Yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần tỉnh Thái Nguyên

Đoàn Quang Huy - Trường Đại học Kinh tế và Quản trị Kinh doanh (Đại học Thái Nguyên)

Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngân hàng thương mại cổ phần là một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành Ngân hàng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Sử dụng kết quả điều tra xã hội học 300 cán bộ quản lý, nhân viên của 10 ngân hàng thương mại cổ phần phổ biến nhất tại tỉnh Thái Nguyên và mô hình cấu trúc tuyến tính SEM, nghiên cứu đã xác định và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Trên cơ sở đó, tác giả đã đề xuất các giải pháp quan trọng nhằm nâng cao năng lực cho hệ thống các ngân hàng thương mại cổ phần của Việt Nam.

Đặt vấn đề

Hệ thống ngân hàng có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc điều phối và phân bổ nguồn lực tài chính trong nền kinh tế. Các ngân hàng hoạt động hiệu quả là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế.

Tuy nhiên, hệ thống ngân hàng cũng chính là kênh truyền dẫn bất ổn đến các khu vực khác của nền kinh tế nếu có sự sụt giảm nguồn cung tín dụng, tình trạng đóng băng tiền gửi hoặc sự thiếu ổn định trong hệ thống vận hành (Berger và các cộng sự, 2009). Đây cũng là lý do quan trọng khiến các nhà hoạch định chính sách thiết lập những quy định khắc khe cho hoạt động của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, kiểm soát và hỗ trợ các ngân hàng hoạt động một cách có hiệu quả là một nhiệm vụ quan trọng của Chính phủ.

Cạnh tranh là động lực cho sự phát triển. Cạnh tranh lành mạnh sẽ giúp nâng cao phúc lợi xã hội thông qua việc giảm giá và tăng cường chất lượng dịch vụ, từ đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đối với dịch vụ ngân hàng, cạnh tranh là cực kỳ cần thiết để các doanh nghiệp có thể hoạt động một cách tối ưu, hiệu quả, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và xã hội. Tuy nhiên, cạnh tranh ngân hàng không thể được thực hiện bằng mọi giá, sử dụng mọi thủ đoạn, mà cần phải chịu sự thanh tra, giám sát chặt chẽ và sự can thiệp của Chính phủ khi cần thiết. Theo Beck (2008), cần phải có sự phát triển hài hòa mối quan hệ giữa cạnh tranh và quản lý, giám sát ngân hàng nhằm ổn định hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, xét một cách toàn diện, cạnh tranh là động lực phát triển cơ bản để kết hợp kinh doanh và lợi ích xã hội một cách hợp lý. Cạnh tranh tạo môi trường tốt cho hệ thống ngân hàng kinh doanh có hiệu quả. Nghiên cứu này sẽ tập trung phân tích các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) với những minh chứng thực nghiệm từ tỉnh Thái Nguyên, để từ đó đề xuất các giải pháp giúp các ngân hàng hoạt động một cách hiệu quả hơn.

Tổng quan tài liệu nghiên cứu

Lý thuyết về cạnh tranh và đo lường năng lực cạnh tranh

Theo Lawrence (2002), năng lực cạnh tranh phản ánh khả năng và hiệu suất của một doanh nghiệp, ngành sản xuất hoặc quốc gia cung cấp hàng hóa và dịch vụ trong một thị trường nhất định, trong mối quan hệ so sánh với doanh nghiệp, ngành sản xuất hoặc quốc gia khác trong cùng một thị trường. Nó phản ánh việc các doanh nghiệp luôn cố gắng khiến mọi người mua hàng hóa của mình hơn là hàng hóa của doanh nghiệp đối thủ. Cạnh tranh giúp các công ty phân biệt sản phẩm và dịch vụ của họ bằng cách thúc đẩy họ đổi mới và giành thị phần.

Có nhiều phương pháp đo lường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, trong đó mô hình 05 áp lực cạnh tranh của Porter là phổ biến hơn cả. Theo Porter (2008), năng lực cạnh tranh được quyết định bởi 05 áp lực chính: Mối đe dọa gia nhập mới (đối thủ tiềm ẩn); Quyền lực thương lượng của người mua (Khác hàng); Quyền lực thương lượng của người cung ứng (Nhà cung cấp); Đe dọa của các dịch vụ thay thế; và đối thủ cạnh tranh trong ngành.

Các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng TMCP, trong đó có một số yếu tố chính như sau:

Thể chế và chính sách: Muizzuddin và cộng sự (2021) đã sử dụng mẫu gồm 427 ngân hàng thương mại châu Á từ năm 2011 đến 2019 và phương pháp ước lượng GMM (Generalized Method of Moments) để phân tích vai trò của chất lượng thể chế quốc gia ảnh hưởng như thế nào tới năng lực cạnh tranh của hệ thống ngân hàng. Kết quả nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chất lượng thể chế, đặc biệt là hiệu quả điều hành của chính phủ, quy định, chính sách và kiểm soát tham nhũng là những yếu tố quan trọng thúc đẩy sự ổn định của ngân hàng.

H1: Thể chế và Chính sách tác động tích cực tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng.

Môi trường kinh doanh và vĩ mô: Tác động của các yếu tố môi trường kinh doanh và vĩ mô tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng còn nhiều tranh cãi. Le, Hoang và Le (2019) đã chỉ ra rằng tăng trưởng kinh tế và tỷ lệ lạm phát ảnh hưởng tới mức độ cạnh tranh của các ngân hàng thương mại Việt Nam. Tuy nhiên, Ngweshemi và Isiksal (2021) lại cho rằng, các yếu tố quyết định kinh tế vĩ mô (như tăng trưởng sản phẩm quốc nội và tỷ lệ lạm phát) ảnh hưởng không đáng kể.

H2: Môi trường kinh doanh và vĩ mô ảnh hưởng tích cực tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng.

Năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực: Jaouad và Lahsen (2018) đã sử dụng số liệu bảng của 6 ngân hàng Moroco trong giai đoạn 2010-2016 và chỉ ra rằng hiệu quả quản lý điều hành và chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cực kỳ quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động của ngân hàng.

H3: Năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực ảnh hưởng tích cực tới năng lực cạnh tranh của ngân hàng.

Cơ sở vật chất, kỹ thuật: Phạm Xuân Giang và Nguyễn Nguyên Phương (2019) đã tiến hành phân tích dựa trên số liệu khảo sát 200 nhân viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam chi nhánh tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và chỉ ra rằng, có 05 yếu tố bên trong ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của ngân hàng: Marketing, cơ sở vật chất kỹ thuật công nghệ, thương hiệu, chất lượng dịch vụ và năng lực chuyên môn.

H4: Cơ sở vật chất, kỹ thuật ảnh hưởng tích cực tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng.

Hợp tác và liên kết: Khanizad và Montazer (2018) đã nhấn mạnh rằng, để tăng lợi nhuận và giảm chi phí hoạt động, thì một trong những giải pháp quan trọng là tăng cường sự hợp tác (liên minh) của các ngân hàng với nhau. Lợi nhuận của các ngân hàng với liên minh cao hơn so với hành động đơn lẻ trên thị trường và sẽ tiếp tục tăng khi có nhiều ngân hàng tham gia liên kết hơn.

H5: Tăng cường hợp tác, liên kết sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngân hàng

Năng lực tài chính: Ngweshemi và Isiksal (2021) đã sử dụng số liệu các ngân hàng thương mại tư nhân và công cộng ở Tanzania giai đoạn 2013-2019 và chỉ ra rằng, năng lực tài chính, chất lượng tài sản có, cơ cấu khoản vay và hiệu quả chi phí là các yếu tố quan trọng ảnh hưởng tới hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các ngân hàng.

H6: Năng lực tài chính ảnh hưởng tích cực tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu này sử dụng kết quả điều tra xã hội học của 300 nhân viên ngân hàng tới từ 10 ngân hàng TMCP phổ biến nhất tỉnh Thái Nguyên, bao gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV), Ngân hàng TMCP Công thương (Vietinbank), Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Hàng hải (Maritime), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB). Mỗi ngân hàng, tác giả tiến hành điều tra ngẫu nhiên 30 quản lý, nhân viên. Câu hỏi được đánh giá theo thang đo Likert 5 mức (1- Kém, 2- Yếu, 3- Trung bình, 4- Tốt, 5- Xuất sắc). Theo Hair và cộng sự (2014), kích thước mẫu tối thiểu để sử dụng EFA là 50, tốt hơn là từ 100 trở lên. Như vậy, số mẫu 300 là phù hợp với yêu cầu thống kê.

Về nhân khẩu học, trong số 300 mẫu thì có 199 người là nữ (chiếm 66,3%), 101 người là nam (chiếm 33,7%), trình độ đại học là 187 người (chiếm 62,3%), trình độ sau đại học là 113 người (chiếm 37,7%), 43 người là cán bộ quản lý (chiếm 14,3%) và có mức lương trên 10 triệu/tháng, 257 người là nhân viên (chiếm 85,7).

Sau khi thu thập số liệu, tác giả sẽ tiến hành phân loại, thống kê, phân tích độ tin cậy bằng phương pháp Cronbach’s Alpha, tiến hành ghép nhóm bằng phân tích các nhân tố khám phá EFA, xác minh nhóm bằng phương pháp phân tích các nhân tố khẳng định CFA và phân tích các yếu tố ảnh hưởng bằng mô hình cấu trúc tuyến tính (SEM). Đây là lựa chọn tối ưu để phân tích các mô hình đa biến và các mối quan hệ phức tạp giữa biến tiềm ẩn và biến quan sát vì mô hình này cho phép thực hiện kiểm định đồng thời nhiều mô hình hồi quy một lúc.

Mô hình nghiên cứu đề xuất như Hình 1.

Kết quả nghiên cứu

Kết quả kiểm định độ tin cậy

Độ tin cậy của thang đo được kiểm định bằng cách sử dụng phân tích Cronbach’s Alpha. Độ tin cậy của thang đo nên lớn hơn 0,5 và hệ số tương quan biến - tổng từ 0,3 trở lên thì có thể chấp nhận (Nguyễn Đình Thọ, 2013). Trông một số trường hợp, nếu như chỉ số phụ Cronbach’s Alpha đối với trường hợp loại biến đạt giá trị lớn hơn, thì có thể cân nhắc loại biến. Trong trường hợp lớn hơn không đáng kể, thì nên giữ biến. Kết quả chạy kiểm định độ tin cậy cho thấy, tất cả các biến đều đạt hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,6; đạt yêu cầu về mặt thống kê.

Kết quả phân tích các nhân tố khám phá EFA

Đây là phương pháp phổ biến và hiệu quả để phân tích giá trị hội tụ cũng giá trị khác biệt trong nghiên cứu. Thêm vào đó, đây là một trong những phương pháp quan trọng để thu gọn các tham số ước lượng và nhận diện các nhóm nhân tố. Với nghiên cứu này, do quy mô mẫu là 300, nên hệ số tải nhân tố chỉ cần đạt 0,5 là đáp ứng yêu cầu. Chỉ số KMO đạt 0,638 > 0,5, kiểm định Bartlett có giá trị sign là 0,00, các hệ số tải nhân tố đều lớn hơn 0,5, như vậy tất cả các yếu tố đều thỏa mãn yêu cầu thống kê.

Kết quả phân tích nhân tố khẳng định

Giá trị hội tụ của thang đo được đánh giá đạt yêu cầu khi các hệ số tải lớn hơn 0,5 (p-value < 5%), độ tin cậy tổng hợp (Composite reliability – CR) > 0,7, giá trị phương sai trích (Average variance extracted - AVE) > 0,5. Kết quả phân tích cho thấy các thang đo và chỉ báo mà tác giả đã đề xuất và đo lường là hoàn toàn phù hợp.

Mặt khác, theo nghiên cứu của Hu và Bentler (1999), để có thể xác định mô hình đạt yêu cầu hay không, thường xác định dựa trên các chỉ số CMIN/df (Chi-square/df), CFI, GFI, TLI và RMSEA. Cụ thể như sau: CMIN/df ≤ 3 là tốt, CMIN/df ≤ 5 là chấp nhận được; CFI ≥ 0.9 là tốt; CFI ≥ 0.95 là rất tốt; CFI ≥ 0.8 là chấp nhận được; GFI ≥ 0.9 là tốt; GFI ≥ 0.95 là rất tốt; TLI ≥ 0.9 là tốt; RMSEA ≤ 0.06 là tốt; RMSEA ≤ 0.08 là chấp nhận được.

Kết quả phân tích CFA bằng phần mềm AMOS 24 cho thấy, Chi-square/df = 1.925, GFI, TLI và CFI đều > 0,9, RMSEA < 0.06. Như vậy, mô hình đạt yêu cầu.

Kết quả mô hình SEM

Kết quả mô hình SEM được thể hiện qua bảng 1.

Bảng 1: Kết quả phân tích mô hình cấu trúc tuyến tính SEM

Giả thuyết

Biến độc lập

Biến phụ thuộc

Hệ số tác động

Độ lệch chuẩn

Giá trị kiểm định C.R.

Mức ý nghĩa

H1

IAP

COM

0.235

0.032

9.688

***

H2

BME

COM

0.156

0.027

5.446

***

H3

HER

COM

0.325

0.039

8.229

***

H4

IAT

COM

0.192

0.015

3.850

**

H5

CAC

COM

0.105

0.018

6.909

***

H6

ECC

COM

0.278

0.021

9.359

***

*** Mức ý nghĩa 99% ** Mức ý nghĩa 95% * Mức ý nghĩa 90%

Nguồn: Tính toán của tác giả

Kết quả phân tích mô hình cấu trúc SEM cho thấy, cả 06 yếu tố đề xuất đều có ảnh hưởng tích cực tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng TMCP trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố tác động mạnh mẽ nhất tới năng lực cạnh tranh của ngân hàng (β = 0,325), tiếp theo đó là năng lực tài chính (β = 0,278), thể chế và chính sách (β = 0,235), cơ sở vật chất, kỹ thuật (β = 0,192), môi trường kinh doanh và vĩ mô (β = 0,156). Tác động yếu nhất là yếu tố hợp tác và liên kết (β = 0,105).

Kết luận

Nghiên cứu này được thực hiện dựa trên kết quả điều tra xã hội học 300 cán bộ quản lý, nhân viên của 10 ngân hàng TMCP phổ biến nhất tại tỉnh Thái Nguyên nhằm mục đích xác định và đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới năng lực cạnh tranh của các ngân hàng. Kết quả phân tích đã chỉ ra rằng, có 06 yếu tố chính ảnh hưởng, bao gồm: (1) năng lực quản trị và chất lượng nguồn nhân lực; (2) năng lực tài chính; (3) thể chế và chính sách; (4) cơ sở vật chất, kỹ thuật; (5) môi trường kinh doanh và vĩ mô; và (6) hợp tác và liên kết.

Để có thể nâng cao năng lực cạnh tranh cho các ngân hàng TMCP, ổn định hệ thống ngân hàng, nâng cao hiệu quả hoạt động góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cần thực hiện những giải pháp sau:

Về phía cơ quan quản lý, chính phủ và các bộ ngành cần hoàn thiện cơ chế, chính sách để tăng cường có hiệu quả hoạt động của ngân hàng. Một mặt tìm cách thúc đẩy sự phát triển của hệ thống ngân hàng, tạo thuận lợi cho hoạt động của các ngân hàng. Mặt khác, cần tăng cường kiểm tra, giám sát để đảm bảo hệ thống ngân hàng cạnh tranh một cách lành mạch và ổn định. Bên cạnh đó, chính phủ cần cải thiện môi trường đầu tư, tăng cường các biện pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, hội nhập kinh tế quốc tế, hỗ trợ hoạt động của các ngân hàng.

Về phía các ngân hàng thương mại cổ phần, cần phải tích cực, chủ động trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách tăng cường năng lực quản trị; không ngừng tiến hành đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; cải thiện năng lực tài chính; đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, hiện đại hóa ngân hàng; tích cực không ngừng thúc đẩy hợp tác liên kết trong nước và quốc tế.

Tài liệu tham khảo:

  1. Nguyễn Đình Thọ (2013), Phương pháp nghiên cứu khoa học trong kinh doanh: Thiết kế và thực hiện, NXB Lao động Xã hội, Hà Nội;
  2. Beck, Thorsten (2008), Bank Competition and Financial Stability : Friends or Foes? Policy Research Working Paper No. 4656, World Bank, Washington, DC;
  3. Berger, A., Klapper, L. and Turk-Ariss, Rima (2009), Bank Competition and Financial Stability, Journal of Financial Services Research, 35(2), 99-118;
  4. Evidence from Morocco, European Scientific Journal, Vol.14, No.34, 255-267;
  5. Hair, J.F., Hult, G.T.M., Ringle, C.M. and Sarstedt, M. (2014), A Primer on Partial Least Squares Structural Equation Modeling (PLS-SEM). Thousand Oaks, CA: Sage;
  6. Hu, L.T. and Bentler, P.M. (1999), Cutoff Criteria for Fit Indexes in Covariance Structure Analysis: Conventional Criteria Versus New Alternatives, Structural Equation Modeling, 6(1), 1-55;
  7. Jaouad, Elouali and Oubdi Lahsen (2018), Factors Affecting Bank Performance: Empirical;
  8. Khanizad, Rahim and Montazer, Gholamali (2018), Participation against competition in banking markets based on cooperative game theory, The Journal of Finance and Data Science, 4(1), 16-28;
  9. Lawrence, Robert Z. (2002), Competitiveness. In David R. Henderson (ed.). Concise Encyclopedia of Economics (1st ed.). Library of Economics and Liberty;
  10. Le, Dinh Hac, Nguyen Khai, Hoang and Le, Hoang Anh (2019), Factors Affecting the Level of Bank Competition: Empirical Evidence in Vietnamese Commercial Banks, International Journal of Economics and Business Administration, 7(4), 369-382;
  11. Muizzuddin, M., Tandelilin, E., Hanafi, M. M., and Setiyono, B. (2021), Does Institutional Quality Matter in the Relationship Between Competition and Bank Stability? Evidence from Asia, Journal of Indonesian Economy and Business, 36(3), 283-301;
  12. Ngweshemi, Lisa E. and Isiksal, Aliya Z. (2021), Analysis of the Factors Affecting Bank Profitability: Evidence of Tanzania Commercial Banks, Estudios de Economía Aplicada, 39(8), DOI: 10.25115/eea.v39i8.4768.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 6/2023