Giải pháp huy động vốn đầu tư cho ngành Thủy sản tỉnh Quảng Nam

Trương Văn Thanh, TS. Nguyễn Mạnh Hổ - Học viện Chính trị (Bộ Quốc phòng)

Để ngành Thủy sản tỉnh Quảng Nam phát triển bền vững trong thời gian tới cần thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó việc huy động vốn cho ngành Thủy sản là vấn đề then chốt cần ưu tiên nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc còn tồn tại trong suốt thời gian qua. Đồng thời, cần xây dựng các chính sách ưu đãi, các quỹ hỗ trợ phát triển, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, xúc tiến thương mại để từng bước đưa ngành Thủy sản trở thành ngành kinh tế mạnh, đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh Quảng Nam.

Đặt vấn đề

Là tỉnh thuộc vùng Duyên hải miền Trung có 125 km đường biển, Quảng Nam là địa phương có tiềm năng lớn về thủy sản và trọng điểm nghề cá với ngư trường rộng 40.000 km2. Tỉnh có nhiều cửa sông, lạch, lớn nhỏ khoảng 30.000 ha mặt nước, với nhiều loại hải sản quý như: hải sâm, bào ngư, tôm hùm, đặc biệt có yến sào ở Cù Lao Chàm...

Bên cạnh đó, vùng đồng bằng ven biển của tỉnh Quảng Nam có các sông chính chảy qua như sông Trường Giang, Tam Kỳ, Thu Bồn đổ về 2 cửa (cửa Đại và cửa An Hòa) tạo thành vùng nước mặn, lợ rộng lớn thuận lợi cho nuôi trồng thủy sản. Tỉnh Quảng Nam có tổng diện tích có khả năng phát triển nuôi thủy sản nước lợ khoảng 6.000 ha, trong đó đã sử dụng hơn 2.000 ha.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh. UBND Tỉnh đặt chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, tổng sản lượng thủy sản đạt khoảng 125.000 - 130.000 tấn (khai thác thủy sản chiếm 70%, nuôi trồng thủy sản chiếm 30%); toàn Tỉnh có hơn 2.750 tàu cá; diện tích nuôi trồng thủy sản là 6.996 ha; phấn đấu giá trị sản xuất ngành thủy sản 5.700 tỷ đồng, chiếm 32 - 33% cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó khai thác thủy sản đạt 3.500 tỷ đồng, nuôi trồng thủy sản đạt 2.200 tỷ đồng.

Quảng Nam phấn đấu đến năm 2045, thủy sản trở thành ngành kinh tế thương mại hiện đại, bền vững, có trình độ quản lý, khoa học công nghệ tiên tiến; giữ vị trí quan trọng trong cơ cấu các ngành kinh tế nông nghiệp và kinh tế biển, góp phần bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh. Để hiện thực hóa được các mục tiêu này, thì một trong những giải pháp quan trọng cần triển khai trong thời gian tới là tích cực huy động vốn đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, phát triển ngành Thủy sản theo hướng hiện đại, trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh.

Thực trạng ngành Thủy sản Quảng Nam

Bảng 1: Tổng hợp nhu cầu vốn và giá trị sản xuất dự kiến ngành Thủy sản tỉnh Quảng Nam

 

Đơn vị tính

Giai đoạn

2016 – 2020

(đã thực hiện)

Giai đoạn

2021 - 2030

2021

2030

Nhu cầu vốn

Tỷ đồng

2.783

765

 

Giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010

Tỷ đồng

4.200

4.373

5.700

Nguồn: Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND

Trong những năm qua, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, ngành Thủy sản đã có những đóng góp đáng kể trong sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Quảng Nam. Sản lượng thủy sản trong giai đoạn 2018-2022 của tỉnh Quảng Nam có xu hướng tăng lên với tỷ lệ trung bình đạt 4,4%, trong đó sản lượng khai thác tăng 2,1%, sản lượng nuôi trồng tăng 2,3%. Toàn tỉnh Quảng Nam hiện có 2.814 tàu cơ giới đang đánh bắt hải sản; tổng công suất đạt 367.911 CV, bình quân 130,7 CV/tàu.

