Việt Nam hội nhập và phát triển bền vững

TS. Nguyễn Minh Phong

Trên hành trình đổi mới, hội nhập và phát triển, Việt Nam đã khẳng định bản lĩnh và trí tuệ, từng bước vượt qua khó khăn, đạt những thành quả kinh tế to lớn, với tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định, quy mô, cơ cấu và độ mở kinh tế không ngừng gia tăng, so với 30 năm trước thì quy mô GDP tăng gấp hơn 4 lần, độ mở nền kinh tế tăng 7 lần và đứng thứ 5 trên thế giới.

Cơ cấu nền kinh tế ngày càng cải thiện. Nguồn: internet
Cơ cấu nền kinh tế ngày càng cải thiện. Nguồn: internet

Cơ cấu nền kinh tế ngày càng cải thiện

Theo cơ cấu nền kinh tế trong GDP hiện nay: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 18,12%; công nghiệp và xây dựng chiếm 38,50%; dịch vụ chiếm 43,38% so với tương ứng của năm 2013 là: 18,38% - 38,31% -43,31% và của năm 1986 là: 30,06% - 28,88% - 33,06%. Kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 50% GDP, 90% số việc làm và 39% tổng đầu tư toàn xã hội. Trong giai đoạn 2008 - 2013, đã có 457.000 doanh nghiệp được thành lập mới, tăng 30% so với cả giai đoạn 1991 - 2007.

Hệ thống các doanh nghiệp nhà nước được đổi mới, sắp xếp lại, còn 949 doanh nghiệp 100% sở hữu nhà nước, tổ chức dưới dạng công ty TNHH một thành viên; 32 tỉnh không còn doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) kinh doanh thuần túy. Khu vực DNNN đang chiếm 45% tổng vốn đầu tư, 70% viện trợ phát triển chính thức và sử dụng 60% vốn vay từ các ngân hàng thương mại, chiếm khoảng 30% GDP hằng năm (chưa tính thu từ dầu thô qua Tập đoàn Dầu khí). Ngoài ra, có trên 90% đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm về tài chính; trong đó, số đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động chiếm 60,2%.

Tổng ODA từ năm 1993 đến nay đạt trên 78 tỷ USD vốn cam kết, trên 40 tỷ USD giải ngân. Việt Nam nằm trong top 10 nước nhận kiều hối lớn nhất thế giới và tăng đều qua các năm, với trên 11 tỷ USD năm 2013.

Từ nước nhận đầu tư một chiều, gần đây đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài cũng tăng nhanh. Đến 31.12.2014, đã có 930 dự án của Việt Nam đầu tư ra nước ngoài, với tổng vốn đăng ký là 14,85 tỷ USD. Cùng với đó, 92 dự án với tổng vốn đầu tư tăng thêm là 4,93 tỷ USD, nâng tổng vốn đầu tư đăng ký (cả cấp mới và tăng thêm) là 19,78 tỷ USD.

Nền tảng pháp lý cho việc chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang xây dựng nền kinh tế thị trường, hiện đại và hội nhập, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng đồng bộ và vững chắc, thông thoáng, tuân thủ nghiêm túc các cam kết hội nhập, bảo đảm quyền tự do kinh doanh, cạnh tranh bình đẳng và sở hữu tài sản hợp pháp, tạo thuận lợi kinh doanh cho doanh nghiệp trong các lĩnh vực mà pháp luật không cấm.

Các hình thức sở hữu, loại hình doanh nghiệp và các thành phần kinh tế ngày càng đa dạng. Vai trò, hiệu quả của các chủ thể, các loại hình doanh nghiệp trong nền kinh tế ngày càng nâng lên; từng bước hình thành đầy đủ, đồng bộ các yếu tố thị trường và các loại thị trường, vận hành cơ bản thông suốt, đồng thời có sự gắn kết với thị trường khu vực và quốc tế.

