Quy định hình sự đối với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền

PV.

Từ ngày 1/1/2018, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 sẽ chính thức có hiệu lực thi hành với nhiều nội dung mới quan trọng, trong đó, bổ sung thêm phạm vi chịu trách nhiệm của pháp nhân thương mại phạm tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền.

Theo đó, trách nhiệm hình sự pháp nhân thương mại phạm tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền được quy định cụ thể trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự năm 2015 như sau:

Đối với tội tài trợ khủng bố: Pháp nhân thương mại thực hiện hành vi huy động, hỗ trợ tiền, tài sản dưới bất kỳ hình thức nào cho tổ chức, cá nhân khủng bố sẽ bị phạt tiền từ 7 tỷ đồng đến 15 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 năm đến 3 năm; trường hợp pháp nhân thương mại phạm tội theo quy định Điều 79 của Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn;

Đối với tội rửa tiền: Pháp nhân thương mại tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào giao dịch tài chính, ngân hàng hoặc giao dịch khác nhằm che giấu nguồn gốc bất hợp pháp của tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có; sử dụng tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác thực hiện hành vi phạm tội mà có vào việc tiến hành các hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động khác; Che giấu thông tin về nguồn gốc, bản chất thực sự, vị trí, quá trình di chuyển hoặc quyền sở hữu đối với tiền, tài sản do mình phạm tội mà có hoặc biết hay có cơ sở để biết là do người khác phạm tội mà có hoặc cản trở việc xác minh các thông tin đó… thì bị phạt tiền thấp nhất từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, cao nhất là từ 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng; Đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 1 năm đến 3 năm; pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 3 năm; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân thương mại với tội tài trợ khủng bố và tội rửa tiền có ý nghĩa rất quan trọng, tạo thuận lợi trong hợp tác quốc tế đặc biệt là về thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng phục vụ phát triển đất nước.

Việt Nam hiện nay đã tham gia Công ước của liên hợp quốc về phòng chống vận chuyển trái phép chất ma túy và các chất hướng thần (1988), Công ước của Liên hợp quốc về ngăn chặn tài trợ cho khủng bố (1999), cũng như Công ước của Liên hợp quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (2000), theo yêu cầu của các Công ước này các quốc gia thành viên có nghĩa vụ phải hình sự hóa hành vi tài trợ khủng bố và rửa tiền đối với pháp nhân. 

Theo chu kỳ, năm 2018, quốc tế sẽ tiến hành rà soát, đánh giá về những tiến triển của Việt Nam trong công tác phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố. Nếu Việt Nam không thực hiện cam kết với quốc tế về việc bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đối với tội rửa tiền và tài trợ khủng bố thì nước ta sẽ có nguy cơ bị xếp hạng “không tuân thủ” và bị đưa trở lại danh sách các quốc gia thiếu hụt về cơ chế chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Theo đó, sẽ phải chịu sự rà soát của lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền và tài trợ khủng bố gây ảnh hưởng bất lợi đối với Việt Nam trong hợp tác quốc tế, nhất là trong lĩnh vực thương mại, đầu tư, tài chính, ngân hàng.