Năm 2022, tổng sản lượng thủy sản đạt 127,7 nghìn tấn, trong đó: sản lượng khai thác thủy sản đạt trên 100 nghìn tấn, sản lượng thủy sản nuôi trồng đạt 27,6 nghìn tấn. Trong quý I/2023, tổng sản lượng thủy sản của cả tỉnh Quảng Nam đạt hơn 25 nghìn tấn, tăng 230 tấn so với cùng kỳ, trong đó sản lượng khai thác đạt 21,3 nghìn tấn, tăng 117 tấn; sản lượng nuôi trồng đạt gần 3,9 nghìn tấn, tăng 113 tấn.

Dù đạt được kết quả khá tích cực, song so với lợi thế và tiềm năng, ngành Thủy sản Quảng Nam trong thời gian qua phát triển chưa tương xứng, chưa khai thác hết nguồn lực sẵn có. Cơ cấu ngành Thủy sản chưa hợp lý; hệ thống hạ tầng thuỷ sản còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; vốn đầu tư cho hạ tầng thủy sản còn khó khăn; tổ chức sản xuất chưa hiệu quả; chất lượng và giá trị gia tăng của ngành Thủy sản còn thấp.

Đặc biệt, nguồn lực tài chính đầu tư, hỗ trợ cho ngành Thủy sản vẫn còn hạn chế. Thực tiễn trong những năm qua ở các địa phương trong cả nước, việc lập ra các quỹ hỗ trợ cho các lĩnh vực ngành Thủy sản đã phát huy tác dụng, thể hiện là một giải pháp hiệu quả, thúc đẩy ngành Thủy sản ở các địa phương này phát triển bền vững hơn. Tuy nhiên, ở tỉnh Quảng Nam hiện nay vẫn chưa có quỹ này.

Giải pháp huy động vốn

Để khắc phục những điểm nghẽn trên, ngành Thủy sản Quảng Nam cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó giải quyết nhu cầu về vốn được Tỉnh xác định là vấn đề cốt lõi cần tập trung tháo gỡ, cụ thể:

Một là, tạo lập các quỹ hỗ trợ phát triển thủy sản.

Để tăng cường huy động vốn, cần tạo ra các quỹ hỗ trợ cho ngành Thuỷ sản tỉnh Quảng Nam. Quỹ này có thể được thành lập từ nguồn vốn của tỉnh, các tổ chức tín dụng, ngân hàng, các tổ chức tài trợ quốc tế, các DN trong ngành và người nuôi trồng đóng góp. Có thể phân làm 2 loại quỹ: Quỹ cấp tỉnh và Quỹ cộng đồng, trong đó Quỹ cấp tỉnh có tư cách pháp nhân do UBND Tỉnh quyết định thành lập, có trách nhiệm quản lý và sử dụng nguồn tài chính, hỗ trợ kinh phí, kỹ thuật cho Quỹ cộng đồng thông qua các chương trình, dự án, hoạt động phi dự án.

Trong khi đó, Quỹ cộng đồng được thiết lập và huy động từ sự đóng góp của các DN, người dân trong ngành Thủy sản và các tổ chức, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức phi chính phủ… Hình thức hoạt động của Quỹ là cung cấp các khoản vay với lãi suất ưu đãi cho ngư dân, người nuôi trồng thuỷ sản, giúp họ mua sắm thiết bị, công cụ và nguyên liệu nuôi trồng hiện đại. Đồng thời, Quỹ cũng có thể cung cấp hỗ trợ tài chính cho các hoạt động nghiên cứu và đào tạo liên quan đến ngành Thuỷ sản tại địa phương. Quỹ sẽ được các cơ quan chức năng của địa phương, DN quản lý, giám sát để đảm bảo nguồn tài chính được sử dụng một cách hiệu quả và minh bạch.

