Xem xét sửa đổi, bổ sung Luật PPP gỡ vướng cho thực hiện dự án

Trần Huyền

Theo ông Dương Bá Đức - Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), qua tổng hợp ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) cho thấy, có nhiều vướng mắc liên quan đến các quy định tại Luật PPP có ảnh hưởng trực tiếp đến các quy định tại Nghị định số 28/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 về cơ chế quản lý tài chính dự án PPP cần được xem xét sửa đổi, bổ sung để gỡ vướng cho thực hiện các dự án theo hình thức đầu tư này.

Cần xem xét sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để gỡ vướng cho thực hiện các dự án theo hình thức đầu tư này. Ảnh: internet
Cần xem xét sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật để gỡ vướng cho thực hiện các dự án theo hình thức đầu tư này. Ảnh: internet

Gỡ vướng về xác định giá trị tài sản công, điều chỉnh giá, phí sản phẩm, dịch vụ công

Vụ trưởng Vụ Đầu tư Dương Bá Đức cho biết, vấn đề xác định giá trị tài sản công trong phần vốn nhà nước tham gia dự án PPP là một trong những vướng mắc được các cơ quan, tổ chức chỉ ra. Cụ thể, một số tài sản công (như các tuyến đường bộ) cần được cải tạo, nâng cấp, mở rộng để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội thường có giá trị rất lớn. Do đó, quy định giá trị tài sản công tham gia dự án PPP được tính trong phần vốn của Nhà nước tham gia dự án PPP tại khoản 4, Điều 70, Luật PPP và bị giới hạn phần vốn nhà nước tham gia dự án PPP không quá 50% tổng mức đầu tư theo quy định khoản 2, Điều 69, Luật PPP là không phù hợp với một số loại hạ tầng như dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp, mở rộng, hiện đại hoá các công trình hiện hữu của ngành giao thông.

Các cơ quan, đơn vị kiến nghị sửa khoản 2, Điều 69, Luật PPP hoặc hướng dẫn khoản này theo hướng không tính giá trị tài sản kết cấu hạ tầng đường hiện hữu vào tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP.

Về điều kiện phải thực hiện điều chỉnh giá, phí sản phẩm, dịch vụ công ích và điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP khi áp dụng chia sẻ giảm doanh thu, theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 82, Luật PPP, một trong những điều kiện được áp dụng cơ chế chia sẻ doanh thu giảm là phải thực hiện đầy đủ điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công, điều chỉnh thời hạn hợp đồng dự án PPP mà doanh thu dự án thực tế chưa đạt 75% doanh thu.

Theo quy định tại Điều 42 Luật PPP, tiêu chuẩn giá, phí sản phẩm, dịch vụ công là một trong những phương pháp để so sánh, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Đồng thời, khoản 1, Điều 65, Luật PPP quy định giá, phí sản phẩm, dịch vụ công và điều kiện điều chỉnh phải được quy định tại hợp đồng PPP.

Theo Vụ trưởng Vụ Đầu tư, một số ý kiến từ Bộ Giao thông vận tải, Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam cho rằng, việc phải điều chỉnh mức giá, phí dịch vụ thay đổi so với hợp đồng đã ký kết sẽ phá vỡ các cam kết tại hợp đồng dự án PPP, hợp đồng vay của dự án, thay đổi cấu trúc của phương án tài chính ban đầu khi đấu thầu. Điều này dẫn đến việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư sẽ không còn có ý nghĩa do các bên đã thay đổi cam kết ban đầu, khó thu hút nhà đầu tư và bên cho vay tham gia dự án. Đồng thời, việc điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ công sẽ gây ảnh hưởng đến việc khai thác các dự án tương tự khác.

Do đó, các đơn vị kiến nghị nghiên cứu, sửa đổi quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 82, Luật PPP và Nghị định số 28/2021/NĐ-CP theo hướng chỉ thực hiện điều chỉnh thời hạn hợp đồng, không thực hiện điều chỉnh giá, phí sản phẩm, dịch vụ công.

