Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Thuế

Hoàng Mỹ Bình, Nguyễn Thị Mai Hương

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu của xã hội nói chung và ngành Thuế nói riêng. Trong thời gian qua, ngành Thuế Việt Nam đã đạt những kết quả tích cực trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số. Trước sự phát triển mạnh mẽ của Cách mạng công nghiệp 4.0, ngành Thuế tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả hoạt động, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của quốc gia.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực trạng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Thuế tại Việt Nam

Thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, những năm qua, ngành Thuế Việt Nam luôn nỗ lực cải cách, hiện đại hóa công tác quản lý, từ việc hoàn thiện môi trường pháp lý đến phát triển hạ tầng, cung cấp các dịch vụ thuế điện tử theo hướng tích hợp, tập trung, đáp ứng yêu cầu Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số. Ngành Thuế Việt Nam đã và đang triển khai nhiều dự án, nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế và chuyển đổi số một cách toàn diện.

Tiêu biểu có thể kể đến: Tổng cục Thuế đã triển khai nghiêm túc các Nghị quyết số 17/NQ-CP năm 2019, Nghị quyết số 68/NQ-CP năm 2020, Nghị quyết số 76/NQ-CP năm 2021, Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2022 của Chính phủ với mục tiêu cắt giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa quy định về hoạt động kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử, tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế. Ngày 21/11/2021, Tổng cục Thuế đã chính thức triển khai sử dụng hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 06 tỉnh (bao gồm: TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hải Phòng và Bình Định). Ngày 21/4/2022, Thủ tướng Chính phủ công bố triển khai hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc, bắt buộc áp dụng từ ngày 1/7/2022 thay cho hóa đơn giấy. Việc triển khai áp dụng hóa đơn điện tử được đánh giá là điểm sáng nhất trong thời gian qua mà ngành Thuế đã triển khai. Ngành Thuế xác định đây là kênh thí điểm hết sức quan trọng cùng với triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06) sẽ giúp cho ngành Thuế cũng như các cơ quan quản lý Nhà nước thuận lợi hơn trong việc quản lý dữ liệu thông tin của các doanh nghiệp. Hệ thống hóa đơn điện tử sẽ góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần tăng năng suất lao động và thực hiện thành công Chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Đến hết ngày 30/6/2022, Tổng cục Thuế đã hoàn thành triển khai hóa đơn điện tử cho 100% doanh nghiệp, tổ chức và hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp kê khai theo hiệu lực của Luật Quản lý thuế.

Ngày 21/3/2022, Tổng cục Thuế đã công bố ứng dụng Thuế điện tử cho thiết bị di động (eTax Mobile) và Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài. Theo đó, người nộp thuế có thể xác thực đăng ký tài khoản eTax mobile điện tử thông qua việc xác minh thông tin về số điện thoại, số tài khoản và số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân trên hệ thống của ngân hàng thay vì việc người nộp thuế sẽ phải đến cơ quan thuế để làm thủ tục (Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, 2022). Ngành Thuế đã cung cấp thêm sự lựa chọn tối ưu cho người nộp thuế và nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, khai, nộp thuế bằng phương thức điện tử thông qua điện thoại thông minh hay máy tính bảng. Việc triển khai ứng dụng eTax Mobile được xây dựng gắn với xu thế chung của các ứng dụng di động thông minh đã giúp cá nhân, hộ kinh doanh chủ động hơn trong việc tra cứu các thông tin về thuế và thực hiện nghĩa vụ một cách dễ dàng, nhanh chóng mà không cần phải đến trực tiếp, gọi điện hay gửi mail.