Hai là, phát triển hình thức hợp tác công tư trong lĩnh vực thủy sản.

Trong bối cảnh ngân sách nhà nước dành cho đầu tư phát triển ngày càng eo hẹp và nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho ngành Nông nghiệp nói chung và cho ngành Thuỷ sản nói riêng đang giảm dần thì giải pháp khuyến khích đầu tư tư nhân thông qua cơ chế đối tác công - tư (PPP) là một trong những giải pháp hữu hiệu nhằm thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư và góp phần phát triển ngành Thuỷ sản một cách bền vững. Đầu tư theo hình thức PPP có thể giúp hiện đại hóa ngành Thủy sản dựa trên việc huy động dòng vốn đầu tư và kiến thức, kỹ năng quản trị từ khu vực tư nhân để giúp khu vực công đổi mới theo định hướng phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả trong khai thác, nuôi trồng và chế biến.

Trong giai đoạn 2021-2030 với nhu cầu vốn theo quy hoạch ngành Thủy sản của tỉnh Quảng Nam là 765 tỷ đồng, các DN tư nhân có thể hợp tác với chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan để đầu tư vào các dự án nuôi trồng thuỷ sản. Đồng thời, các cấp chính quyền và các tổ chức tín dụng cần tạo ra cơ chế khuyến khích và tài trợ cho các DN tư nhân khi đầu tư vào ngành Thủy sản. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc cung cấp vốn vay ưu đãi, đặc quyền sử dụng đất, hoặc cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cho các DN tư nhân trong quá trình thực hiện dự án...

Ba là, xây dựng và hoàn thiện các chính sách ưu đãi, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút đầu tư.

- Về chính sách ưu đãi: Quảng Nam có thể đưa ra các chính sách ưu đãi thuế, lãi suất, thuế nhập khẩu và các khoản hỗ trợ khác để thu hút các nhà đầu tư trong ngành Thuỷ sản. Những chính sách này có thể bao gồm miễn thuế đối với các thiết bị nhập khẩu, giảm thuế nhập khẩu cho nguyên liệu sản xuất và tài trợ vốn phát triển cho các dự án mới, cung cấp đất và hạ tầng, cung cấp đào tạo và tư vấn kỹ thuật cho người dân, DN thủy sản. Đặc biệt là đối với các dự án đầu tư thân thiện với môi trường vì sự phát triển bền vững ngành Thủy sản thì căn cứ vào Điều 6 Luật Thủy sản 2017 (về chính sách của nhà nước trong hoạt động thủy sản) và Điều 20 Luật Đầu tư (về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư đặc biệt) để triển khai có hiệu quả.

- Về môi trường đầu tư: Để thu hút vốn đầu tư cho ngành Thuỷ sản, Quảng Nam cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi và đáng tin cậy. Điều này bao gồm cải thiện quy trình thủ tục hành chính, tăng cường sự minh bạch và công bằng trong quản lý ngành gắn liền với việc tái cơ cấu ngành Thủy sản của Tỉnh. Ngoài ra, việc đảm bảo an ninh và an toàn cho hoạt động khai thác thuỷ sản trên biển cũng rất quan trọng để thu hút nguồn vốn đầu tư.

Bốn là, xúc tiến hợp tác kinh doanh, thương mại và tiếp thị sản phẩm.

- Xúc tiến phát triển hợp tác kinh doanh: Tìm kiếm các cơ hội hợp tác kinh doanh với các DN trong ngành Thuỷ sản, bao gồm cả hợp tác sản xuất, hợp tác nghiên cứu phát triển và cung cấp nguyên liệu, tiếp thị sản phẩm, qua đó huy động được nguồn vốn đủ đáp ứng nhu cầu đồng thời tăng cường sự cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng của ngành. Bên cạnh đó, Quảng Nam cần tranh thủ nguồn vốn của các tổ chức phi Chính phủ, thực hiện trợ giúp kỹ thuật, tư vấn, đào tạo nâng cao năng lực, xây dựng mô hình, chuyển giao quy trình công nghệ; chủ động tìm kiếm, phối hợp với các nguồn tín dụng phát triển nước ngoài như: Quỹ xuất khẩu thủy sản Na Uy, Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB)… cho ngành Thủy sản.

