực hiện tuyển dụng, doanh nghiệp nên yêu cầu nhân viên của mình chia sẻ thông tin trên các mạng xã hội. Thông tin này được chia sẻ nhanh và được coi là đáng tin cậy với các nguồn ứng viên.

Với nhu cầu lớn về nguồn nhân lực cho hoạt động kinh doanh khách sạn trong giai đoạn 2020-2030, nếu bản thân doanh nghiệp thực hiện sẽ khó có thể đảm bảo được quy mô và cơ cấu lao động theo mong muốn. Căn cứ vào dự báo vể số lượng và quy mô ngành nghề, trình độ đào tạo, các cơ sở đào tạo cần chuẩn bị các điều kiện đào tạo kể cả chương trình, giảng viên và cơ sở vật chất. Các cơ quan quản lý nhà nước cần tạo các điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng cho phát triển du lịch, đảm bảo các điều kiện đi lại, sinh hoạt cho người lao động ở các khu du lịch. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ chính sách cho phát triển nguồn nhân lực và chính sách đào tạo cho người lao động. Đây là các giải pháp đồng bộ, muốn phát huy tốt cần có sự phối hợp của cả ba bên: Quản lý nhà nước, doanh nghiệp và các cơ sở đào tạo.   

Tài liệu tham khảo:

1. Tỉnh Ủy Kiên Giang, Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 16/11/2017 của Tỉnh ủy Kiên Giang “về phát triển du lịch của tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030”, 2017;

2. UBND tỉnh Kiên Giang, Đề án phát triển nguồn nhân lực du lịch tỉnh Kiên Giang giai đoạn 2015-2020 định hướng đến năm 2030, 2014;

3. Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, Số liệu thống kê kinh tế - xã hội Kiên Giang 40 năm (1975-2015), tháng 12/2016;

4. Cục Thống kê tỉnh Kiên Giang, Niên giám thống kê Kiên Giang, năm 2018.