Ngành Bảo hiểm Xã hội Việt Nam:

Ứng dụng chuyển đổi số tối ưu hóa chất lượng phục vụ người thụ hưởng

Lê Hà

Trong thời gian qua, ngành Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã đẩy mạnh chuyển đổi số nhằm mang tới những lợi ích tối ưu cho người thụ hưởng các chính sách BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp. Nhờ ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động nghiệp vụ, nên ngành BHXH Việt Nam đã mang lại nhiều tiện lợi cho hoạt động quản lý nghiệp vụ của Ngành, cũng như tạo sự hài lòng cho các đối tượng thụ hưởng.

Chủ động chuyển đổi số tăng sự hài lòng cho đối tượng thụ hưởng

Đánh giá về kết quả chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam trong thời gian qua, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho biết, với quan điểm xuyên suốt "lấy người dân, doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm phục vụ", thời gian qua, công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam đã được thực hiện mạnh mẽ, toàn diện, tạo chuyển biến mạnh mẽ từ nhận thức của người đứng đầu đến từng cán bộ.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao đổi với người dân đến làm thủ tục tại BHXH TP. Hồ Chí Minh.
Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh trao đổi với người dân đến làm thủ tục tại BHXH TP. Hồ Chí Minh.

Theo đó, các đơn vị trong toàn Ngành đã chủ động, quyết liệt thực hiện chuyển đổi số, chuyển từ phương thức quản lý thủ công sang hiện đại, tác phong làm việc chuyển từ hành chính sang phục vụ, nhằm tăng sự hài lòng, phục vụ người tham gia BHXH, BHYT ngày càng tốt hơn.

Các lĩnh vực hoạt động của ngành BHXH Việt Nam được số hóa và áp dụng gần 30 hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin quản lý các quy trình nghiệp vụ, hơn 20 nghìn tài khoản trong Ngành thường xuyên truy cập, khai thác và sử dụng để thực hiện các nghiệp vụ của Ngành.

Hệ thống thông tin giám định BHYT của Ngành đã kết nối với gần 13.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc. Đây là công cụ hiệu quả, góp phần giúp công tác khám chữa bệnh BHYT công khai, minh bạch, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người tham gia BHYT.

Hằng năm, Hệ thống Thông tin giám định BHYT cùng Hệ thống giao dịch BHXH điện tử đã tiếp nhận khoảng 300 triệu hồ sơ giao dịch trực tuyến. Thực tế cho thấy, việc giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH không chỉ góp phần giảm tải áp lực giải quyết hồ sơ, thủ tục cho cơ quan BHXH, mà còn giúp các tổ chức, cá nhân tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức và chi phí đi lại khi giao dịch với cơ quan BHXH.

Đáng chú ý, 100% thủ tục của Ngành đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình và tích hợp trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam; đồng thời, từng bước tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Gần như tất cả các hoạt động của Ngành, cũng như các giao dịch của người người dân, doanh nghiệp với cơ quan BHXH đã được thực hiện trên môi trường số.

Do đó, không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch với cơ quan BHXH mọi lúc, mọi nơi, mà còn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý hồ sơ, kiểm tra đối chiếu dữ liệu tham gia, thụ hưởng chính sách. Nhờ đó, tính minh bạch của thông tin, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng quỹ BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp được nâng cao rõ rệt...

Cùng với đó, BHXH Việt Nam cũng đã tích cực triển khai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra, kiểm tra của Ngành theo phương thức điện tử kết hợp với phương pháp thanh tra, kiểm tra truyền thống giúp tăng chất lượng, giảm nhân lực, thời gian thanh tra, kiểm tra.

Để triển khai hiệu quả ứng dụng “VssID - BHXH số” trên nền tảng thiết bị di động, thời gian qua, ngành BHXH Việt Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động người tham gia chính sách BHXH, BHYT cài đặt ứng dụng này trên thiết bị di động nhằm phục vụ cho công tác khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Theo thống kê, hiện nay đã có hơn 30 triệu tài khoản sử dụng ứng dụng VssID - BHXH số, với hơn 4 triệu lượt sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng để đi khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Có thể thấy, ứng dụng VssID đã đem đến thành công bước đầu trong công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam theo lộ trình xây dựng "Chính phủ số" ở Việt Nam.

Với ứng dụng này, người dùng có thể quản lý, kiểm soát các thông tin về quá trình tham gia - thụ hưởng các chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; thực hiện các giao dịch với cơ quan BHXH; sử dụng hình ảnh thẻ BHYT trên ứng dụng VssID để khám chữa bệnh BHYT… một cách tiện lợi, nhanh chóng, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại.

Hệ thống chăm sóc khách hàng của ngành BHXH Việt Nam cũng được quan tâm đổi mới theo hướng hiện đại, thân thiện với nhiều kênh tư vấn, hỗ trợ người tham gia như: Hệ thống Tổng đài hỗ trợ khách hàng; hệ thống Chatbot hỗ trợ khách hàng (cung cấp thông tin đóng, hưởng BHXH, BHYT; trả lời chính sách BHXH, BHYT tự động bằng trí tuệ nhân tạo, tăng tính tương tác cao với người tham gia…); thiết lập Fanpage Facebook/ Zalo OA truyền thông trên hệ thống mạng xã hội…, mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia, thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Nhìn chung, việc thực hiện chuyển đổi số và Đề án 06 không chỉ góp phần nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân mà còn tăng cường hiệu quả quản lý của ngành BHXH Việt Nam. Qua đó, góp phần xây dựng ngành BHXH Việt Nam hiện đại, chuyên nghiệp, vì sự  hài lòng của người dân, doanh nghiệp...

Tiếp tục phát huy hiệu quả chuyển đổi số trong lĩnh vực BHXH, BHYT

Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, cơ quan BHXH sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số theo tinh thần Quyết định số 942/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Theo người đứng đầu ngành BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh, công tác chuyển đổi số của ngành BHXH Việt Nam hiện nay là yêu cầu bắt buộc cần làm ngay, làm toàn diện, là hướng đi chiến lược nhằm giúp Ngành phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0.

BHXH Việt Nam luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, then chốt để phục vụ tốt nhất người tham gia, thụ hưởng chính sách.
BHXH Việt Nam luôn xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng, then chốt để phục vụ tốt nhất người tham gia, thụ hưởng chính sách.

BHXH Việt Nam đã thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Tổ công tác triển khai Đề án 06; Ban Cán sự đảng BHXH Việt Nam đã ban hành Nghị quyết số 362-NQ/BCSĐ ngày 12/5/2023 về tăng cường thực hiện Đề án 06.

Theo đó, BHXH Việt Nam ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 362-NQ/BCSĐ, trong đó nêu rõ các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng cơ quan, đơn vị trực thuộc, yêu cầu chất lượng, tiến độ rõ ràng, nhằm đảm bảo hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ được giao của ngành BHXH Việt Nam tại Đề án 06.

Ông Nguyễn Thế Mạnh cũng cho hay, BHXH Việt Nam đang phối hợp với các bộ, ngành, các chuyên gia trong nước và quốc tế để xây dựng Đề án tổng thể về chuyển đổi số của Ngành.

Ở giai đoạn tiếp theo từ năm 2023 đến 2025 và định hướng đến năm 2030, BHXH Việt Nam quyết tâm thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ và toàn diện, lấy người tham gia, thụ hưởng chế độ, chính sách BHXH, BHYT làm trung tâm.

Để đạt mục tiêu trên, ngành BHXH Việt Nam sẽ tập trung củng cố, phát huy thế mạnh của cơ sở dữ liệu sẵn có luôn được làm giàu; tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xác thực, chia sẻ, liên thông dữ liệu phục vụ công tác quản lý và cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Phát triển ngành BHXH Việt Nam số với nguồn nhân lực số chất lượng cao; đưa vào thử nghiệm và áp dụng các công nghệ mới như Blockchain, Big Data, AI để mang lại hiệu quả trong quản lý, nâng cao trải nghiệm của tổ chức, cá nhân...

Ngoài các nhiệm vụ trên, cơ quan BHXH tiếp tục tạo ra ngày càng nhiều tiện ích, dịch vụ mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp khi giao dịch với các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.