Cần dành nguồn lực cho các lĩnh vực ưu tiên, dự án cấp bách

Trần Huyền

Tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội sáng ngày 1/11/2023, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, cần dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách, cơ chế tín dụng cho lĩnh vực ưu tiên cùng với các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng và kích cầu tiêu dùng, đầu tư...

Đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại phiên họp.

Dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách

Phát biểu thảo luận tại Hội trường, Đại biểu Trần Anh Tuấn - Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh nhận định, tuy có nhiều thách thức do tình hình quốc tế, nhưng nền kinh tế nước ta có nhiều dấu hiệu khả quan trong giai đoạn giữa và cuối năm. Các đồng chí lãnh đạo trung ương, địa phương đã có nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, đem lại hiệu quả tích cực, thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, Đại biểu cho rằng, còn nhiều thách thức trong phát triển kinh tế thời gian tới như: Tổng cầu thấp, tín dụng cho nền kinh tế khó đạt được kế hoạch đề ra, áp lực lên tỷ giá, lạm phát, lãi suất cao, khả năng phục hồi của nền kinh tế còn chậm...

Theo đại biểu Trần Anh Tuấn, nguồn lực huy động cho đầu tư phát triển có dư địa, trong đó chính sách hỗ trợ lãi suất 2% chỉ giải ngân được rất ít, còn dư nhiều. Chính phủ đề xuất kết thúc chính sách này trong thời gian tới. Khẳng định đây là quyết định hợp lý, song Đại biểu cũng cho rằng, cần vận dụng cơ chế này cho 2 năm còn lại, sử dụng dư địa bội chi trong giai đoạn 2021-2025 để dành nguồn lực đầu tư cho các dự án cấp bách như y tế, giáo dục, các dự án giao thông quan trọng.

Đại biểu cũng tán thành với đề xuất nguồn tiết kiệm tăng thu, giảm chi trong năm 2021 dự kiến bố trí cho các cơ sở y tế. Tuy nhiên, cần gia hạn nguồn lực này đến cuối năm 2025, để tạo điều kiện thực hiện đầy đủ các thủ tục, quy trình đấu thầu, đầu tư theo quy định của pháp luật.

Liên quan đến tín dụng, Đại biểu cho rằng, chương trình tín dụng cho 5 lĩnh vực ưu tiên đang phát huy hiệu quả, nhưng mới chỉ áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn. Do đó, để tháo gỡ điểm nghẽn trong tăng trưởng tín dụng cho nền kinh tế, cần có cơ chế cho vay trung, dài hạn, vì những lĩnh vực ưu tiên này, đặc biệt là công nghiệp hỗ trợ, công nghệ số, kinh tế số là những động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.

Triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng, đầu tư

Cũng bày tỏ lo ngại về những thách thức đối với nền kinh tế trong thời gian tới, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh cho rằng, mặc dù kinh tế Việt Nam đã có dấu hiệu phục hồi nhưng vẫn còn khá mong manh để thúc đẩy hướng tới thực hiện tối đa mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2023 đã được Quốc hội thông qua. 

Do đó, Đại biểu đề nghị Chính phủ thực hiện đồng bộ chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong đó, chính sách tài khóa là trọng tâm với cơ chế đặc thù; đồng thời, thực thi chính sách tín dụng phù hợp với đặc điểm sản xuất, kinh doanh và nhu cầu của từng ngành, từng lĩnh vực, đặc biệt là các ngành, lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu chủ lực của nền kinh tế.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị Chính phủ chủ động xây dựng và thực hiện các giải pháp đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, nâng cao năng lực và chất lượng dự báo; có giải pháp tổng thể đảm bảo đầy đủ nguồn cung xăng dầu và năng lượng điện.

Theo đó, Chính phủ, Bộ Công Thương cần nhanh chóng thực thi các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và tiêu dùng trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Thậm chí, cấp có thẩm quyền cần nghiên cứu, ban hành chế tài quy định ngành Điện phải bồi thường cho doanh nghiệp khi bị cắt điện, gây thiệt hại cho sản xuất.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị khẩn trương thực hiện hiệu quả các giải pháp kích cầu để tạo hiệu ứng tâm lý tích cực, tạo thêm niềm tin cho doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào tiềm năng và sự phục hồi của nền kinh tế.

Giải pháp kích cầu tiêu dùng có thể bằng cách hỗ trợ trực tiếp cho người dân trong tiêu dùng để tăng sức mua, giảm giá hàng hóa tiêu dùng, giảm lãi suất, giảm thuế thu nhập cá nhân và thuế nhập doanh nghiệp; tăng cho vay tiêu dùng, đồng thời giãn khoanh nợ, tăng hỗ trợ sinh xã hội, đơn giản hóa các thủ tục trợ cấp cho người nghèo.

Về giải pháp kích cầu đầu tư, Đại biểu khuyến nghị thực hiện giải pháp kích cầu nhằm nâng cao năng lực sản xuất, cạnh tranh của nền kinh tế, người đứng đầu phải trực tiếp chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn; khẩn trương nâng cao năng lực của nhà đầu tư, nhà thi công xây lắp.