Tổng cục Thuế cũng đã rà soát, bổ sung năng lực hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 2 tại 57 tỉnh, thành phố từ tháng 4/2022 và tiếp tục thực hiện các thủ tục trang bị, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu khi các tập đoàn, tổng công ty triển khai hóa đơn điện tử và 63 tỉnh, thành phố đồng loạt triển khai. Đến cuối năm 2022, ngành Thuế đã hoàn thành triển khai hệ thống dịch vụ thuế điện tử, đã cung cấp 163 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 trong lĩnh vực thuế, tích hợp 156 dịch vụ lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Ngày 23/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 508/QĐ-TTg ban hành Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Đây là văn bản quan trọng, là kim chỉ nam để ngành Thuế triển khai đồng bộ các giải pháp cải cách hệ thống Thuế. Theo đó, hệ thống chính sách thuế được cải cách gắn với cơ cấu lại thu ngân sách nhà nước theo hướng bao quát toàn bộ các nguồn thu, mở rộng cơ sở thu, nhất là các nguồn thu mới, phù hợp với thông lệ quốc tế. Công tác quản lý thuế được hiện đại hoá toàn diện dựa trên nền tảng thuế điện tử và 3 trụ cột cơ bản là thể chế quản lý thuế, nguồn nhân lực và công nghệ thông tin, hướng tới xây dựng ngành thuế hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Để triển khai Chiến lược, Tổng cục Thuế đã xây dựng Chương trình hành động cụ thể giai đoạn đến năm 2030 và Kế hoạch cải cách hệ thống thuế đến năm 2025 với các giải pháp, lộ trình và phân công các đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện theo các nhiệm vụ Chiến lược đã đề ra.

Trong năm 2022, ngành Thuế đã hoàn thành nâng cấp các ứng dụng hỗ trợ người nộp thuế như: Hệ thống kê khai (HTKK), eTax, iCanhan. Tính đến ngày 12/12/2022 có 886.901 doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế điện tử trên tổng số 887.475 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 99,94%. Số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận từ ngày 01/01/2022 đến ngày 12/12/2022 là 17.337.891 hồ sơ.

Đối với cá nhân, hộ kinh doanh, Tổng cục Thuế đã nâng cấp các chức năng hỗ trợ lập bộ khoán (cho gần 1,8 triệu hộ) và hỗ trợ lập bộ phi nông nghiệp cho khoảng 20 triệu người nộp thuế có sử dụng đất phi nông nghiệp; Hoàn thành khai thuế điện tử đối với hoạt động cho thuê tài sản (trong đó có hoạt động cho thuê nhà) tại 63 Cục Thuế và các Chi cục Thuế trực thuộc.

Những nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và cung cấp dịch vụ công trực tuyến đã tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí và đem lại sự hài lòng cho người nộp thuế khi tham gia giao dịch với cơ quan Thuế. Hiện nay, việc ứng dụng công nghệ thông tin đã được áp dụng 100% ở các khâu của quản lý thuế. Các thủ tục về thuế của người nộp thuế được cơ quan Thuế tiếp nhận và xử lý kịp thời. Việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số của ngành Thuế đã nhận được những phản hồi tích cực của người nộp thuế.

Tổng cục Thuế luôn nằm trong số những cơ quan đi đầu trong chuyển đổi số. Điều này đã tạo điều kiện để thực hiện sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức trong ngành và góp phần giúp ngành Thuế liên tục hoàn thành vượt mức dự toán thu ngân sách hằng năm, đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm nguồn lực tài chính quốc gia, góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn.

Tổng thu ngân sách do cơ quan thuế quản lý giai đoạn 2016 - 2020 hoàn thành vượt mức dự toán được giao, bình quân tăng 9,7%/năm. Trong năm 2021, một năm rất khó khăn của đất nước do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, tuy nhiên, với sự đồng lòng của nhân dân, ủng hộ của doanh nghiệp, tổng thu đạt 1.345.590 tỷ đồng, vượt dự toán gần 229.000 tỷ đồng. Năm 2022, tổng thu ngân sách do ngành Thuế quản lý đạt 1.460.100 tỷ đồng, bằng 124,3% dự toán pháp lệnh (vượt 285.200 tỷ đồng), tăng 8,5% so với năm 2021.

Với hàng loạt giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin mới ra đời và đi vào cuộc sống, được cơ quan thuế các cấp và người nộp thuế đón nhận, Tổng cục Thuế đã đạt được sự đánh giá cao trong công cuộc đẩy mạnh công nghệ thông tin, hiện đại hóa ngành, thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ. Tổng cục Thuế đã được Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) trao tặng giải thưởng “Cơ quan Nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” năm 2022.

Khó khăn và hạn chế trong ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số

Nền kinh tế số mang đến nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn và thách thức đối với ngành Thuế, đặc biệt là trong lĩnh vực quản lý nguồn thu. Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ, sự chuyển đổi kinh doanh của các doanh nghiệp sang nền tảng số thì một trong những thách thức lớn nhất của ngành Thuế là làm sao để quản lý thu thuế tốt trên các giao dịch số, các hoạt động chuyển đổi số. Chính vì vậy, vấn đề cơ sở pháp lý, kỹ thuật công nghệ, thu thập tổng hợp dữ liệu, thay đổi quy trình quản lý... là các bài toán lớn đặt ra cho ngành Thuế.

Bên cạnh đó, còn nhiều khó khăn, thách thức khác đối với ngành Thuế trong bối cảnh chuyển đổi số như: thiếu hụt nhân lực trình độ cao, nhất là lĩnh vực công nghệ thông tin; chưa được đầu tư bài bản, phù hợp với thực tế phát triển, nhất là về hạ tầng công nghệ; sự thích ứng của một bộ phận người dân, doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước còn hạn chế; công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực, hiệu quả vào chuyển đổi số chưa được coi trọng đúng tầm…

Việc nâng cấp, bổ sung và triển khai hạ tầng công nghệ thông tin hiện nay của ngành Thuế chưa đáp ứng được hết yêu cầu và tốc độ triển khai, mở rộng của các ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu ngày càng tăng. Điều này cũng ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ triển khai các nhiệm vụ của ngành Thuế. Bên cạnh đó, việc triển khai các ứng dụng quản lý thuế mới theo hướng tập trung và theo tiêu chuẩn quốc tế khác rất nhiều so với các ứng dụng quản lý thuế phân tán trước đây nên gặp nhiều khó khăn vướng mắc cần phải tập trung xử lý, cải thiện.

Giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Thuế

Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong ngành Thuế, cần thực hiện một số giải pháp căn bản sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền cho doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức tuân thủ cũng như cùng đồng hành với ngành Thuế để đẩy mạnh chuyển đổi số. Đồng thời, đẩy mạnh hoạt động hỗ trợ người nộp thuế thông qua việc cung cấp mở rộng các dịch vụ điện tử về thuế.

Thứ hai, tiếp tục nâng cấp các ứng dụng, các nền tảng sẵn có để dễ sử dụng hơn, nhanh hơn và hiệu quả hơn cho doanh nghiệp và người dân. Cần phải đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin vận hành liên tục, hiệu quả, an toàn thông tin và bảo mật dữ liệu.

Thứ ba, thực hiện chuẩn hóa, điện tử hóa các quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ trên môi trường mạng, đồng thời, nâng cấp, hoàn thiện Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin đảm bảo kết nối thông suốt, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Thứ tư, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện công tác quản lý thuế theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả và đồng bộ trên nền tảng công nghệ số, tạo thuận lợi tối đa, rõ ràng, minh bạch cho người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với ngân sách Nhà nước. Tăng cường hiện đại hóa quản lý nội bộ Ngành nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tạo ra một môi trường làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả.

Thứ năm, tăng cường sự phối hợp với các bộ, ngành liên quan để tích hợp dữ liệu và chia sẻ thông tin, tiến tới các ứng dụng đang triển khai sẽ được hợp nhất với Cổng thông tin dịch vụ Quốc gia để thực hiện đúng mục tiêu Chính phủ đã đề ra là thực hiện Chính phủ số.

Thứ sáu, chú trọng và đầu tư cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong ngành Thuế phù hợp với định hướng và kế hoạch phát triển công nghệ thông tin ngành Thuế giai đoạn mới.

Như vậy, việc thực hiện các bước chuyển đổi số là một chương trình dài hạn, cần có sự đồng thuận, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc của các cấp các ngành, triển khai đồng bộ, có quy hoạch theo chiến lược của Chính phủ. Đây là những khó khăn, thách thức lớn đối với ngành Thuế, đặc biệt là lĩnh vực quản lý nguồn thu nhưng cũng là cơ hội để nâng cao hiệu năng quản lý của Ngành.

Tài liệu tham khảo:

  1. Quốc hội (2019), Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14;
  2. Thủ tướng Chính phủ (2020), Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020, Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
  3. Tổng cục Thuế (2022), Công văn số 38/CNTT-KHTH ngày 20/10/2022 về Công nghệ thông tin;
  4. Phạm Quang Toàn (2022), Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Thuế, tapchitaichinh.vn;
  5. Kim Liên (2022), Tổng cục Thuế cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc, Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính Chuyển đổi số.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 4/2023