Nền kinh tế tốt lên, nhưng...

Theo thoibaonganhang.vn

(Tài chính) Sau khi Tổng cục Thống kê công bố, tăng trưởng GDP quý I/2014 đạt 4,96%, cao hơn mức tăng trưởng 4,76% của cùng kỳ năm 2013, trong khi lạm phát tiếp tục giảm tốc, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng nền kinh tế đang phục hồi tích cực.

Nền kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực. Nguồn: internet
Nền kinh tế Việt Nam đã có những tín hiệu tích cực. Nguồn: internet

Song vẫn còn không ít băn khoăn khi nhìn vào con số tồn kho, tiêu dùng... và ngay cả vấn đề xuất nhập khẩu.

Tăng trưởng cao hơn, lạm phát thấp hơn

Theo Tổng cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng GDP quý I/2014 ước đạt 4,96%, cao hơn mức tăng 4,76% của quý I/2013; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%; dịch vụ tăng 5,95%. Điều đó cho thấy nền kinh tế vẫn đang trên đà hồi phục.

Sản xuất công nghiệp cũng cho thấy đang dần lấy lại nhịp độ khi mà chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 3/2014 tăng tới 16,9% so với tháng trước và tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2013. Tính chung 3 tháng đầu năm IIP tăng 5,2%, cao bơn mức tăng 4,9% cùng kỳ năm trước.

Song đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng GDP trong quý I/2014 đến từ khu vực dịch vụ. Với mức tăng 5,95%, khu vực dịch vụ đã đóng góp hơn một nửa vào tăng trưởng GDP trong 3 tháng đầu năm.

Xét ở phía cầu, việc cán cân thương mại hàng hóa thặng dư tới hơn 1 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm (trong khi cùng kỳ thâm hụt tới 460 triệu USD) cũng đóng góp rất lớn vào tăng trưởng GDP quý I/2014.

Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 giảm 0,44% so với tháng trước và chỉ tăng 0,8% so với cuối năm 2013. Nhờ đó lạm phát tính theo năm tiếp tục giảm tốc về còn 4,39% từ mức 4,65% trong tháng 2.

Theo Tổng cục Thống kê, đây là một tín hiệu lạc quan CPI sẽ giữ được mức ổn định trong năm nay. "Trên cơ sở đó NHNN sẽ giảm lãi suất cho vay, giúp các DN giảm được chi phí đầu vào, giảm được giá thành... sẽ kích thích nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn, từ đó cũng có tác động tích cực đến sản xuất và tăng trưởng", cơ quan này nhận xét.

Trước diễn biến này, nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, nền kinh tế vẫn đang phục hồi tích cực. Ông Bùi Hà, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) nhận xét: "Không ai nói rằng, chúng ta đã hoàn toàn thoát khỏi trì trệ, nhưng xu hướng tốt lên là rõ".

Tồn kho cao, sức mua kém

Thế nhưng vẫn còn không ít ý kiến băn khoăn khi nhìn vào các chỉ tiêu kinh tế mà nhiều chỉ tiêu xem ra là khá trái ngược. Tại buổi giao ban mới đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư với các bộ, ngành, và địa phương, ông Huỳnh Đắc Thắng, Vụ phó Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, những đánh giá như trên là "hơi lạc quan" so với tình hình thực tế.

"Thị trường trong nước nghe ngon lành khi xem chỉ số tiêu dùng, nhưng vì sao CPI vẫn giảm", ông Thắng đặt vấn đề và cho biết, theo tính toán của Bộ Công Thương, trong quí I/2014 chỉ số tồn kho là 13,4%, còn chỉ số tiêu thụ chỉ có 4,3%. "Chúng ta đánh giá tình hình tốt lên mà quên mất tồn kho cao và CPI thấp là do sức mua kém. Nếu cứ đà này, thì là sản xuất giảm dần đến chỗ nguy hiểm", ông Thắng nói.

Đồng tình với quan điểm này, một chuyên gia kinh tế cho rằng, mặc dù tốc độ tăng trưởng có phục hồi, song nền kinh tế vẫn đang rất trì trệ, trong khi động lực cho tăng trưởng vẫn còn rất yếu. Chỉ cần nhìn vào khu vực sản xuất trong nước vẫn đang gặp phải rất nhiều khó khăn cũng thấy rõ điều này. Bằng chứng là lượng doanh nghiệp (DN) phải giải thể, ngừng hoạt động trong 3 tháng đầu năm lên tới 16.745 DN, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước.

Một rủi ro nữa cũng được các chuyên gia chỉ ra đó là nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào yếu tố nước ngoài. Đơn cử, mặc dù trong quý I/2014, xuất khẩu đạt 33,35 tỷ USD, tăng 14,1% so với cùng kỳ, nhờ đó nền kinh tế xuất siêu hơn 1 tỷ USD, song chủ yếu do khối DN có vốn đầu tư nước ngoài. Theo đó, kim ngạch xuất khẩu (kể cả dầu thô) của khối DN này ước đạt 22,47 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ. Nếu tính cả dầu thô, trong 3 tháng đầu năm, khối này xuất siêu tới 3,92 tỷ USD.

Chưa kể, tăng trưởng còn chịu tác động mạnh từ dòng vốn FDI. "Sự phục hồi tăng trưởng khó có thể bền vững nếu tăng trưởng còn phụ thuộc vào cầu bên ngoài biến đổi khó lường (xuất khẩu và khu vực FDI)", một chuyên gia nhận xét.