Những vướng mắc trong triển khai quy định mới về phòng, chống rửa tiền:

Sẽ sớm luật hóa bằng một Thông tư

PV.

(Tài chính) Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Toàn Thắng trấn an các ngân hàng ngoại trước những vướng mắc mà họ đang gặp phải trong quá trình triển khai thực hiện các quy định mới về phòng, chống rửa tiền.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Phiền hà “kê khai thông tin”

“Kê khai thông tin” được đánh giá là biện pháp hữu hiệu cho công tác phòng, chống rửa tiền, tuy nhiên nó đã gây không ít những phiền hà cũng như khó khăn cho các nhà băng, nhất là các ngân hàng ngoại, khi tiến hành triển khai những quy định tại Thông tư 35 của NHNN về hướng dẫn về thực hiện quy định về phòng chống rửa tiền (có hiệu lực từ ngày 14/2/2014).

Thông tư gồm 12 Điều, quy định về đánh giá tăng cường đối với khách hàng có rủi ro; thông báo danh sách cá nhân nước ngoài có ảnh hưởng chính trị; Nội dung, hình thức các báo cáo: giao dịch có giá trị lớn, giao dịch đáng ngờ, giao dịch chuyển tiền điện tử, hành vi rửa tiền nhằm tài trợ khủng bố; Mức giá trị của kim loại quý, đá quý và công cụ chuyển nhượng phải khai báo hải quan.

Thông tư áp dụng đối với các đối tượng báo cáo là người nước ngoài hoặc người không quốc tịch sinh sống hoặc không sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam; Tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ hoạt động hoặc không hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam nhưng có các giao dịch tài chính hay giao dịch tài sản khác với tổ chức, cá nhân…

Phản ánh về vấn đề này, một số ngân hàng ngoại cho hay, việc yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin cá nhân như: cá nhân người nước ngoài, cần nhận biết qua các thông tin cá nhân như: Số, ngày cấp, nơi cấp chứng minh thư nhân dân; địa chỉ nhà riêng hay số điện thoại cá nhân để xác minh thông tin của chủ sở hữu hưởng lợi, đang gây nhiều khó khăn cho họ. Đã không ít trường hợp khách hàng đã từ chối cung cấp thông tin và có những phản hồi không mấy tích cực về vấn đề này!

Đại diện cho các ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam, trong hội nghị gặp gỡ giữa NHNN và các ngân hàng nước ngoài gần đây, ông Sumit Dutta, Trưởng nhóm công tác ngân hàng cho rằng: Khách hàng từ chối cung cấp thông tin là do họ sợ những thông tin bí mật về cá nhân họ sẽ bị lộ cho dù ngân hàng đã giải thích rất tỉ mỉ rằng, việc rà soát đối chiếu với danh sách cấm vận hay cảnh báo chỉ áp dụng đối với những thông tin xác minh nhận dạng khách hàng và không áp dụng đối với thông tin bổ sung về khách hàng.

Và việc từ chối hợp tác của khách hàng này đã gây không ít phiền hà cho các ngân hàng nước ngoài trong quá trình thực hiện quy định “xác minh nhận dạng khách hàng”. Bởi vì hiện nay, ở Việt Nam hiện vẫn chưa có nguồn cơ sở dữ liệu hoàn chỉnh và công khai, cũng như chưa có một đơn vị độc lập nào cung cấp về dịch vụ xác minh thông tin này cho hệ thống ngân hàng.

Phải kê khai khi giao dịch vàng 300 triệu đồng trở lên

“Giao dịch vàng có giá trị quy đổi từ 300 triệu đồng trở lên sẽ phải báo cáo với cơ quan phòng chống rửa tiền thông tin về khách hàng” là một nội dung mới quy định trong Thông tư 35.

Được biết, trước đó, tháng 10/2013, Chính phủ đã ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống rửa tiền (Nghị định chính thức có hiệu lực từ 10/10/2013. Trong đó, quy định rõ các trường hợp phải áp dụng biện pháp nhận biết khách hàng). Cụ thể là yêu cầu các tổ chức tài chính phải có thông tin đối với những khách hàng giao dịch không thường xuyên có giá trị lớn từ 300 triệu đồng một ngày. Với hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản và sàn giao dịch bất động sản đều phải cung cấp thông tin.

Không chỉ vậy, Nghị định còn quy định các tổ chức, cá nhân kinh doanh trò chơi có thưởng, casino phải tiến hành các biện pháp nhận biết khách hàng đối với giao dịch tài chính có tổng giá trị từ 60 triệu đồng trở lên trong một ngày. Đối với các tổ chức, cá nhân kinh doanh kim loại quý và đá quý, khi có giao dịch bằng tiền mặt mua, bán kim loại quý, đá quý có giá trị từ 300 triệu đồng trở lên trong một ngày thì cũng phải cung cấp thông tin.

Đồng thời, NHNN cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp được phép mua bán vàng miếng phải báo cáo giao dịch hàng ngày. Các đầu mối kinh doanh vàng phải tuyệt đối chấp hành quy định về chế độ hóa đơn, chứng từ, nhất là với các giao dịch có giá trị lớn.

Yêu cầu chi tiết về kê khai thông tin để nhận biết:

- Đối với khách hàng là cá nhân người Việt Nam, thông tin nhận dạng gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số điện thoại, số chứng minh nhân dân hoặc số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp; địa chỉ nơi đăng ký thường trú và nơi ở hiện tại.

- Đối với khách hàng là cá nhân người nước ngoài, cần nhận biết qua các thông tin: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; quốc tịch; nghề nghiệp, chức vụ; số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở Việt Nam.

- Đối với khách hàng là tổ chức, cần nhận biết các thông tin: Tên giao dịch đầy đủ và viết tắt; địa chỉ đặt trụ sở chính; số điện thoại, số fax; lĩnh vực hoạt động, kinh doanh; thông tin về người thành lập, đại diện cho tổ chức.

- Đối với khách hàng cá nhân là người không quốc tịch, thông tin nhận dạng bao gồm: Họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; nghề nghiệp, chức vụ; số thị thực; cơ quan cấp thị thực nhập cảnh; địa chỉ nơi đăng ký cư trú ở nước ngoài và ở Việt Nam.

- Đối với khách hàng cá nhân là người có từ 2 quốc tịch trở lên, ngoài những thông tin quy định trên, đối tượng báo cáo phải thu thập bổ sung thông tin về các quốc tịch, các địa chỉ đăng ký cư trú tại các quốc gia mang quốc tịch.