Phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố trong kinh doanh bảo hiểm nhân thọ

Anh Thư

Trong những năm gần đây, thị trường bảo hiểm nhân thọ phát triển mạnh mẽ, với số lượng khách hàng có các hợp đồng “khủng” ngày càng tăng. Đối với những hợp đồng lớn cũng chứa đựng nhiều rủi ro và quan ngại trong công tác phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố.

Thị trường bảo hiểm nhân thọ đã và đang phát triển mạnh mẽ
Thị trường bảo hiểm nhân thọ đã và đang phát triển mạnh mẽ

Thị trường bảo hiểm nhân thọ chứng kiến không ít các hợp đồng bảo hiểm có mệnh giá cao lên đến hàng chục tỷ đồng được xếp vào phân khúc khách hàng VIP và được các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tập trung hướng đến.

Những tín hiệu lạc quan trên thị trường bảo hiểm nhân thọ nói chung và phân khúc khách hàng VIP này nói tiêng cũng đặt ra những thách thức lớn đối với công tác phòng chống rửa tiền trong lĩnh vực bảo hiểm. Ngoài quy định riêng của từng công ty bảo hiểm, các cơ quan chức năng cũng có những quy định bắt buộc phải thực hiện đối với những hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn, có số phí bảo hiểm đóng cao ở một mức nhất định là phải báo cáo lên Cục Phòng chống rửa tiền - Ngân hàng Nhà nước để thẩm định kiểm tra.

Đặc biệt, mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 80/2019/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 73/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, Nghị định số 80/2019/NĐ-CP đã bổ sung quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định về phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ.

Cụ thể, phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền và phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Đối với hành vi tổ chức hoặc tạo điều kiện thực hiện hành vi rửa tiền chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì sẽ bị phạt tiền từ 90 triệu đến 100 triệu đồng.

Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ sẽ bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không xây dựng quy định phân loại khách hàng, không phân loại khách hàng theo mức độ rủi ro về rửa tiền theo quy định của pháp luật; Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi không ban hành và tuân thủ quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền; không thực hiện kiểm toán nội bộ về phòng chống rửa tiền…