Tỉnh Ninh Thuận:

Tập trung thực hiện trên ba trụ cột chuyển đổi số


Xác định chuyển đổi số (CĐS) là một trong các đột phá để phát triển, tỉnh ta đang tập trung thực hiện trên ba trụ cột CĐS, gồm: Chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, nhằm đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy chính quyền, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) và phục vụ hoạt động đời sống của người dân.

Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và Điều hành Đô thị thông minh tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Anh Tuấn
Trung tâm Giám sát an toàn, an ninh mạng và Điều hành Đô thị thông minh tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Anh Tuấn

Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận ta đã tích cực triển khai CĐS, đạt được những kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Toàn tỉnh đã triển khai thành công nhiều dịch vụ công (DVC) trực tuyến cấp độ 3, 4, góp phần nâng cao hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí cho người dân và DN. Trong 9 tháng năm 2023, Cổng DVC tỉnh có 829 DVC trực tuyến; đã đồng bộ trạng thái và tích hợp 812/829 DVC trực tuyến lên Cổng DVC quốc gia đạt 97,95%.

Đến nay, toàn tỉnh Ninh Thuận đã tiếp nhận được 275.423 hồ sơ, trong đó có 231.562 hồ sơ tiếp nhận trực tuyến chiếm 84,06%; đã giải quyết được 272.607 hồ sơ, trong đó 270.708 hồ sơ giải quyết sớm hạn và đúng hạn, chiếm 99,3%. Để đáp ứng yêu cầu phát triển, tỉnh tập trung phát triển hạ tầng số, nhất là hạ tầng viễn thông, phát triển mạng 5G tại trung tâm các huyện, thành phố, các khu công nghiệp, khu du lịch, cơ quan nhà nước. Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư nâng cấp hạ tầng số tại Trung tâm Tích hợp dữ liệu tỉnh, đảm bảo cho việc kết nối, khai thác sử dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; đẩy mạnh triển khai nền tảng số trong thanh toán không dùng tiền mặt, thương mại điện tử.

Trên lĩnh vực kinh tế số, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN ứng dụng công nghệ số, thúc đẩy phát triển kinh tế số. Trong năm đã thực hiện hỗ trợ, hướng dẫn 92 đơn vị tham gia giới thiệu, bán sản phẩm với hơn 300 sản phẩm (trong đó 123/134 sản phẩm OCOP của 50 đơn vị) tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh, đạt 91,79% kế hoạch, vượt 1,79% kế hoạch giao. Qua 9 tháng năm 2023, trên sàn có 217 tài khoản tham gia sàn với 123 đơn đặt hàng, tổng giá trị giao dịch 51,869 triệu đồng.

Trong 9 tháng năm 2023, tổng doanh số thanh toán không dùng tiền mặt ước đạt 151.994 tỷ đồng/10.063.551 món, tăng 25.671 tỷ đồng và tăng 5.838.764 món so với cùng kỳ. Đến nay, hầu hết các DN đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó có nhiều DN ứng dụng công nghệ số; 100% DN đã triển khai chữ ký số, phần mềm kế toán điện tử và các nền tảng số; 100% DN, hộ kinh doanh đã kê khai đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử.

Trên lĩnh vực xã hội số, tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, thông tin truyền thông trên nền tảng số. Các địa phương cũng đã triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo trật tự, an toàn xã hội trên nền tảng số. Trung tâm giám sát an toàn, an ninh mạng (SOC) và điều hành đô thị thông minh (IOC) hoạt động ổn định; Trung tâm IOC được kết nối, tích hợp 12 hệ thống thông tin để theo dõi, giám sát.

Hệ thống camera giám sát kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ tại khu vực nội thành và tuyến Quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh; TP. Phan Rang - Tháp Chàm cũng đã đưa Trung tâm điều hành đô thị thông minh đi vào hoạt động, phát huy hiệu quả hệ thống giám sát an ninh tại các khu vực trọng điểm. Những kết quả đạt được về CĐS của tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện đời sống của nhân dân.

Lực lượng công an hỗ trợ người dân thực hiện định danh điện tử mức độ 2, góp phần đẩy nhanh dữ liệu chuyển đổi số. Ảnh: Anh Tuấn
Lực lượng công an hỗ trợ người dân thực hiện định danh điện tử mức độ 2, góp phần đẩy nhanh dữ liệu chuyển đổi số. Ảnh: Anh Tuấn

Đồng chí Đào Xuân Kỳ, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Ninh Thuận cho biết: Bên cạnh kết quả đạt được quá trình CĐS ở tỉnh hiện vẫn còn một số khó khăn và thách thức. Trước hết về hạ tầng CNTT, hạ tầng số còn nhiều hạn chế, chưa được đầu tư tương xứng với yêu cầu của CĐS. Các cơ sở dữ liệu chuyên ngành còn rời rạc, thiếu đồng bộ, chậm triển khai; việc số hóa hồ sơ, tài liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước còn nhiều khó khăn, hạn chế.

Các DN chưa mạnh dạn đầu tư CĐS trong sản xuất, kinh doanh; hoạt động thương mại điện tử còn nhiều hạn chế, chưa thu hút được nhiều DN và người dân tham gia. Nguồn lực đầu tư cho hoạt động về ứng dụng CNTT, CĐS còn hạn chế; việc khai thác, phát huy và thu hút nguồn lực xã hội cho CĐS còn nhiều khó khăn... Điều này đặt ra thách thức không nhỏ đối với các cơ quan nhà nước, DN và người dân trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Để khắc phục những khó khăn và thách thức trong quá trình CĐS, tỉnh Ninh Thuận đang từng bước triển khai các giải pháp ưu tiên đầu tư cho hạ tầng CNTT, đặc biệt là các cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ số hóa hồ sơ, tài liệu, kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan nhà nước. Nâng cao năng lực ứng dụng CNTT cho người dân và DN. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức của người dân và DN về CĐS; tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng sử dụng CNTT cho người dân và DN.

Theo Anh Tuấn/ Báo Ninh Thuận