Chủ động hội nhập quốc tế toàn diện

Hiện nay đã có 45 nước trên thế giới công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Đây là kết quả hội tụ và cộng hưởng bởi Việt Nam ngày càng cải thiện các quan hệ và chủ động hội nhập quốc tế, khát khao hòa bình, đề cao lòng tin chiến lược và niềm tin chính trị giữa các quốc gia; có đội ngũ lao động trẻ, rẻ và dễ đào tạo, sự ổn định chính trị, xã hội và lợi thế tự nhiên khác; đồng thời có nhiều chuyển biến mạnh mẽ về cân đối và ổn định kinh tế vĩ mô, giảm thuế và điều kiện tín dụng, thủ tục hành chính, quỹ đất, nguồn nhân lực và nâng cao chất lượng dịch vụ công; mở rộng cổ phần hóa DNNN, nới “room” và tăng tự do hóa cho các nhà đầu tư nước ngoài và tư nhân; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật - xã hội, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp ổn định sản xuất và kinh doanh có hiệu quả.

Trong thời gian tới, môi trường kinh doanh và lòng tin thị trường sẽ được tiếp tục củng cố cùng với sự thúc đẩy công cuộc đổi mới toàn diện, đột phá thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình phát triển; kiểm soát tốt an toàn tài chính vĩ mô, nợ công, nợ xấu, sở hữu chéo và tỷ giá, dự trữ ngoại hối, quản lý chất lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh và minh bạch thông tin của doanh nghiệp…

Đặc biệt, có sự thay đổi mạnh mẽ về nhận thức chuyển từ hội nhập kinh tế chuyển sang hội nhập quốc tế toàn diện; đã có sự chuyển biến quan trọng về nhận thức, tư duy về hội nhập kinh tế quốc tế, tạo sự đồng thuận trong xã hội. Hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách, thể chế ngày càng hoàn thiện hơn, cơ bản phù hợp với quy định của WTO; chấp nhận và hình dung rõ hơn về kinh tế thị trường, về định hướng hoàn thiện chính sách và giảm thiểu rủi ro chính trị cho quá trình hoàn thiện thể chế

Tuy nhiên, kết quả Hội nhập quốc tế vẫn còn một số hạn chế, yếu kém: Tận dụng cơ hội và chủ động đối phó với thách thức chưa thật tốt. Thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chậm được hoàn thiện; hệ thống các thị trường phát triển thiếu đồng bộ. Chất lượng tăng trưởng và sức bền vững của nền kinh tế còn yếu và chậm được cải thiện. Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm còn hạn chế, chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) còn thấp, cơ cấu hàng xuất khẩu chậm được thay đổi, có giá trị gia tăng thấp. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm. Kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực còn nhiều bất cập. Công nghệ sản xuất chậm được đầu tư, đổi mới; chuyển giao công nghệ ít được quan tâm. Quản lý, điều hành, quản trị doanh nghiệp chưa bắt kịp với yêu cầu của tình hình cạnh tranh ngày càng quyết liệt. Cải cách hành chính chưa được đẩy mạnh, cơ chế, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu.

Quá trình hội nhập quốc tế cho thấy, không có ngoại lệ đổ vỡ và khủng hoảng cho bất kỳ mô hình kinh doanh và nhà nước nào, kể cả các đại gia và cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới. Đồng thời, có sự chuyển hóa giữa nợ công - nợ tư và vai trò ngày càng lớn của khủng hoảng tài chính đối với khủng hoảng chu kỳ, bất ổn vĩ mô, xã hội và chính trị;

Bởi vậy, cần ngày càng đề cao yêu cầu phối hợp hài hòa sử dụng bàn tay Nhà nước và bàn tay thị trường trong một mô hình Nhà nước kiểu mới; coi trọng tính đồng bộ và chú ý đến tính 2 mặt của các giải pháp chính sách, nhằm đa dạng hóa và phối hợp hiệu quả các nguồn lực trong nước và quốc tế trong quản lý phát triển và vượt qua khủng hoảng; cũng như tăng cường dự báo, thông tin, bảo vệ người tiêu dùng và giữ vững lòng tin trên thị trường tài chính.

Hơn nữa, cần xây dựng và tạo sự đồng thuận sâu sắc về hệ thống chuẩn giá trị quốc gia, cũng như không ngừng hoàn thiện cơ chế bảo vệ lợi ích quốc gia và đột phá trong cơ chế phân cấp, kiểm soát quyền lực, công tác cán bộ, song song và là điều kiện để nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế trong hội nhập quốc tế, cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài...