Lợi ích thiết thực từ chương trình tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan

Trần Huyền

Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan được Tổng cục Hải quan triển khai đã mang lại những lợi ích thiết thực, góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp đối với việc tuân thủ pháp luật.

Doanh nghiệp sẽ hưởng nhiều lợi ích khi chủ động tuân thủ pháp luật hải quan. Ảnh: internet
Doanh nghiệp sẽ hưởng nhiều lợi ích khi chủ động tuân thủ pháp luật hải quan. Ảnh: internet

Hơn 70 doanh nghiệp nâng hạng mức độ tuân thủ

Tổng cục Hải quan luôn xác định, đồng hành cùng doanh nghiệp là nhu cầu, là trách nhiệm của ngành Hải quan trong việc hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn cũng như gia tăng động lực cho doanh nghiệp trong phát triển.

Để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện pháp luật hải quan, từ năm 2022, Tổng cục Hải quan đã ban hành Quyết định về việc triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan. Năm 2023, Chương trình đã được đẩy mạnh tại các cục Hải quan địa phương với hàng loạt bản ghi nhớ được ký kết giữa cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Với những lợi ích thiết thực, Chương trình đã thu hút được sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp, góp phần tạo ra sự chuyển biến trong nhận thức của doanh nghiệp đối với việc tuân thủ pháp luật.

Theo ông Nguyễn Nhất Kha - Cục trưởng Cục Quản lý rủi ro (Tổng cục Hải quan), kết quả triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan trong giai đoạn 1 có 213 doanh nghiệp tham gia tại 35 cục hải quan tỉnh, thành phố.

Việc triển khai Chương trình mang lại lợi ích thiết thực cho cả cơ quan Hải quan và doanh nghiệp. Đối với cơ quan Hải quan, Chương trình đã góp phần hình thành bộ máy 3 cấp từ Tổng cục, cục hải quan, chi cục hải quan với lực lượng cán bộ chuyên trách gồm 123 cán bộ để theo dõi, trợ giúp doanh nghiệp tham gia. Hơn 153 các kiến nghị, vướng mắc của nhóm doanh nghiệp này được hướng dẫn, giải đáp, đạt tỷ lệ 100%.

Đối với doanh nghiệp, giai đoạn đầu triển khai đã có hơn 70 doanh nghiệp trong tổng số 213 doanh nghiệp tham gia Chương trình được nâng hạng mức độ tuân thủ từ mức, 3, 4 lên mức độ 2. Đặc biệt, những doanh nghiệp tham gia chương trình được hưởng các lợi ích thiết thực trong việc được giảm tỷ lệ kiểm tra, hỗ trợ làm thủ tục hải quan thuận lợi, chủ động phòng tránh các vi phạm trong quá trình hoạt động xuất nhập khẩu.

Mở rộng doanh nghiệp tham gia và hưởng thụ chính sách

Tham gia Chương trình hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan, ông Ratchapol Thanawarith - Đại diện Công ty TNHH Giấy KRAFT VINA cho biết, sau khi trở thành thành viên chương trình, doanh nghiệp đã được hưởng nhiều lợi ích khác biệt với các doanh nghiệp thông thường khác.

Theo Đại diện Công ty TNHH Giấy KRAFT VINA, doanh nghiệp đã được Cục Hải quan Bình Dương tư vấn, hướng dẫn giải quyết 100% các đề nghị hỗ trợ của doanh nghiệp, đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, giúp doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Nhờ đó, kết quả mức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp đã cải thiện từ mức tuân thủ trung bình lên mức tuân thủ cao khi tham gia Chương trình. Ông Ratchapol Thanawarith cho rằng, việc tham gia Chương trình trước hết đem lại lợi ích cho cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý của cơ quan Hải quan và các cơ quan quản lý nhà nước; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Do vậy, các doanh nghiệp vừa có lợi ích vừa có nghĩa vụ chấp hành đúng pháp luật thông qua việc phối hợp chặt chẽ với cơ quan Hải quan để đánh giá thực trạng, chỉ rõ các yếu tố, nguyên nhân ảnh hưởng đến mức độ tuân thủ. Từ đó, có kế hoạch cụ thể để từng bước cải thiện, nâng cao mức tuân thủ.

Theo Phó Tổng cục trưởng Hoàng Việt Cường, trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan sẽ xem xét mở rộng đối tượng để thu hút đông đảo doanh nghiệp tham gia và hưởng thụ chính sách. Tổng cục đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai sẽ có 100% doanh nghiệp tham gia chương trình không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình).

Sau 5 năm thực hiện Chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của doanh nghiệp, phấn đấu tăng tỷ lệ doanh nghiệp tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu.