Việt Nam chính thức ký kết TPP: Tự tin hội nhập

Theo daibieunhandan.vn

Hôm nay, 4/2, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết. Với thị trường rộng lớn hơn 800 triệu dân, TPP mở ra rất nhiều triển vọng, cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên, việc ký kết hiệp định này cũng đặt ra rất nhiều thách thức, đòi hỏi cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực vượt mọi khó khăn, vươn lên chủ động hội nhập kinh tế.

Hôm nay, 4/2, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết.
Hôm nay, 4/2, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) chính thức được ký kết.

Cơ hội lớn, thách thức nhiều

Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập Nguyễn Thị Thu Trang cho biết, đối với hàng hóa xuất nhập khẩu của Việt Nam, các nước thuộc TPP cam kết xóa bỏ từ 78% - 95% số dòng thuế trong biểu thuế cho Việt Nam ngay sau khi hiệp định có hiệu lực và sẽ xóa bỏ từ 97% - 100% số dòng thuế trong biểu thuế ở cuối lộ trình giảm thuế. Với mức thuế ưu đãi mà TPP mang lại, doanh nghiệp sẽ có thêm khả năng cạnh tranh tốt hơn, bởi thuế luôn là vấn đề quan tâm nhất đối với doanh nghiệp khi mở cửa thị trường.

Mặt khác, nắm bắt cơ hội không phải dễ, bởi thách thức từ việc thực thi các yêu cầu cao về môi trường, lao động, cạnh tranh và các ràng buộc mang tính thủ tục trong các quy định liên quan đến rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ. Điều này đã tạo ra những khó khăn cũng như làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Không những vậy, so với các hiệp định khác, TPP đặt ra các yêu cầu cao liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Hoa Kỳ là đối tác rất cứng rắn trong những vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cả trong WTO lẫn trong các Hiệp định thương mại tự do (FTA) của nước này. Đối với TPP, vấn đề này cũng được Mỹ thể hiện tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì hiện nay, nếu bảo hộ chặt chẽ sẽ dẫn tới những khó khăn cho doanh nghiệp khi phải bỏ chi phí nhiều hơn trước đây cho cùng một loại sản phẩm.

Việc chứng minh xuất xứ của nguyên liệu đầu vào cũng đang làm “đau đầu” nhiều doanh nghiệp Việt Nam. Theo TPP, một ngành chỉ hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu nếu chứng minh được nguồn nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ các nước tham gia TPP.

Chẳng hạn, ngành dệt may của Việt Nam là ngành xuất khẩu chủ lực nhưng 75% nguyên vật liệu phải nhập từ Trung Quốc trong khi Trung Quốc không tham gia TPP nên rõ ràng ngành dệt may sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan như các ngành khác. Do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển nên rất nhiều ngành sản xuất khác của Việt Nam cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Trong trường hợp này, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ việc ký kết TPP.

Xác định hướng đi, tự tin hội nhập

Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, TS.Võ Trí Thành cho rằng, không nên chỉ lo ngại về hội nhập, doanh nghiệp phải cần phải tự tin, phải “liều”. Ông Võ Trí Thành dẫn chứng, khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại song phương (BTA) với Hoa Kỳ vào năm 2000, nhiều người lo ngại sẽ thua thiệt nhưng sau 1 năm Hoa Kỳ đã trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất và trong 15 năm xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đã tăng lên trên 30 lần. “Nếu doanh nghiệp tự tin, “dám chơi” và khai thác tốt các lợi thế so sánh, Việt Nam sẽ thành công”, ông Thành khẳng định.

Không thể phủ nhận, những thành công trong hội nhập của 20 năm qua khi Việt Nam ký Hiệp định Thương mại song phương với Hoa Kỳ, gia nhập ASEAN, tham gia WTO đã chứng minh nguyên lý, trong hội nhập quan trọng không phải là lợi thế tuyệt đối mà là lợi thế so sánh. Đó là lý do Việt Nam có thể bắt tay cùng các nước lớn, tham gia hiệp định tiêu chuẩn cao bậc nhất thế giới như TPP.

Đồng tình với quan điểm trên, đại diện đoàn đàm phán TPP, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương Nguyễn Quỳnh Nga cho rằng, các doanh nghiệp cần xác định bước đi để nhanh chóng gia nhập thị trường. Đương nhiên, ban đầu sẽ phải đối diện với nhiều thách thức và không thể tránh khỏi những va chạm. Song, với những nỗ lực giảm chi phí trong sản xuất, giảm chi phí do được đơn giản hóa các thủ tục hành chính, các doanh nghiệp sẽ nhanh chóng thích nghi với diễn biến và tình hình của hội nhập, bà Nguyễn Quỳnh Nga cho biết.

Đưa ra lời khuyên cho doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, bởi TPP là một sân chơi lớn, doanh nghiệp cần chủ động và tích cực tìm hiểu các kiến thức, thông tin về nguyên tắc mở cửa thị trường đối với hàng hóa, chính sách cạnh tranh và các quy định về minh bạch, chống tham nhũng hay giải quyết tranh chấp... của các hiệp định thương mại tự do.

Các doanh nghiệp “đến muộn, biết sau”, chắc chắn miếng bánh cơ hội sẽ nhỏ lại, thậm chí mất luôn không gian cho tồn tại và phát triển. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, chuyên gia khuyến nghị, cần nhanh chóng hỗ trợ và thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt về những điểm mạnh, yếu của từng thị trường thành viên, các hàng rào phi thuế quan cụ thể.

Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương TS.Võ Trí Thành khẳng định, để thay đổi tình thế và giúp tăng tỷ lệ doanh nghiệp nội địa hưởng lợi nhiều hơn từ hội nhập kinh tế, doanh nghiệp cần luôn nhìn vào lợi thế so sánh của chính mình thay vì “phát hoảng” trước lợi thế tuyệt đối của đối thủ. Bất kỳ ai, ở đâu và lúc nào, sự tự tin và khả năng phát huy lợi thế cá nhân, lợi thế so sánh chính là bước chuẩn để doanh nghiệp vươn lên và giành vị thế trên sân chơi hội nhập, cũng như sẵn sàng cạnh tranh với bất kỳ ai, bất kỳ quốc gia nào.