Nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân ngành Kế toán – Kiểm toán trong bối cảnh kinh tế số

Nguyễn Thị Lệ Hằng - Trường Đại học Thủ Dầu Một

Kinh tế số là hoạt động kinh tế sử dụng công nghệ số và dữ liệu số làm yếu tố đầu vào chính, sử dụng môi trường số làm không gian hoạt động chính, sử dụng công nghệ - thông tin để tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh. Chính vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra 6 trụ cột đối với chuyển đổi số trong các doanh nghiệp gồm: (i) Trải nghiệm số cho khách hàng; (ii) Chiến lược; (iii) Hạ tầng và công nghệ số; (iv) Vận hành; (v) Chuyển đổi số văn hóa doanh nghiệp; (vi) Dữ liệu và tài sản thông tin. Vì vậy, việc chuyển đổi số trong các doanh nghiệp đã có những ảnh hưởng đáng kế đối với nhu cầu về tuyển dụng nhân sự, đòi hỏi các nhân sự tuyển dụng bên cạnh kiến thức, kỹ năng chuyên môn cần phải có các kiến thức và kỹ năng số. Bài viết này trao đổi các giải pháp để nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân ngành Kế toán - kiểm toán nhằm đáp ứng yêu cầu của các nhà tuyền dụng trong bối cảnh nền kinh tế số.

Đặt vấn đề

Quá trình đẩy mạnh phát triển nền kinh tế số của Chính phủ đang có những tác động lớn đến các mặt của đời sống, kinh tế - xã hội, nhất là các doanh nghiệp (DN) trong việc chuyển đổi số trong kinh doanh.

Việc chuyển đổi số đã thúc đẩy hình thành các DN với các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ đa dạng, thông minh, sản xuất - phân phối linh hoạt hơn, công tác quản lý tài chính – kế toán được thực hiện trên phần mềm, trên các app quản lý nên thuận lợi hơn trong việc cập nhật số liệu về doanh thu, chi phí, lợi nhuận… và có thể so sánh được giữa các thời kỳ, xu hướng biến động của các chỉ tiêu tài chính...

Từ đó cho thấy, việc chuyển đổi số trong các DN đã làm thay đổi về nhu cầu việc làm, tuyển dụng của các DN, cũng như nhu cầu học các ngành nghề của người học. Bài viết này thực hiện nhằm trao đổi về đào tạo ngành Kế toán, ngành kiểm toán trong bối cảnh tác động của nền kinh tế số đến hoạt động đào tạo các ngành nghề của các cơ sở giáo dục đại học có đào tạo ngành Kế toán - kiểm toán tại Việt Nam. Từ đó, tác giả đề xuất hướng đổi mới các chương trình đào tạo theo hướng đào tạo tích hợp, liên ngành nhằm đảm bảo sản phẩm đầu ra của quá trình đào tạo ngành Kế toán - kiểm toán đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tuyển dụng của thị trường lao động trong nền kinh tế số.

Thực trạng nhu cầu của xã hội đối với ngành Kế toán - Kiểm toán hiện nay

Hiện nay, việc đào tạo cử nhân ngành Kế toán - Kiểm toán tại các cơ sở giáo dục đại học đang thực hiện theo danh mục mã ngành cấp IV gồm: ngành kế toán (mã ngành 7340301), ngành kiểm toán (mã ngành 7340202). Đồng thời, để đa dạng hóa trong đào tạo khi chưa mở được ngành kiểm toán, một số cơ sở giáo dục đại học đã hướng đến đào tạo chuyên ngành kiểm toán hoặc chuyên ngành kế toán - kiểm toán trong ngành kế toán. Như vậy, tựu chung lại, về lĩnh vực kế toán, kiểm toán, các cơ sở giáo dục đại học đào tạo nhân lực theo 2 ngành chính là kế toán và kiểm toán.

Đồng thời, nhu cầu xã hội đối với ngành Kế toán – Kiểm toán được quyết định thông qua 3 yếu tố chính là nhu cầu của người sử dụng lao động, nhu cầu của người học và nhu cầu của các cơ sở đào tạo. Có thể nói, mặc dù các cơ sở đào tạo đóng vai trò cung ứng nguồn nhân lực kế toán – kiểm toán cho xã hội, nhưng nhu cầu của người sử dụng lao động lại đóng vai trò then chốt, mang tính quyết định và chi phối nhu cầu của người học; từ đó, thúc đẩy nhu cầu của các cơ sở đào tạo trong việc cập nhật và đổi mới chương trình đào tạo, nội dung đào tạo để sản phẩm đào tạo đảm bảo đáp ứng nhu cầu xã hội. Điều này đòi hỏi các cơ sở đào tạo khi xây dựng và phát triển các chương trình đào tạo ngành Kế toán, ngành Kiểm toán cần phải tiến hành khảo sát nhu cầu của các bên liên quan, đánh giá đúng thực trạng và xu hướng phát triển của người sử dụng lao động, để người học sau khi được đào tạo từ các cơ sở đào tạo đáp ứng được yêu cầu công việc, nhu cầu tuyển dụng của người sử dụng lao động. Vì vậy, nhu cầu của xã hội đối với ngành Kế toán – Kiểm toán có thể được xem xét trên cơ sở các thực trạng như sau:

Thứ nhất, về nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động. Nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động đối với ngành Kế toán – Kiểm toán thể hiện qua nhu cầu về số lượng và chất lượng của người làm công tác kế toán, kiểm toán tại các tổ chức kinh tế, xã hội. Đồng thời, Luật Kế toán quy định bắt buộc các tổ chức kinh tế phải tuyển dụng nhân viên kế toán để tổ chức và vận hành bộ máy kế toán hoặc thuê người làm dịch vụ kế toán cho đơn vị nên nhu cầu về số lượng lao động kế toán đối với đơn vị sử dụng lao động kế toán luôn có tính ổn định và dựa theo đặc thù công việc, nghiệp vụ có thể chia nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động theo các nhóm sau:

- Nhóm các DN trong nước: Đây là nhóm các DN có nhu cầu sử dụng lao động đối với ngành kế toán - kiểm toán nhiều nhất tại Việt Nam hiện nay. Mỗi một DN, tùy theo tính chất đặc thù kinh doanh của mình sẽ cần nhân lực kế toán – kiểm toán từ 2 người làm công tác kế toán – kiểm toán trở lên. Đồng thời, theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP được ban hành thay thế cho Nghị định số 39/2018/NĐ-CP ngày 11/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phân loại DN, thì phần lớn các DN trong nước hiện nay đều thuộc loại hình DN nhỏ và vừa. Như vậy, nhu cầu sử dụng lao động kế toán đối với nhóm đối tượng này chủ yếu cần nhân lực đào tạo bài bản, chuyên sâu về kế toán trong các DN nhỏ và vừa theo Thông tư số 133/TT-BTC ngày 26/08/2016 của Bộ Tài chính quy định về chế độ kế toán DN nhỏ và vừa; trong khi các DN lớn lại đòi hỏi người lao động kế toán cần được đào tạo về chế độ kế toán cho các DN lớn theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định về chế độ kế toán DN và trình độ chuyên môn đòi hỏi cũng cao hơn so với các DN nhỏ và vừa. Riêng đối với các DN kiểm toán, việc tuyển dụng lao động kế toán, kiểm toán ít có sự phân biệt theo chuyên môn đào tạo chuyên sâu, vì các DN kiểm toán cung cấp dịch vụ kiểm toán, tư vấn kế toán… cho tất cả đối với các loại hình DN.

- Nhóm các đơn vị hành chính, sự nghiệp: Do tính chất đặc thù của các đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp, kể cả đơn vị sự nghiệp có thu là liên quan đến kế toán các nguồn thu ngân sách, thu ngoài ngân sách và phân bổ ngân sách, nguồn thu cho các hoạt động hành chính, sự nghiệp nên khi tuyển dụng nhân sự kế toán, kiểm toán sẽ yêu cầu người được tuyển dụng phải am hiểu về chế độ kế toán theo Thông tư số 107/2017/TT-BTC ban hành ngày 10/10/2017 của Bộ Tài chính quy định về chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp, cũng như các thông tư quy định về kế toán trong các đơn vị hành chính, sự nghiệp đặc thù như bảo hiểm xã hội...

- Nhóm các đơn vị, tổ chức tài chính: Có thể nói trong vài năm trở lại đây, việc phát triển nhanh và mạnh hệ thống các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư và các định chế tài chính khác đã góp phần rất lớn vào nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho nhóm các đơn vị này. Một số vị trí tuyển dụng cần nhân lực ngành Kế toán - kiểm toán như kế toán, tín dụng… Tuy nhiên, xét về phương diện kế toán – kiểm toán do có tính chất đặc thù nên các đơn vị tuyển dụng lại yêu cầu người được tuyển dụng ngoài việc am hiểu chế độ kế toán DN còn phải am hiểu công tác hạch toán kế toán ban hành theo Quyết định số 479/2004/QĐ-NHNN ban hành ngày 29/04/2004 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành hệ thống tài khoản kế toán các tổ chức tín dụng.

- Nhóm các đơn vị, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài: Việc đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài để phát triển kinh tế trong thời gian qua đã góp phần ra đời nhiều loại hình DN có vốn đầu tư nước ngoài như các DN liên doanh và DN 100% vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Về khía cạnh kế toán, các DN này vẫn áp dụng chế độ kế toán DN nhưng do tính chất quản lý của nhà đầu tư nước ngoài nên phần lớn các DN này lại viết phần mềm kế toán riêng để sử dụng và hạch toán, nhất là liên quan đến tỷ giá, chuyển giá,…; nên khi tuyển dụng nhân sự kế toán, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, các đơn vị này còn đòi hỏi về kế toán hợp nhất, ngoại ngữ và giao tiếp.

Thứ hai, về nhu cầu người học. Mong muốn của người học là được học ngành nghề mà mình yêu thích và có thể thuận lợi trong việc kiếm việc làm để nhanh chóng hòa nhập thị trường lao động. Do đó, trên cơ sở nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của các đơn vị sử dụng lao động, nhu cầu của người học với chương trình đào tạo ngành kế toán, ngành kiểm toán ở các bậc học đại học và cao đẳng trong một vài năm gần đây và trong tương lai tới là rất lớn. Bởi vì, người học nhận thấy và kỳ vọng rằng khi tốt nghiệp ngành kế toán, ngành kiểm toán sẽ có nhiều cơ hội việc làm, dễ dàng kiếm được việc làm ổn định, có thu nhập cao; và do tính chất đặc thù của chương trình đào tạo ngành kế toán, ngành kiểm toán nên việc bị cạnh tranh bởi các ngành khác là rất ít; đồng thời, người học nếu tốt nghiệp ngành kế toán, ngành kiểm toán lại có khả năng cạnh tranh tốt với sinh viên tốt nghiệp các ngành khác để dự tuyển vào những vị trí việc làm không thuộc lĩnh vực kế toán, kiểm toán như: tín dụng ngân hàng, quản lý nhân sự, bán hàng,…

Thứ ba, về nhu cầu đào tạo của các cơ sở đào tạo.Do nhu cầu lớn từ phía DN và người học ngành kế toán, ngành kiểm toán đã tác động lớn đến nhu cầu của các cơ sở đào tạo. Điều này thể hiện ở việc hiện nay phần lớn các trường đại học, cao đẳng khối ngành kinh tế, khối ngành kinh tế - kỹ thuật và cả trường cao đẳng nghề đều có đào tạo ngành hoặc chuyên ngành về kế toán, kiểm toán với số lượng người học ngày càng gia tăng; thậm chí nhiều trường đội ngũ giảng dạy ngành kế toán, ngành kiểm toán còn thiếu và yếu nhưng vẫn tham gia tuyển sinh. Qua đó cho thấy, nhu cầu của xã hội và người học đối với ngành kế toán và kiểm toán là rất lớn. Tuy nhiên, nếu Nhà nước và các trường không có động thái điều chỉnh số lượng tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo cho kịp xu thế hội nhập của xã hội thì nguy cơ khủng hoảng thừa lao động kế toán, kiểm toán hoặc lao động kế toán, kiểm toán đào tạo không đáp ứng được công việc tuyển dụng trong tương lai là rất cao.

Giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo cử nhân ngành Kế toán – Kiểm toán trong bối cảnh kinh tế số

Từ thực trạng trên cho thấy, để đáp ứng nhu cầu xã hội trong bối cảnh nền kinh tế số trong đào tạo cử nhân ngành kế toán, ngành kiểm toán, các cơ sở đào tạo không chạy theo nhu cầu của người học mà phải xuất phát từ nhu cầu của người sử dụng lao động và có chính sách điều tiết hợp lý của Nhà nước đối với quá trình đào tạo nhân lực ngành Kế toán – Kiểm toán. Chính vì vậy, tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước về đào tạo ngành kế toán - kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng đào tạo. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần rà soát lại công tác đào tạo ngành kế toán, ngành kiểm toán tại các cơ sở đào tạo do Bộ quản lý về đội ngũ giảng viên cơ hữu, tỷ lệ sinh viên/giảng viên, cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo để giao chỉ tiêu tuyển sinh theo ngành cho phù hợp; đồng thời, tăng cường công tác kiểm định chất lượng đào tạo đối với các cơ sở đào tạo, nhất là các cơ sở đào tạo ngoài công lập.

Đồng thời, đối với các cơ sở đào tạo là các trường cao đẳng nghề có đào tạo ngành kế toán, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần phối hợp với Bộ Lao động – Thương binh và xã hội thống nhất trong việc xây dựng chương trình khung cho phù hợp với hướng đào tạo nghiên cứu và đào tạo thực hành để tránh trùng lắp giữa các hệ đào tạo.

Thứ hai, chuẩn hóa chương trình đào tạo cho các hệ đào tạo và các bậc đào tạo đối với ngành kế toán, ngành kiểm toán. Thực tế cho thấy, khi xây dựng chương trình đào tạo và mục tiêu đào tạo, các cơ sở đào tạo phần lớn hiện nay chỉ đề cập đến mục tiêu đào tạo cho bậc cử nhân chung của ngành kế toán, ngành kiểm toán chứ chưa phân cấp mục tiêu đào tạo các bậc học và chuẩn đầu ra cho từng bậc học, hệ đào tạo. Điều này gây khó khăn rất lớn trong việc cấu trúc chương trình đào tạo, sử dụng tài liệu và phương pháp giảng dạy cho các hệ đào tạo, hình thức kiểm tra, đánh giá người học. Vì vậy, cần xác định đúng mục tiêu đào tạo để xây dựng các chương trình đào tạo vừa mang tính hiện đại, vừa mang tính kế thừa giữa các bậc học và phù hợp với từng loại hình đào tạo.

Thứ ba, ứng dụng thực hành kế toán, kiểm toán thông qua mô hình kế toán ảo, kiểm toán ảo vào công tác đào tạo. Hiện nay, hầu hết các đơn vị đều đã sử dụng phần mềm kế toán vào công tác kế toán để giảm bớt khối lượng công việc ghi chép của kế toán và nhanh chóng trong việc lập các báo cáo kế toán. Cùng với đó, Tổng Cục thuế cũng đã đưa vào sử dụng phần mềm hỗ trợ khai thuế qua mạng internet nên việc vận dụng các công cụ tin học, phần mềm kế toán vào công tác đào tạo là việc phải làm đối với các cơ sở đào tạo. Việc làm này có thể thực hiện bằng cách các cơ sở đào tạo đầu tư phòng học đa chức năng với mô hình kế toán ảo, kiểm toán ảo để người học có thể thực hành trực tiếp trên chứng từ kế toán, phần mềm kế toán hoặc có thể đưa học phần kế toán máy vào khung chương trình đào tạo chính thức hoặc chuyên đề tự chọn. Cùng với đó, việc lựa chọn phần mềm kế toán nào phổ biến nhất để đưa vào đào tạo cũng khá quan trọng, vì hiện nay trên thị trường có rất nhiều nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ phần mềm kế toán. Do đó, đối với học phần này, các cơ sở đào tạo nên chú trọng đến nguyên tắc chung của phần mềm kế toán là phân quyền truy cập, nhập dữ liệu, sửa chữa dữ liệu và truy xuất dữ liệu kế toán.

Thứ tư, hoàn thiện và đổi mới chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng. Hiện nay, nội dung chi tiết trong các chương trình đào tạo ngành kế toán, ngành kiểm toán tại các cơ sở đào tạo phần lớn thời lượng các học phần về kế toán thiên về đào tạo theo chế độ kế toán ban hành theo Thông tư số 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính; trong khi đó, học phần kế toán DN nhỏ và vừa, học phần kế toán trong đơn vị hành chính sự nghiệp, học phần kế toán ngân hàng… chỉ đào tạo với thời lượng rất khiêm tốn từ 2 đến 3 tín chỉ, thậm chí một số cơ sở đào tạo còn không có đào tạo học phần kế toán ngân hàng… trong chương trình đào tạo. Điều này làm cho người học tốt nghiệp ngành kế toán, ngành kiểm toán bị thu hẹp phạm vi tìm kiếm việc làm hoặc gặp nhiều khó khăn khi áp dụng những kiến thức đã học vào thực tế công việc. Do đó, các cơ sở đào tạo cần điều chỉnh thời lượng học các học phần về kế toán các loại hình đặc thù, xây dựng cấu trúc nội dung các học phần và liên thông giữa các bậc học của chương trình đào tạo, đặc biệt là đào tạo phải gắn với nền kinh tế số.

Thứ năm, nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập. Giảng viên phải thường xuyên cập nhập kiến thức thực tế và khi áp dụng vào công tác giảng dạy phải căn cứ vào mục tiêu, đặc điểm của môn học để vận dụng linh hoạt vào từng chương, từng phần của môn học. Đồng thời, phải đề cao phương pháp tự học, tự nghiên cứu cho người học thông qua các công cụ như: giáo trình, bài giảng, ấn phẩm, internet… để người học có thể chủ động, tích cực, sáng tạo trong học tập.

Thứ sáu, thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường với các đơn vị tuyển dụng và lấy ý kiến phản hồi từ người học. Các cơ sở đào tạo cần thành lập bộ phận quan hệ với các đơn vị tuyển dụng và hỗ trợ người học, điều này sẽ rất bổ ích trong việc hỗ trợ người học trong quá trình thực tập thực tế; đồng thời, qua đó nắm bắt được nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị tuyển dụng để tiếp cận và tạo tiền đề cho người học trong việc tìm kiếm việc làm sau khi tốt nghiệp.

Kết luận

Đào tạo nhân lực ngành Kế toán - Kiểm toán đáp ứng theo nhu cầu xã hội trong bối cảnh nền kinh tế số là yêu cầu cấp thiết không chỉ đối với các cơ sở đào tạo mà còn nhằm đáp ứng nhu cầu của đơn vị sử dụng lao động và người học. Do đó, cần phải có sự điều tiết của Nhà nước, xã hội, của các cơ sở đào tạo trong việc định hướng nghề nghiệp cho người học để người học sau quá trình đào thông qua việc: (i) Tăng cường quản lý Nhà nước về đào tạo ngành kế toán, ngành kiểm toán để nâng cao chất lượng đào tạo; (ii) Chuẩn hóa chương trình đào tạo cho các hệ đào tạo và các bậc đào tạo đối với ngành kế toán, ngành kiểm toán; (iii) Ứng dụng thực hành kế toán, kiểm toán thông qua mô hình kế toán ảo, kiểm toán ảo vào công tác đào tạo; (iv) Hoàn thiện và đổi mới chương trình đào tạo, tài liệu giảng dạy để đáp ứng nhu cầu của các đơn vị tuyển dụng; (v) Đổi mới phương pháp giảng dạy và học tập; và (vi) Thiết lập mối quan hệ giữa nhà trường với các đơn vị tuyển dụng và lấy ý kiến phản hồi từ người học.

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016), Thông tư số 04/2016/TT-BGDĐT ngày 14/03/2016 quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học;
  2. Bộ Tài chính (2014), Thông tư số 200/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 quy định về chế độ kế toán DN;
  3. Bộ Tài chính (2016), Thông tư số 133/2016/TT-BTC ngày 26/08/2016 quy định về chế độ kế toán DN nhỏ và vừa;
  4. Bộ Tài chính (2017), Thông tư số 107/2017/TT-BTC ngày 10/10/2017 quy định về chế độ kế toán đơn vị hành chính sự nghiệp.