Kiểm toán doanh thu theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền

Điều kiện chia sẻ phần giảm doanh thu phải được Kiểm toán Nhà nước kiểm toán cũng là một vướng mắc được đề cập. Theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 82, Luật PPP, điều kiện để áp dụng chia sẻ doanh thu giảm là Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán doanh thu giảm. Doanh thu giảm chỉ được xác định sau khi kết thúc năm tài chính và các bên sẽ phải thực hiện các phương án điều chỉnh thời hạn hợp đồng, điều chỉnh giá, phí sản phẩm, dịch vụ công. Vì vậy, tại thời điểm đăng ký làm việc với Kiểm toán Nhà nước, cơ quan ký kết hợp đồng chưa xác định được có nội dung kiểm toán doanh thu giảm hay không.

Hiện nay, Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán theo theo kế hoạch hằng năm nên trường hợp tại thời điểm đăng ký với Kiểm toán Nhà nước không có nội dung kiểm toán doanh thu giảm thì sẽ phải đăng ký với Kiểm toán Nhà nước để thực hiện kiểm toán doanh thu giảm của dự án ở năm sau. Điều này làm giảm ý nghĩa chia sẻ rủi ro kịp thời giữa Nhà nước và doanh nghiệp dự án PPP.

Do đó, một số ý kiến đề nghị rà soát quy định về điều kiện được chia sẻ doanh thu giảm quy định tại khoản 3, Điều 82, Luật PPP và Điều 17, Nghị định số 28/2021/NĐ-CP theo hướng cho phép các bên có thể thoả thuận lựa chọn cơ quan kiểm toán (Kiểm toán Nhà nước, kiểm toán độc lập) để thực hiện kiểm doanh thu giảm.

Liên quan đến nội dung này, Vụ trưởng Dương Bá Đức cho biết, cơ chế chia sẻ doanh thu giảm là một cơ chế ưu đãi, đảm bảo đầu tư mới được áp dụng và sử dụng nguồn ngân sách nhà nước để thanh toán cho doanh nghiệp dự án PPP.

Theo quy định tại khoản 1, Điều 7, Luật Kiểm toán Nhà nước, báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán và là cơ sở để các bên thực hiện. Do vậy, quy định tại Điều 85, Luật PPP (Kiểm toán Nhà nước kiểm toán khi thực hiện cơ chế chia sẻ phần tăng, giảm doanh thu theo quy định tại Điều 82 Luật này) là phù hợp, đảm bảo tính giá trị pháp lý cao.

Để đảm bảo thời gian kiểm toán phù hợp, Bộ Tài chính đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định tại Luật Kiểm toán Nhà nước theo hướng bổ sung nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước là kiểm toán doanh thu doanh nghiệp PPP theo đề nghị của cơ quan có thẩm quyền để làm cơ sở thực hiện cơ chế chia sẻ doanh thu giảm.

Đề xuất bố trí chi phí chia sẻ giảm doanh thu trong kế hoạch chi đầu tư công

Ngoài các vướng mắc nêu trên, việc sử dụng nguồn dự phòng ngân sách để thanh toán cơ chế chia sẻ phần giảm doanh thu cũng có vướng mắc được các đơn vị kiến nghị. Cụ thể, nguồn dự phòng ngân sách được sử dụng cho các nhiệm vụ cấp bách, chưa được dự toán để kịp thời đáp ứng nhu cầu chi trong các trường hợp quan trọng, khẩn cấp. Vì vậy, quy định sử dụng nguồn dự phòng ngân sách để thanh toán chia sẻ phần giảm doanh thu cho doanh nghiệp dự án PPP tại khoản 3, Điều 82, Luật PPP là chưa phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 10, Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

Để đảm bảo phù hợp với tính chất của nguồn vốn và phù hợp với thực tiễn, các bộ, ngành, địa phương kiến nghị trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, sửa quy định tại khoản 3 Điều 82 Luật PPP để trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo hướng chi phí chia sẻ phần giảm doanh thu được bố trí trong kế hoạch chi đầu tư công trung hạn và hàng năm của ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, chi phí chia sẻ phần giảm doanh thu của các dự án PPP do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan khác là cơ quan có thẩm quyền được bố trí từ vốn đầu tư công của bộ, cơ quan trung ương, cơ quan khác; Chi phí chia sẻ phần giảm doanh thu của các dự án do UBND cấp tỉnh là cơ quan có thẩm quyền được bố trí từ nguồn vốn đầu tư công của địa phương.

Vụ trưởng Vụ Đầu tư Dương Bá Đức cho biết, các nội dung vướng mắc, kiến nghị nêu trên liên quan đến các quy định tại Luật PPP. Do đó, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, báo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật PPP.