- Đẩy mạnh xúc tiến thương mại và tiếp thị: Quảng Nam cần nâng cao chất lượng dịch vụ xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm thủy sản của địa phương tới các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU… đồng thời chính quyền các cấp cần liên kết, giới thiệu tới cộng đồng DN những trang web hữu ích để phát huy tính chủ động, sáng tạo của các DN trong việc thu thập những thông tin phong phú và miễn phí từ các thị trường này, từ đó nâng cao năng lực trao đổi, tiếp cận thông tin thị trường, thương mại thủy sản cho DN, cán bộ quản lý và các bên có liên quan. Phát triển, mở rộng thị trường nội địa, đa dạng sản phẩm chế biến từ các đối tượng nuôi truyền thống, đối tượng mới. Phát huy vai trò của các thương vụ Việt Nam ở các thị trường xuất khẩu trong hoạt động xúc tiến thương mại nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các mặt hàng thủy sản của của Việt Nam nói chung và Quảng Nam nói riêng trên thị trường quốc tế.

- Phát triển thương hiệu thủy sản Quảng Nam: Thương hiệu đóng vai trò quan trọng trong việc phân đoạn thị trường tiêu thụ thủy sản. Ở Quảng Nam, thương hiệu thủy sản chất lượng cao có nhiều giống, loài như: Tôm thẻ chân trắng, tôm sú, cá trình, cá diêu hồng… Tăng cường hoạt động tiếp thị và quảng bá sản phẩm thuỷ sản của Quảng Nam trên thị trường trong nước và quốc tế. Tạo lập các kênh phân phối và liên kết với các đối tác kinh doanh trong ngành, đây là những giải pháp phù hợp để thủy sản Quảng Nam phát triển bền vững trong thời gian tiếp theo.

Kết luận

Để phát triển ngành Thuỷ sản tỉnh Quảng Nam, việc huy động vốn hiệu quả là cần thiết. Các giải pháp như tạo lập các quỹ hỗ trợ, phát triển hình thức hợp tác công tư, có chính sách ưu đãi hỗ trợ, tạo môi trường kinh doanh cũng như đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tiếp thị sản phẩm sẽ đóng vai trò quan trọng để Quảng Nam khai thác tiềm năng, thế mạnh của mình để phát triển ngành Thủy sản theo hướng hiện đại, trở thành ngành kinh tế quan trọng của Tỉnh, có khả năng cạnh tranh cao trong hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo an sinh xã hội. Những nỗ lực này sẽ không chỉ tạo ra cơ hội phát triển kinh tế cho Quảng Nam mà còn góp phần cải thiện đời sống và thu nhập của người dân địa phương, đồng thời đảm bảo cho ngành Thủy sản phát triển hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

  1. Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 339/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045:
  2. Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam (2021), Niên giám thống kê tỉnh Quảng Nam, Nxb Thống kê, Hà Nội;
  3. Cục Thống kê tỉnh Quảng Nam (2022), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, số 885/BC-CTK ngày 26/12/2022;
  4. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam (2016), Báo cáo tổng hợp dự án điều chỉnh quy hoạch ngành Thủy sản Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
  5. Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam (2016), Quyết định phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thủy sản Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Số 2896/QĐ – UBND ngày 12/8/2016;
  6. Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Nam (2016), Nghị quyết về quy hoạch phát triển ngành Thuỷ sản tỉnh Quảng Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Số 19/2016/NQ-HĐND, ngày 19/7/2016.
 
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 7/2023