Thị trường chứng khoán: Tiếp tục thận trọng

Theo tapchithue.com.vn

Ngày 15/9/2015, thị trường có phiên giao dịch khá tẻ nhạt khi tâm lý thận trọng vẫn đang bao trùm thị trường. Cả hai chỉ số giao dịch trong biên độ hẹp với không nhiều điểm nhấn. Giao dịch nổi bật nhất thị trường vẫn thuộc về BID với phiên thứ hai tăng trần liên tiếp sau thông tin cổ phiếu này sẽ được quỹ V.N.M thêm vào rổ cổ phiếu trong đợt tái cơ cấu danh mục tới với khối lượng dự kiến mua vào lên đến hơn 30 triệu cổ phiếu.

Ngày 15/9/2015, thị trường có phiên giao dịch khá tẻ nhạt khi tâm lý thận trọng vẫn đang bao trùm thị trường. Nguồn: internet
Ngày 15/9/2015, thị trường có phiên giao dịch khá tẻ nhạt khi tâm lý thận trọng vẫn đang bao trùm thị trường. Nguồn: internet

Một đợt bán mạnh tại cổ phiếu này đã diễn ra cuối phiên sáng nhưng mau chóng được lượng cầu hấp thụ hết. Tuy nhiên, tác động lan tỏa của BID đến nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng nói riêng và thị trường nói chung là khá hạn chế.

Thị trường tiền tệ và ngoại hối dần ổn định trở lại. Kể từ đầu tháng 9 cho đến nay, lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã cho dấu hiệu hạ nhiệt đáng kể. Hiện lãi suất cho các kỳ hạn qua đêm, một tuần và hai tuần đã lùi khá sâu xuống dưới mức 5%/năm, chỉ còn dao động từ 3,9-4,2%/năm.

Thanh khoản của hệ thống ngân hàng cũng dần ổn định trở lại khi không cần nhiều đến sự hỗ trợ của NHNN nữa (ba tuần gần đây NHNN ở vị thế hút ròng vốn qua kênh OMO với giá trị gần bằng khối lượng vốn đã bơm ra trong giai đoạn biến động tỷ giá giữa tháng 8). Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá hiện cũng đang giao dịch cách mức trần một khoảng cách khá xa và an toàn (khoảng 100 đồng).

Ngoài ra, động thái bán ròng của khối ngoại trên thị trường trái phiếu cũng cho tín hiệu kết thúc khi khối này đã quay trở lại mua ròng với giá trị lớn trên thị trường thứ cấp tuần vừa qua (hơn 600 tỷ đồng). Với những diễn biến trên, chúng tôi cho rằng sự ổn định đang dần trở lại đối với thị trường tiền tệ. Tuy vậy, những cú sốc mang tính chất khách quan xuất phát từ sự thay đổi chính sách của các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc, EU (gần nhất là cuộc họp về khả năng tăng lãi suất của FED vào thứ 5 tuần này) sẽ vẫn là những nhân tố rủi ro khó lường cớ thể tác động mạnh đến thị trường tài chính Việt Nam trong ngắn hạn.

Tiến trình cổ phần hóa các DNNN còn chậm. Mặc dù ngay từ đầu năm, Chính phủ và các Bộ ban ngành đã có những cam kết rất mạnh mẽ về chủ trương thúc đẩy tiến trình cổ phấn hoá DNNN trong năm 2015 nhưng các số liệu trong 6 tháng đầu năm đều cho thấy bức tranh không thật sự khả quan khi mới có 61 doanh nghiệp DNNN hoàn tất cổ phần hóa trong hai quý vừa qua, đạt 21,1% kế hoạch trong tổng số 289 doanh nghiệp phải cổ phần hoá trong năm 2015.

Để giải quyết những vướng mắc trên, theo quan sát của chúng tôi, Chính phủ cũng đã có rất nhiều nỗ lực trong việc sửa đổi các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý theo hướng ngày càng “mở” cho tiến trình cổ phần hoá nhằm tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư, điển hình nhất là chủ trương bán cổ phần theo lô. Tuy vậy, với kết quả trên, mục tiêu cổ phần hóa 289 doanh nghiệp trong năm nay khó có thể về đích đúng hẹn. Tiến trình tái cơ cấu, nâng cao hoạt động của các DNNN do đó sẽ vẫn còn chậm và khó có sự đột phá ngay trong năm nay.

Vận động dòng tiền và tương quan mặt bằng giá

Thị trường chứng khoán: Tiếp tục thận trọng - Ảnh 1

Quan điểm/chiến lược đầu tư

Thị trường trong ngắn hạn vẫn chưa cho tín hiệu mới. Với dải đi ngang hiện tại của chỉ số VnIndex, nhà đầu tư có thể tiến hành hoạt động trading với tỷ trọng thấp nhưng tỷ trọng cổ phiếu cho danh mục tổng thể nên tiếp tục duy trì ở mức cân bằng, không nên đẩy lên mức quá cao. Nhiều khả năng sau cuộc họp của FED vào thứ 5 tới đây, chỉ số VnIndex sẽ cho những tín hiệu rõ nét hơn về xu hướng và thanh khoản.

Phân tích kỹ thuật

VNINDEX có phiên tăng điểm nhẹ với đà tăng được duy trì trong hầu hết phiên giao dịch. Thanh khoản cũng có sự cải thiện và duy trì ở mức khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần nhất, tuy nhiên độ rộng thị trường lại có phần hơi trái ngược khi số mã đỏ lại chiểm ưu thế hơn. Diễn biến này vẫn đang phản ánh tâm lý thận trọng, chờ đợi của nhà đầu tư về cuộc họp của FED vào cuối tuần này. Trạng thái lình xình này của chỉ số có thể sẽ còn tiếp diễn cho đến hết tuần.

Như đã đề cập trong bản tin trước, chúng tôi hiện đang thiên về khả năng chỉ số sẽ diễn biến theo hướng giằng co đi ngang trong kênh giá 555–575 điểm trong thời gian khoảng 2 đến 3 tuần tới.

Về mặt chỉ báo kỹ thuật, đường ADX đã lùi về sát ngưỡng 20 cho thấy cường độ xu hướng của đường giá sẽ tiếp tục yếu đi. Chuyển động của đường MACD cũng đang có dấu hiệu dịch chuyển từ tăng sang đi đi ngang ở ngay sát trên ngưỡng 0. Nhóm chỉ báo dao động (William%R, STO) tiếp tục lao dốc sau khi cắt xuống dưới vùng quá mua, đặc biệt đường STO đã tạo ra khoảng cách 20 điểm so với đường tín hiệu. Tín hiệu từ các chỉ báo kỹ thuật trên cho thấy nhiều khả năng chỉ số sẽ diễn biến đi ngang với những phiên tăng giảm đan xen quanh đường SMA20 trong một vài phiên kế tiếp.

Các nhà đầu tư được khuyến nghị tiếp tục giảm tỷ trọng danh mục về lại mức cân bằng và chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn của chỉ số tại 2 điểm cận trên và cận dưới của kênh giá đi ngang để ra quyết định tiếp theo cho phù hợp.

Vùng hỗ trợ gần của 2 chỉ số được dự báo nằm tại 550-555 điểm đối với VNINDEX tương ứng 75-75,5 điểm đối với HNXINDEX. Đây được xem là điểm mua trading lại với tỷ trọng thấp cho các vị thế ngắn hạn đã hiện thức hóa lợi nhuận trước đó.